BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, SUY DIỄN
QUAN ĐIỂM CỦA VIỆT NAM VỀ VẤN ĐỀ XUNG ĐỘT GIỮA NGA – UKRAINE
Lê Văn Hưng- Lớp CH TLH 2022
Ngay từ khi xảy ra xung
đột Nga - Ukraine, trên các diễn đàn quốc tế và phương tiện thông tin đại
chúng, Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ quan điểm chính thức của mình. Thế nhưng,
trên internet, mạng xã hội, thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ
hội chính trị lại cố tình đưa ra những suy diễn xuyên tạc. Đây là chiêu trò
nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín và phá hoại quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước
ta, cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Thời
gian qua, thế giới lại được phen dậy sóng trước những căng thẳng giữa Nga và
Ukraine mà đỉnh điểm là khi Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch quân sự
đặc biệt tại Ukraine (ngày 24/02/2022). Lợi dụng tình hình đó, ngay lập tức,
các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị chống đối lại
“thừa nước đục thả câu”, “bới lông tìm vết”,… tung ra những luận điệu xuyên
tạc, suy diễn, hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực,… nhằm chống phá sự nghiệp
cách mạng của dân tộc Việt Nam, dù cho ngay sau khi sự việc xảy ra, Việt Nam đã
nhiều lần nêu quan điểm chính thức về xung đột Nga và Ukraine.
Cần
khẳng định rõ: đây là một trong những chiêu bài “cũ rích” mà các thế lực thù
địch vẫn thường sử dụng. Trên các trang mạng, diễn đàn, tài khoản mạng xã hội
của các tổ chức, cá nhân thù địch, chống đối liên tục đăng tải tin, bài có nội
dung phê phán, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Việt Nam trong
quan điểm, cách nhìn nhận, ứng xử trước các vấn đề liên quan đến xung đột giữa
Nga và Ukraine,… từ đó hướng dư luận trong và ngoài nước hiểu sai lệch về Việt
Nam. Điển hình là: ngày 02/3/2022, tại phiên họp khẩn cấp lần thứ XI, Đại hội
đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine.
Sau khi nghị quyết trên được thông qua và thông tin các nước thành viên Liên
hợp quốc thể hiện quan điểm, trên một số diễn đàn internet, mạng xã hội, một số
cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã đưa ra những luận điệu sai trái, suy diễn
rằng quan điểm của Việt Nam là “mơ hồ, không rõ ràng”, Việt Nam đã không đi
theo số đông, cố tình tìm cách lựa chọn quan điểm trung lập đối với cuộc xung
đột Nga - Ukraine. Từ việc nêu những câu hỏi mang tính suy diễn chủ quan, họ
đưa ra luận điệu quy chụp, cho rằng các quốc gia chọn giữ thái độ trung lập là
những quốc gia “phần lớn đổ lỗi cho phương Tây đã kích động các điều kiện dẫn
đến cuộc xung đột này”; một số người cuốn theo lối suy diễn trên, cũng đưa ra
các bình luận tiêu cực, thậm chí kích động tư tưởng chống phá. Không những thế,
họ còn cố tình “cắt xén”, “thêm thắt”, bịa đặt, làm sai lệch thông tin để quy
kết cho phần lớn lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam ủng hộ Nga, chính quyền Putin
cũng như cuộc chiến tranh “xâm lược Ukraine”. Có trang mạng dùng thủ đoạn tạo
bình luận thăm dò rồi cho những thành phần trong nhóm click vào lựa chọn phương
án theo chủ ý của người đặt bình chọn. Từ đó, lấy cớ vu cáo “người dân ủng hộ
đa số” còn quan điểm của Nhà nước “chỉ là thiểu số”! Cá biệt, có luận điệu xuyên
tạc rằng, phải chăng Việt Nam đang ngấm ngầm ủng hộ cho cuộc chiến tranh, quay
lưng với hòa bình.
Có
thể thấy, dù trực tiếp hay gián tiếp thì các luận điệu nêu trên cũng đều nhuốm
màu “lệch lạc”, “sai trái”, “thù địch” với mục đích nhằm hạ thấp vai trò, uy
tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam trên trường quốc tế; tác động tiêu cực đến quan
hệ của Việt Nam với Nga, Ukraine và cộng đồng quốc tế nhằm phục vụ cho ý đồ
“đen tối” của họ.
Quan
điểm của Việt Nam về vấn đề xung đột giữa Nga - Ukraine
Trước
hết, Việt Nam đã nhiều lần nêu quan điểm nhất
quán đối với vấn đề xung đột Nga - Ukraine. Ngày 01/3/2022, phát biểu tại
phiên họp khẩn cấp lần thứ XI của Đại hội đồng Liên hợp quốc thảo luận về tình
hình Ukraine, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái Đoàn thường trực Việt Nam
tại Liên hợp quốc đã nhấn mạnh rằng: “Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng
chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh và xung
đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính
trị cường quyền, tham vọng thống trị áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các
tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử,
ngộ nhận và hiểu lầm. Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng
chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và
hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có
liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác”. Chính vì thế, Đảng, Nhà
nước và Nhân dân Việt Nam không muốn đất nước phải chịu cảnh chiến tranh và
cũng không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra với bất kỳ quốc gia nào trên thế
giới. Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Việt Nam liên tục phát đi
“thông điệp” thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với cuộc xung
đột tại Ukraine. Đồng thời, tích cực kêu gọi các bên liên quan hết sức kiềm
chế, tránh những động thái gây bất ổn cho tình hình chính trị thế giới, ảnh
hưởng xấu đến hòa bình, ổn định toàn cầu; đe dọa nghiêm trọng đến sinh mệnh của
binh lính và người dân vô tội ở các nơi xảy ra xung đột. Như vậy, quan điểm của
Việt Nam là rất rõ ràng, thẳng thắn, mong muốn hai bên hướng về hòa bình và
cuộc sống an toàn của người dân để nối lại đàm phán, chấm dứt leo thang căng
thẳng.
Thứ
hai, Việt Nam nêu rõ tầm quan trọng của việc tôn
trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Mọi tranh chấp quốc
tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ
bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm các nguyên tắc
về tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp
vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Đây
là nguyên tắc bất biến, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động lãnh
đạo, điều hành, tổ chức và quản lý công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và
Chính phủ Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam luôn kiên định quan điểm “Bốn không”:
không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước
kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để
chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan
hệ quốc tế. Do đó, đối với vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine vừa qua, Việt
Nam luôn đứng ở vị trí trung lập để xem xét, nhìn nhận, đánh giá, phát ngôn và
hành động. Ngày 03/3/2022, tại họp báo thường kỳ, trả lời báo chí về việc bỏ
phiếu của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
khẳng định: “Chúng tôi cho rằng, ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm
dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với
dân thường, nối lại đàm phán đối thoại trên tất cả các kênh để đạt được các
giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở
phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc
tế”. Điều đó minh chứng rõ rằng: Việt Nam không “thiên vị” hay đứng về bất kỳ
một bên nào xoay quanh xung đột giữa Nga và Ukraine. Những luận điệu cho rằng
Việt Nam đứng bên này để chống bên kia, “cổ súy chiến tranh” là hoàn toàn sai
trái, bịa đặt.
Thứ
ba, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chính
sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại trên tinh thần Nhân dân
Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có
trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế. Trên con đường hội
nhập và phát triển, với tất cả các nước, trong đó có cả Nga và Ukraine, Việt
Nam vẫn luôn coi trọng, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại một cách bình
đẳng, trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, phấn đầu vì một thế giới hòa
bình, ổn định. Việt Nam là một trong những quốc gia đóng góp nhiều sáng kiến
hòa bình cho khu vực cũng như thế giới, luôn tích cực tham gia đấu tranh cho
hòa bình nhân loại. Trong ngày thứ hai của phiên họp đặc biệt do Đại hội đồng
Liên Hiệp quốc tổ chức về tình hình Ukraine, đại diện Việt Nam đã tích cực kêu
gọi và đề nghị cộng đồng quốc tế thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho dân thường, đảm
bảo an ninh an toàn của người dân cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo
luật nhân đạo quốc tế. Việt Nam luôn kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang
căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt
được giải pháp lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế. Những phát ngôn ấy đã được
cộng đồng quốc tế đón nhận, ủng hộ và hoan nghênh. Thực tế đó, đã minh chứng
cho vai trò và sự tham gia tích cực, đúng đắn của Việt Nam trong giải quyết
xung đột giữa Nga và Ukraine cũng như gìn giữ hòa bình ở khu vực và trên thế
giới.
Đặc
biệt, ngày 13/5/2022 vừa qua, phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và
Quốc tế Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: trong một thế giới đầy biến
động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà
chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc
của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có
lợi, tất cả cùng chiến thắng. Thông điệp này của Thủ tướng Phạm Minh Chính một
lần nữa khẳng định rằng: với tinh thần hòa bình, hữu nghị, trọng lẽ phải và
chính nghĩa trong chính sách ngoại giao của Việt Nam nói chung, đặc biệt là đối
với vấn đề xung đột giữa Nga và Ukraine thời gian qua nói riêng, không chỉ thể
hiện sự tiến bộ, cách mạng của đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước Việt Nam, mà tinh thần ấy đã trở thành một trong những nét đẹp truyền
thống của dân tộc Việt Nam.
Lịch
sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã phải tiến hành nhiều cuộc
kháng chiến, đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ
quốc. Là một đất nước đã phải chịu quá nhiều khổ đau, mất mát do chiến tranh,
dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh, bạo lực. Như
một lẽ tự nhiên, Việt Nam được quốc tế coi là biểu tượng của đất nước vì hòa
bình, một đối tác vì hòa bình bền vững. Việt Nam không chỉ gửi đi thông điệp đó
mà còn có rất nhiều hành động, nhiều đóng góp cụ thể, thiết thực cho việc ngăn
chặn xung đột, ngăn chặn chiến tranh, vì hòa bình bền vững trên thế giới. Đó là
sự thực không thể bác bỏ!
Hiện
nay quan hệ ngoại giao của Nhà nước Việt Nam đã “phủ sóng” tới 189 trong tổng
số 200 quốc gia trên toàn thế giới. Quan hệ đối ngoại quốc phòng của Việt Nam
ngày càng rộng mở; hiện có quan hệ quốc phòng với trên 80 quốc gia thuộc cả 05
châu lục, đặc biệt Việt Nam có quan hệ quốc phòng với tất cả 05 thành viên
thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong quan hệ quốc tế, Việt
Nam luôn nhất quán và kiên trì thực hiện những quan điểm về đường lối đối ngoại
của mình, bảo đảm vừa tuân thủ các nguyên tắc vừa khéo léo, linh hoạt, đảm bảo
lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc. Nhờ đó, đã góp phần khẳng định vị thế
và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế trên là minh chứng sống
động, chân thực đập tan những luận điệu xuyên tạc, suy diễn của các thế lực thù
địch lợi dụng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine để chống phá cách mạng Việt
Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét