Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG TRÊN MẠNG XÃ HỘI

 

        Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các lực lượng, các phương tiện công tác tư tưởng.

        


Công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay đang có nhiều vấn đề bức thiết đặt ra đòi hỏi phải có định hướng, giải pháp phù hợp. Những vấn đề bức thiết đặt ra trong định hướng, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phê phán, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên mạng xã hội ở nước ta hiện nay bao gồm những vấn đề thuộc về tính chất, đặc điểm, qui mô của các giải pháp, các định hướng nhằm giải quyêt những vấn đề thuộc về chủ thể, mục đích, nội dung, tổ chức lực lượng, xác định phương thức bảo vệ, đấu tranh.

1. Các định hướng, giải pháp chưa gắn với đối tượng và mục đích trong khi công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn quan điểm sai trái, thù địch có “đối tượng kép” và “mục đích kép”

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có “mục đích kép”, nói cách khác có một mục đích với hai mặt, hai nội dung đó là: (1) Bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ sự toàn vẹn, thống nhất của quốc gia dân tộc và (2) Đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực phản động, chống đối, các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất.

Hai mục đích này có mối quan hệ hữu cơ với nhau, thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa “xây” và “chống”, thể hiện quy luật tồn tại và phát triển của hệ tư tưởng XHCN.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng là mục đích cao nhất, nhưng để đạt mục đích cuối cùng đó thì phải thực hiện mục đích mang tính phương tiện, đó là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Mục đích bảo vệ nền tảng tư tưởng chỉ đạt tới khi chúng ta kiên định nền tảng tư tưởng đã xác định, phát triển và vận dụng sáng tạo, thực hiện thành công nền tảng tư tưởng đó trong thực tiễn cách mạng, đồng thời,  khi chúng ta thực hiện thành công cuộc đấu tranh phản bác, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta, cũng như âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc lịch sử dân tộc và lịch sử cách mạng, xuyên tạc, bịa đặt lý luận và thực tiễn sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và tình hình đất nước ta. Không thể nói rằng công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tách rời, độc lập với cuộc đấu tranh phản bác, phê phán quan điểm sai trái, thù địch. Không thể cho rằng “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta, sự hiện diện của quan điểm sai trái, thù địch là “báo động giả” như quan niệm mơ hồ, mất cảnh giác của một số người nào đó. Nhận thức mơ hồ, mất cảnh giác này tiếc rằng không chỉ tồn tại trong những năm cuối thế kỷ trước mà còn tồn tại đến tận ngày hôm nay.

Ngược lại, cũng không thể phiến diện, cực đoan, tả khuynh cho rằng đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch là mục đích tối thượng của cuộc đấu tranh tư tưởng ở nước ta hiện nay. Bản chất, nội dung của cách mạng XHCN trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa là xây dựng chế độ XHCN, trong đó có xây dựng kiến trúc thượng tầng XHCN về mặt hình thái ý thức, là làm cho chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước ta trở thành nhân tố chi phối, thống trị trong đời sống tinh thần xã hội. Cuộc cách mạng XHCN trong lĩnh vực tư tưởng - văn hóa có mục đích phát triển, sáng tạo, hoàn thiện chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đề ra đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Trong quá trình này, việc phủ định, đấu tranh phản bác các quan điểm trái với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật là quy luật phát triển của chính chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật.

Chính vì vậy, trong công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, việc xác định các phương hướng, nhiệm vụ, quan điểm, giải pháp cần phải quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo kết hợp giữa xây và chống, trong xây có chống, trong chống có xây, xây để chống, chống để xây và xây là mục đích cao nhất.

Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch chỉ rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Đây là chỉ dẫn cô đọng về đối tượng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Còn trong cuộc đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch - một phương diện của việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - đối tượng đấu tranh, phản bác, phê phán gồm: chủ nghĩa đế quốc, các thế lực thù địch trong các nước tư bản chủ nghĩa, giới nghiên cứu lý luận phục vụ chính giới của các nước này; các phần tử phản động chống đối Đảng, chống đối chế độ, người Việt Nam lưu vong ở nước ngoài có hận thù với cách mạng Việt Nam; các phần tử cơ hội, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân trong đó có một số nhà văn, nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học có nhận thức sai lệch về chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình đất nước hiện nay, lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng Việt Nam.

Rõ ràng, mỗi đối tượng tác động của hoạt động bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch có mục đích khác nhau, phương hướng, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay trong nhận thức cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ “bảo vệ” và “đấu tranh” chúng ta chưa phân biệt tường minh các nhóm đối tượng khác nhau, chưa có phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, xử lý khác nhau, phù hợp và do đó, phương hướng, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp chưa có những đặc thù phù hợp các nhóm đối tượng đặc thù, tương ứng với mục tiêu đặt ra trong nhóm đối tượng ấy.

2. Định hướng, giải pháp được nghiên cứu, đề xuất thiên về giải quyết các mục tiêu, nhiệm vụ trực tiếp, cấp thiết trước mắt, thiếu tính chiến lược, lâu dài trong khi kẻ thù tư tưởng đã xây dựng chiến lược “diễn biến hòa bình” từ lâu nhằm phá hoại hệ tư tưởng XHCN và có lộ trình phá hoại rất cụ thể, từng bước

Chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, của chủ nghĩa đế quốc có mầm mống từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà chủ nghĩa đế quốc thừa nhận rằng đòn tiến công quân sự không thể tiêu diệt được các nước XHCN. Họ nhận thấy rất rõ có thể thực hiện một cuộc tấn công hòa bình ngay trong lòng CNXH để làm sụp đổ các nước XHCN. Chính vì vậy, chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là Mỹ đã nâng “diễn biến hòa bình” từ biện pháp hỗ trợ bổ sung cho hành động quân sự thành chiến lược toàn diện chống CNXH với mục tiêu là thủ tiêu CNXH hiện thực, xóa bỏ các nước XHCN. Để thực hiện mục tiêu này, họ xây dựng một lộ trình gồm các bước, các giai đoạn hết sực cụ thể để đến cuối thế kỷ XX “chiến thắng không cần chiến tranh”. Trước đây, nhằm mục tiêu xóa bỏ CNXH hiện thực ở Liên Xô, các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây, đứng đầu là Mỹ đã thực hiện lộ trình để từng bước làm tan rã về tư tưởng và tổ chức, về đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Liên Xô. Cụ thể là đã sử dụng tam đoạn thức siêu vi trùng với ba bước cơ bản: sửa chữa những sai lầm trong quá khứ; làm gay gắt thêm những sai lầm đó; cuối cùng là phá hoại. Kết quả là vào nửa cuối năm 1991, Góoc - ba - chốp tuyên bố giải tán Đảng Cộng sản Liên Xô, giải tán Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết.

Đảng ta, trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng, đã nhận thức sâu sắc rằng đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng là một tất yếu, một quy luật sinh tồn. Do đó, Đảng ta đã có nhiều quan điểm, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, văn bản và tổ chức thực hiện vấn đề cốt yếu, sinh tử này. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa các nghị quyết thành chiến lược đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng,lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì chưa được quan tâm xây dựng sớm và tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của các nhà nghiên cứu lý luận, các định hướng, giải pháp đưa ra thiên về những vấn đề cụ thể trước mắt, dù đó là vấn đề cụ thể trước mắt cấp thiết, mà chưa có tính chiến lược, lâu dài để định hướng nhận thức và hành động, tầm nhìn trong thời gian dài, có ý nghĩa chỉ đạo, định hướng không chỉ cho giai đoạn trước mắt mà còn cho lộ trình dài hơi, trong khoảng thời gian một vài thập kỷ.

3. Định hướng, giải pháp thiếu tính toàn diện, tính đồng bộ, tính đột phá trong khi nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng mang tính toàn diện, nhiều mặt, nguyên nhân của vấn đề thường mang tính đa dạng, đa chiều

Bảo vệ nền tảng tư tưởng - theo tinh thần Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị ban hành ngày 28-11-2018, có nội dung rất toàn diện, từ việc bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đến bảo vệ cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, từ bảo vệ Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ Nhân dân đến bảo vệ sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc đến bảo vệ công cuộc hội nhập quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, từ bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật đến việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch, của các phần tử cực đoan, cơ hội, thoái hóa, biến chất…

Chỉ riêng việc bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã bao hàm một hệ thống toàn diện các vấn đề: từ các vấn đề lý luận đến các vấn đề phương pháp luận; từ các vấn đề lý luận triết học đến các vấn đề lý luận kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học; từ các vấn đề nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin như học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị thặng dư và học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản đến nhiều vấn đề khác, hệ trọng liên quan trực tiếp đến đường lối, chính sách, pháp luật như lý luận về đấu tranh giai cấp, về nhà nước và cách mạng XHCN, lý luận về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, lý luận về thời kỳ quá độ, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Có thể nói, tính toàn diện của nội dung bảo vệ nền tảng của Đảng không chỉ do tính hệ thống, toàn diện của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN… mà còn do kẻ thù tư tưởng triển khai đồng bộ, tấn công toàn diện vào mọi nội dung cốt lõi của hệ tư tưởng cách mạng mà Đảng ta đã lựa chọn và vào mọi khía cạnh của sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, việc triển khai các nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đòi hỏi các chủ thể phải triển khai toàn diện nhiều nội dung, mỗi nội dung cũng cần triển khai các công tác bảo vệ và đấu tranh bằng nhiều hình thức, phương pháp, nhiều phương tiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá. Mỗi quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bịa đặt cần được phê phán bởi nhiều lực lượng, dưới nhiều hình thức, bằng nhiều phương tiện: từ hoạt động tuyên truyền miệng đến các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, từ trong sinh hoạt, hội họp của các tổ chức đến các buổi thuyết trình trước một nhóm đối tượng công chúng; từ những tác động vận động, thuyết phục mang tính cá nhân đến những tác động mang tính tập thể và cộng đồng; từ công khai đến nội bộ… Ngoài ra, trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch cần xác định nội dung trọng tâm, đề xuất được các giải pháp mang tính đột phá đối với nội dung đó, phù hợp với tình hình, đặc điểm thời điểm tiến hành các hoạt động đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Như vậy, nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng rất toàn diện, nhiều mặt, nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, trên các diễn đàn, trên mặt trận đấu tranh tư tưởng của ta còn thiếu vắng những công trình khoa học lớn có nội dung nghiên cứu rộng, đầy đủ, phản bác toàn diện các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất.

Trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có một vấn đề khá nhạy cảm, liên quan đến khả năng “tự bảo vệ” của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Trong suốt quá trình cách mạng cũng như trong sự nghiệp đổi mới đất nước, chúng ta nhận thức rõ rằng, cần kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phát triển, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, coi đó là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới thành công. Đồng thời, bước vào giai đoạn đổi mới đất nước chúng ta đã nhận ra rằng, trong chủ nghĩa Mác – Lênin những nguyên lý lý luận và phương pháp luận nền tảng vẫn còn nguyên giá trị phổ quát của chúng. Nhưng trong chủ nghĩa Mác - Lênin cũng có những luận điểm, quan điểm đã bị thực tiễn vượt qua và những luận điểm, quan điểm chúng ta nhận thức chưa đúng và vận sai trong thực tiễn. Chính những luận điểm, quan điểm bị lịch sử vượt qua nhưng chưa được chúng ta nghiên cứu bổ sung, phát triển, hoàn thiện; chính những vấn đề lý luận mà chúng ta hiểu sai, vận dụng sai, kể cả trong quá khứ và hiện tại, đang bị kẻ thù tư tưởng lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt, bài xích, phủ nhận một cách ngang nhiên, thẳng thừng toàn bộ hệ tư tưởng và toàn bộ sự nghiệp của Đảng ta.Thêm vào đó, trong chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng còn khiếm khuyết, bất cập, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều lệch lạc.

Rõ ràng, để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta phải nghiên cứu một cách công phu, nghiêm túc, phát triển sáng tạo, hoàn thiện chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên cơ sở những phát minh mới của khoa học đương đại và bằng việc tổng kết thực tiễn xây dựng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Đồng thời, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng nước ta để đề ra đường lối chiến lược, sách lược đối nội, đối ngoại đúng đắn. Khắc phục nhanh và triệt để những sai lầm, khuyết điểm trong vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong tổ chức thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong Đảng và trong xã hội, thường xuyên xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, coi đây là giải pháp quan trọng tăng cường khả năng tự bảo vệ nền tảng tư tưởng.

4. Định hướng, giải pháp về phối hợp lực lượng chưa mang tính rộng rãi, toàn dân, toàn diện, chưa có chiến thuật, nghệ thuật đấu tranh phê phán, phản bác trong khi kẻ thù tư tưởng liên tục mở rộng lực lượng, cấu kết bên trong, bên ngoài, thực hiện nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và thường xuyên thay đổi sách lược

Để đạt được âm mưu phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách, pháp luật, những thành tựu của cách mạng nước ta, các thế lực thù địch thường xây dựng, phát triển và cấu kết các lực lượng trong - ngoài với những thành phần sau:

- Các thế lực đế quốc, phản động quốc tế, các tổ chức phản động của người Việt Nam lưu vong.

- Các tổ chức và cá nhân chống đối trong nước.

- Các phần tử cơ hội chính trị, chống đối, những người suy thoái, biến chất, trở cờ trong nội bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị nước ta, những người có nhận thức lệch lạc về chủ nghĩa Mác – Lênin, tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, lý luận và thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…

Về phương thức, thủ đoạn: nếu như về mặt tổ chức lực lượng họ triển khai rộng rãi, phối hợp khá chặt chẽ, đồng bộ trong - ngoài, thì về mặt phương thức, thủ đoạn họ sử dụng nhiều đòn thâm sâu, hiểm độc, chẳng hạn:

- Sử dụng các đòn chiến tranh tâm lý như thủ đoạn áp dụng nguyên tắc “siêu vi trùng”, thủ đoạn tác động vào lý trí hoặc tác động vào niềm tin con người như: nói dối trắng trợn, nhấn mạnh mặt tiêu cực của hiện tượng xã hội và đánh đồng chúng với toàn bộ hiện tượng, thủ đoạn triệt tiêu năng lực nhận thức lịch sử bằng cách “mang quá khứ về hiện tại”, “đẩy lùi hiện tại vào trong quá khứ” hoặc “xét lại” lịch sử, “nã đại bác vào quá khứ”…[1]

- Sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội. Hiện nay, ở bên ngoài có 52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, 429 tờ báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản tập trung tuyên truyền chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Họ không chỉ sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống trên mà còn triệt để sử dụng rộng rãi các mạng xã hội như Google, Facebook, Twitter, Instagram, Line, Weibo, Zalo, Tiktok.... và rất nhiều các trang mạng xã hội khác để truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng ta.

- Lợi dụng việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) để tuyên truyền các quan điểm, tư tưởng thù địch với Đảng, Nhà nước ta. Hiện nay ở bên ngoài có rất nhiều tổ chức NGO, chẳng hạn ở Mỹ có 157 tổ chức, EU có 161, các nước Châu Á - Thái Bình Dương có 156 tổ chức. Họ lợi dụng các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa, đầu tư kinh tế để phát tán tài liệu, truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch.

- Thông qua việc tài trợ các dự án rất quan trọng như: cái cách hành chính, xây dựng luật, chống để tác động sâu vào nội bộ ta.

- Lợi dụng việc triển khai các dự án ở vùng sâu, vùng xa để xâm nhập vào các địa bàn, tranh thủ nắm đối tượng, tình hình, xây dựng các cơ sở ngầm chống phá ta.

- Móc nối, lôi kéo số phần tử thoái hóa, biến chất, bất mãn trong nội bộ, nhất là trí thức văn nghệ sĩ, nhà báo có tư tưởng cực đoan, quá khích nhằm hình thành các phe nhóm đối lập ở Việt Nam. Đặc biệt họ thông qua việc tổ chức các buổi tiệc chiêu đãi văn nghệ sĩ, thông qua hoạt động tài trợ cho các nhà văn sang Mỹ dự lớp viết văn, mời văn nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình dự hội thảo, viết đề tài để lôi kéo các đối tác này tuyên truyền, xuyên tạc tình hình đất nước, xuyên tạc lịch sử, tham gia vào các hoạt động phá hoại tư tưởng.

- Lợi dụng, lôi kéo, kích động các đối tượng cơ hội chính trị, bất mãn, chống đối chế độ viết tài liệu, viết bài, ghi âm gửi ra nước ngoài, trả lời phỏng vấn các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, lấy những chuyện có thật nhưng chỉ là mặt trái của vấn đề để nhào nặn, hư cấu, xuyên tạc, bóp méo sự thật…

Điểm qua thực trạng lực lượng và thủ đoạn, phương thức xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch để thấy rằng, lực lượng của họ khá rộng rãi, có thực lực mà chúng ta không nên chủ quan, coi thường để không rơi vào bị động, bất ngờ. Sức mạnh của họ trong cuộc đấu tranh ý thức hệ này nằm trong sức mạnh của một giai cấp đang cầm quyền, trên phạm vi quốc tế, lại có lực lượng phản động hậu thuẫn khá đông đảo từ bên trong và bên ngoài nước ta, có trong tay cả một bộ máy quyền lực lớn, có đầy đủ các phương tiện tác động tư tưởng cả truyền thống và hiện đại đều rất hiệu lực, hiệu quả. Các phương thức, thủ đoạn mà họ thực hiện rất thâm sâu, xảo quyệt, hình thức, phương pháp được thay đổi thường xuyên, liên tục.

Việc sử dụng phương tiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch có một vấn đề đặt ra là: các sản phẩm truyền thông của  chúng ta nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch chủ yếu được tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thống: trong các lớp học, trên diễn đàn của các hội nghị, hội thảo, trong các hội nghị báo cáo viên hoặc qua sách, báo in, tạp chí in mà ít được chuyền tải qua sách điện tử, báo mạng điện tử, báo in, tạp chí xuất bản trên mạng. Theo thống kê năm 2019, Việt Nam có 64 triệu người (chiếm 66% dân số) có sử dụng mạng internet; 94% người sử dụng mạng internet có sử dụng hàng ngày và thời gian trung bình cho các hoạt động liên quan đến internet là 6 giờ 42 phút. Việt Nam còn có 143,3 triệu thuê bao điện thoại (bằng 148% dân số), phần lớn trong số này sử dụng điện thoại thông minh.

Chính vì vậy, các bài nói, bài viết, các công trình nghiên cứu nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng cần được công bố, truyền bá, quảng bá trên các phương tiện truyền thông mới, trên mạng xã hội thì tác động lan tỏa của chúng sẽ rộng rãi hơn, lâu dài hơn, chiếm lĩnh nhiều nhóm đối tượng hơn. Đây cũng là cách mà các Ban chỉ đạo 35 của các ban, bộ, nghành, các cơ quan báo chí - truyền thông, các địa phương cần vận dụng trong xây dựng và tổ chức tác chiến trên không gian mạng trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hiện tại, Truyền hình Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số cơ quan truyền thông đại chúng đã sử dụng các bài viết sâu sắc, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn phát lại trên các phương tiện của mình để tạo ra sức lan tỏa rộng hơn, tác động, ảnh hưởng lâu dài hơn ở nhiều đối tượng. Báo Quân đội nhân dân cũng có cách làm hay về vấn đề này. Chẳng hạn, sau khi các bài viết có nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, bịa đặt được đăng tải trên các phương tiện in ấn, Báo Quân đội nhân dân đã chuyển thể thành các tác phẩm Audio – Video đưa lên báo điện tử và trang Youtube. Nhờ vậy các tác phẩm, ấn phẩm của Báo không ngừng mở rộng ảnh hưởng và được đón nhận, hưởng ứng tích cực từ dư luận bạn đọc.

Thiết nghĩ, các phương tiện truyền thông bằng sản phẩm in ấn cần nhanh chóng xuất bản các sản phẩm này trên mạng dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Ngay cả kênh tuyên truyền miệng (bài giảng của giảng viên, bài nói của các báo cáo viên, bài kể chuyện của các anh hùng, chiến sĩ thi đua, điển hình tiên tiến, bài phát biểu chính trị của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,…) cũng cần được đưa lên mạng xã hội để lan tỏa và kéo dài tác dụng tác động đến nhiều nhóm đối tượng. Hình thức này có nhà nghiên cứu gọi là “tuyên truyền miệng trực tuyến”, tức là các buổi nói chuyện, các bài giảng, bài phát biểu được ghi âm, ghi hình sau đó truyền tải trên mạng xã hội để đông đảo công chúng trong nước và nước ngoài cùng nghe, cùng xem, cùng tương tác.

5. Định hướng, giải pháp về công nghệ chưa tính đến khả năng đối phương có thể vượt trước ta trong các sáng tạo, phát minh công nghệ và họ cũng sử dụng giải pháp công nghệ ngăn chặn ta; hợp tác quốc tế trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng chưa toàn diện, hiệu quả chưa như yêu cầu đặt ra

Trong số các phương tiện truyền tải quan điểm sai trái, thù địch, kẻ thù tư tưởng lựa chọn mạng xã hội như một công cụ phổ biến nhất và hữu hiệu nhất để tác chiến. Với ưu thế tác động nhanh, trên diện rộng, có sự tương tác đa chiều, mạng xã hội có thể truyền bá, phát tán một khối lượng thông tin lớn đến mọi đối tượng cần tác động bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn, phương thức mà các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để phá hoại cách mạng nước ta về hệ tư tưởng, Đảng và Nhà nước ta có nhiều chủ trương, các nhà khoa học, thực tiễn cũng đề xuất nhiều giải pháp về công nghệ như: tăng cường hoạt động quản lý, giám sát đối với các trang mạng xã hội, chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn có hiệu quả việc truy cập vào các trang mạng độc hại. Đây là những định hướng, đề xuất giải pháp công nghệ tích cực nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các mũi tấn công tư tưởng thâm sâu của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất.

Tuy nhiên, các giải pháp công nghệ trên đây (chủ yếu là sử dụng bộ lọc thông tin để phát hiện và sử dụng giải pháp ngăn chặn, hoặc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ) thường gặp rào cản từ phía luật pháp quốc tế, luật pháp của nước ngoài và sự phản ứng từ phía nhà cung cấp dịch vụ, sự chống đối của các thế lực thù địch, các phần tử cực đoan, hoặc rào cản, khó khăn về kỹ thuật, công nghệ.Trao đổi với một số cán bộ công tác thực tiễn trong lĩnh vực này tại Hà Nội thấy rằng: nếu máy chủ đặt tại nước ngoài thì rất khó xử lý, chỉ chặn được một phần và phải là cấp có thẩm quyền mới được thực hiện. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lọc chỉ được hơn 60% clip trên mạng, năm 2019 tăng thêm 600 clip được bóc dỡ.  Gần đây, Facebook ít hợp tác hơn với ta trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm pháp luật, ngay cả đối với những bài  viết thể hiện rất rõ  nội dung nói xấu, xuyên tạc về các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhưng nhà mạng này vẫn cố tình không gỡ bỏ. Họ viện lý do là các bài đó không vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook. Rõ ràng, vì động cơ, mục đích của họ  mà họ đặt tiêu chuẩn cộng đồng do họ đặt ra cao hơn luật pháp Việt Nam.

Mặt khác, các thế lực thù địch vốn nắm giữ các phát minh, sáng chế về công nghệ nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số đã có những hình thức, biện pháp công nghệ chống lại lực lượng an ninh mạng của ta. Chẳng hạn, họ lợi dụng chức năng quay phim và đăng tải trực tuyến trên mạng xã hội facebook, youtube để tường thuật trực tiếp sự việc, chuẩn bị sẵn lực lượng ở nhà để tiếp nhận video, biên tập ngay để đề phòng lực lượng an ninh mạng của ta thu dữ máy quay. Họ sử dụng ứng dụng what app, pire chat và các biện pháp công nghệ khác để liên lạc vượt qua các biện pháp phá sóng của lực lượng an ninh Việt Nam. Rõ ràng, giải pháp công nghệ cũng có giới hạn của nó, nhất là các thế lực thù địch có thực lực thật sự về phát minh và ứng dụng công nghệ. Nghiên cứu thực trạng cho thấy, nhiều chủ thể truyền tin rất thạo việc sử dụng phương tiện kỹ thuật che dấu hành vi vi phạm.  Trong khi phía ta phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác đấu tranh phòng ngừa thông tin xấu, độc còn thiếu và lạc hậu, cán bộ được phân công công tác này không chỉ thiếu về số lượng, hầu hết làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, mà một số còn hạn chế, bất cập về khả năng sử dụng kỹ thuật, công nghệ trong tác chiến trên không gian mạng.

Giải pháp công nghệ đòi hỏi chúng ta phải xây dựng nội lực về công nghệ, về an ninh mạng thông qua việc trang bị phương tiện kỹ thuật và đào tạo cơ bản, chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ sử dụng công nghệ để họ phục vụ tận tâm, tận lực cuộc đấu tranh này. Ngoài ra, tính chất, bối cảnh của mặt trận đấu tranh bằng biện pháp công nghệ đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực lớn hơn, toàn diện hơn trong hợp tác quốc tế nhằm đảm bảo an ninh quốc gia về mặt thông tin, tư tưởng.

Thực trạng hợp tác quốc tế trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội ở nước ta hiện còn nhiều hạn chế, phối hợp lực lượng chưa đủ rộng, nội dung nghèo nàn, phương thức thiếu đa dạng, phong phú, chưa phù hợp với cả đối tác và đối tượng. Trước thực trạng đó và đặc điểm “không có biên giới rõ ràng” của môi trường mạng internet, hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước hết cần được triển khai trong việc sử dụng tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại để ngăn chặn, tháo gỡ những thông tin sai trái, thù địch, phản nhân văn, phản tiến bộ hoặc trong việc xử lý thông tin xấu, độc và những vi phạm pháp luật đối với vấn đề này. Đồng thời, vấn đề hợp tác quốc tế trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch cần được triển khai trên phạm vi rộng hơn, với nhiều đối tác, bằng nhiều nội dung phong phú hơn, hình thức đa dạng hơn: trong các nước tương đồng về thể chế chính trị; trong phạm vi khu vực, cũng như trên diễn đàn mang tính toàn cầu; thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo, diễn đàn song phương, đa phương, ở cấp độ chính phủ và doanh nghiệp, giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội nước ngoài…Ngoài ra, cần tăng cường vận động, thuyết phục cá nhân các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội có uy tín, các nhân sĩ trí thức trên thế giới có thiện cảm với Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, vận động hành lang các nghị sĩ, các chính khách nước ngoài – một lực lượng rất quan trọng mà lâu nay chúng ta chưa nhận ra tính hiệu quả- tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động truyền thông, vận động ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, bảo vệ, minh chứng cho tính khoa học, cách mạng, tiến bộ, nhân văn, nhân đạo của hệ tư tưởng cách mạng của chúng ta.

                                     

 



[1] Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương: Nhận dạng các quan điểm sai trái, thù địch, Hà Nội, 2005, tr366-391.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét