Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

 

BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU PHỦ NHẬN VAI TRÒ

 CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH

 

Thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động không ngừng xuyên tạc bản chất, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân (GCCN) và vai trò của tổ chức Công đoàn, nhất là trong bối cảnh có thể có sự xuất hiện tổ chức đại diện khác của NLĐ tại doanh nghiệp. Bởi vậy, nhận diện, phê phán, bác bỏ các luận điệu sai trái đó, bảo vệ sứ mệnh lịch sử của GCCN và vai trò của tổ chức Công đoàn trên cơ sở khoa học là nhiệm vụ hết sức cấp thiết hiện nay.

Những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của GCCN, vai trò của tổ chức Công đoàn thường tập trung vào một số nội dung cơ bản như sau:

Thứ nhất, luận điệu cho rằng, do sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, sự thay thế của máy móc, robot trong sản xuất, làm cho số lượng công nhân giảm, máy móc giữ vai trò trung tâm chứ không phải công nhân và nhà tư bản cũng không còn bóc lột công nhân.

Trên thực tế, số lượng NLĐ, số lượng công nhân (lao động bằng phương thức công nghiệp), đều tăng qua các cuộc CMCN. Điều này được chứng minh thông qua các báo cáo số lượng lao động của các tổ chức quốc tế lớn (Ngân hàng thế giới - WB, Tổ chức Lao động Quốc tế - ILO) hoặc các nghiên cứu khoa học uy tín. Dù các số liệu có thể khác nhau đôi chút, nhưng bức tranh toàn cảnh chung là sự tăng lên mạnh mẽ của lao động nói chung cũng như đội ngũ công nhân. Theo ILO, thế giới hiện nay có khoảng 3,3 tỷ lao động, trong đó công nhân, lực lượng lao động được trả công và lao động theo phương thức công nghiệp có khoảng 2 tỷ (chiếm trên 60% số lao động toàn cầu).

Thực tế lịch sử phát triển của các cuộc CMCN cũng cho thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ ngày càng tạo ra số lượng việc làm mới nhiều hơn số việc làm bị mất đi. Đồng thời, xu hướng công nghiệp hoá của hơn 100 quốc gia trên thế giới hiện nay đang là nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho sự phát triển ngày càng mạnh mẽ về quy mô của GCCN toàn cầu. Hơn nữa, khi càng ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc vào sản xuất, thì công nhân càng bị bóc lột một cách tinh vi hơn, bởi kỹ thuật, công nghệ hiện đại dù năng động và cách mạng đến mấy cũng chỉ là sản phẩm do bàn tay và khối óc của con người làm ra và chịu sự điều khiển, giám sát của con người.

Thứ hai, luận điệu cho rằng, ở các nước tư bản hiện nay, đời sống của công nhân không còn cơ cực như trước, một bộ phận có cổ phần, thuộc nhóm “trung lưu hoá”…, vì vậy, mâu thuẫn giữa công nhân và tư sản không đối kháng như trước.

Về thực chất, ở một số nước tư bản phát triển hiện nay, công nhân có cổ phần, được nâng cao về đời sống vật chất và tinh thần. Nhưng đó chỉ là sự điều chỉnh trong lòng chủ nghĩa tư bản để điều hòa mâu thuẫn, bản chất bóc lột không thay đổi. Trên thực tế, công nhân có cổ phiếu nhưng giá trị rất thấp; bất bình đẳng xã hội vẫn là đặc trưng, bản chất của chủ nghĩa tư bản (Mỹ: 99% dân số chiếm 5% của cải; Tạp chí Forbs: Năm 2019, 500 tập đoàn độc quyền chiếm 2/3 của cải của thế giới; 26 tỷ phú giàu nhất thế giới đang nắm lượng tài sản tương đương tổng tài sản của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới trong năm 2018); đời sống của nhân dân, NLĐ ở 160 quốc gia theo chế độ tư bản chủ nghĩa hiện đang là các nước kém và đang phát triển…

Thứ ba, luận điệu cho rằng, “những người vô sản trên thế giới ngày càng bị phân tán” (C.Wright Mills trong “The Power Elite”). Luận điệu này xuất phát từ sự phân tầng trong GCCN về trình độ, về mức sống, từ thực tế phong trào cộng sản và công nhân quốc tế hiện nay.

Thực chất, cùng với sự phát triển của cách mạng khoa học công nghệ, nhất là cuộc CMCN 4.0, tính liên kết của công nhân ngày càng cao. Tính liên kết này do tính chất xã hội hóa ngày càng mạnh mẽ của cách mạng khoa học công nghệ: Trong CMCN 4.0, việc sản xuất và trao đổi theo các chuỗi giá trị toàn cầu (Global Value Chain - GVCs) đã trở thành phổ biến trong liên kết quốc tế.

Cùng với đó là các hình thức liên kết phong phú khác như mạng sản xuất, xuất khẩu lao động tại chỗ, làm việc theo nhóm chuyên gia…; khoảng 80% thương mại quốc tế và 60% sản xuất toàn cầu mang tính hợp tác xuyên quốc gia có sử dụng chuỗi cung ứng lao động toàn cầu xuyên biên giới. Điều đó còn thể hiện ở những nỗ lực trong hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân thế giới: hoạt động của các tổ chức vì sự tiến bộ (Hội đồng Hoà bình thế giới; Liên đoàn Công đoàn thế giới; Tổ chức Đoàn kết nhân dân Á - Phi chống chủ nghĩa đế quốc, phân biệt chủng tộc…); từ những mục tiêu chung của nhân loại tiến bộ vì hoà bình, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.

Thứ tư, đặc biệt, dưới những tác động mạnh mẽ của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 đến mọi lĩnh vực của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, cuộc sống của một bộ phận NLĐ, công nhân nước ta chịu ảnh hưởng, gặp khó khăn không nhỏ.

Các thế lực thù địch, phản động cũng lợi dụng bối cảnh khách quan này để đưa ra những luận điệu không thiện chí, thậm chí xuyên tạc một cách trắng trợn nhằm phủ nhận vai trò của tổ chức Công đoàn cũng như sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong công cuộc phòng, chống đại dịch Covid-19 và chăm lo, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ.

Với luận điệu cho rằng chính quyền “đổ khó, đổ khổ” cho dân, vu cáo Nhà nước đang bỏ mặc dân, xuyên tạc việc Tổng Liên đoàn ra Lời kêu gọi cho thấy NLĐ tiếp tục bị bóc lột, khiến đời sống của họ càng thêm khó khăn... một số kẻ cực đoan, phản động, thiếu thiện chí đã ra sức chống đối, kêu gọi bất hợp tác, thậm chí đặt câu hỏi nghi vấn sự minh bạch của hoạt động ý nghĩa này. Trong hoàn cảnh rất nhiều công nhân bị ảnh hưởng, gặp khó khăn vì dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách, thậm chí mất việc làm, không còn nguồn thu nhập, đó là hành động ác ý, vô lương tâm nhằm bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây rối loạn xã hội.

Trên thực tế, từ sự tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid -19 đến đời sống và việc làm của công nhân, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thì các cấp Công đoàn đã có nhiều chương trình, hoạt động kịp thời nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho NLĐ (như hỗ trợ đoàn viên, NLĐ là F0; hỗ trợ các chiến sỹ ở tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly... Tổng LĐLĐ Việt Nam còn quyết định chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, chi hỗ trợ bữa ăn ca cho NLĐ thực hiện “3 tại chỗ”…). Nhờ đó NLĐ cũng như người khó khăn, yếu thế trong xã hội đã được trợ giúp kịp thời để có thể tiếp tục cầm cự vượt qua đại dịch.

Để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, trong đó có những luận điệu phủ nhận sứ mệnh lịch sử của GCCN, vai trò của tổ chức Công đoàn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết là vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo đảm, nâng cao đời sống của NLĐ, tổ chức và hoạt động phải phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của NLĐ. Điều này góp phần xây dựng niềm tin, tạo sự gắn kết giữa NLĐ với tổ chức Công đoàn để Công đoàn Việt Nam thực sự là tổ chức của NLĐ, do NLĐ và vì NLĐ.

Đồng thời, “tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, kỷ luật lao động… cho đoàn viên, NLĐ”. Đó là “kháng sinh” hiệu quả nhất, bền vững nhất trong công cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng hiện nay.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét