PHÊ
PHÁN QUAN ĐIỂM SAI TRÁI, XUYÊN TẠC
VỀ
CHIẾN THẮNG “HÀ NỘI - ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của Nhân dân
Việt Nam trước đế quốc Mỹ có phải là “may mắn” như những luận điệu xuyên tạc lịch
sử của các thế lực thù địch, phản động? Thực tế lịch sử đã chứng minh chiến thắng
“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của ý chí kiên cường và sự
thông minh sáng tạo của một dân tộc, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập
tự do” trước sức mạnh hùng hậu của bộ máy chiến tranh Mỹ. Một số quan điểm sai
trái, xuyên tạc về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” như: Quân và
dân Việt Nam sẽ không thể làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” nếu Mỹ tiếp tục
duy trì cuộc ném bom hủy diệt miền Bắc thêm vài ngày nữa. Hay là Mỹ ký Hiệp định
Paris (27-1-1973) không phụ thuộc vào kết quả cuộc ném bom trong 12 ngày đêm cuối
năm 1972 tại miền Bắc Việt Nam.
Những luận điệu trên được các thế lực thù địch tung ra nhằm
xuyên tạc ý nghĩa, giá trị của thắng lợi “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Trên thực tế chính Mỹ là bên không chịu nổi tổn thất và buộc phải ra lệnh chấm
dứt ném bom miền Bắc.
Trong hơn 20 năm chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975),
năm 1972 là một trong những năm nóng bỏng và gay cấn nhất đối với Mỹ bởi đây là
năm then chốt, năm bản lề quyết định sự thành bại của chiến lược “Việt Nam hóa
chiến tranh”. Vì vậy, Mỹ đã huy động sức mạnh quân sự cao nhất vào mục tiêu
tiêu diệt lực lượng cách mạng, củng cố bình định nông thôn để đi đến kết thúc
chiến tranh trên thế mạnh.
Tuy nhiên, thực tế trên chiến trường lại ngược lại những mong
muốn của Mỹ, lực lượng cách mạng của ta trong năm 1972 đã thực hiện cuộc tiến
công chiến lược đánh bại quân đội Sài Gòn, tạo thế mạnh cho cách mạng miền Nam ở
nông thôn, bẻ gãy hai chân kiềng của “Việt Nam hóa chiến tranh”, đập tan ý chí
xâm lược và buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta, đưa đến sự ra đời bản dự
thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nhưng với
bản chất ngoan cố, xảo quyệt, Mỹ đã lật lọng trì hoãn việc ký Hiệp định, đồng
thời ráo riết chuẩn bị tiến hành những hành động phiêu lưu quân sự mới với mục
đích kéo dài chiến tranh, “làm tê liệt đời sống hàng ngày của Hà Nội, Hải Phòng
và phá hủy khả năng của Bắc Việt Nam, ủng hộ các lực lượng Nam Việt Nam”.
Với sự chuẩn bị từ trước, ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon
đã ra lệnh cho máy bay chiến lược B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng, mở đầu chiến dịch
mang tên “Cuộc hành quân Linebaker II” (nghĩa là cứu bóng trước khung thành II)
kéo dài 12 ngày đêm. Để thực hiện chiến dịch, Mỹ đã huy động một lực lượng
không quân lớn: 193/tổng số 400 chiếc máy bay B-52 hiện có của quân đội Mỹ; máy
bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay
F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên
không và một số loại máy bay phục vụ khác cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội
7 ở Thái Bình Dương.
Lường trước âm mưu của Mỹ, ngay từ năm 1967, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã dự đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi
có thua mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm, càng tốt để
có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên đế quốc
Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu
thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. Từ những dự đoán của Người, việc
nghiên cứu chuẩn bị kế hoạch đánh B52 đã được triển khai gấp rút. Đến năm 1972,
phương án đánh trả các cuộc tập kích đã được hình thành với tên gọi “Phương án
tháng 5”, “Phương án tháng 7”, “Phương án tháng 9” và cuối cùng là “Phương án
tháng 11”. Tháng 11-1972 đã ra đời những tài liệu vô cùng quan trọng cho Bộ đội
Phòng không không quân như: “Cách chống nhiễu thông tin”, “Quy trình bắt B52
trong nhiễu”, “Cách đánh B52 của bộ đội tên lửa”.
Tối 18-12-1972, những máy bay B52 đầu tiên của địch bắt đầu tiến
vào vùng trời miền Bắc. Từ đó, liên tục 12 ngày đêm từ 18 đến 29-12-1972 Mỹ đã
huy động ở mức cao nhất sức mạnh của không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải
Phòng và một số trung tâm công nghiệp ở miền Bắc. Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc
B52 và 3.920 lần chiến máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống
Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội,
Mỹ đã sử dụng 441 lần chiếc B52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn
bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học…Chúng đã hủy diệt
nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó gần 100 nhà máy, xí
nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị
thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số cao
nhất Hà Nội.
Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, quân và dân ta
đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, gồm: 34 chiếc B52; 5 chiếc F-111A; 21 chiếc
F-4CE; 4 chiếc A-6A; 12 chiếc A-7; 1 chiếc F-105D; 2 chiếc RA-5C; 1 chiếc trực
thăng HH-53; 1 chiếc trinh sát không người lái 147-SC, bắt sống và diệt nhiều
giặc lái. Nói về kết quả của cuộc tập kích, Kissinger- cố vấn của Tổng thống Mỹ
Nixon thú nhận: “Không lực Hoa Kỳ đã vấp phải một hệ thống phòng không hiệu lực
nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới, với kỹ thuật hiện đại, chống lại được
kỹ thuật hiện đại của Mỹ”. Tờ báo New York Times thì đánh giá: “Nhà Trắng và Lầu
Năm góc nhiều phen chết lặng đi vì khủng khiếp trước con số máy bay bị bắn rơi
quá nhiều.
Nhưng tình hình lại càng tồi tệ hơn đối với Mỹ, bởi lẽ nhiều
chiếc B52 có đi không có về, còn bao nhiêu chiếc nữa bị thương phải nằm liệt
nhiều ngày để sửa chữa, thậm chí có chiếc không thể phục hồi. Có 9 chiếc B52 về
được nhưng do hỏng nặng cả 9 chiếc không còn bay được nữa. Nền công nghiệp Hoa
Kỳ dù mạnh đến đâu cũng không sao sản xuất kịp để bù lại nổi trong thời gian ngắn”.
Có lẽ Tổng thống Mỹ Nixon lúc này là người cảm nhận rõ ràng nhất sự thất bại mà
Mỹ đã gặp phải trong cuộc tấn công bằng không quân vào Hà Nội và các tỉnh miền
Bắc Việt Nam, ông ta nói trong hồi ký của mình: “Nỗi lo của tôi trong những
ngày này không phải lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc trong nước
và trên thế giới mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B52 quá nặng nề”.
Chính thất bại trên bầu trời Hà Nội và các tỉnh miền Bắc vào
những ngày cuối cùng của năm 1972 đã buộc Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc
Việt Nam từ Bắc vĩ tuyến 20 và ngồi vào bàn đàm phán với ta, chấp nhận những nội
dung đã thỏa thuận từ tháng 10-1972. Từ ngày 8 đến 13-1-1973 hai bên đã hoàn
thành văn bản cuối cùng của dự thảo Hiệp định ở vòng đàm phán cuối cùng. Ngày
23-1-1973 Hiệp định Paris được ký tắt. Ngày 27-1-1973 Mỹ và chính quyền Sài Gòn
phải cùng ta chính thức ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa
bình ở Việt Nam. Đây cũng thắng lợi trong việc “đánh cho Mỹ cút”, tạo ra tiền đề
mở cuộc Tổng tấn công và nổi dậy “đánh cho ngụy nhào” vào năm 1975.
Đã 50 năm kể từ sau 12 ngày đêm lịch sử ấy, chiến thắng “Hà Nội-
Điện Biên Phủ trên không” vẫn mãi ngân vang trong lòng dân tộc, để lại nhiều
bài học quý báu cho thế hệ hôm nay và mai sau. Những ai cho rằng chiến thắng
“Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không” có yếu tố “may mắn” và Hiệp định Paris được
ký kết không phụ thuộc vào kết quả cuộc ném bom trong 12 ngày đêm cuối năm 1972
thì thực chất, đó chỉ là sự cố tình đánh tráo khái niệm, ngoảnh mặt làm ngơ trước
sự kiện lịch sử được coi là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc
kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta và là một trong những chiến thắng
vĩ đại ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống
ngoại xâm của dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét