Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

 

Bảo vệ và phát triển giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga

về giải phóng giai cấp, dân tộc và con người trong điều kiện mới

 

          Cách đây hơn 100 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích Nga đứng đầu là V.I.Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, mở ra một thời đại mới cho nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Từ Cách mạng Tháng Mười, chỉ trong một thời gian ngắn, nước Nga lạc hậu và bị tàn phá, hầu như bị kiệt quệ đã trở thành một siêu cường; khẳng định bản chất cách mạng triệt để và khoa học sâu sắc của chủ nghĩa Mác - Lênin, cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khi bàn về Cách mạng Tháng Mười Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất.

Đặc biệt, từ khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào thoái trào, các thế lực thù địch tăng cường chống phá quyết liệt chủ nghĩa xã hội. Chúng tìm mọi cách công kích, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga và lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt lý luận về giải phóng giai cấp, dân tộc và con người. Chúng tung ra và cổ xúy đủ mọi luận điệu xuyên tạc trắng trợn: Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ là “cuộc nổi dậy mang tính chất Nga thuần tuý”, là “một cuộc bạo động phản dân chủ”, là “quái thai của lịch sử”, là một sự “đẻ non”,... nhằm lừa bịp, đánh đồng sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội hiện thực theo mô hình xôviết ở Liên Xô và Đông Âu với sự thất bại của chủ nghĩa Mác - Lênin và võ đoán rao giảng rằng, “mô hình đổ thì học thuyết cũng đổ theo”. Từ đó, chúng lớn tiếng tuyên bố chủ nghĩa xã hội đã đến “hồi kết thúc”; đồng thời, khuếch trương sự “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản, hướng lái các quốc gia - dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mở ra trang sử mới đối với nước Nga và tiến trình phát triển của nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi đó đã khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội cho toàn thể nhân loại, đưa đến khả năng sáng tạo to lớn và cách mạng triệt để của giai cấp vô sản cùng nhân dân lao động ở các nước trong cuộc đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, đế quốc. Đồng thời, là “ngọn đuốc” dẫn đường cho giai cấp vô sản vững tin bước lên vũ đài chính trị với tư cách là giai cấp trung tâm của thời đại - “hạt nhân” của phong trào cách mạng thế giới, đưa thời kỳ “bão táp cách mạng” từ châu Âu lan toả nhanh chóng và mạnh mẽ sang châu Á, châu Phi và khu vực châu Mỹ Latinh, làm cho giai cấp tư sản run sợ, buộc phải lùi bước, xuống thang và thay đổi chính sách.

Hiện nay, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế; “thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn…”. Lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn đang hiện diện và đạt được nhiều thành tựu to lớn ở nhiều quốc gia - dân tộc lựa chọn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng những phương thức cụ thể khác nhau. Đảng cánh tả ở nhiều nước tư bản đang từng bước chiếm ưu thế trên chính trường. Điều đó cho thấy, mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện thực đang gặp nhiều sóng gió, thử thách lớn; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách phủ định, hoặc hạ thấp ý nghĩa, tầm vóc, ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với việc giải quyết các vấn đề giai cấp, dân tộc và con người, nhưng con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra vẫn là “ngọn đuốc” vạch thời đại, là mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới; bởi nó phù hợp với quy luật tiến hoá của lịch sử và ước nguyện ngàn đời của con người.

Hơn 92 năm qua, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trung thành với lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên định con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô cũng như các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, kịp thời đề ra những quyết sách đúng, khắc phục triệt để những sai lầm, khuyết điểm và khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước từ năm 1986. Theo đó, đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho các mục tiêu đó được thực hiện tốt hơn bằng những quan niệm đúng, hình thức, biện pháp và bước đi thích hợp.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta đã khẳng định: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới, Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Ngày nay, tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, chứa đựng những yếu tố khó lường. Các thế lực thù địch đã và đang tiếp tục tranh thủ lợi thế về kinh tế, khoa học và công nghệ, sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn mới, chống phá quyết liệt chủ nghĩa Mác - Lênin, xuyên tạc, phủ nhận giá trị và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga. Bởi thế, sự nghiệp đấu tranh của nhân dân các dân tộc trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, dấu ấn lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn toả sáng. Đặc biệt những tư tưởng chống áp bức dân tộc, chống áp bức giai cấp, bảo vệ hoà bình thế giới và chống chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, giải phóng người lao động vẫn sống mãi. Đó là những giá trị nhân văn cao cả của Cách mạng Tháng Mười Nga và hôm nay, không nơi nào trên hành tinh của chúng ta, những người lao động lại không phấn đấu thực hiện những tư tưởng nhân văn cao cả ấy.

Sức sống, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với gần 1,5 tỷ người. Những thành tựu to lớn ở các nước xã hội chủ nghĩa đang làm nức lòng nhân dân thế giới, đồng thời là tác nhân thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới như phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh. Chính phủ nhiều nước do các đảng cánh tả cầm quyền đã tuyên bố quyết tâm vượt qua chủ nghĩa tư bản, xây dựng đất nước theo mô hình chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động.

Bước sang thời kỳ mới, thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, khu vực, cho dù tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến đổi sâu sắc, diễn ra trên hết thảy các bình diện của đời sống xã hội, nhưng những giá trị tiến bộ được tạo bởi thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn đang tiếp tục soi rọi, cổ vũ cho nhân loại đứng lên đấu tranh cho hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; vì mục tiêu giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc và giải phóng con người trên phạm vi toàn thế giới cũng như từng quốc gia - dân tộc.

Dưới ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam tiến hành đổi mới toàn diện đất nước. Qua hơn 35 năm đổi mới đã đem lại nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thiết thực vào hiện thực hoá ước nguyện muôn đời của nhân dân Việt Nam vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Này nay, lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co, phức tạp song loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử. Theo đó, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, con đường do Cách mạng Tháng Mười Nga. Điều cần khẳng định là con đường do Cách mạng Tháng Mười Nga vạch ra nói chung, những bài học kinh nghiệm về giải phóng giai cấp, dân tộc và con người nói riêng vẫn còn nguyên giá trị và luôn có trong hành trang của mỗi chúng ta hôm nay.

Nguyễn Tài Công

 

 

 

 

 

Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch

phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay

 

Ngày nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ nhất là thông tin liên lạc đang ra sức chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về con đường đi lên CNXH ở nước ta hiện nay. Do đó nhận diện các quan điểm sai trái này của các thế lực thù địch là vấn đề cấp thiết hiện nay. Các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta hiện nay được thể hiện qua một số nội dung:

Một là, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, lý luận của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Chúng công kích chủ nghĩa Mác - Lênin “đã lỗi thời” chỉ phù hợp thế kỷ XIX, không còn phù hợp hiện nay. Chúng cho rằng: “Trào lưu cộng sản đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, trong đó có thành quả về giành quyền tự quyết cho nhiều dân tộc bị áp bức”. Xuyên tạc rằng, kết luận của chủ nghĩa Mác là ảo tưởng và “cùng với thời gian, những dự kiến của Mác về tương lai ngày càng bị xem là những viễn tưởng mờ mịt”.

Chúng lại ngụy biện: “Thực chất công cuộc đổi mới là chúng ta dám phá bỏ những luận điểm cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin, đó là đấu tranh giai cấp, chúng ta phản bội lại chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đổi mới này, cho nên mới được như ngày nay”. Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng trong điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng nhưng: “thực ra chủ nghĩa Mác - Lênin và ngay cả tư tưởng Hồ Chí Minh nữa đối với Việt cộng nó cũng chỉ là cái phao rách nát”. Họ cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin cũng là một “kinh thánh”, một “hệ tư tưởng đức trị kiểu phong kiến”. Các phần tử thù địch cũng đã phủ nhận tính khách quan của sự tiếp cận hệ tư tưởng XHCN trong quá trình Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước, khi cho rằng: “Mặt tiêu cực của sự gặp gỡ giữa dân tộc Việt Nam nói chung và Hồ Chí Minh nói riêng với trào lưu cộng sản là đã du nhập vào đất nước mình một mô hình xã hội chủ nghĩa không tưởng, tạo môi trường cho những yếu tố hủ bại hãnh tiến lên ngôi, phá hoại kỷ cương, phá hủy những giá trị lương thiện và tiến bộ”.

Hai là, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân - lực lượng lãnh đạo con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, rằng đó chỉ là việc làm nhằm thu hút sự tham gia của những người cần lao chứ không phải do điều kiện khách quan mang lại, nên điều đó chỉ phát huy tác dụng thời kỳ đầu của cách mạng, không hợp với giai đoạn sau nên tất yếu sẽ tự nảy sinh mâu thuẫn. Các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc và lập luận: Giai cấp công nhân chỉ là những người có học vấn thấp, những lãnh tụ của giai cấp công nhân cũng thường có trình độ văn hóa không cao, do vậy sẽ không thể lật đổ được chế độ cũ và lãnh đạo toàn dân xây dựng được một xã hội tốt đẹp. Rằng, nếu giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, xây dựng một xã hội mới thì tại sao ở những nước tư bản phát triển có lực lượng công nhân rất đông, chất lượng cao lại không thực hiện vai trò sứ mệnh lịch sử của mình; hoặc chúng đề cao vai trò của đội ngũ trí thức trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ phát triển, cho rằng đội ngũ này mới có khả năng lãnh đạo cách mạng theo con đường tư bản chủ nghĩa…

Các thế lực chống phá còn cho rằng, xây dựng đất nước theo định hướng XHCN chỉ là cái cớ nhằm giữ quyền lãnh đạo độc tôn của Đảng Cộng sản, họ lý sự: Nếu không cố giữ cái định hướng xã hội chủ nghĩa thì Đảng ta biết làm cách nào để giữ yên vai trò độc tôn của mình; toàn bộ cái gọi là chủ nghĩa xã hội khoa học chẳng qua là một đại ngụy biện, nhằm biện minh cho một ảo ảnh. Học thuyết ấy đi vào xã hội và con người Việt Nam không qua vọng gác của trí tuệ. Họ ra sức tuyên truyền, xuyên tạc bản chất của Đảng Cộng sản với rất nhiều lời lẽ cay độc, đối tượng Lữ Phương xuyên tạc: Làm sao có thể thực hiện cái gọi là “dân chủ chính trị” định nghĩa là một “nền dân chủ nhân dân” trong khi Đảng chưa chịu xoá bỏ vai trò độc tôn của mình bằng Điều 4 của Hiến pháp và vẫn tiếp tục sử dụng điều 4 đó để bảo vệ sự độc tôn cho cái hệ tư tưởng gọi là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Ba là, xuyên tạc, phủ nhận con đường quá độ lên CNXH bỏ qua tư bản chủ nghĩa ở Việt Nam.

Họ cho rằng, không nên đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, cũng như không theo con đường CNXH, mà phải theo “con đường thứ ba” của CNXH dân chủ. Họ lý sự rằng, CNXH với dân chủ có mối liên hệ chặt chẽ, không được tách rời, rằng CNXH không có dân chủ là CNXH tưởng tượng chủ quan, cũng như dân chủ không có CNXH là dân chủ giả dối. Nhà nước dân chủ là hình thức xã hội duy nhất có thể được tổ chức theo nguyên tắc của CNXH. Từ đó, họ cho rằng nên thành lập các đảng của giai cấp công nhân với tên gọi là Đảng Dân chủ Xã hội chứ không phải là Đảng Cộng sản. Vì, tại những nước tư bản, thông qua phát triển sức sản xuất và điều tiết phân phối, đã xóa bỏ được sự chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa công nhân và nông dân, giữa lao động chân tay và lao động trí óc. Với quan niệm rằng: Những nước lạc hậu như chúng ta không thể tiến lên CNXH được mà phải qua giai đoạn phát triển tư bản; để dễ lung lạc, họ đưa ra một thuyết trung dung rằng: Lịch sử đang phát triển như vậy, không phải CNXH thay thế chủ nghĩa tư bản, cũng không phải chủ nghĩa tư bản thay thế CNXH, mà là sự kết hợp, dung hòa giữa hai bên, trở thành một chế độ mới là CNXH dân chủ. Họ còn cho rằng, quá độ lên CNXH chỉ có thể từ những nước tư bản đã phát triển mới có cơ sở xây dựng xã hội XHCN, còn ở một số nước chưa qua chủ nghĩa tư bản như Việt Nam sẽ là chỉ là “con đường vòng đến chủ nghĩa tư bản”.

Bốn là, xuyên tạc, phủ nhận nền dân chủ XHCN - mục tiêu, sức mạnh của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Họ cho rằng, quyền tự do, dân chủ trong xã hội Việt Nam không được thực hiện, đảng sẽ can thiệp bất cứ lúc nào cần thiết, nên các giai tầng nên thủ thế cho riêng mình, đừng góp sức vì sự nghiệp xây dựng CNXH, họ lý sự: tự do ngôn luận, biểu hiện rõ nhất trong báo chí, xuất bản vẫn bị khống chế khắc nghiệt bởi những cơ quan chức năng với những thủ đoạn trừng trị trấn áp vừa công khai vừa nội bộ. Xuyên tạc quá trình xây dựng nhà nước và thiết lập dân chủ XHCN ở nước ta bằng lý do: Nhà nước mệnh danh vô sản thực chất chỉ là nhà nước chuyên chế của Đảng. Không còn xã hội công dân cũng không còn nhà nước hiểu theo nghĩa thông thường. Họ xuyên tạc rằng, hiện nay ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước can thiệp, quản lý quá nhiều lĩnh vực, nên thiếu đi tính độc lập để phát huy dân chủ, từ đó họ kêu gọi: Đấu tranh cho một nền pháp luật dân chủ không cho phép đảng tùy tiện can thiệp vào các hoạt động kinh tế, cũng như đấu tranh đòi hỏi được tự do báo chí để xã hội có điều kiện pháp lý kiểm soát được những hoạt động của nhà nước, không có pháp luật thích hợp cũng như không có tự do cọ xát những tư tưởng khác nhau thì cũng không thể có phát triển.

Năm là, xuyên tạc, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - động lực con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Họ bác bỏ khả năng định hướng XHCN đối với nền kinh tế thị trường và cho rằng, Đảng cộng sản chỉ vì lợi ích của đảng và thiểu số người giàu có trong xã hội, sẽ không đảm bảo được lợi ích đa số người dân nếu không thực hiện dân chủ đa nguyên, họ lý sự rằng, thực hiện kinh tế thị trường mà nhất là đảng lãnh đạo chẳng khác nào “đầu Ngô, mình Sở”, họ ngụy biện: Đối với nền văn minh mới thì ta chỉ lọc ra để xài cái phần hữu ích nhất là Kinh tế thị trường và làm bạn với tất cả mọi người... Còn cái phần bất lợi cho mình là dân chủ đa nguyên thì vứt bỏ… Làm kinh tế thị trường theo định hướng XHCN chính là đứa con lai láu cá đó. Họ gián tiếp bác bỏ định hướng XHCN đối với kinh tế thị trường và cho rằng, phát triển chính trị sẽ chuyển động theo phát triển kinh tế, khi kinh tế phát triển nhiều thành phần thì chính trị tất yếu phải theo đa nguyên.

Tác hại của các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở nước ta là làm xuất hiện sự thiếu thống nhất ý chí chính trị trong xây dựng CNXH. Gây hoang mang, dao động, làm xói mòn, giảm sút lòng tin trong một bộ phận quần chúng với Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, đồng thuận xã hội và làm vẩn đục tâm lý xã hội; trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của CNXH, tạo nên những cản trở sự nghiệp xây dựng CNXH. Những nội dung sai lệch nếu thấm sâu vào đời sống nhân dân sẽ dẫn đến tình trạng phân hóa xã hội, quần chúng nhân dân mất niềm tin vào chế độ, dẫn đến kìm hãm và gây cản trở cho sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước và sự tiến bộ xã hội; làm xuất hiện hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do đó, mỗi chúng ta cần đề cao cảnh giác cách mạng, nhận nhận diện rõ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; kiên định mục tiêu con đường đi lên CNXH mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

.

Nguyễn Tài Công

 

 

 

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học với đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa xã hội khoa học trong điều kiện hiện nay

 

Bảo vệ và phát triển là một quy luật tất yếu của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học (CNXHKH). Lịch sử hình thành và phát triển CNXHKH đã chứng minh, CNXHKH không phải là học thuyết nhất thành, bất biến, không phải là cái gì “đã xong xuôi hẳn” mà là một học thuyết mở. Để phù hợp với thực tiễn cuộc sống sinh động, luôn vận động phát triển không ngừng, đòi hỏi CNXHKH phải thường xuyên được bổ sung, phát triển. Đồng thời, trong quá trình hình thành, phát triển, CNXH luôn phải đấu tranh với những trào lưu tư tưởng đối lập, quan điểm sai trái, thù địch để khẳng định bản chất khoa học, cách mạng, tính đúng đắn, sáng tạo của mình.

Hiện nay, lợi dụng xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Internet và mạng xã hội, các thế lực phản động thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta; chúng chĩa mũi nhọn vào chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Do đó, bảo vệ và phát triển CNXHKH là vấn đề đặc biệt quan trọng và cấp thiết, liên quan đến sự sống còn của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Bởi ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định chủ nghĩa Mác - Lênin là cốt, là gốc, là nền tảng tư tưởng của Đảng. Đến Đại hội Đảng lần thứ VII (1991), Đảng ta khẳng định rõ: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Điều này tiếp tục được Đảng ta khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn”

Trong bối cảnh tình hình hiện nay, cùng với việc nghiên cứu tổng kết thực tiễn bổ sung, phát triển sáng tạo CNXHKH, phải đặc biệt coi trọng đấu tranh bảo vệ CNXHKH trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực phản động, thù địch. Tất nhiên, việc vận dụng, bổ sung phát triển sáng tạo CNXHKH trong thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, mang lại chất lượng, hiệu quả cao cũng chính là việc làm thiết thực góp phần bảo vệ.

Thực tiễn cho thấy, lợi dụng bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó dự báo, tình hình trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đi vào chiều sâu đặt ra những vấn đề lý luận và thực tiễn rất mới, trước đây chưa từng có; lợi dụng sự phát triển của Internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị tăng cường, điên cuồng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng ta với những phương thức, thủ đoạn mới hết sức tinh vi và xảo quyệt. Do đó, cùng với việc vận dụng sáng tạo CNXHKH trong thực tiễn; cùng với tổng kết thực tiễn bổ sung phát triển CNXHKH, phải nêu cáo cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh vạch trần bản chất âm mưu, thủ đoạn, các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định rõ cần: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Trong thời gian tới, cần quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Đặc biệt cần nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, không chỉ là công việc của các cơ quan đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, cần nhận thức sâu sắc về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, không chỉ là bảo vệ trực diện nội dung các quan điểm, nguyên lý cụ thể của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minhh, mà còn chính là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Đồng thời, luôn đề cao cảnh giác, chú trọng bảo vệ chính trị nội bộ; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Nguyễn Tài Công

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét