Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2021

 

CĂN BỆNH “THỜ Ơ, VÔ CẢM, THIẾU TRÁCH NHIỆM”

 CỦA MỘT BỘ PHẬN CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

Gia Cát

Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống… chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân”. Trong đó, vẫn còn tình trạng thờ ơ, vô cảm, chưa nêu cao ý thức, trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. “Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” của một số cán bộ, đảng viên thực sự là một “căn bệnh” rất nguy hại, có biểu hiện đa dạng trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

Mối nguy hại của căn bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là rất lớn, nhất là khi nó “chui” vào chính trị để hình thành sự “vô cảm về chính trị”; không những vậy, nó còn là căn nguyên gây mất đoàn kết, mâu thuẫn, nghi kỵ lẫn nhau trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương dẫn đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp, gây hại cho Đảng, Nhà nước và Nhân dân; xa hơn, nó làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu quả điều hành của các cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đây còn là căn bệnh “quái ác” làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”. Vì vậy, nếu cán bộ, đảng viên mà có thái độ “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm”, nghĩa là không giữ được đạo đức cách mạng, mà đã không còn tư cách đạo đức cách mạng thì nhân dân sẽ không tin tưởng vào cán bộ, đảng viên, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước sẽ suy giảm.

Để chữa trị triệt để “căn bệnh” này là vấn đề cấp bách, đòi hỏi kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào thực hiện tốt những giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là tư tưởng: “lấy dân làm gốc”, tinh thần trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân, chia sẻ với dân, giúp đỡ dân,… làm “điểm mấu chốt” để khắc phục bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, tăng cường rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên về phẩm chất, năng lực, đạo đức cách mạng. Đổi mới và nâng cao chất lượng nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên một cách công khai, minh bạch; kiên quyết sàng lọc, đưa những cán bộ, đảng viên không còn đủ tư cách, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước công việc ra khỏi Đảng, cơ quan Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Nếu cảm thấy mình không đủ năng lực, trách nhiệm thì dẹp sang một bên để người khác làm”. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện, bồi đắp và nâng cao ý chí để làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao, làm tấm gương sáng để quần chúng học tập, làm theo. Thực tế cho thấy, ở bất cứ cơ quan, đơn vị, địa phương nào mà cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống, có năng lực công tác và hết lòng vì dân thì được nhân dân tôn trọng, yêu mến, nể phục, tin tưởng và noi theo.

Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, quy chế trên các mặt công tác để nhân dân tham gia giám sát, đóng góp xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tiếp dân, đối thoại với dân, tiếp thu những đóng góp chân thành, quý báu của nhân dân, giải quyết dứt điểm những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa gương người tốt, việc tốt, những việc tử tế trong nhân dân và toàn xã hội. Qua đó, để quy chiếu, tạo “hệ miễn dịch” với thái độ “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng vai trò, sứ mệnh cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

 

1 nhận xét: