BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN
LỘ LỌT BÍ MẬT CỦA NHÀ NƯỚC
Giang Cao
Với tính chất siêu kết nối, tốc độ lan
tỏa thông tin siêu nhanh, bất cứ thông tin nào xuất hiện trên MXH cũng có thể
đến với mọi người có mặt ở khắp nơi trên thế giới trong thời gian ngắn. Nếu đó
là những thông tin tích cực, lành mạnh, nhân văn sẽ góp phần nhân lên những
điều tốt đẹp trong cuộc sống, trong xã hội. Ngược lại, nếu đó là những thông
tin tiêu cực, độc hại sẽ như thứ “đại dịch” lây lan, gây ra những tác hại không
nhỏ đối với môi trường thông tin, môi trường văn hóa xã hội.
Thống kê của các cơ quan chức năng cho
thấy: Trong khoảng 10 năm qua đã phát hiện hơn 1.000 vụ làm lộ bí mật nhà nước.
Bên cạnh những trường hợp cố tình làm lộ bí mật nhà nước phải xử lý nghiêm
minh, vẫn còn nhiều trường hợp làm rò rỉ thông tin nội bộ, thông tin nhạy cảm
của cơ quan, đơn vị xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, từ sự vô tư đến mức vô tâm
của chính những người sử dụng MXH. Thế nên mới xảy ra tình trạng “trong nhà
chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” bởi tốc độ lan truyền “chóng mặt” của thông tin
trên MXH.Thời gian qua, trong khi đại đa số cán bộ, đảng viên, công chức, viên
chức luôn có ý thức phòng gian bảo mật, đề cao trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ bí
mật nhà nước, thì vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chủ quan, lơ là, khinh
suất, thiếu cảnh giác, làm rò rỉ, lộ, lọt thông tin nội bộ cơ quan, đơn vị và
những thông tin nhạy cảm liên quan đến chính trị, quốc phòng, an ninh, đối
ngoại, gây bất lợi cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian
mạng.
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018
không chỉ quy định những vấn đề liên quan đến các chiến lược an ninh chính trị,
an ninh quốc gia, cơ yếu, quốc phòng, quân sự, đối ngoại… nếu bị lộ có thể gây
nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, mà còn quy định những nội dung không
được phép để rò rỉ, tán phát, như: Thông tin về quy trình chuẩn bị và
triển khai, thực hiện công tác tổ chức, cán bộ; đề thi, đáp án thi tuyển chọn
lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức; đề thi, đáp
án và thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi cấp quốc gia…
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhất là
vào những thời điểm nhạy cảm, như: Chuẩn bị nhân sự đại hội; thi tuyển công
chức, viên chức; tổ chức kỳ thi của ngành giáo dục… đã để lộ, lọt nhiều nội
dung liên quan đến các vấn đề nhạy cảm này trên MXH. Hệ lụy kéo theo là hàng
chục cán bộ, công chức, giáo viên… bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự
do vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Để xảy ra tình trạng rò rỉ thông tin
nội bộ của cơ quan, đơn vị và lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, ngoài nguyên
nhân khách quan do tác động mặt trái của thời đại công nghệ số
và MXH không dễ quản lý, kiểm soát một sớm một chiều, còn xuất phát
từ ý thức chủ quan của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác
giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực
hiện công tác phòng gian, bảo mật và quản lý thông tin nội bộ; đồng thời vẫn
còn một bộ phận cán bộ, đảng viên lơ là, mất cảnh giác dẫn đến vô ý làm rò rỉ
thông tin nội bộ và lộ bí mật nhà nước. Cùng với đó, tình trạng lưu trữ tài
liệu mật trong máy tính xách tay và trong các thiết bị lưu trữ có kết nối
internet còn khá phổ biến cũng làm cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa
được thực hiện nghiêm ngặt, hiệu quả.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và
Truyền thông, tính đến cuối năm 2019, cả nước có hơn có 64 triệu người Việt sử
dụng internet và MXH. Việt Nam là một trong 10 quốc gia có nhiều người
dùng MXH nhất thế giới. Trong bối cảnh “thế giới phẳng” hiện nay,
việc bảo vệ bí mật nhà nước càng trở nên cấp bách, quan trọng. Vì các thế lực
thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn coi việc tiếp cận, nắm bắt được các
thông tin nhạy cảm liên quan đến chính trị, an ninh quốc gia, quốc phòng, quân
sự, đối ngoại, kinh tế-xã hội… của đất nước là một trong những cơ hội để thúc
đẩy chiến lược “diễn biến hòa bình” và tác động đến quá trình “tự diễn biến”,
“tự chuyển hóa”, làm suy yếu nội bộ của ta.
Vì vậy, việc làm cần thiết hiện nay là
cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ
bí mật nhà nước cho mọi người dân, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, công
chức, viên chức. Phải làm cho mọi người hiểu biết sâu sắc rằng, bảo vệ bí mật
nhà nước nói chung, bảo vệ những thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị nói riêng
là thiết thực góp phần xây dựng môi trường thông tin an toàn, môi trường văn
hóa lành mạnh trên MXH; đồng thời góp phần phòng, chống, ngăn chặn âm mưu, hành
động phá hoại của các thế lực thù địch; tăng cường khả năng “miễn dịch” trước
các thông tin xấu độc.
Theo luật định, hình thức chứa bí mật
nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng
khác. Nhưng trên thực tế, không ít người làm việc trong bộ máy công quyền
thường nghĩ rằng, chỉ có các tài liệu dán các nhãn “tuyệt mật", "tối
mật", "mật” mới thuộc danh mục bí mật nhà nước. Thế nên, nhiều người
vẫn tự ý đưa lên MXH những địa điểm, hoạt động, lời nói thuộc diện bí mật
nhà nước mà không biết rằng mình đang phạm luật. Chẳng hạn, có người đăng ảnh
hoạt động diễn tập quân sự ở một địa điểm chiến lược quan trọng; hay tán phát,
chia sẻ, bình luận trên MXH về lời nói của cán bộ lãnh đạo trong cuộc họp,
hội nghị nội bộ… Để phòng ngừa tình trạng này, cần quán triệt, phổ biến cho mọi
cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nắm vững những nội dung cơ quan của
Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, trong đó tập trung vào các nội dung quan trọng,
như: Nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước; các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ
bí mật nhà nước; danh mục bí mật nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã
hội; trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước.
Trong bối cảnh MXH bùng nổ hiện
nay, thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị và thông tin bí mật nhà nước rất dễ
bị rò rỉ vì chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là người ta có thể ghi âm,
ghi hình, chụp ảnh “lén” trong một cuộc họp, hội nghị, hội thảo có nội dung
nhạy cảm rồi đăng tải, tán phát trên internet, MXH. Chỉ một chút sơ suất, lơ là
của ban tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo có thể tạo cơ hội cho những
người thiếu ý thức chính trị vi phạm các quy định về bảo vệ thông tin nội bộ,
bí mật nhà nước rồi gây ra những hệ lụy, hậu quả đáng tiếc. Điều này đặt ra cho
các cơ quan, đơn vị phải đề ra những quy định nội bộ để phòng ngừa việc rò rỉ
thông tin nhạy cảm từ ngay cơ quan, đơn vị mình.
Bên cạnh đó, cần chú trọng làm tốt
công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, nhân viên
văn thư, bảo mật, cơ yếu và những người làm việc trong các cơ quan tổ chức, cán
bộ, thanh tra, kiểm tra, nội chính, tư pháp, xuất nhập cảnh… Đây là lực lượng
cốt yếu trong việc lưu giữ những thông tin nội bộ, thông tin nhạy cảm, thông
tin bí mật nhà nước. Nếu đội ngũ này không được kiểm soát, quản lý sâu sát về
mọi phương diện, nhất là về các mối quan hệ xã hội, thì có thể làm rò rỉ thông
tin gây bất lợi cho việc bảo vệ bí mật nhà nước.
Một giải pháp không kém phần quan
trọng là đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ để làm tốt công tác bảo
mật đường truyền mạng, bảo mật cổng thông tin, trang thông tin điện tử; tăng
cường các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng tại cơ quan, đơn
vị, tạo dựng các “tường lửa” để phòng, chống hiệu quả tin tặc tấn công, lấy cắp
thông tin nội bộ, thông tin thuộc bí mật nhà nước trên mạng máy tính.
Sử dụng MXH là một nội dung
thuộc quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của mọi người dân, trong đó có cán
bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Nhưng quyền tự do đó cần được đặt trong
khuôn khổ luật pháp, đạo đức xã hội để bảo đảm cho người sử dụng MXH vừa
được thể hiện nhu cầu kết nối, bày tỏ, chia sẻ chính đáng của mình, vừa góp
phần phòng ngừa nguy cơ rò rỉ thông tin nội bộ và lộ bí mật nhà nước./.
Những biện pháp này rất hay
Trả lờiXóa