Lý luận về chuyên chính vô sản là hòn đá tảng của chủ nghĩa Mác nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung. Phủ nhận lý luận về chuyên chính vô sản là phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất. Trên thực tế, lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về chuyên chính vô sản ngay từ khi mới ra đời đến nay luôn là mục tiêu chống phá, phủ nhận của các thế lực thù địch và của các phần tử cơ hội, biến chất trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Do đó, việc tiếp tục nghiên cứu làm rõ những nội dung cốt lõi, khẳng định sự đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin về chuyên chính vô sản và tính đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin về chuyên chính vô sản vào xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay là vấn đề có ý nghĩa lý luận, thực tiễn sâu sắc; góp phần tuyên truyền, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về chuyên chính vô sản trong tình hình mới.
1. Khi bàn về quan niệm của chủ nghĩa
Mác về chuyên chính vô sản không phải chúng ta biệt lập tư tưởng của C.Mác và
Ph.Ăngghen với V.I.Lênin về vấn đề này. Vì thế, trong phạm vi bài viết tập
trung phân tích luận giải quan niệm của chủ nghĩa Mác về chuyên chính vô sản
được thể hiện trong những tác phẩm mà C.Mác và Ph.Ăngghen viết chung và những
tác phẩm C.Mác viết riêng. C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đầu tiên đặt nền
móng về chuyên chính vô sản từ những năm 40 của thế kỷ XIX. Tư tưởng về chuyên
chính vô sản được thể hiện trong nhiều tác phẩm mà hai Ông viết chung, tiêu
biểu như: “Hệ tư tưởng Đức” (1845); “Điều lệ Liên đoàn những người Cộng sản”
(1847); “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (1848)... và trong những tác phẩm C.Mác
viết riêng, như: “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 - 1850”; “Thư gửi cho
Vâyđơmaiơ” (1852); “Nội chiến ở Pháp” (1871); “Phê phán Cương lĩnh Gôta”
(1875)… Quan điểm của chủ nghĩa Mác về chuyên chính được thể hiện trên những
vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, chủ nghĩa Mác đã chỉ ra chuyên chính vô sản là giai cấp vô sản
tổ chức thành giai cấp, dùng bạo lực lật đổ giai cấp tư sản, giành quyền thống
trị về tay giai cấp vô sản. C.Mác và Ph.Ăngghen là người đầu tiên đưa ra quan niệm ”quyền lực
chính trị”, “chuyên chính vô sản”.
Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” (tháng 2 năm 1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã
chỉ rõ: “Quyền lực chính trị, theo đúng nghĩa của nó, là bạo lực có tổ chức của
một giai cấp để trấn áp một giai cấp khác”[1];
đến năm 1850, trong tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 - 1850”, C.Mác đã
nêu khẩu hiệu đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân là: “Lật đổ giai cấp
tư sản! Chuyên chính của giai cấp công nhân”[2] và
“Chủ nghĩa xã hội này là lời tuyên bố cách mạng không ngừng, là chuyên chính
giai cấp của giai cấp vô sản”[3].
Theo C.Mác và Ph.Ăngghen, để giành
được quyền lực chính trị về tay giai cấp mình, việc đầu tiên “giai cấp vô sản…,
nhất định phải tự tổ chức thành giai cấp”[4],
đứng lên đấu tranh chống giai cấp tư sản giành lấy quyền lực về giai cấp mình,
trước hết trong phạm vi một quốc gia, dân tộc. Hai ông chỉ rõ: “Mục đích trước
mắt của những người cộng sản cũng là mục đích trước mắt của tất cả các đảng vô
sản khác: tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị của
giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”[5],
“lập nền thống trị của giai cấp vô sản”[6].
Và “trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản
nước mình đã”[7], cũng
như “trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân
tộc, phải tự mình trở thành dân tộc”[8].
Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống giai
cấp tư sản “tất nhiên đưa đến chuyên chính vô sản”[9] và
“Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu
như nhau”[10].
Thứ hai, chủ nghĩa Mác đã chỉ ra hình thức, tính chất của chuyên chính vô
sản. Năm 1847, trong
tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học”, C.Mác đã đề cập đến hình thức của chuyên chính vô sản: “Trong
quá trình phát triển của nó, giai cấp công nhân sẽ thay thế xã hội tư sản cũ
bằng một tổ chức liên hiệp”[11].
Tổng kết Công xã Pari 1871, trong tác phẩm “Nội chiến ở Pháp” C.Mác tiếp tục bổ
sung, phát triển tư tưởng về chuyên chính vô sản, chỉ rõ bản chất, tính chất,
nội dung, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước chuyên chính vô sản. Về hình thức của chuyên chính vô sản lúc này, theo C.Mác: “Công xã chính là
một hình thức chính trị linh hoạt đến cao độ, còn tất cả những hình thức chính
phủ trước kia về thực chất đều là áp bức. Bí quyết thực sự của Công xã là ở
chỗ: về thực chất nó là một chính phủ của giai cấp công nhân, là kết quả của
cuộc đấu tranh của giai cấp những người sản xuất chống lại giai cấp chiếm đoạt,
là hình thức chính trị rốt cuộc đã tìm ra được khiến cho có thể thực hiện được
việc giải phóng lao động về mặt kinh tế”[12]. Về tính chất của chuyên chính vô sản đó
là quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân đảm nhiệm. C.Mác viết: “Công xã
không nên là một cơ quan đại nghị, mà phải là một cơ thể hành động, vừa hành
chính, vừa lập pháp”[13];
“Những biện pháp riêng biệt của Công xã chỉ có thể cho thấy rõ xu hướng phát
triển của sự cai quản nhân dân do chính nhân dân đảm nhiệm”[14];
“Muốn tiêu diệt nó (ý nói sự thống trị của giai cấp tư sản), các chính phủ
trước tiên phải tiêu diệt sự thống trị độc tài của tư bản đối với lao động, tức
là tiêu diệt cơ sở của sự tồn tại ăn bám của các chính phủ ấy”[15].
Thứ
ba, chủ nghĩa Mác đã chỉ ra chức năng, nhiệm vụ cơ bản của chuyên chính vô sản.
Sau
khi giành được quyền lực, giai cấp vô sản sử dụng quyền lực chính trị của mình
để trấn áp sự phản kháng của các thế lực chống đối bên trong và bên ngoài, bảo
vệ thành quả cách mạng, tổ chức xây dựng một xã hội mới. Việc sử dụng chuyên
chính vô sản để trấn áp sự phản kháng của
các thế lực chống đối bên trong và bên ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng là
cần thiết trong tiến trình thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân khi
xã hội còn mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp. Vì vậy, nhiệm vụ của
chuyên chính vô sản là “dùng sự thống trị chính trị của mình để từng bước một
đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản, để tập trung tất cả những
công cụ sản xuất vào trong tay nhà nước, tức là trong tay giai cấp vô sản… và
để tăng thật nhanh số lượng những lực lượng sản xuất”[16],
“dùng bạo lực tiêu diệt những quan hệ sản xuất cũ”[17].
Đồng thời, tiến hành xây dựng một xã hội mới, dân chủ, công bằng mà giai đoạn đầu của của nó là chủ nghĩa xã
hội, không thể bỏ được nhà nước và pháp luật, với sự phát triển của sức
sản xuất đòi hỏi xã hội phải thực hiện phân phối theo nguyên tắc: “Quyền của
người sản xuất là tỷ lệ với lao động
mà người ấy đã cung cấp; sự ngang nhau là ở chỗ người ta đo bằng một thước đo như
nhau, tức là bằng lao động”[18].
Đây là một chức năng rất cơ bản của chuyên chính vô sản đánh dấu sự tiêu diệt
bọn bóc lột, mọi công dân đều tham gia lao động, đều có quyền làm việc và có
quyền hưởng thụ lao động của mình. Theo C.Mác: “Trong một giai đoạn cao hơn của
xã hội cộng sản chủ nghĩa, khi mà sự phụ thuộc có tính chất nô dịch của con
người vào sự phân công lao động của họ không còn nữa và cùng với nó, sự đối lập
giữa lao động trí óc với lao động chân tay cũng không còn nữa; khi mà lao động
trở thành không những là một phương tiện để sinh sống mà bản thân nó còn là một
nhu cầu bậc nhất của đời sống; khi mà cùng với sự phát triển toàn diện của các
cá nhân, sức sản xuất của họ cũng ngày càng tăng lên và tất cả các nguồn của
cải xã hội đều tuôn ra dồi dào - chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẳn ra
khỏi giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản và xã hội mới có thể ghi trên lá
cờ của mình: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu!”4.
Thứ tư, chủ nghĩa Mác đã chỉ ra tính đặc trưng của chuyên chính vô sản là
“nhà nước nửa nhà nước”, tiến tới
xây dựng một xã hội không còn giai cấp, nhà nước. Chủ nghĩa Mác đã chỉ ra chuyên chính
vô sản không phải là hình thái nhà nước tuyệt đích mà nhân loại phải đạt tới,
mà là hình thức “nhà nước nửa nhà nước”, nhà nước quá độ để giai cấp công nhân
thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình: giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội,
giải phóng con người, xây dựng một xã hội không còn giai cấp, nhà nước. Tư
tưởng về “nhà nước nửa nhà nước” liên tục được C.Mác và Ph.Ăngghen bổ sung,
phát triển trong một thời gian dài. Trong tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học”
(1847), C.Mác viết: “Trong quá trình phát triển
của nó, giai cấp công nhân sẽ thay thế xã hội tư sản cũ bằng một tổ chức liên
hiệp, tổ chức liên hiệp này sẽ loại bỏ các giai cấp và sự đối kháng giai cấp,
và sẽ không còn có chính quyền theo đúng nghĩa của chữ ấy nữa”1 và “Chỉ
có ở trong một chế độ không còn giai cấp và đối kháng giai cấp nữa thì những sự
tiến hoá xã hội mới không còn là những cuộc cách mạng chính trị nữa”2. Ở Điều 1, Điều lệ Liên đoàn những
người Cộng sản (1847), C.Mác và Ph.Ăngghen đề cập “Mục đích của Liên đoàn là:
lật đổ giai cấp tư sản, lập nền thống trị của giai cấp vô sản, tiêu diệt xã hội
cũ, tư sản, dựa trên sự đối kháng giai cấp, và xây dựng một xã hội mới không có
giai cấp và không có chế độ tư hữu”3.
Đến năm 1848, trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, hai Ông tiếp tục chỉ rõ:
“giai cấp vô sản... với tư cách là giai cấp thống trị, nó dùng bạo lực tiêu
diệt những quan hệ sản xuất cũ, thì đồng thời với việc tiêu diệt những quan hệ
sản xuất ấy, nó cũng tiêu diệt luôn cả những điều kiện tồn tại của sự đối kháng
giai cấp, nó tiêu diệt các giai cấp nói chung và cũng do đấy, tiêu diệt cả sự
thống trị của chính nó với tư cách là một giai cấp”4. “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản
không phải là xoá bỏ chế độ sở hữu nói
chung mà là xoá bỏ chế độ sở hữu tư sản”5. Vào năm 1850, trong tác phẩm “Đấu
tranh giai cấp ở Pháp 1848 - 1850”, C.Mác đã chỉ rõ: “chuyên chính giai cấp của
giai cấp vô sản, coi đó là giai đoạn quá độ tất yếu để đi đến xoá bỏ những sự
khác biệt giai cấp nói chung, xoá bỏ tất cả những quan hệ sản xuất làm cơ sở
cho những sự khác biệt ấy, xoá bỏ tất cả những mối quan hệ xã hội thích ứng với
những quan hệ sản xuất đó, để đi đến cải biến tất cả những tư tưởng nảy sinh ra
từ những quan hệ xã hội đó”6. Năm
1852, trong “Thư gửi cho Vâyđơmaiơ”, C.Mác tiếp tục khẳng định: “bản thân nền
chuyên chính này (chuyên chính vô sản) chỉ là sự quá độ tiến tới xoá bỏ mọi
giai cấp và tới xã hội không có giai cấp”7.
2. Sau khi
C.Mác và Ph.Ăngghen mất, tư tưởng của Hai Ông về chuyên chính vô sản, liên tục
bị các thế lực chống đối chủ nghĩa Mác tấn công, phủ nhận. Trong bối cảnh đó,
V.I.Lênin là một lãnh tụ xuất sắc trong đấu tranh, bảo vệ và phát triển tư
tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về chuyên chính vô sản, xây dựng hệ thống chuyên
chính vô sản. V.I.Lênin đã cùng Đảng Cộng sản (b) Nga lãnh đạo Cách mạng xã hội
chủ nghĩa tháng Mười thắng lợi, tiến hành xây dựng nhà nước chuyên chính vô
sản, hệ thống chuyên chính vô sản hiện thực đầu tiên trên thế giới. V.I.Lênin
là người đầu tiên đưa ra quan niệm “Hệ thống chuyên chính vô sản” vào năm 1920.
Trong bài “Diễn văn tại phiên họp liên tịch giữa các đảng viên Đảng Cộng sản
(b) Nga dự Đại hội VIII các Xô viết, các đảng viên trong Hội đồng Trung ương
các công đoàn toàn Nga và trong Hội đồng các công đoàn thành phố Mátxcơva ngày
30 tháng Chạp 1920”, Người viết: “Trong hệ thống chuyên chính vô sản, công đoàn
có một vị trí ở giữa đảng và chính quyền nhà nước, nếu ta có thể nói như vậy
được”[19].
Hệ thống đó là một hệ thống cơ cấu tổ chức bao gồm: Đảng, bộ máy chính quyền Xô
viết và một số đoàn thể như: công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ và hội nông
dân... do Đảng cộng sản lãnh đạo. Và theo V.I.Lênin: “Trong thời kỳ quá độ tiến
lên chủ nghĩa xã hội chuyên chính vô sản là không thể tránh được, nhưng nền
chuyên chính đó không phải do tổ chức bao gồm hết thảy công nhân công nghiệp
đứng ra thực hiện”[20].
Để phát huy vai trò của hệ thống chuyên chính vô sản, theo V.I.Lênin phải xây
dựng được một Đảng thực sự tín nhiệm của tất cả những phần tử trung thực trong
giai cấp, Đảng phải có cương lĩnh chính trị, đường lối chiến lược, sách lược
đúng đắn, giữ vững bản chất giai cấp công nhân, thường xuyên liên hệ mật thiết
với quần chúng; xây dựng Nhà nước Xô viết vững mạnh, phát huy vai trò của Nhà
nước trong quản lý xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản; phân định rõ chức
năng, nhiệm vụ giữa Đảng Cộng sản (b) với Nhà nước Xô viết. Đồng thời, phát huy
tốt vai trò của tổ chức công đoàn và tổ chức chính trị - xã hội khác như đoàn
thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân… vững mạnh, bảo đảm cho hệ thống chính trị
vận hành đồng bộ, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy cao độ quyền làm chủ
của nhân dân lao động. Quan điểm của V.I.Lênin về hệ thống chuyên chính vô sản
là sự phát triển sáng tạo quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen về chuyên chính vô
sản vào tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở nước Nga lúc bấy giờ và Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa ở
Đông Âu sau này.
3. Ngay những năm 20, đầu những năm 30
của thế kỷ XX, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam
đã tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin về chuyên
chính vô sản vào thực tiễn cách mạng nước ta; đã sớm xác định đúng đắn con
đường, mục tiêu, bước đi của cách mạng Việt Nam: là con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân
khỏi áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc và phong kiến, thiết lập chuyên chính
vô sản; giải quyết vấn đề đó dựa trên nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác -
Lênin để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có
con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[21], trong đó “giai cấp công nhân phải
lãnh đạo nhân dân lao động làm cách mạng đánh đổ chính quyền của giai cấp bóc
lột, thiết lập chuyên chính vô sản”[22].
Tiến trình “cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước. Bước thứ nhất là đánh đổ
đế quốc, đánh đổ phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị
và kinh tế dân chủ mới... Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là
giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản”[23].
Để thực hiện được vấn đề đó phải giác ngộ, tập hợp, tổ chức dân chúng thành lực
lượng cách mạng to lớn, sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân đứng
lên đấu tranh đánh đuổi đế quốc, lật đổ chế độ phong kiến, giành chính quyền về
tay nhân dân và bảo vệ chính quyền nhân dân. Hồ Chí Minh không những chỉ rõ
phương pháp cách mạng là sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng, mà Người còn
chỉ rõ mục đích sử dụng bạo lực cách mạng để giành lấy chính quyền, bảo vệ
chính quyền, tổ chức xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa thì mới giành được
thắng lợi hoàn toàn. Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ
chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy
chính quyền và bảo vệ chính quyền”[24],
“cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa
thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”[25].
Sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng nhân dân được tổ chức, dưới sự lãnh
đạo của chính đảng Đảng cách mạng của giai cấp công nhân là phương pháp tất yếu
để cách mạng Việt Nam đạt đến mục đích giành lại độc lập dân tộc, xây dựng chủ
nghĩa xã hội - đó cũng chính là mục đích đích, nhiệm vụ cốt lõi của chuyên
chính vô sản.
Thực tiễn đã chứng minh sự vận dụng lý luận chủ nghĩa
Mác - Lênin về chuyên chính vô sản của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực
tiễn cách mạng Việt Nam là đúng đắn, sáng tạo, nhờ có con đường, phương pháp
cách mạng đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã
hoàn thành thắng lợi cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giành chính quyền về
tay nhân dân, xây dựng nên nhà nước kiểu mới: “Nhà nước... nằm trong tay
nhân dân chống đế quốc và phong kiến. Tính chất nó là nhân dân dân chủ
chuyên chính… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các giai cấp ấy đoàn kết lại, bầu
ra chính phủ của mình. Đối với nội bộ nhân dân thì thực hành dân chủ.
Đối với đế quốc, phong kiến và lũ phản động, thì thực hành chuyên chính
chống lại chúng, đàn áp chúng… lấy công nông liên minh làm nền tảng,
đoàn kết các giai cấp dân chủ và các dân tộc trong nước, để thực hành dân chủ
chuyên chính”[26].
Trong suốt quá trình
lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiếp thu, vận dụng và phát triển
sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chuyên chính vô sản vào
xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản - hệ thống chính trị ở nước ta. Trong bối
cảnh mới, tại Hội nghị Trung ương 6 - Khoá VI (tháng 3 năm 1989), lần đầu tiên
Đảng ta đã sử dụng thuật ngữ: “Hệ thống chính trị” xã hội chủ nghĩa thay cho
thuật ngữ “chuyên chính vô sản”. Theo đó: Đổi mới tổ chức và phương thức hoạt
động của hệ thống chính trị là nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu
lực quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, có nghĩa là tăng cường sức mạnh và hiệu lực của
chuyên chính vô sản, làm cho các tổ chức trong hệ thống chính
trị hoạt động năng động và có hiệu quả hơn. Xây dựng hệ thống chính trị xã hội
chủ nghĩa ở nước ta vững mạnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam,
chính là xây dựng trụ cột của nền chính trị xã hội chủ nghĩa, bao gồm xây dựng
Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thực sự là người lãnh đạo, người
đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam
xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ
chức chính trị - xã hội thực sự đại diện cho lợi ích, quyền làm chủ của nhân dân,
hướng đến mục đích: Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị... là
nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm
quyền lực thuộc về nhân dân. Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng
Hồ Chí Minh về chuyên chính vô sản vào xây dựng hệ thống chính trị ở nước ta,
trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện phát, ban
hành nhiều nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và nâng
cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đổi mới tổ chức và
phương thức hoạt động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính
trị - xã hội. Nhờ đó, công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá
đất nước đã thu được nhiều thành tựu quan trọng, đó là một minh chứng cho sự
thắng lợi của chuyên chính vô sản, của hệ thống chính trị trong thực hiện chức
năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời còn là một biện pháp bảo vệ lý luận chủ
nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chuyên chính vô sản thuyết phục nhất
trước sự tấn công của các thế lực thù địch./.
V. T
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1995, tr. 628.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1993, tr. 48.
[3] Sđd, Tập 7, tr. 126.
[4] Sđd, Tập 4, tr. 628.
[5] Sđd, Tập 4, tr. 615.
[6] Sđd, Tập 4, tr. 732.
[7] Sđd, Tập 4, tr. 611.
[8] Sđd, Tập 4, tr. 623 - 624.
[9] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1993, tr. 810.
[10] Sđd, Tập 4, tr. 613.
[11] Sđd, Tập 4, tr. 257 - 258.
[12] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1994, tr. 454.
[13] Sđd, Tập 17, tr. 449.
[14] Sđd, Tập 17, tr. 461.
[15] Sđd, Tập 17, tr. 481.
[16] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1995, tr. 626.
[17] Sđd, Tập 4, tr. 628.
[18] Sđd, Tập 19, tr. 34 - 35.
4
Sđd, Tập 19, tr. 34 - 36.
1 Sđd, Tập 4, tr. 257- 258.
2 Sđd, Tập 4, tr. 258.
3 Sđd, Tập 4, tr. 732.
4 Sđd, Tập 4, tr. 628.
5
Sđd, Tập 4, tr. 615.
6 C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
1993, tr. 126.
7
Sđd, Tập 8, tr. 810.
[19] V.I.Lênin toàn tập, Tập 42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2005, tr. 250.
[20] V.I.Lênin toàn tập, Sđd, Tập 42, tr. 250.
[21] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 30.
[22] Sđd, Tập 15, tr. 114.
[23] Sđd, Tập 8, tr. 254.
[24] Sđd, Tập 15, tr. 391.
[25] Sđd, Tập 15, tr. 392.
[26] Sđd, Tập 8, tr. 262.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét