Thứ Hai, 25 tháng 1, 2021

BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM HIỆN NAY

 

 

 

Lịch sử nhân loại đã từng có không ít các cuộc cách mạng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội, song Cách mạng tháng Mười Nga 1917 là cột mốc đánh dấu thời kỳ đấu tranh cách mạng mới vì những mục tiêu của thời đại là hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Nó có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội loài người nói chung, đối với các đảng cộng sản và phong trào công nhân tiến bộ trên trên thế giới nói riêng. 

Từ sau Cách mạng tháng Mười Nga, phong trào cách mạng ở mỗi nước (trong đó có Việt Nam) trở thành một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam cũng chính từ bản Luận cương của V.I.Lênin “Về vấn đề dân tộc và dân tộc thuộc địa”. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người đã trích câu nói của V.I.Lênin: ”Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”1. Từ kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng Bônsêvích Nga trong đấu tranh giành chính quyền, Người đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đủ các điều kiện để thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam dựa trên các nguyên tắc xây dựng đảng kiểu mới của V.I.Lênin. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng đã khẳng định đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình cách mạng Việt Nam. Vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng của Cách mạng tháng Mười, Đảng ta đã xác định trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải tiến hành thắng lợi công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Để cho chiến lược đó thành công, đòi hỏi phải có sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, trong đó sự lãnh đạo của Đảng vô cùng quan trọng. Vì vậy, Đảng ta phải là một Đảng vững mạnh và luôn tỏ rõ được vai trò của mình trong mọi biến cố của cách mạng. Đảng phải giữ vững được nền móng tư tưởng của mình làm kim chỉ nam cho mọi hành động.

Với mục tiêu trên và trước một thực tế nước ta là một nước đang phát triển, nền khoa học kỹ thuật còn thấp kém, trình độ tổ chức kinh tế chưa cao, cơ sở vật chất còn nghèo nàn... để khắc phục những khó khăn đó và tranh thủ những thuận lợi từ bên ngoài thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đã chủ động hội nhập nền kinh tế thế giới. Hội nhập quốc tế giúp chúng ta có thể tranh thủ tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở tất cả các nước thành viên với mức thuế xuất nhập khẩu được cắt giảm, tiếp thu nền khoa học kỹ thuật tiên tiến và trình độ quản lý kinh tế, vốn đầu tư theo các nghị định thư gia nhập của các nước này. Chúng ta có được vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong việc hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn. Tuy nhiên, kết quả đấu tranh còn tuỳ thuộc vào thế và lực, vào khả năng tập hợp lực lượng và năng lực quản lý điều hành của ta. Quá trình hội nhập còn tạo điều kiện cho chúng ta triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại theo phương châm “… chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”1.

Mặt khác, thì chúng ta cần nhận thức đầy đủ những thách thức lớn phải đối đầu trong quá trình hội nhập quốc tế. Đó là, sự tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt chúng coi trọng việc xoá bỏ nền móng tư tưởng của Đảng, làm cho chúng ta dần dần xa rời, đi đến từ bỏ các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Song, với tinh thần Cách mạng tháng Mười và sự vận dụng sáng tạo của Đảng vào điều kiện cụ thể của nước ta trong tình hình mới, để phát huy những tác động thuận lợi và ngăn chặn, khắc phục những tác động bất lợi đối với cách mạng nước ta, Đảng đã xác định: vừa hợp tác vừa đấu tranh, nhằm giữ vững nền móng tư tưởng của mình trong quá trình hội nhập và để nền móng đó tiếp tục phát huy vai trò là kim chỉ nam cho mọi hành ðộng của Ðảng.

Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu trong những năm thập kỷ 80, 90 của thế kỷ XX, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Đó vừa là tư tưởng, tình cảm, vừa là sự lựa chọn cách thức, bước đi phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng để từng bước hiện thực hóa con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn - con đường Cách mạng tháng Mười Nga. Để giữ vững nền móng tư tưởng trong quá trình hội nhập, Đảng cần phải làm tốt một số nội dung cơ bản sau:

Trước hết, phải nâng cao trí tuệ, trình độ lý luận và vai trò lãnh đạo thực tiễn trong quá trình hội nhập, để giữ vững nền móng tư tưởng của mình.

Đảng ta là đảng cầm quyền, có vai trò lãnh đạo mọi lĩnh vực của đời sống xã hội nước ta. Vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên của đảng phải thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác tốt. Nhằm xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh, đủ khả năng lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua mọi biến của lịch sử.

Từ khi Đảng ta ra đời đã lãnh đạo cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, Đảng đã thể hiện được vai trò to lớn ấy. Song, trước những biến động lớn của thế giới như, sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, những thành tựu to lớn do khoa học công nghệ hiện đại đem lại và xu hướng phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập, hợp tác quốc tế; Để giữ vững vai trò lãnh đạo của mình thì Đảng phải tăng cường nâng cao năng lực, trình độ và năng lực lý luận.

Có lý luận tiên phong và năng lực, trình độ, trí tuệ cao là yêu cầu cơ bản của một đảng tiên phong. Khi điều kiện cách mạng đã chuyển giai đoạn thì đảng phải tự nâng mình lên ngang tầm với những yêu cầu mới. Chúng ta ra hội nhập quốc tế nhằm tranh thủ thời cơ thuận lợi phát triển kinh tế xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng chúng ta cũng phải đương đầu với vô vàn lực cản từ nhiều phía, từ phía kẻ thù bên ngoài và từ chính những hạn chế yếu kém về năng lực hoạt động thực tiễn của Đảng, nguyên nhân là do sự thấp kém về trình độ trí tuệ, trình độ lý luận của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong Diễn văn khai mạc lớp học lý luận Khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng”1. Thực tế hiện nay khẳng định nếu thiếu trí tuệ khoa học tiên tiến, không biết vận dụng các quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào hoạt động thực tiễn thì không có khả năng thực hiện được mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trí tuệ cần có của một đảng văn minh là trí tuệ tổng hợp. Theo V.I.Lênin, người đảng viên cộng sản chỉ thành người cộng sản chân chính khi biết thâu tóm toàn bộ tri thức nhân loại. Trước sự phát triển dân trí của toàn xã hội và những vấn đề phức tạp của thực tiễn hiện nay, đòi hỏi cán bộ, đảng viên của Đảng phải vươn lên về mọi mặt. Năng lực lý luận phải đủ sức đấu tranh, đánh bại các trào lưu phản động cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lạc hậu, cho nên chủ nghĩa xã hội sụp đổ. Đó là quan điểm hết sức sai lầm, thực chất chúng muốn xoá bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trong đó trọng tâm xoá bỏ học thuyết nền móng tư tưởng của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập Đảng và Nhà nước ta đã đánh giá rất cao vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với cách mạng Việt Nam, Người đã căn dặn: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”2. Theo Người, chủ nghĩa Mác - Lênin không những là cái cẩm nang thần kỳ, là kim chỉ nam mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng. Chúng ta phải kiên quyết giữ gìn, song trong điều kiện mới của đất nước và thế giới, thì chúng ta phải có bước bổ sung phát triển thêm, để cho các nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin có sức sống trong giai đoạn mới của cách mạng.

Thứ hai, mỗi cán bộ đảng viên phải trau dồi đạo đức cách mạng, đây là cơ sở để cho đảng vững mạnh về tư tưởng chính trị, đủ sức đề kháng với những sự lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch và sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường.

Để cho Đảng vững mạnh, thì mỗi cán bộ đảng viên phải phát triển toàn diện cả đức lẫn tài, trong đó đức là gốc của công việc, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính... Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”[1]. Việc trau dồi đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên đạt được kết quả đến mức nào, là tuỳ thuộc vào vai trò lãnh đạo của các tổ chức đảng trong việc giáo dục giá trị đạo đức cho họ. Bởi vì, tổ chức là phương thức tồn tại của con người. Tổ chức đảng mạnh là cơ sở đào luyện nên những con người tốt. Phát huy vai trò của các tổ chức đảng trong việc tăng cường giáo dục các giá trị đạo đức là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho mỗi cá nhân tự trau dồi đạo đức cách mạng, là yêu cầu nền tảng của mỗi con người sống trong cộng đồng xã hội. Yêu cầu đó càng trở nên cần thiết đối với cán bộ đảng viên trong tình hình mới hiện nay, song cùng với việc giáo dục của các tổ chức thì quá trình tự giác tu dưỡng, rèn luyện bền bỉ của mỗi cán bộ đảng viên là hai vấn đề thống nhất biện chứng để tạo nên đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[2]. Có đạo đức cách mạng trong sáng, sẽ tạo ra sức mạnh to lớn cho cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên mọi lĩnh vực, đặc biệt trong quá trình hội nhập nó tạo ra sức đề kháng với mọi cám dỗ của đồng tiền và sự lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch hòng làm tha hóa, biến chất về tư tưởng chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, đi đến không thừa nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ ba, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, chỉnh đốn đảng nhằm làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công và nhân dân lao động Việt Nam. Vì vậy, những vị trí, chức vụ chủ chốt trong các cơ quan chính quyền nhà nước được giao cho các đảng viên của Đảng lãnh đạo. Đây là điều kiện thuận lợi để cho Đảng phát huy vai trò tổ chức, lãnh đạo và thể hiện tính tiền phong gương mẫu của mình. Vai trò lãnh đạo của Đảng đã được thể hiện tốt trong những giai đoạn lịch sử của cách mạng, nhất là trong hơn ba mươi năm đổi mới vừa qua. Song, quá trình lãnh đạo cách mạng, trong đảng cũng xuất hiện một số cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, làm vẩn đục bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội, làm xói mòn uy tín của Đảng “… qua kiểm điểm của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp từ Trung ương đến cơ sở vẫn chưa làm rõ thực chất, mức độ nghiêm trọng của tình hình, xảy ra ở đâu, ai chịu trách nhiệm, như tình trạng suy thoái chính trị tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tình trạng chạy chức, chạy tội, tham nhũng, lợi ích nhóm…”[3].

Trước những biểu hiện sai trái trên, cùng với những sự tác động không có lợi trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, là mảnh đất tốt cho các thói hư, tật xấu nảy sinh như: tình trạng suy thoái về đạo đức, chạy theo lối sống hưởng lạc, sa đọa, vì đồng tiền; tệ quan liêu, ức hiếp nhân dân, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, cơ hội, dần dần từ bỏ các mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót đó, theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Thang thuốc hay nhất là thiết thực phê bình và tự phê bình”2. Phê bình để giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, mọi cán bộ, đảng viên tốt thì Đảng sẽ mạnh, nếu công tác tổ chức, kiểm tra của các tổ chức cơ sở đảng được duy trì thường xuyên và có chất lượng cao thì sẽ kịp thời phát hiện ra những việc làm sai trái, nhất là những biểu hiện thoái hóa biến chất. Để kịp thời phát hiện, khắc phục và hạn chế những sai phạm của cán bộ, đảng viên thì chúng ta phải làm tốt công tác kiểm tra, chỉnh đốn đảng, phải giữ vững các nguyên tắc sinh hoạt đảng, kiên quyết đấu tranh với những trường hợp sai phạm và các phần tử cơ hội xét lại cho rằng lý luận của chủ nghĩa  Mác - Lênin không còn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho nhân dân lao động tiến bộ trong thời đại ngày nay. Muốn đấu tranh có hiệu quả và giữ vững được nền tảng tư tưởng của mình, Đảng ta đã xác định, trong điều kiện mới thì phải có sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác trên con đường quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề do cuộc sống đặt ra, đúng như quan điểm của Đảng trong Đại hội XII đã xác định: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và của mỗi cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, vai trò tiền phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên”1./.

 V. T

 

 



1 Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 279.

1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 153.

1 Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 95.

2 Sđd, Tập 2, tr. 289.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 354.

[2] Sđd, Tập 11, tr. 612.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 184

2 Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 302.

1 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 199.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét