TTXVN
“Tôi mong muốn cuốn sách được phát hành hàng triệu bản và dịch ra đủ mọi thứ tiếng vì nó rất sinh động khi diễn tả về những sự kiện cực kỳ quan trọng, giúp hiểu thế nào là cách mạng vô sản, thế nào là chuyên chính vô sản”, đó là những lời bình của Vladimir Ilyich Lenin – lãnh tụ thiên tài của cách mạng tháng Mười Nga về ấn phẩm “Mười ngày rung chuyển thế giới”. Và người đã đến nước Nga, đến Cung điện mùa Đông để viết nên tác phẩm xuất sắc về cuộc cách mạng vĩ đại ấy là John Reed – một nhà báo Mỹ.
Nhà báo Mỹ mang tâm hồn người Cộng
sản
Nhà báo John Reed sinh ngày
22/10/1887 trong một gia đình khá giả ở thành phố Portland, thuộc bang Oregon của
Mỹ. Ngay từ khi còn nhỏ, John Reed luôn được gia đình cho học tại các ngôi trường
danh tiếng nhất. Năm 1910, sau khi tốt nghiệp đại học Harvard, John Reed đã có
dịp chu du tới nhiều miền đất lạ, gặp gỡ những con người xa lạ và tiếp cận với
nhiều nền văn hoá, dòng tư tưởng mới. Sức hút của những chuyến đi xa, sự thôi
thúc của một tâm hồn phóng khoáng, ưa giãi bày quan điểm, thích bùng nổ đã khiến
ông quyết định chọn nghề báo.
Và trong những tháng ngày tác
nghiệp, đặc biệt là trong những chuyến đi xa, như tới Mexico năm 1913 để viết về
các cuộc cách mạng nước này cho tờ Metropolitan Magazine, tới quảng trường
Madison Square Garden để viết về cuộc đình công của công nhân, hay tới Colorado
để viết về cuộc thảm sát Ludlow… đã khiến cho John Reed dần có những suy nghĩ về
giai cấp, về bóc lột, giàu nghèo… những tư tưởng của một người cộng sản mà bản
thân ông có lẽ cũng không tự ý thức được. Và con đường dẫn ông tới nước Nga, đến
với cách mạng tháng Mười cũng bắt đầu mở ra từ đấy.
Sự ra đời của “Mười ngày rung
chuyển thế giới”
John Reed đến Nga vào mùa hè năm
1917. Tại đây, ông đã được chứng kiến bước chuyển mình của xã hội Nga, báo trước
một cơn bão cách mạng đang tràn đến. Bên cạnh chính quyền của chính phủ lâm thời
giai cấp tư sản, có một chính quyền khác tồn tại song song của giai cấp công nhân,
nông dân và binh lính nước Nga với các Xô viết đại biểu.
Khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ
ra vào ngày 7/11/1917, John Reed đã thấy được sức mạnh của quần chúng công nông
binh dưới sự dẫn dắt và lãnh đạo của những người Bolshevik. Ông đã có mặt ở các
địa điểm nóng bỏng nhất, từ Cung điện Mùa đông ở thành Petrograd đến điện
Smol’nyi trong những ngày khởi nghĩa giành chính quyền và cả ở bên các chiến
lũy trên đường phố Moskva sục sôi cách mạng.
Có thể nói, những ngày sát cánh
bên các chiến sĩ Bolshevik, lần diện kiến Lênin, hay những lần bị chính quyền Mỹ
bắt giam… đã khiến những tư tưởng cộng sản, tư tưởng về cách mạng tháng Mười, về
cái lý của những người cộng sản, của giai cấp công nhân đứng lên giải phóng dân
tộc, giải phóng giai cấp thấm đẫm trong tâm hồn nhà báo – chiến sĩ John Reed.
Và, “Mười ngày rung chuyển thế giới” đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Xuất bản năm 1919 tại New York,
cuốn sách gồm 12 chương, diễn giải nguyên nhân dẫn đến cuộc Cách mạng Tháng Mười
Nga vĩ đại và quá trình diễn ra sự kiện lịch sử này. Mặc dù John Reed giới thiệu
với người đọc về cuộc cách mạng qua góc nhìn của một người ngoại quốc nhưng ông
đã đem đến cho độc giả một cảm nhận hết sức chân thực và toàn cảnh về cuộc cách
mạng vĩ đại ở nước Nga. Có thể nói, trong “Mười ngày rung chuyển thế giới”,
John Reed đã làm được đúng như những gì chính ông từng kì vọng, đó là: “Kể lại
lịch sử những ngày vĩ đại ấy bằng con mắt của một người ghi chép có lương tâm,
cố gắng ghi lại sự thật”.
Ngay sau khi xuất bản, “Mười
ngày rung chuyển thế giới” đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Và
cho tới nhiều thập kỷ sau, tác phẩm này vẫn được tạp chí New York Times xếp vào
danh sách “100 ấn phẩm báo chí xuất sắc nhất mọi thời đại”.
Lênin đã đánh giá rất cao cuốn
sách “Mười ngày rung chuyển thế giới”. Có thể nói, sự trân trọng của Lenin đối
với cuốn sách này cũng chính là sự trân trọng mà lãnh tụ Bolshevik dành cho tác
giả John Reed, một nhà báo Mỹ đã sống tại Nga trong những ngày sục sôi của Cách
mạng Tháng Mười để có những trang viết rất chân thực, sâu sắc và xúc động về sự
kiện này. Chính vì điều đó, sau khi qua đời vào ngày 17/10/1920, thi hài ông được
vinh dự mai táng gần chân tường điện Kremlin của Moskva.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét