Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN, ĐẨY LÙI SỰ SUY THOÁI VỀ ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

DMH

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống là nguyên nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần thường xuyên quan tâm chăm lo công tác cán bộ; tăng cường kiểm tra, giám sát; mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình, trong rèn luyện đạo đức, lối sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi công tác xây dựng đảng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên là vấn đề then chốt, sống còn có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại, phát triển của Đảng. Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh ngang tầm với sự lãnh đạo. Tuy nhiên, ngày nay, một bộ phận cán bộ, đảng viên không giữ được phẩm chất, bản lĩnh của người đảng viên cộng sản, suy thoái về đạo đức, lối sống. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn… Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường”.

Biểu hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống là cá nhân chủ nghĩa; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình cơ quan, đơn vị mình; vi phạm thuần phong, mỹ tục, đạo đức gia đình và xã hội…

Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của sự suy thoái về đạo đức, lối sống trước hết là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững, hoang mang dao động; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận trước Đảng và nhân dân. Đồng thời, các tổ chức đảng chưa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong bồi dưỡng, giáo dục quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

Một là, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên với coi trọng khắc phục chủ nghĩa cá nhân.

Trên cơ sở nhận thức đúng, nắm vững nội dung Nghị quyết, cấp ủy các cấp nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp, đánh giá đúng thực tế, nhận diện và chỉ ra những biểu hiện cụ thể ở từng cán bộ, đảng viên, bảo đảm rõ từng nội dung, hình thức, bước đi, biết lựa chọn vấn đề trọng tâm, tránh dàn trải. Đây là một biện pháp thiết thực, hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải “tự giáo dục là chính”; phải giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội, bảo đảm hài hòa lợi ích tập thể và cá nhân. Nếu mỗi cá nhân thiếu bản lĩnh chính trị, không tự giải quyết hài hòa các mối quan hệ, sẽ dễ bị lôi cuốn vào vun vén cá nhân, bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, mua chuộc làm phai nhạt mục tiêu lý tưởng cách mạng, suy thoái về đạo đức, lối sống.

Mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tính tự giác trong rèn luyện, luôn cầu tiến bộ; biết học tập ở mọi lúc, mọi nơi; có ý thức kiên trì rèn luyện thói quen, phương pháp làm việc khoa học, nghiêm túc, cụ thể, tỷ mỷ. Biết tự đánh giá bản thân để lựa chọn con đường, biện pháp rèn luyện phù hợp; có thái độ nghiêm khắc trong tự phê bình, lắng nghe ý kiến nhận xét của quần chúng, cấp trên, cấp dưới về bản thân mình. Tích cực chủ động phát huy ưu điểm, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm để không ngừng tự hoàn thiện bản thân…

Ở cương vị công tác nào, mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải tự giác, tích cực rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, phong cách lãnh đạo; thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; kết hợp chặt chẽ giữa công tác quản lý, giáo dục của tổ chức với ý thức tự giác, tự học, tự rèn của mỗi cá nhân.

Hai là, bằng hành động cụ thể, thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Nội dung giáo dục tập trung nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, nhiệm vụ cách mạng, truyền thống của Đảng, dân tộc; những thuận lợi, khó khăn, thách thức của thời kỳ đổi mới, quá trình hội nhập quốc tế; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch... Xây dựng cho cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm, kỹ năng chắt lọc xử lý thông tin.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chú trọng tuyên truyền nêu gương “người tốt, việc tốt”; lấy nhân tố tích cực đẩy lùi tiêu cực; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống… Đồng thời, hướng dẫn việc giám sát, đánh giá mức độ chuyển biến tiến bộ của tập thể, cá nhân. Xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, cấp trên nêu gương cho cấp dưới, người đứng đầu làm trước và phải thật sự mẫu mực để cho mọi người noi theo. Mặt khác, phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, mà nguyên nhân chủ yếu là do sự suy thoái, biến chất về đạo đức, lối sống của bộ phận cán bộ đảng viên vẫn còn là bài học nóng hổi. Bài học đó được Đảng ta sớm cảnh báo và có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, kiên quyết đấu tranh, phòng, chống với những biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống.

Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng phải được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, đạt hiệu quả thiết thực. Công tác kiểm tra, giám sát toàn diện cả tư tưởng chính trị, phẩm chất năng lực công tác, đạo đức, lối sống và kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao... Cần phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, tổ chức trong tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng, nhất là vai trò của cơ quan, ủy ban kiểm tra của cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, quần chúng đối với cán bộ, đảng viên; gắn kiểm tra, giám sát với thi hành kỷ luật Đảng; kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm, những tổ chức đảng yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ.

Sự suy thoái về đạo đức, lối sống là nguyên nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần thường xuyên quan tâm chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát; mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tự phê bình và phê bình, trong rèn luyện đạo đức, lối sống, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét