Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

TÍNH TẤT YẾU CỦA ĐẤU TRANH LÝ LUẬN Ở NƯỚC TA HIỆN NAY


                                          Trinh Văn
 Công cuộc đổi mới của nước ta đến nay đã bước sang năm thứ 27. Dưới sự lãnh đạo của Đảng công sản Việt Nam, chúng ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, góp phần đưa nước ta lên vị thế mới trên chính trường quốc tế. Tuy nhiên, quá trình đổi mới của Việt Nam cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần phải giải quyết. Một trong những vấn đề cấp bách cần phải giải quyết trong tình hình hiện nay là ĐTLL. Điều này xuất phát từ cả vai trò của lý luận và thực tiễn cách mạng của nước ta và thể hiện cụ thể như sau:

1. Xuất phát từ vai trò của lý luận
Lý luận có vai trò vô cùng to lớn đối với cách mạng xã hội bởi: 
Một là, lý luận soi đường, dẫn dắt, chỉ đạo cách mạng. Trong quá trình cách mạng xã hội, bất cứ giai cấp nào muốn thu được thắng lợi, giữ được vị trí thống trị và lãnh đạo xã hội đều cần có một học thuyết, một cơ sở lý luận chứng minh cho tính đúng đắn, hợp lý của những mục tiêu, lý tưởng mà giai cấp mình theo đuổi, từ đó thống nhất về ý chí, về tổ chức để có thể tập trung toàn bộ lực lượng vật chất tiến hành cuộc đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Do đó, trong mọi thời kỳ cách mạng xã hội đều cần những nhà khai sáng, những nhà lý luận, những nhà tư tưởng tiến hành công tác lý luận và công tác tư tưởng phục vụ cho cuộc cách mạng đó.
Là một trong những lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp vô sản, đồng thời là một nhà lý luận thiên tài, nhà tư tưởng sáng suốt, nhà tổ chức thực tiễn năng động, sáng tạo, V. I. Lênin đã hết sức coi trọng vai trò của lý luận trong sự nghiệp cách mạng XHCN và xây dựng CNXH. Người coi lý luận cách mạng là một điều kiện cần của quá trình cách mạng, vì “Không có lý luận thì xu hướng cách mạng mất quyền tồn tại và sớm hay muộn, nhất định sẽ rơi vào tình trạng phá sản về chính trị”[1] và “Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”[2]. Điều đó cho thấy, nhờ có lý luận khoa học, đúng đắn soi đường, dẫn dắt nên hoạt động thực tiễn cách mạng của con người bớt mò mẫm, bớt tự phát, tránh được những chệch hướng có thế xảy ra. Trên cơ sở  lý luận đó hoạt động thực tiễn của con người luôn có định hướng rõ ràng. Bởi vậy, lý luận khoa học, cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò soi đường, dẫn dắt chỉ đạo thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nó vạch ra phương hướng, biện pháp cho nhân dân Việt Nam thực hiện nhằm xây dựng XHCN vì mục tiêu, lý tưởng ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Cách mạng XHCN là quá trình hoạt động tự giác của hàng triệu quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm giải quyết hàng loạt nhiệm vụ cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới đầy khó khăn phức tạp. Vì thế, để thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ thực tiễn đó và tránh những sai lầm, vấp váp dễ phạm phải, cần có sự chỉ dẫn của lý luận khoa học. Đối với bất cứ vấn đề lớn hay nhỏ, nếu chưa làm sáng tỏ về lý luận thì khi đi vào hoạt động thực tiễn cụ thể sẽ gặp lúng túng, thậm chí bế tắc, lúc đó dù muốn hay không cũng phải trở lại xem xét quan điểm lý luận.
Hai là, lý luận khoa học, đúng đắn có vai trò to lớn trong việc giáo dục, thuyết phục, động viên, tập hợp quần chúng để tạo thành một phong trào thực tiễn rộng lớn nhằm cải tạo hiện thực khách quan hiệu quả. Nói cách khác, lý luận khoa học, đúng đắn khi đã thâm nhập vào quần chúng nhân dân sẽ giúp cho quần chúng nhân dân hiểu thực chất vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đòi hỏi. Khi hiểu đúng vấn đề, quần chúng nhân dân mới tin và từ niềm tin đó họ sẽ hành động cách mạng, cải tạo thực tiễn xã hội, phục vụ cho mục đích tiến bộ xã hội. Vì vậy, C. Mác đã khẳng định: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất một khi nó xâm nhập vào quần chúng”[3]. 
 Ba là, lý luận bắt nguồn từ thực tiễn, phản ánh khái quát những vấn đề sinh động của thực tiễn. Nó bị thực tiễn quy định, nó phụ thuộc vào thực tiễn, nhưng lý luận có tính độc lập tương đối so với thực tiễn, do vậy nó có thể vượt trước thực tiễn, góp phần định hướng cho thực tiễn. Đặc biệt là lý luận khoa học, đúng đắn do phản ánh được quy luật vận động, phát triển của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định nên nó có thể dự kiến được xu hướng biến đổi, phát triển của xã hội, dự báo được những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng CNXH, v.v.. Vì vậy, cách mạng xã hội của nước ta phải luôn luôn được chỉ đạo bởi lý luận khoa học. 
Ý thức được vai trò to lớn của lý luận đối với thực tiễn phát triển đất nước, các nhà lãnh đạo trong mọi thời đại đều quan tâm đến việc khái quát lý luận, đổi mới lý luận cho phù hợp với cuộc sống, không thể gò thực tiễn sinh động theo lý luận của ngày hôm qua. Đây là công việc không bao giờ kết thúc, nó đòi hỏi sự đóng góp lâu dài, liên tục của đội ngũ đông đảo các nhà lý luận. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng, xây dựng lý luận, tạo ra một lý thuyết khoa học không bao giờ là mục đích tự thân. Nói cụ thể hơn, đằng sau lý luận là lợi ích của giai cấp hay nhóm người, tập đoàn người nào đó. Chính V. I. Lênin đã từng khẳng định về vấn đề này: “không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không làm công tác lý luận nói trên, cũng như không thể là một nhà lãnh đạo tư tưởng mà lại không hướng công tác đó theo những nhu cầu của sự nghiệp, mà lại không tuyên truyền trong công nhân những kết luận của lý luận đó và không giúp đỡ họ tổ chức nhau lại”[4]. Vì những lợi ích giai cấp, dân tộc, hay nhóm người, tập đoàn người nào đó nên kết quả của tri thức, của lý luận của các chủ thể khác nhau cũng khác nhau. Nói cách khác, không phải mọi sản phẩm lý luận đều mang tính khoa học, đều phản ánh được mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, có rất nhiều các thế lực thù địch đang tìm mọi cách phủ định thành quả cách mạng của Đảng cộng sản và nhân dân lao động của nước ta. Trước tình hình phức tạp của thời đại, khi tiến hành công tác nghiên cứu lý luận phải kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, có căn cứ khoa học và đủ sức thuyết phục với tất cả những quan điểm lý luận không khoa học. V. I. Lênin đã từng chỉ đạo: “nhiệm vụ lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác là đả phá sự giả dối”, “chống lại những sự công khích vô căn cứ và những mưu toan bóp méo lý luận”[5] để “bảo vệ khỏi sự xuyên tạc và phát triển hơn nữa hệ tư tưởng của giai cấp vô sản – học thuyết của CNXH khoa học, tức là chủ nghĩa Mác”[6].
2. Xuất phát từ những vấn đề đang đặt ra cho cách mạng Việt Nam hiện nay
 Thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề yêu cầu lý luận phải giải quyết. Lợi dụng những khó khăn, thách thức của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới, các thế lực phản động trong và ngoài nước đang tung ra nhiều luận điểm xuyên tạc đường lối cách mạng của Đảng và Nhà nước ta. Trước những vấn đề có tính sống còn của đất nước, của chế độ, chúng ta cần phải đấu tranh chống những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch và nó được biểu hiện cụ thể như sau:
Một là, sự chống phá của các thế lực thù địch về mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực đế quốc cho là “thời cơ” đã đến để xóa bỏ các nước XHCN khác còn lại. Do đó, họ đòi “lựa chọn lại” con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Các thế lực thù địch cho rằng không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ TBCN mà là phát triển CNTB dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giải quyết các vấn đề xã hội ở chừng mực nào đó, theo CNXH dân chủ. Chúng rêu rao rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường sai, không thể có CNXH. Họ tô hồng cho CNTB, rằng “CNTB đã thay đổi bản chất”, “CNTB có thể hội tụ với CNXH trong thời đại văn minh trí tuệ”.
Hai là, sự tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau khi chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, các thế lực thù địch và cơ hội ráo riết tiến hành chuẩn bị để dàn dựng kịch bản ấy ở Việt Nam. Một chiến dịch truyền bá các quan điểm thù địch, sai trái được tiến hành có bài bản, công phu, phối hợp chặt chẽ các lực lượng trong và ngoài nước. Trong đó, lực lượng bên ngoài làm chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần. Huy động nhiều phương tiện, tận dụng mọi cơ hội – đặc biệt nhân cơ hội góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiện nay, - với nhiều hình thức, biện pháp, nhiều mũi tiến công. Song chung quy lại, tất cả đều nhằm vào mục tiêu quan trọng nhất, quyết định nhất là gạt bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam.
Trước hết, họ cố chứng minh rằng “sự lãnh đạo duy nhất của một đảng là không dân chủ” là “độc tài”. Lôgíc của họ là lấy hiện tượng làm bản chất, cường điệu một số hiện tượng đơn lẻ có thực và có nguyên nhân cụ thể, biến nó thành phổ biến, tất yếu không tránh khỏi của cả hệ thống. Từ tệ quan liêu, tham nhũng, khiếu kiện kéo dài,… mà Đảng, Nhà nước và toàn dân đang ra sức đẩy lùi, họ suy thành “Đảng tham nhũng”, “Nhà nước tham nhũng”, “Nhà nước quan liêu”… Bất cứ một chủ trương, chính sách nào của Đảng ta nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN… dưới con mắt các phần từ cơ hội, thù địch đều có “vấn đề” cả, đều sai lầm, đầy mâu thuẫn và bế tắc. Do đó, cần phải thực hiện đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập.
Những vấn đề về biên giới với các nước láng giềng và vấn đề biển Đông cũng đang được các thế lực thù địch tận dụng mọi cơ hội để bôi nhọ, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng và khả năng quản lý của Nhà nước Việt Nam.
Ba là, tấn công vào phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các thế lực thù địch cho rằng, việc Đảng đưa ra định hướng XHCN là thừa, vô nghĩa. Chỉ cần đặt vấn đề xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh là đủ. Việt Nam tiến lên CNXH bỏ qua TBCN là điều kỳ quặc, trái quy luật. Họ cho rằng: đã kinh tế thị trường thì không có CNXH. Và “định hướng XHCN” là giáo điều, sách vở, xuất phát từ “định đề giai cấp” chứ không xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Do đó, phải bỏ “định hướng XHCN” mới phù hợp với thực tế đất nước và xu thế thời đại.
Bốn là, xuyên tạc tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam, phủ nhận những thành tựu to lớn của nhân dân ta trong quá trình đổi mới. Đồng thời, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của Nhà nước ta trong quá trình quản lý kinh tế, quản lý xã hội, coi tệ quan liêu, tham nhũng là khuyết tật không thể khắc phục được trong XHCN. Quy mọi yếu kém ở Việt Nam đều do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Năm là, các nước đế quốc và các thế lực phản động vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, cố tình đổi trắng thay đen, dựng lên chuyện Việt Nam đàn áp tôn giáo, kỳ thị dân tộc thiểu số. Sử dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền để kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở các vùng dân tộc thiểu số, kích động biểu tình, bạo loạn, gây mất ởn định chính trị - xã hội, phá hoại sự thống nhất dân tộc.
Ngoài ra, các thế lực thù địch luôn khoét sâu vào các vấn đề như: phân hóa giàu nghèo, chênh lệch thu nhập, mức sống của các tầng lớp dân cư thành thị và nông thôn, miền núi và miền xuôi, những tiêu cực, tệ nạn trong xã hội, vấn đề việc làm, giáo dục, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… tạo ra những bức xúc xã hội để tuyên truyền kích động trong nhân dân, làm giảm niền tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phá hoại sự đồng thuận trong xã hội.
Đối tượng mà các thế lực thù địch hướng tới lôi kéo, gây ảnh hưởng là tầng lớp văn nghệ sĩ, trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, những người bất mãn với chế độ. Do vậy, hiện nay ở nước ta có một số cán bộ, đảng viên, văn nghệ sĩ, thanh niên, sinh viên suy giảm lòng tin đối với CNXH, thiếu niền tin vào sự lãnh đạo của Đảng, hoang mang, dao động, mất phương hướng hoặc muốn đi theo hướng phát triển của  CNTB. Nguy hiểm hơn, do tác động của các quan điểm sai trái, thù địch mà một số cán bộ, đảng viên không chỉ dừng lại ở nhận thức mơ hồ, mất cảnh giác mà tính chiến đấu của họ cũng bị tê liệt, thậm chí một số trường hợp còn tham gia vào truyền bá, phát tán các tài liệu có quan điểm sai trái.
Mục đích của các thế lực thù địch đều nhằm mục tiêu làm cho đại bộ phận nhân dân Việt Nam nghi ngờ thành quả cách mạng trong quá khứ, nhìn vào thực tại xã hội thấy toàn tiêu cực, bất công, bế tắc, nhìn vào tương lai thì mờ mịt. Mọi bế tắc của xã hội đều do sự yếu kém trong quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sai lầm của Việt Nam khi lựa chọn con đường đi lên CNXH, reo rắc tâm lý hoàn nghi, bất bình âm ỷ trong xã hội. Tình trạng đó buộc người dân hình thành tâm lý trông chờ vào sự thay đổi về chính trị. Điều này vô cùng nguy hại cho chế độ và đất nước.
Trước vai trò to lớn của lý luận và những vấn đề đang đặt ra cho cách mạng Việt Nam cả trong lý luận và thực tiễn như chúng tôi vừa khái quát ở trên đã cho thấy, việc phải ĐTLL của nước ta hiện nay nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích dân tộc và an ninh quốc gia là một tất yếu khách quan. Trong cuộc đấu tranh này, không những phải làm thất bại âm mưu thâm độc, phá hoại của kẻ thù về tư tưởng, lý luận mà còn phải phát triển lý luận, giải đáp và hành động thực tiễn nhằm hiện thực hóa tư tưởng, lý luận về những vấn đề đang đặt ra cho thời đại hiện nay./.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét