Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

CÓ PHẢI NGÀY NAY GIAI CÂP CÔNG NHÂN ĐÃ MẤT VAI TRÒ SỨ MỆNH LỊCH SỬ, CHỈ CÓ TRÍ THỨC MỚI LÀ LỰC LƯỢNG TIÊN PHONG LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG


                                       Trung Tuyên
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là phạm trù cơ bản nhất của Chủ nghĩa xã hội khoa học. Phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là một trong những cống hiến vĩ đại nhất của chủ nghĩa Mác. Việc khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột trong cuộc đấu tranh từng bước xóa bỏ chủ nghĩa tư bản và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là lập trường chính trị của những người mácxít - lêninnít. Vì vậy, làm sáng tỏ và đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong bối cảnh hiện nay là vấn đề bức thiết cả về phương diện lý luận và thực tiễn.

Học thuyết C. Mác - Ph. Ăngghen về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là luận chứng khoa học về địa vị kinh tế - xã hội và vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, về những mục tiêu và con đường để giai cấp đó hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Học thuyết ấy chứng minh rằng, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân được quy định bởi những điều kiện kinh tế - xã hội khách quan, C. Mác - Ph. Ăngghen chỉ rõ: “Cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra những người đào huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”[1]. Nhận định về cng hiến của chủ nghĩa Mác, V. I. Lênin nhấn mạnh: Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa[2]. Từ trước đến nay, trong lịch sử phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin, vấn đề chủ yếu này luôn gặp phải sự chống phá quyết liệt của các thế lực chống cộng với nhiều màu sắc khác nhau.
Trong giai đoạn hiện nay, trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, người ta lại thấy không ít những luận thuyết, quan điểm khác nhau hòa trong một dàn “hợp xướng” tiến công chủ nghĩa Mác - Lênin, hy vọng có thể hạ bệ và thay thế chủ nghĩa Mác - Lênin. Những luận thuyết phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân lại được nở rộ ở nhiều nơi. Các lực lượng chống cộng lập luận rằng, C. Mác đã gắn cho giai cấp công nhân cái sứ mệnh mà nó không có chỉ bởi vì ông thương đó là giai cấp nghèo khổ; rằng, chủ nghĩa tư bản đã thay đổi về chất, đã trở thành “chủ nghĩa tư bản nhân dân”, nhà nước tư bản đã là “nhà nước phúc lợi chung”, nó không còn dựa trên sự bóc lột lao động làm thuê nữa; rằng, công nhân ở các nước tư bản không còn bị bóc lột nữa, địa vị của họ đã có sự thay đổi căn bản, cho nên không còn sứ mệnh lịch sử nữa. Theo họ, thời đại ngày nay là thời đại của nền “văn minh trí tuệ”, của “kinh tế tri thức”, do đó trí thức mới là lực lượng tiền phong, có vai trò lãnh đạo cách mạng. Thực chất của những quan điểm trên là sự biện hộ cho địa vị thống trị và bóc lột của giai cấp tư sản, biện hộ cho sự tồn tại “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản trên cơ sở phủ nhận vai trò lịch sử khách quan của giai cấp công nhân, phủ nhận tính tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Để làm rõ vấn đề này cần phải dựa trên cơ sở luận chứng địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân hiện nay gắn với việc làm sáng tỏ bản chất của chủ nghĩa tư bản hiện đại.
Phương pháp luận trong xem xét vai trò lịch sử của một giai cấp là phải dựa trên cơ sở địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp đó trong xã hội, chứ không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của bất kỳ một cá nhân hoặc một lực lượng xã hội nào. Trong lịch sử, chế độ tư bản chủ nghĩa đã từng chiến thắng chế độ phong kiến bởi vì giai cấp tư sản đại diện cho lực lượng sản xuất hiện đại, đại diện cho phương thức sản xuất mới, dựa trên nền đại công nghiệp, tiến bộ hơn hẳn phương thức sản xuất lạc hậu của chế độ phong kiến. Đối với giai cấp công nhân, “vấn đề là ở chỗ tìm hiểu xem giai cấp vô sản thực ra là gì, và phù hợp với tồn tại ấy của bản thân nó, giai cấp vô sản buộc phải làm gì về mặt lịch sử”[3].
Điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không phải giai cấp này là giai cấp nghèo khổ, mà điều quyết định là do địa vị kinh tế - xã hội của chính nó. Giai cấp công nhân là con đẻ của nền sản xuất công nghiệp hiện đại, là giai cấp gắn với lực lượng sản xuất tiên tiến nhất dưới chủ nghĩa tư bản. Với tính cách như vậy, giai cấp công nhân là lực lượng quyết định phá vỡ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Sau khi giành chính quyền, giai cấp công nhân đại biểu cho sự tiến hoá tất yếu của lịch sử, là người duy nhất có khả năng lãnh đạo xã hội xây dựng một phương thức sản xuất mới cao hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đó là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.
 Trong xã hội tư bản, các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp; trái lại, giai cấp công nhân là sản phẩm của nền đại công nghiệp, được nền công nghiệp hiện đại rèn luyện, đoàn kết và tổ chức lại thành một lực lượng xã hội hùng mạnh. Bị giai cấp tư sản áp bức, bóc lột nặng nề, họ là giai cấp trực tiếp đối kháng với giai cấp tư sản, và xét về bản chất họ là giai cấp cách mạng, triệt để nhất chống lại chế độ áp bức, bóc lột tư bản chủ nghĩa. Điều kiện sinh hoạt khách quan của họ quy định rằng, họ chỉ có thể tự giải phóng bằng cách giải phóng toàn xã hội khỏi chế độ tư bản chủ  nghĩa. Trong cuộc cách mạng ấy, họ không mất gì ngoài xiềng xích và được cả thế giới về mình. Địa vị kinh tế - xã hội khách quan không chỉ khiến cho giai cấp công nhân trở thành giai cấp cách mạng, triệt để nhất mà còn tạo cho họ khả năng làm việc đó. Đó là khả năng đoàn kết thống nhất giai cấp, khả năng đạt tới sự giác ngộ về địa vị lịch sử của mình, khả năng hành động chính trị để từng bước đạt mục tiêu cách mạng. Đó là khả năng đoàn kết các giai cấp khác trong cuộc đấu tranh chống tư bản. Đó là khả năng đi đầu trong cuộc đấu tranh của toàn thể nhân dân lao động và của dân tộc vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là khả năng đoàn kết toàn thể giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên quy mô quốc tế theo chủ nghĩa quốc tế vô sản.
Vì vậy, lấy sự nghèo khổ làm cơ sở để luận giải sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là một lập luận phản khoa học và là mưu đồ hòng xuyên tạc chủ nghĩa Mác -  Lênin.
Ngày nay, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội và một số người cơ hội, xét lại đang phủ nhận học thuyết Mác- Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Theo họ giai cấp công nhân ngày nay đã “teo đi”, đã “tan biến” vào các giai tầng xã hội khác; địa vị kinh tế - xã hội của giai câp công nhân đã thay đổi nhiều, giai cấp này đã “trung lưu hoá”, thậm chí trở thành “nhà tư bản” khi đã có cổ phiếu trong các xí nghiệp, công ty. Thực tế chứng minh rằng, quá trình tái sản xuất tư bản chủ nghĩa dù có mở rộng và hiện đại hoá đến đâu, những hình thức của nó có thay đổi thế nào chăng nữa thì nó vẫn không ngừng tái sinh ra quan hệ tư bản chủ nghĩa. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong lòng chế độ tư bản đang diễn ra hết sức gay gắt. Giai cấp tư sản đã và đang tìm mọi cách để điều chỉnh các quan hệ tư bản chủ nghĩa hòng cứu vãn chế độ thống trị của chúng. Chúng có thể đạt được một số thành tựu và kết quả nào đấy nhưng vẫn không sao khắc phục được mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản. Ở nơi này hay nơi khác, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa vẫn còn khả năng phát triển, nhưng phải thường xuyên đương đầu với các cuộc khủng hoảng nặng nề, với nhiều cơn suy thoái và nạn thất nghiệp thường xuyên không tránh khỏi của hàng chục triệu người. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân tuy đang đứng trước những thử thách hết sức nặng nề, nhưng bức tranh toàn cảnh của sự phát triển lực lượng sản xuất thế giới vẫn đang chuẩn bị những tiền đề khách quan cho giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình dù có trải qua những bước thăng trầm, quanh co, nhưng nó vẫn tiếp tục diễn ra theo quy luật khách quan của lịch sử. Đặc điểm lớn nhất của thời đại ngày nay là giai cấp công nhân đã, đang và sẽ vươn lên nắm quyền lực nhà nước bằng nhiều con đưòng khác nhau. Bởi lẽ, nó là giai cấp duy nhất đại diện cho lực lượng sản xuất hiện đại, cho phương thức sản xuất tiên tiến. Giai cấp công nhân là người đại diện cho lợi ích và quyền lực của nhân dân, của nhân loại tiến bộ.
Trong các nước đang phát triển, giai cấp công nhân đang không ngừng tăng nhanh cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế. Tuy nhiên, điều quyết định việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân chủ yếu không phải là số lượng, mặc dù số lượng là yếu tố cần thiết. Trên thực tế, sức mạnh của giai cấp công nhân lớn hơn nhiều so với số lượng của nó nếu giai cấp công nhân thống nhất được lực lượng của chính giai cấp mình và thực hiện được sự liên minh chặt chẽ với quần chúng lao động bị áp bức.
Phải chăng, hiện nay trong các nước tư bản phát triển, giai cấp công nhân không còn bị bóc lột như trước, đã “trung lưu hoá” và có cổ phần trong xí nghiệp, cho nên giai cấp công nhân không có tinh thần cách mạng như trước, không còn có thể đóng vai trò lãnh đạo cách mạng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản?
Đúng là hiện nay, việc thực hiện cổ phần hóa ở các nước tư bản phát triển đang diễn ra với quy mô ngày càng rộng khắp. Ngưòi dân hễ cố tiền tích luỹ là có thể mua cổ phiếu ở xí nghiệp, công ty cổ phần nào đó với hy vọng thu lợi tức cổ phần và lãi vốn. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, việc bán cổ phiếu cho công nhân không những không động chạm đến quyền lợi của giới chủ, mà trái lại càng làm tăng thêm quyền lực kinh tế cho bọn tư bản. Một chủ tư bản không cần một số lượng tư bản lớn cũng có thể chi phối cả công ty, hoặc nhiều công ty trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hết sức lớn. Bán cổ phiếu cho ngưòi lao động chỉ diễn ra trong chừng mực không tổn hại đến quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, đến lợi ích của giới chủ. Khi đã có cổ phiếu, dù người công nhân có được những quyền lợi nhất định gắn với tình hình sản xuất của công ty và lợi tức do kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh đem lại, nhưng thực chất nguồn lợi nhuận ấy chẳng qua là một phần giá trị thặng dư do chính công nhân làm ra, chứ không phải bớt đi giá trị thặng dư mà giới chủ tư bản đã bỏ túi. Vậy là, người công nhân không phải đã trở thành “nhà tư bản” theo cái cách người ta nói, mà là “thành nhà tư bản đối với chính mình”. Như vậy, công nhân hiện nay dù có cổ phiếu với giá trị cao hơn trước cũng chẳng vì thế mà thay đổi địa vị làm thuê và bị bóc lột trong xã hộỉ tư bản. Chế độ cổ phiếu thật sự là phương pháp hữu hiệu cột chật người lao động và bắt họ lệ thuộc hơn nữa vào giới chủ. Hy vọng thay đổi địa vị người lao động trở thành người chủ thật sự ở các nước tư bản chủ nghĩa, do đó chỉ là ảo tưởng, hoặc đó là hành động tự lừa đối mà thôi. Việc mua bán cổ phiếu ở các nước tư bản đã tạo nên cái gọi là “hiệu ứng của cải”, làm cho tình hình mua đi bán lại các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngày càng trở nên nhộn nhịp, làm cho tư bản giả sẽ ngày càng tăng lên so với tư bản thực tế và càng nói lên tính chất ăn bám của chủ nghĩa tư bản độc quyền, chứ chẳng phải chủ nghĩa tư bản đã là “chủ nghĩa tư bản nhân dân” như người ta cố tình tô vẽ.
Giai cấp công nhân nếu đã trở nên “trung lưu hoá”, thì cái sự “trung lưu hoá” ấy là sự phản ánh mức sống của họ trong điều kiện mới chứ không phải làm thay đổi bản chất cách mạng của giai cấp công nhân; đó là do tiến bộ chung của sự phát triển xã hội và là kết quả đấu tranh, liên tục, bền bỉ của chính giai cấp công nhân trong đấu tranh chống giai cấp tư sản suốt nhiều thế kỷ qua. Sự phát triển của lực lượng sản xuất và phân công lao động xã hội, cũng như sự biến đổi cơ cấu xã hội, mức sống cao về vật chất, tinh thần của giai cấp công nhân làm cho diện mạo của giai cấp công nhân hiện đại trong xã hội tư bản không còn giống như những mô tả của C. Mác trong thế kỷ XIX. Đó là sự thật. Thế nhưng, từ những biến đổi đó mà đi đến kết luận giai cấp công nhân không còn bản chất cách mạng, không thể giữ vai trò lãnh đạo, thực hiện sứ mệnh lịch sử nữa thì đó là sai  lầm cả về chính trị và khoa học.
Lại có quan điểm cho rằng, luận điểm của C. Mác về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trước đây có thể đúng nhưng không còn đúng trong thời đại ngày nay. Theo họ, thời đại ngày nay là thời đại của nền “văn minh trí tuệ”, của “kinh tế tri thức”, do đó, trí thức mới là lực lượng tiền phong, có vai trò lãnh đạo cách mạng!
Đúng là trí thức có vai trò quan trọng trong mọi thời đại. Trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới, vai trò trí thức ngày càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Song, trí thức không thể đóng vai trò lãnh đạo thay thế giai cấp công nhân. Bởi lẽ, trong xã hội, trí thức chỉ là một tầng lớp xã hội đặc biệt và không thuần nhất. Nó không đại biểu cho một phương thức sản xuất độc lập, không phải là một lực lượng kinh tế, chính trị độc lập trước các giai cấp và tầng lớp xã hội khác. Do đó, trí thức không có hệ tư tưởng riêng. Nó phải phục tùng và chịu ảnh hưởng hệ tư tưởng của giai cấp nào thống trị xã hội. Do địa vị kinh tế - xã hội của nó, trí thức không thể là người lãnh đạo cách mạng; mặc dù tất cả các giai cấp thống trị trong lịch sử đều cần đến trí thức và đào tạo ra một đội ngũ trí thức của mình để thực hiện vai trò của nó đối với xã hội. Mặt khác, trí thức không có lợi ích đối kháng trực tiếp với giai cấp tư sản. Dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, trí thức cũng là người làm thuê và bị bóc lột, nhưng lại là tầng lớp làm thuê đặc biệt, được giai cấp tư sản đào tạo, sử dụng và có một bộ phận được chế độ tư bản ưu đãi. Trí thức không phải là tầng lớp xã hội có tinh thần cách mạng triệt để như giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống giai cấp tư sản. Thực tế lịch sử cho thấy chưa bao giờ có một tầng lớp trí thức nào có thể thay thế một giai cấp để lãnh đạo một cuộc cách mạng xã hội nhằm thay thế chế độ này bằng một chế độ xã hội khác. Trí thức bao giờ cũng là trí thức của một giai cấp nhất định và thường là của giai cấp thống trị xã hội.
Cần nhắc lại luận điểm của C. Mác và Ph. Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình, mà nó còn tạo ra nhũng người sử dụng vũ khí ấy - những công nhân hiện đại, nhũng người vô sản”[4]. Luận điểm nổi tiếng đó càng trở nên có ý nghĩa trong điều kiện lịch sử mới. Chủ nghĩa tư bản đang điều chỉnh là đang làm cái việc rèn giũa vũ khí sẽ giết mình thêm sắc nhọn hơn; những người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản - giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân sẽ ngày càng nhận thức rõ hơn sứ mệnh lịch sử của mình là loại bỏ chủ nghĩa tư bản ra khỏi đời sống xã hội, xây dựng chủ nghĩa cộng sản văn minh; xác định rõ hơn con đường, biện pháp để thực hiện sứ mệnh lịch sử vĩ đại đó.
Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đối với những người cộng sản, giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trên thế giới quả là một thực tế nghiệt ngã và đau xót. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là chủ nghĩa xã hội bị “tiêu vong”, giai cấp công nhân đã “mất vai trò lịch sử”; cũng không làm mất đi ý chí phấn đấu và niềm tin vào tương lai xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Trái lại, giai cấp công nhân có thêm những bài học quý giá về những vấn đề cơ bản của cách mạng, bài học sâu sắc về “cách mạng phải biết tự bảo vệ”, càng nhận thức rõ hơn tính chất quyết liệt, gay go của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong thời đại ngày nay, càng hiểu rõ hơn những bước thăng trầm, những khúc quanh trên con đường thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét