Thứ Hai, 27 tháng 7, 2020

TĂNG CƯỜNG NGHIÊN CỨU LÝ LUẬN VÀ TỔNG KẾT THỰC TIỄN NHẰM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CỦA CUỘC ĐẤU TRANH LÝ LUẬN HIỆN NAY


Van Duy
          Có thể thấy rằng, trong cuộc tấn công, chống phá toàn diện của các thế lực phản động trong và ngoài nước đối với Việt Nam, bao giờ chúng cũng ưu tiên nhắm tới lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, lý luận nói chung, một lĩnh vực hết sức nhạy cảm và khi đã để lại hậu quả thì mức độ tác động của nó rất lâu dài và khó lường. Thực tế cho thấy, sau hơn 27 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, thế và lực của nước ta trên khu vực và trường quốc tế ngày một nâng cao và làm cho các thế lực phản động vô cùng tức tối. Với âm mưu xảo quyệt, chúng không dùng những đòn đánh của súng đạn, tức là tiến hành chiến tranh quân sự, mà liên tục tung ra những đòn đánh trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, thực hiện "diễn biến hòa bình" với hy vọng, chế độ XHCN ở Việt Nam sẽ sụp đổ, trong lòng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và đi đến tan rã, như đã diễn ra trong thực tế lịch sử tại Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây.

          Sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực lý luận, tư tưởng - văn hóa đối với Việt nam hiện nay không chỉ dừng lại ở những âm mưu, mà đã được đẩy lên cao hơn bằng những hành động tinh vi, điên cuồng không từ một thủ đoạn nào. Mũi nhọn tấn công của chúng trước hết vẫn tập trung vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nền tảng tư tưởng của Đảng ta là học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vẫn xuyên tạc như thường lệ là những luận điệu như: Đảng Cộng sản Việt Nam là một đảng "toàn trị", công ít, tội nhiều, tranh công của nhân dân và thành tích của Đảng chỉ là kéo lùi lại lịch sử và Đảng rất bảo thủ khi khư khư ôm những lý luận ngoại lai, lỗi thời mà người ta đã từ bỏ rồi, ngay trên quê hương của những người đã sản sinh ra nó. Và cũng tương tự như vậy, khi toàn Đảng, toàn dân ta đang thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" thì các thế lực phản động tìm trăm phương ngàn kế để chống phá, bôi nhọ, xuyên tạc hình ảnh và tư tưởng của Người, tung ra những tài liệu, những video clip về "Sự thật..." này nọ để hạ bệ hình ảnh Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân và dân tộc Việt Nam. Chưa bao giờ các phương tiện thông tin, nhất là trên mạng Internet lại được chúng huy động, sử dụng triệt để như những ngày tháng qua để chống phá sự lãnh đạo và nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, về con đường đi lên CNXH của nhân dân ta, bằng những thủ đoạn đánh tráo, tung tin lập lờ, gây hoang mang hồ nghi, nhằm đánh lừa những người nhẹ dạ cả tin và đặc biệt, chúng còn sử dụng cả những lực lượng viết các bài có hàm lượng lý luận cao nhằm đả phá các quan điểm, tư tưởng cốt lõi của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin. Những bài viết này không chỉ tác động đến người bình thường mà còn làm cho một bộ phận người làm công tác lý luận dao động về lập trường, tư tưởng cách mạng.
          Như vậy, đối tượng mà các thế lực phản động hướng đến không chỉ là các tầng lớp nhân dân trong xã hội, mà còn tập trung vào những trí thức, đảng viên, thanh niên học sinh, sinh viên, từ thành thị đến nông thôn. Chúng lôi kéo và sử dụng triệt để các phần tử bất mãn, có hiểu biết luật pháp và có trình độ để chống lại chế độ ta. Đặc biệt, nhân dịp Quốc hội đang xin ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chúng coi đây là cơ hội vàng để tiến hành xuyên tạc, lợi dụng bối cảnh này để tung tin, tập hợp lực lượng trong và ngoài nước tập trung vào khuyếch đại, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tạo ra sức ép từ nhiều phía hòng phế bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ XHCN mà Bác Hồ đã chọn và cũng là để đánh lạc hướng dư luận nhằm chứng minh rằng, chỉ có chúng mới là sáng suốt, phù hợp với vai trò lãnh đạo dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Việc phát triển tư duy lý luận để đáp ứng những yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đấu tranh chống lại các luận điệu thù địch phụ thuộc trước hết vào việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung và triết học Mác - Lênin nói riêng vào tình hình cụ thể của nước ta. Vì vậy, trong phần này, trước hết chúng tôi xin trình bày một số suy nghĩ về công tác nghiên cứu, bổ sung, phát triển triết học Mác - Lênin ở nước ta hiện nay.
          Triết học Mác ra đời vào thế kỷ XIX, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn lúc bấy giờ của châu Âu. Do vậy, có nhiều luận điểm, nguyên lý vẫn còn nguyên giá trị, có giá trị vĩnh hằng, nhưng chắc chắn có một số luận điểm đã bị lạc hậu, không còn đúng nữa đối với thực tiễn thế kỷ XXI hiện nay, hoặc có những luận điểm đúng thì cũng chỉ đúng đối với châu Âu mà thôi. Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới và Người yêu cầu cần phải bổ sung vào chủ nghĩa Mác - Lênin “dân tộc học phương Đông”. Tuy nhiên, có thể nói cho đến nay, vẫn chưa có một công trình trọng điểm, có hệ thống nào nghiên cứu và tổng kết xem những luận điểm nào của các nhà kinh điển mácxít vẫn còn đúng, những luận điểm nào đã bị thực tiễn vượt qua.  
Một mặt, chúng ta đều biết là C. Mác và Ph. Ăngghen đã “cứu lấy hạt nhân” của triết học G. Ph. Hêghen là phép biện chứng, cải tạo nó theo lập trường duy vật. Trong tác phẩm “Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu” được coi là di chúc triết học của V. I. Lênin, Người đã di huấn lại cho chúng ta nhiệm vụ phải nghiên cứu sâu hơn nữa triết học G. Ph. Hêghen để phát triển phép biện chứng nói riêng và triết học C. Mác nói chung. Việc V. I. Lênin dù bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn miệt mài đọc và nghiên cứu triết học G. Ph. Hêghen và kết quả là sự ra đời của tác phẩm “Bút ký triết học” là một minh chứng rõ ràng cho vai trò của triết học G. Ph. Hêghen nói riêng và của nền triết học cổ điển Đức nói chung. Đáng tiếc là hiện nay chúng ta vẫn chưa có một công trình tầm cỡ nào về phép biện chứng của G. Ph. Hêghen và bản thân rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của G. Ph. Hêghen cho đến nay vẫn chưa được dịch ra tiếng Việt.
Cũng trong tác phẩm ấy, V. I. Lênin nói tới sự liên minh giữa các nhà triết học và các nhà khoa học tự nhiên. Trong điều kiện hiện nay, những chỉ dẫn của V. I. Lênin về việc các nhà khoa học tự nhiên phải hiểu biết phép biện chứng và đặc biệt là các nhà triết học cũng phải hiểu biết khoa học tự nhiên có ý nghĩa rất quan trọng. Khoa học tự nhiên cung cấp những dữ liệu để triết học củng cố những luận điểm, nguyên lý của mình để phát triển, còn triết học, trước hết cung cấp cho khoa học tự nhiên thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Thế nhưng có một thực tế là một số ít các chuyên gia ở nước ta có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực triết học trong khoa học tự nhiên đều đã lớn tuổi, hiện hầu như không có một đội ngũ kế cận. Điều này cũng có lý do là khoa học hiện nay đã và đang phân ngành, liên ngành, phát triển chuyên sâu, đòi hỏi người nghiên cứu phải tốn nhiều thời gian, công sức mới có thể nắm bắt được kiến thức chuyên môn nên có rất ít người dám đi vào lĩnh vực khó khăn này.     
Mặt khác, để phát triển tư duy lý luận, như Ph. Ăngghen đã từng nhấn mạnh, thì cần phải rèn luyện tư duy và người ta không có cách nào khác ngoài việc nghiên cứu “toàn bộ triết học thời trước”. Đối với hiện nay thì “toàn bộ triết học thời trước” không chỉ bao hàm lịch sử triết học từ cổ đại đến triết học Mác – Lênin, mà còn cả phần triết học phương Tây hiện đại. Thực tế cho thấy, hiện nay phần triết học phương Tây hiện đại đã được nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam vẫn còn ở mức rất khiêm tốn. Chúng ta không thể phủ nhận được một thực tế là có nhiều nhà triết học, nhiều trường phái triết học phương Tây trong thế kỷ XX đã có nhiều đóng góp trên một loạt lĩnh vực như: lôgích học, triết học ngôn ngữ, triết học văn hóa, triết học xã hội, triết học chính trị, triết học trong khoa học tự nhiên, nhân học triết học, văn bản học, chú giải học, ngữ nghĩa học, v.v.. Chúng ta hãy nhớ lại lời cảnh báo của V. I. Lênin về tính kiêu ngạo cộng sản và câu nói bất hủ của ông: chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giàu trí tuệ của mình bằng tất cả những di sản phong phú mà loài người đã sáng tạo nên. Đáng mừng là nhà xuất bản Tri thức hiện nay đang bắt đầu dịch và xuất bản các tác phẩm triết học kinh điển ra tiếng Việt.
Tiếp nữa, câu hỏi: Việt Nam có triết học không? và nếu có thì nó có diện mạo như thế nào? vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp thoả đáng. Cho đến nay những nghiên cứu về triết học Việt Nam hay tư tưởng triết học Việt Nam vẫn còn mang tính chất chắp vá, manh mún, chưa toàn diện và đồng bộ. Thiết nghĩ đây cũng là một lĩnh vực cần có sự nghiên cứu liên ngành, đa ngành để tập trung giải quyết vấn đề hết sức quan trọng này.
Cuối cùng, theo chúng tôi, để có thể bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và triết học Mác - Lênin nói riêng, người nghiên cứu phải có được một điều kiện hết sức quan trọng là sự “dân chủ” trong nghiên cứu, bên cạnh những khuyến khích về vật chất. Đúng như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã nhấn mạnh tới việc "chú trọng nâng cao tính khoa học, tính thực tiễn và sự mạnh dạn khám phá, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận. Sớm xây dựng và ban hành quy chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận”. Có như vậy thì người nghiên cứu mới có điều kiện yên tâm học tập, nghiên cứu và mới có thể có được những “đột phá” trong lĩnh vực lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước theo con đường XHCN, đáp ứng tốt yêu cầu của cuộc ĐTLL hiện nay.
Tổng kết 30 năm đổi mới và phát triển sẽ giúp chúng ta nhận thức đầy đủ thêm một bước, bổ sung, phát triển một số phương diện nhất định trong lý luận nói chung và lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta nói riêng. Tuy nhiên, để có thể nhận thức, bổ sung và phát triển được chủ nghĩa Mác – Lênin trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần phải thấm nhuần quan điểm: giữ vững tính triệt để, tính cách mạng, tính thực tiễn và tính khoa học trong lý luận là đặc điểm nổi bật nhất và là yêu cầu bản chất của chủ nghĩa Mác –Lênin.
Song, chính từ tổng kết đó, lại thấy xuất hiện không ít vấn đề thực tiễn đặt ra mà lý luận chưa giải quyết thoả đáng, thậm chí còn xa so với nhu cầu thực tiễn đổi mới. Trong đó nổi lên một số vấn đề lớn sau đây cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết:
          1. Làm sáng tỏ hơn và sâu sắc hơn những vấn đề cơ bản và cấp bách về thời đại và các đặc trưng chủ yếu của thời đại: vấn đề toàn cầu hoá kinh tế, kinh tế tri thức, CNTB hiện đại; các phong trào và lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới ngày nay.
          2. Mô hình xã hội XHCN trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam và các chặng đường để đạt tới một xã hội như vậy.
          3. Đẩy mạnh hơn nữa nghiên cứu lý luận của các trào lưu mácxít phương Tây, tổng kết những "đóng góp" và những hạn chế của họ trong việc tìm tòi con đường xây dựng CNXH ở phương Tây; song song với việc giao lưu thường xuyên về lý luận, trao đổi kinh nghiệm lãnh đạo với các đảng phái chính trị  mácxít và thuộc trào lưu dân chủ xã hội.
          3. Làm rõ hệ tiêu chí nước Việt Nam công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
          4. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đi sâu nghiên cứu, tổng kết làm sáng tỏ các vấn đề về chế độ sở hữu và thành phần kinh tế, chế độ phân phối trong thời kỳ quá độ; về tích cực và chủ động hội nhập quốc tế; về nội dung của định hướng XHCN trong quá trình phát triển kinh tế thị trường; về vai trò và chức năng của Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; quan niệm về nền kinh tế độc lập tự chủ trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập  quốc tế.
          5. Những quan điểm, nội dung và nguyên tắc đổi mới hệ thống chính trị, đổi mới mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị – xã hội trong hệ thống chính trị ở Việt Nam; vấn đề hoàn thiện cơ chế phản biện, giám sát xã hội nhằm phát triển nền dân chủ XHCN; vấn đề Nhà nước pháp quyền và xã hội công dân, vấn đề hình thức tổ chức hệ thống quyền lực nhà nước trong cơ chế thực hiện dân chủ.  
6. Sự vận động, biến đổi của các giai cấp và tầng lớp xã hội, nhất là giai cấp công nhân, sự hình thành giai cấp tư sản; phân hoá giàu nghèo, phân tầng xã hội và phân hoá giai cấp; xu hướng phát triển của thanh niên; vấn đề nông dân trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
7. Một số vấn đề về văn hoá, con người như: văn hoá và phát triển, văn hoá chính trị trong Đảng và trong xã hội, văn hoá lãnh đạo, văn hoá kinh doanh; nâng cao năng lực nội sinh của văn hoá Việt Nam; vấn đề dân chủ và phát huy nhân tố con người trong quá trình đổi mới; vấn đề xây dựng con người trong bối cảnh toàn cầu hoá, cách mạng khoa học - công nghệ, cách mạng tin học và phát triển kinh tế tri thức.
8. Nghiên cứu lý luận phục vụ công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại nhằm bảo vệ tổ quốc, giữ vững ổn định và môi trường hoà bình, làm thất bại âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động; chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới...
9. Vấn đề Đảng cầm quyền trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN; vấn đề dân chủ hóa xã hội; phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, v.v..
10. Làm rõ hơn một số quan hệ lớn của quá trình đổi mới: Quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội; quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị, giữa đổi mới và ổn định, giữa đổi mới kinh tế với dân chủ hoá đời sống xã hội; quan hệ giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế, v. v..
11. Những vấn đề của lý thuyết phát triển của Việt Nam.
          Những vấn đề nêu trên đây, cùng nhiều vấn đề khác như: các hiện tượng tâm linh, tìm mộ... của các nhà ngoại cảm, một số tôn giáo lạ.,. cũng đòi hỏi đựơc làm sáng tỏ hơn nữa về lý luận, có lời giải đáp trong thực tiễn để tạo lòng tin, trực tiếp phục vụ công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận trong tình hình mới.
          Thiết nghĩ, để chiến thắng được các thé lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận thì hơn lúc nào hết, cần phải làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. xem đó là việc làm sống còn để không chỉ giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, để Đảng thực sự "là đạo đức, là văn minh" như Bác Hồ đã dạy, mà còn tạo niềm tin, lấy lại uy tín trước nhân dân và đó chính là động lực của mọi động lực đưa đất nước ta phát triển. Cùng với đó, không ngừng học tập lý luận, tuyên truyền lý luận, không ngại đối mặt với thực tiễn nóng hổi, tiến hành thường xuyên và liên tục công tác tổng kết thực tiễn, "nhìn thẳng vào sự thật", rút ra những bài học xương máu, đôi khi rất đau đớn, là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong cuộc ĐTLL hiện nay - cuộc đấu tranh dù không có tiếng súng nhưng không kém phần gay go, khốc liệt và có ý nghĩa sống còn./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét