Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

TÍNH CHẤT PHẢN ĐỘNG, BẢO THỦ, LỖI THỜI CỦA CÁC TRÀO LƯU PHI MÁCXÍT VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI ĐỂ CHỐNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

                                                                                        Văn Tám
 Từ khi chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời, ngay lập tức đã phải đương đầu với mọi sự bôi nhọ, xuyên tạc, bác bỏ dưới nhiều hình thức, với mọi màu sắc của các lực lượng, các trào lưu tư tưởng phi xã hội chủ nghĩa. Biện chứng sự phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng, trong quá trình phát triển của nó phải gắn bó chặt chẽ với đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng thù địch, sai trái dưới mọi hình thức. Mỗi phát kiến khoa học, mỗi sự ra đời của một quan điểm, luận điểm, một nguyên lý lý luận và trong mỗi tác phẩm, mỗi bài viết của các nhà kinh điển đều mang đậm dấu ấn đấu tranh tư tưởng, lý luận và là sản phẩm trực tiếp của cuộc đấu tranh ấy.

Trong lịch sử từ trước đến nay, các trào lưu phi mácxít về chủ nghĩa xã hội là nhằm chống lại chủ nghĩa xã hội. Đó là các trào lưu phản động, bảo thủ và lỗi thời.
Ngay thời C.Mác, các trào lưu phi mácxít về chủ nghĩa xã hội như chủ nghĩa xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản và chủ nghĩa xã hội tư sản đã cùng với bọn Giáo hoàng và Nga hoàng, Méttécních và Ghido, bọn cấp tiến Pháp và bọn cảnh sát Đức, đã “liên hiệp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử “bóng ma” cộng sản; hòng “biến chủ nghĩa cộng sản thành những lời mê sảng về tình yêu”[1]. Đó là một l‎‎ý do quan trọng của sự ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản năm 1848.
Một trong những công lao to lớn của V.I.Lênin trong việc bảo vệ học thuyết Mác là ông đã đấu tranh không khoan nhượng chống các trào lưu phi mácxít ở nước Nga và quốc tế ngay trong thời kỳ đầu hoạt động lý luận và cách mạng. Nhóm “Giải phóng lao động” của Plêkhanốp; chủ nghĩa dân túy; những người cách mạng dân chủ - xã hội Nga; phái mácxít hợp pháp ở Nga họ học và viết, trích dẫn chủ nghĩa Mác rất nhiều, đăng công khai trên các báo chí Nga Hoàng, nhưng những gì họ viết, trích dẫn về chủ nghĩa Mác đã bị cắt xén, xuyên tạc đến mức Nga Hoàng đã cho phép đăng tải.
Hơn một thế kỷ qua, trào lưu xã hội dân chủ, một trào lưu có nguồn gốc từ xu hướng cơ hội trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đã tồn tại và phát triển với những tên gọi khác nhau: Xã hội dân chủ, chủ nghĩa xã hội dân chủ, dân chủ xã hội. Chủ nghĩa xã hội dân chủ hướng việc chuyển biến chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội bằng con đường cải lương. Hiện nay, trào lưu dân chủ xã hội có ảnh hưởng mạnh mẽ và các đảng dân chủ xã hội có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị ở châu Âu, đặc biệt là các nước Tây Âu. Được hình thành, phát triển trong quá trình phân hoá của phong trào công nhân quốc tế, trào lưu dân chủ xã hội đứng trên lập trường của chủ nghĩa cải lương.
Tính chất phản động, bảo thủ và lỗi thời của các trào lưu phi mácxít về chủ nghĩa xã hội dưới mọi màu sắc là đều nhằm chống chủ nghĩa xã hội khoa học, chống chủ nghĩa Mác - Lênin.
Thứ nhất, chống lý luận mácxít về chủ nghĩa xã hội.
Các trào lưu phi mácxít về chủ nghĩa xã hội dù mượn danh nghĩa mácxít hay không thì đều nhằm chống lý luận mácxít về chủ nghĩa xã hội. Họ từ bỏ những nguyên tắc mácxít về cách mạng vô sản, về chủ nghĩa xã hội; cho rằng, từ bản chất sâu thẳm, chủ nghĩa xã hội mácxít không phải là băn khoăn của những người công nhân và lao động, mà chỉ là “vấn đề của những người trí thức”. C.Mác đã gọi chủ nghĩa xã hội phong kiến là “một mớ hỗn độn những lời ai oán và những lời mỉa mai, dư âm của dĩ vãng và tiếng đe dọa của tương lai”[2]; chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản “vừa là phản động vừa là không tưởng”[3]; chủ nghĩa xã hội tư sản là “chỉ kêu gọi giai cấp vô sản bám lấy xã hội hiện đại nhưng phải bỏ hết quan niệm thù hằn của họ đối với xã hội ấy”[4].
Những đại biểu của trào lưu phi mácxít về chủ nghĩa xã hội xuyên tạc lý luận của V.I.Lênin về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ cho rằng: Cái mô hình gọi là “chủ nghĩa xã hội” nhân danh Mác để xây dựng cũng rơi vào suy thoái; không thể tiến thẳng lên cái không thể tiến lên được, V.I.Lênin đã đề xuất những “chiếc cầu trung gian” gọi là chủ “nghĩa tư bản nhà nước”, qua đó tìm động lực xây dựng cơ sở vật chất để chuyển hoá xã hội lên một hình thái xã hội - kinh tế cao hơn; nhưng cái viễn cảnh “cao hơn ấy là không tưởng”, nên “cái nấc thang mượn đường ấy mãi mãi chỉ là cái nấc thang nằm nguyên một chỗ”. V.I.Lênin đã kiên quyết đấu tranh chống các trào lưu phi mácxít, các trào lưu cơ hội, xét lại và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong bối cảnh lịch sử mới.
Thứ hai, chống chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Sau sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu, chủ nghĩa Mác - Lênin đã từng là đề tài của những cuốn sách, bài báo với mục đích chung là “chứng minh” về “cái chết” của chủ nghĩa Mác - Lênin, “sự cáo chung” của chủ nghĩa cộng sản dựa trên học thuyết Mác. Có những quan điểm cho rằng, chủ nghĩa xã hội hiện thực sụp đổ, thì cũng có nghĩa là lý luận về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ là học thuyết ảo tưởng, viển vông, đã bị thực tiễn bác bỏ, phủ định. Đó là “thảm kịch của những ý tưởng sốt ruột trước thực tại”, muốn thúc đẩy thực tại đi thật nhanh về cõi đời hoàn hảo nhưng cuối cùng chẳng đi đến đâu cả ngoài cái vòng tư biện sốt ruột cố hữu của mình! Lại có quan điểm với lập luận rằng, lý luận về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Mác - Lênin có giá trị, song lý luận đó chỉ phù hợp ở thế kỷ XIX và có thể phù hợp cả trong thế kỷ XX, nhưng hiện nay nó không còn thích hợp nữa, cần phải thay đổi, phải đi theo chủ nghĩa xã hội dân chủ. Cũng có người đưa ra quan điểm thoảng qua có vẻ “khách quan” hơn khi cho rằng, lý tưởng xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác - Lênin là lý tưởng nhân văn, nhân đạo, nhưng đó là công việc của ngày mai, của tương lai xa vời; hiện nay không có giá trị hiện thực, nếu thực hiện nó thì sẽ là không tưởng, là ảo tưởng, không hiện thực, không thực tế. Họ xuyên tạc: Cái mô hình gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực “mà Liên Xô đem ra xây dựng trong suốt hơn nửa thế kỷ tồn tại trong thực tế chỉ là “chủ nghĩa tư bản” mang nội dung lêninnít rất đặc biệt. Những thế hệ người đi sau ông có thêm điều kiện để hiểu ra rằng thứ chủ nghĩa Mác tuyệt vời mà bao nhiêu người từng say mê thần phục ấy rốt cuộc cũng chỉ là một thứ “ý thức hệ hư ảo” theo định nghĩa của Mác; rằng, chủ nghĩa Mác chỉ là “một thứ nói dối có ý thức”, là “những vở kịch trá hình”, “chứa đầy tính chất huyễn tưởng”; rằng: “Mác và Lênin là những nhà xã hội duy tâm, siêu hình và không tưởng”, chủ nghĩa Mác - Lênin là “ảo tưởng”, “giả tưởng”[5].
Thứ ba, xuyên tạc, bóp méo, chống đối các nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Các trào lưu phi mácxít về chủ nghĩa xã hội ra sức lợi dụng sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu; lợi dụng những khó khăn và hạn chế trong cải cách, đổi mới ở các nước xã hội chủ nghĩa; sự phát triển, “điều chỉnh” thích nghi của chủ nghĩa tư bản hiện đại để xuyên tạc, bóp méo, chống đối các nước đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Họ cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin khi được du nhập vào những nước lạc hậu, dưới danh nghĩa gọi là “vận dụng” hoặc “sáng tạo” đã bị biến thể để phục vụ cho những mục đích hoàn toàn không liên quan đến mục tiêu của Mác; hoặc là để chống đế quốc giành độc lập dân tộc, hoặc là thực hiện công nghiệp hóa nhanh chóng, chứ không phải là để xây dựng chủ nghĩa xã hội! Rằng, chính sự vận dụng đó vào các nước lạc hậu đã tạo ra những “quái thai” như chế độ diệt chủng Pônpốt, hoặc là độc tài kiểu Triều Tiên. Họ còn cho rằng, chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam và Trung Quốc đang xây dựng là không phù hợp, không đúng với Mác - Lênin, mà đó chỉ là kiểu “chủ nghĩa xã hội phong kiến trong thời đại mới”; rằng, chủ nghĩa xã hội dân chủ mới là chủ nghĩa Mác đích thực. Vì thế, hiện nay “Việt Nam đang bế tắc không chỉ về kinh tế mà còn về tinh thần. Không ai còn tin vào chủ nghĩa Mác nữa”[6].
Các trào lưu phi mácxít về chủ nghĩa xã hội đã cùng với các thế lực thù địch câu kết và “liên hiệp” với nhau lại thành “một liên minh thần thánh” để “trừ khử” chủ nghĩa Mác - Lênin, để xóa bỏ không phải là “một bóng ma” mà là “trừ khử” một tồn tại khách quan, một hiện thực lịch sử - chủ nghĩa xã hội hiện thực. Sự chống phá đó đã, đang và vẫn sẽ tiếp diễn. Bởi vì, học thuyết Mác - Lênin không thể không “gây ra sự cừu địch mạnh nhất và lòng căm thù trong toàn thế giới khoa học tư sản…” và cũng “không thể trông mong có một thái độ nào khác thế được” trong một xã hội còn tồn tại các giai cấp đối kháng[7].
Đứng chung cùng chiến tuyến với các thế lực tư sản, đế quốc để chống chủ nghĩa xã hội, các trào lưu phi mácxít về chủ nghĩa xã hội đã tự lộ rõ bản chất, tính chất phản động, lạc hậu và lỗi thời của mình.
Tính chất phản động, lạc hậu và lỗi thời đó ngày càng bị bóc trần trước những thành tựu đáng tự hào của sự nghiệp đổi mới, cải cách, sự lớn mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa, cùng sự tác động và sức sống mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, của chủ nghĩa xã hội trong thời đại mới. Trên sách báo thế giới tràn ngập những bài bình luận và nghiên cứu tư tưởng C.Mác của rất nhiều nhà khoa học thuộc các trường phái và ở những quốc gia khác nhau[8]. Các tác phẩm của V.I.Lênin xếp số 1 trên thế giới và được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước[9].
Đấu tranh phản bác các quan điểm của chủ nghĩa xã hội phi mácxít và các thế lực thù địch, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin đòi hỏi chúng ta phải dựa chắc trên cơ sở phương pháp luận khoa học. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã nói từ lâu và thể hiện rất sinh động phương pháp luận mácxít trong hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn của mình. Ph.Ăngghen chỉ rõ muốn cho chủ nghĩa xã hội trở thành khoa học thì phải đặt nó trên mảnh đất hiện thực. Chính C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng tiếp cận từ thực tiễn để xem xét chủ nghĩa xã hội, dùng khái niệm “chủ nghĩa xã hội trần tục của quần chúng”, coi chủ nghĩa xã hội là một “phong trào hiện thực”, từ “những sự thật”, lấy “quá trình lịch sử” làm tiền đề. “Chủ nghĩa cộng sản không phải là một cuộc vận động. Nó xuất phát không phải từ những nguyên tắc mà từ những sự thật. Những người cộng sản không lấy thứ triết học này nọ mà lấy toàn bộ quá trình lịch sử trước đây, mà đặc biệt là những kết quả trực tiếp trước mắt tại các nước văn minh làm tiền đề của họ”[10].
Năm 1924, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề nghiên cứu chủ nghĩa Mác phải trên cơ sở lịch sử: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại”. Vì thế, phải “Xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông”1. 
 “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại chúng ta tin rằng, lý luận đó chỉ đặt nền móng cho một khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt”2. Chính C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin đã liên tục phát triển lý luận của mình (bao gồm cả việc sửa chữa các luận điểm cũ và cả việc phát triển những luận điểm mới khi thực tiễn đã thay đổi). Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (năm 1848) do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo, là cuốn sách “gối đầu giường” của những người cộng sản, nhưng chính C.Mác, đặc biệt là Ph.Ăngghen khi viết lời tựa cho những lần xuất bản sau, mặc dù vẫn giữ nguyên các quan điểm trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, vì tôn trọng lịch sử, nhưng các ông lại cho rằng nhiều điểm trong Tuyên ngôn nếu viết lại thì phải thay đổi, vì tình hình đã có nhiều thay đổi, vì “đại công nghiệp đã có bước tiến hết sức lớn”. V.I.Lênin cũng đã phát triển một loạt luận điểm mới của chủ nghĩa xã hội khoa học, của chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới./.






[1] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 11.
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Sđd, Tập 4, tr. 630.
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Sđd, Tập 4, tr. 633.
[4] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Sđd, Tập 4, tr. 638.
[5] Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 92.
[6] Ban Tuyên giáo Trung ương, Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr. 48.
[7] Xem V.I.Lênin toàn tập, Tập 23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 49.
[8] Tạp chí Cộng sản Điện tử ngày 24/3/2009.
[9] Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 19/4/2012, tr. 8.
[10] C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tâp, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 399.
1 Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 465.
2 V.I.Lênin toàn tập, Tập 4, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr. 232.

1 nhận xét:

  1. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao cảnh giác với các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch; đồng thời tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu thủ đoạn hiểm độc, tinh vi của chúng.

    Trả lờiXóa