Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nhận
định: “Toàn cầu hóa và cách mạng khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, thúc
đẩy quá trình hình thành xã hội thông tin và kinh tế tri thức”[1].
Hình thành xã hội thông tin là một quá trình tất yếu và nếu mỗi người làm việc, học tập và giao tiếp
với người khác thông qua mạng nghĩa là họ đang ở trong xã hội thông tin. Cùng
với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, các trang mạng xã hội ở nước ta đã phát
triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Chỉ cần một sự lựa chọn và một
vài động tác kỹ thuật đơn giản, mỗi người đều có thể sở hữu một hay nhiều tài
khoản trên mạng xã hội. Thực tế, sự hình thành xã hội thông tin đã làm thay đổi
cách thức và mở rộng khả năng kết nối quan hệ của con người.
Đơn vị cơ sở là nơi trực tiếp quản
lý, giáo dục, rèn luyện quân nhân với đại đa số tuổi đời còn trẻ, có ưu thế
tiếp cận công nghệ thông tin, quan hệ xã hội chưa ổn định và luôn luôn có nhu
cầu mở rộng. Vấn đề cán bộ, chiến sĩ sử dụng mạng xã hội như một kênh thông tin
cá nhân đã thúc đẩy sự hình thành, phát triển của quan hệ trên mạng thông tin
xã hội - một dạng quan hệ khá mới mẻ ở đơn vị cơ sở. Đó là các mối quan hệ được
hình thành, phát triển trong quá trình gia nhập xã hội thông tin của quân nhân.
Có thể gọi đó là quan hệ mờ. Đặc
trưng bản chất của quan hệ này là các trang mạng thông tin xã hội không chỉ là
phương tiện giao tiếp mà là điều kiện tiên quyết để nảy sinh và là môi trường
phát triển của nó. Mặc dù là quan hệ gián tiếp, mang tính ngẫu nhiên cao song
do sự chia sẻ nhu cầu riêng tư và mối quan tâm chung do vậy các mối quan hệ
được thúc đẩy phát triển rất nhanh chóng, có thể rất khó kiểm soát ngay cả với
chủ thể.
Thực tế cho thấy, các mối quan hệ trên mạng
thông tin xã hội chứa đựng rất nhiều nguy cơ và rủi ro. Mỗi quân nhân khi thiết
lập các quan hệ trên mạng thông tin xã hội đều có thể trở thành đối tượng lôi
kéo của các phần tử xấu và các thế lực thù địch nếu vào đích ngắm của chúng. Sự
chia sẻ thông tin một cách tùy tiện, thiếu ý thức cảnh giác vô hình trung trở
thành nguồn rò rỉ các bí mật quân sự. Mặt khác, là nguy cơ bị cuốn vào sinh
hoạt tâm, sinh lý lệch chuẩn, sự suy thoái về đạo đức, lối sống… Rõ ràng, đặc
thù hoạt động quân sự đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ quan hệ trên mạng thông tin
xã hội của mọi quân nhân. Đây là vấn đề mới và có nhiều khó khăn, đặc biệt khi
mà hiện nay, điều kiện ở đơn vị cơ sở rất khó để triển khai đồng bộ các biện
pháp ngăn chặn về kỹ thuật. Trong khi đó, một số đơn vị ít quan tâm cảnh báo và
kiểm soát quan hệ trên mạng thông tin xã hội của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền.
Tình hình đó đòi hỏi phải tăng cường các biện pháp, trước hết là về tư tưởng,
tổ chức để quản lý chặt chẽ quan hệ trên mạng thông tin xã hội của quân nhân ở
đơn vị cơ sở hiện nay.
Một là, quan tâm giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vấn
đề quan hệ trên mạng thông tin xã hội. Thông qua sinh hoạt các tổ chức và các hình thức của công tác
tư tưởng, các đơn vị nhất là cấp đại đội cần thường xuyên quan tâm giáo dục
nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vấn đề quan hệ trên mạng thông tin
xã hội. Giáo dục, quán triệt làm cho mọi quân nhân nhận thức rõ về bản chất,
những nguy cơ tiềm ẩn của các mối quan hệ trên mạng thông tin xã hội. Thường
xuyên cảnh báo quân nhân không nên kết bạn với những người không quen trên mạng
xã hội; quy định và phổ biến đến mọi quân nhân về các thông tin được chia sẻ
trên mạng xã hội. Tiến hành phổ biến pháp luật của Nhà nước, kỷ luật quân đội,
quy định của đơn vị về lĩnh vực thông tin và truyền thông có liên quan đến khai
thác, sử dụng Internet, điện thoại di động và các phương tiện thu, phát tin cá
nhân. Trên cơ sở nắm được các mối quan hệ trên mạng thông tin xã hội của quân
nhân, lãnh đạo, chỉ huy cần phân loại quan hệ, thường xuyên gặp gỡ trao đổi để
quản lý và định hướng tư tưởng, hành vi của quân nhân; đặc biệt chú trọng các
biện pháp phòng ngừa nguy cơ có thể xảy ra.
Hai là, đăng ký và quản lý chặt chẽ phương tiện kết nối Internet; định kỳ
kê khai bổ sung tài khoản và các mối quan hệ mới của quân nhân trên các trang
mạng xã hội
Các mối quan hệ trên mạng xã hội của
quân nhân tất nhiên không được khuyến khích song cũng rất khó có thể cấm đoán
khắt khe và triệt để. Tăng cường quản lý là biện pháp tối ưu. Hiện nay công
nghệ thông tin phát triển rất mạnh mẽ và mỗi cá nhân ngày càng dễ dàng hơn để
sở hữu một phương tiện kết nối Internet. Vì vậy, định kỳ lãnh đạo, chỉ huy các
cấp cần tiến hành đăng ký phương tiện kết nối Internet của mọi quân nhân thuộc
quyền trong đó có cả các loại điện thoại di động có ứng dụng kết nối Internet.
Tổ chức đăng ký cam kết khai thác, sử dụng phương tiện kết nối Internet đúng
quy định của đơn vị, kỷ luật quân đội và pháp luật Nhà nước. Cùng với đó thường
xuyên kê khai bổ sung tài khoản và các mối quan hệ mới của quân nhân trên các
trang mạng xã hội. Thực hiện tốt việc này sẽ có tác dụng cảnh báo và là cơ sở
để xem xét, xử lý các sai phạm của quân nhân liên quan đến các mối quan hệ trên
mạng thông tin xã hội. Một mặt các
đơn vị cần phát huy tinh thần tự giác, trung thực của quân nhân, mặt khác cần
thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau để kiểm tra, đánh giá tính xác thực
của việc kê khai, đăng ký phương tiện kết nối Internet, tài khoản và các mối
quan hệ mới của quân nhân trên các trang mạng xã hội.
Ba là, quản lý chặt chẽ hoạt động kết nối, sử dụng Internet của quân
nhân. Đây là giải
pháp then chốt để quản lý quan hệ trên mạng thông tin xã hội của quân nhân. Vì
vậy, mục đích kết nối, sử dụng Internet và nội dung hoạt động của quân nhân
trên mạng phải được quản lý chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp và cơ quan
chức năng ở đơn vị cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng và nhân
dân ở địa phương để nắm chắc hoạt động của quân nhân tại các điểm kết nối
Internet trên địa bàn đóng quân. Tuyên truyền, vận động và đăng ký cam kết cung
cấp thông tin về quan hệ trên mạng thông tin xã hội của quân nhân với người
kinh doanh dịch vụ kết nối Internet. Ở mỗi cơ quan, đơn vị, cần thường xuyên
phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng tham gia quản lý hoạt động kết
nối, sử dụng Internet của quân nhân. Đội ngũ cán bộ chủ trì cần tiến hành đánh
giá, phân loại đối tượng để có biện pháp quản lý trọng tâm, trọng điểm. Thông
qua sinh hoạt các tổ chức để thường xuyên rút kinh nghiệm, xử lý các sai phạm
về hoạt động kết nối, sử dụng Internet của mọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị.
Bốn là, từng bước ứng dụng các giải pháp ngăn chặn về kỹ thuật. Hiện nay các giải pháp kỹ thuật nhằm
quản lý và tăng cường an toàn trong hoạt động kết nối, sử dụng Internet đã có
bước phát triển mạnh mẽ, dễ dàng tiếp cận và ứng dụng đối với máy tính cá nhân.
Vì vậy, kết hợp song song với các biện pháp về tư tưởng, tổ chức, các đơn vị có
thể từng bước tiến hành ứng dụng các giải pháp ngăn chặn về kỹ thuật. Có thể
lựa chọn và cài đặt đối với tất cả các máy tính ở đơn vị bao gồm cả máy tính cá
nhân các phần mềm có tính năng như: phần mềm bảo đảm cán bộ, chiến sĩ không
truy cập vào trang nội dung xấu; kiểm soát sử dụng phần mềm độc hại; phần mềm
có ghi lại những thông tin truy cập vào mạng xã hội; ngăn chặn Email không hợp
lệ; giám sát nhật ký sử dụng các dịch vụ như chát, IM…Tuy nhiên, trong thực tế
không có giải pháp ngăn chặn về kỹ thuật tối ưu, không có điểm yếu. Vì vậy, các
đơn vị có điều kiện và khả năng thực hiện các giải pháp ngăn chặn về kỹ thuật
cũng không nên tuyệt đối hóa mà xem nhẹ, không tiến hành các biện pháp về tư
tưởng, tổ chức./.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam , Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XI, Nxb CT QG, H, 2011, tr.183.
Nội dung bài viết rất hay
Trả lờiXóa