Công tác tư tưởng, lý luận là bộ phận
quan trọng, là nhân tố hàng đầu cấu thành hoạt động lãnh đạo của Đảng. Có thể
nói, sự tồn vong của Đảng cũng như sự thành bại của cách mạng có liên quan chặt
chẽ tới công tác tư tưởng, lý luận. Một vấn đề rất quan trọng trong công tác tư
tưởng, lý luận là đấu tranh chống các quan điểm sai trái, những tư tưởng lệch
lạc, phản động. Công tác tư tưởng, lý luận lúc nào cũng dựa trên lập trường của
một giai cấp nhất định. Vậy nên đấu tranh tư tưởng, lý luận là một khía cạnh
quan trọng trong những cuộc đấu tranh giai cấp. Cuộc đấu tranh tư tưởng, lý
luận không chỉ xoay quanh vấn đề cốt lõi nhất của lý luận, mà thường gắn với
những vấn đề thực tiễn, nhất là những biến động của đời sống xã hội.
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng,
lý luận hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh mới - bối cảnh toàn cầu hóa, hội
nhập quốc tế và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, nên có nhiều
thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn, thách thức mới đối với việc bảo vệ
những quan điểm, tư tưởng của chúng ta. Chưa bao giờ tầm vóc và sức mạnh của
dân tộc, của đất nước ta lại rạng rỡ và mạnh mẽ như lúc này. Điều đó làm cho
công tác tư tưởng, lý luận có một cơ sở thực tế mới, có một “cốt vật chất” vững
chắc để thực hiện những nhiệm vụ của mình. Nhưng mặt khác, những thách thức đối
với công tác tư tưởng, lý luận không hề nhỏ, đó là những nghịch lý và những
diễn biến khó lường của thế giới hiện nay. Ngay cả những giá trị cao đẹp và
đích thực mà nhân loại dày công tạo dựng, vun đắp như: hòa bình, độc lập, chủ
quyền, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội cũng bị những thế lực đế quốc, phản
động dùng mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá. Nhưng, có một vấn đề đặt ra là thông
tin về mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an
ninh ở mọi nơi, mọi ngóc ngách trên thế giới và trong nước; cả mặt thuận và mặt
trái, đều có thể hấp thụ được qua nhiều cách, nhiều chiều trên nhiều phương
diện. Việc nghe, việc nhìn cũng như suy nghĩ của mỗi người trong điều kiện
thông thoáng bên trong, mở cửa, hội nhập với bên ngoài hôm nay đã khác hôm qua.
Tất cả điều đó tác động đến công tác tư tưởng, lý luận nói chung và tác động
trực tiếp đến cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận nói riêng. Từ đó, trong việc đấu
tranh tư tưởng, lý luận, chúng ta phải kế thừa những cách thức và phương pháp
vốn có, đồng thời phải có cách làm đổi mới, sáng tạo. Điều căn bản nhất là thấy
được những yêu cầu đặt ra đối với cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay. Có
thể khái quát trên một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận
hiện nay cần nhận rõ sự phức tạp trên con đường cách mạng nước ta vì mục tiêu:
“dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, độc lập dân tộc gắn liền
với CNXH. Trên con đường đó, chúng ta gặp không ít khó khăn, không ít lực cản.
Có những khó khăn do chính bản thân chúng ta không lường hết, khó khăn nội tại
do chủ quan duy ý chí hoặc do bảo thủ trì trệ dẫn tới sự đình đốn thậm chí vấp
ngã. Từ đó dẫn tới sự lúng túng và thiếu lý lẽ thậm chí bế tắc trong lập luận. Sự
sụp đổ của hệ thống XHCN đã cho ta bài học sâu cả về tính phức tạp của thế giới
đương đại và những trắc trở, khó khăn của con đường đi tới tương lai của loài
người. Vấn đề đặt ra cho con đường đi lên CNXH sẽ phụ thuộc vào chính việc chúng
ta nhìn nhận rõ và khắc phục tốt những vướng mắc, tồn tại trong lòng của xã hội
XHCN, nhất là khi CNXH chưa được xây dựng một cách hoàn hảo. Đó là những vấn đề
nảy sinh từ tính phức tạp của thực tiễn mà ta chưa lường hết và có trường hợp
từ sai lầm về nhận thức dẫn tới sai lầm về hành động; từ sự thiếu hiểu biết cộng
với sự nhiệt tình thái quá mà làm sai, làm ẩu; sự thiếu nhạy cảm nên chậm chạp
để mất thời cơ; việc vi phạm nguyên tắc dẫn tới sự chệch hướng.
Thực
tiễn công cuộc đổi mới đất nước của chúng ta hiện nay cũng chứa đựng những vấn
đề không đơn giản. Phát triển kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa, hội
nhập quốc tế là những nhiệm vụ tất yếu mà chúng ta đang tiến hành. Nhưng ai
cũng biết, mặc dù chúng ta luôn giữ định hướng XHCN nhưng phát triển kinh tế
thị trường càng mạnh thì tính tự phát của khuynh hướng TBCN cũng sẽ tăng lên.
Chúng ta lại đang ở trong thời kỳ quá độ, trong đó nền kinh tế và cả xã hội
cũng có những vấn đề quá độ đan xen nhau rất khó rạch ròi. Quá trình hội nhập
quốc tế, chủ động làm ăn với nhiều nước trên thế giới lại sử dụng những giải
pháp và cách thức phát triển của CNTB để xây dựng CNXH đặt ra nhiều câu hỏi đối
với công tác tư tưởng, lý luận và đặc biệt là công tác đấu tranh chống những
quan điểm sai trái, phản động để bảo vệ những nguyên lý, quan điểm và định
hướng của chúng ta.
Hai là, phải xuất phát từ tư duy khoa học và
sáng tạo trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận để có sức thuyết phục, mọi lý
lẽ được sử dụng phải mang tính khoa học và sáng tạo. Chúng ta đều thấy rằng:
Một mặt, học thuyết về CNXH và xã hội XHCN được hình thành một cách khoa học,
có khảo sát, phân tích thấu đáo trên cơ sở vận dụng những quy luật khách quan.
Nhưng mặt khác, đôi khi chúng ta vô tình bỏ qua một vấn đề quan trọng là những lý
luận về CNXH được xác lập dựa vào những phương pháp trừu tượng rất cao. Phải
tìm tòi và gạt bỏ những vấn đề, những yếu tố đặc thù, hoặc không cơ bản để đi
sâu vào lý giải những vấn đề cốt lõi. Lý thuyết nguyên bản cội nguồn đó khi
được áp dụng vào những tình huống cụ thể, lẽ ra phải tính tới sự gắn kết những
điều kiện bên ngoài với bên trong và phải được soi rọi từ thực tế cuộc sống,
nhưng sự vận dụng lý luận nhiều khi biệt lập, không cân nhắc đến khía cạnh đó
nên dễ bị khiên cưỡng và thường gặp những vướng mắc khó có thể tháo gỡ.
Ba là, trong đấu tranh tư tưởng, lý luận không
được phiến diện, tuyệt đối hóa một chiều, không giáo điều và công thức hóa.
Phiến diện và tuyệt đối hóa sẽ dẫn tới làm mất đi tính khoa học của lý luận và
tính phong phú của thực tế, làm cho lý luận bị ngưng đọng và không đủ uyển
chuyển để tìm ra những luận cứ đấu tranh. Như khi luận bàn về mối quan hệ giữa
lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, chúng ta có lúc đánh giá nhìn nhận quá
cao tác dụng “mở đường” của quan hệ sản xuất; lúc khác thì chỉ để ý đến vấn đề
lợi ích, đến việc phát huy các yếu tố của lực lượng sản xuất nên coi nhẹ, thậm
chí quên mất việc quan hệ sản xuất phù hợp một cách chủ động và tích cực đối
với lực lượng sản xuất. Vấn đề sở hữu cũng vậy. Trước đây, trong lý thuyết,
chúng ta chú trọng hết sức đến hai hình thức sở hữu trong xã hội chúng ta là sở
hữu toàn dân và sở hữu tập thể, coi đó là điều tuyệt đối đúng, là hình thức cơ
bản đặc trưng của CNXH. Cho đến hiện nay, khi xây dựng nền kinh tế nhiều thành
phần theo định hướng XHCN thì xuất hiện những nhận thức lửng lơ, phó mặc, ít
chú trọng tới việc củng cố, hoàn thiện các thành phần kinh tế mang tính chủ
đạo, nền tảng là kinh tế nhà nước và hợp tác xã.
Bốn là, đấu tranh tư tưởng, lý luận cần lấy căn
cứ từ thực tiễn, quan tâm đến vấn đề của thực tiễn đặt ra. Nếu trong đấu tranh tư
tưởng, lý luận mà cứ đi theo một chiều hướng chính thống, theo công thức định
sẵn, không chú ý đến các vấn đề mới nảy sinh trong đời sống kinh tế, không để
tâm đến tâm trạng xã hội và tình cảm của nhân dân thì không thể đủ sức thuyết
phục. Một khi công tác tư tưởng, lý luận cứ theo một khuôn khổ cứng nhắc, không
đề cập đến những vấn đề thực tiễn đang nảy sinh vào hoạt động của mình thì nhất
định các tư tưởng lý luận xa lạ, sai lệch sẽ xen vào. Trong những dạng thức tư
tưởng dễ xâm nhập vào quần chúng nó phát sinh từ sự chủ quan của công tác tư
tưởng nói chung và công tác đấu tranh tư tưởng, lý luận nói riêng; từ những vi
phạm nguyên tắc XHCN trong sản xuất, phân phối và trong cả sinh hoạt đời sống
đã động chạm đến lợi ích vật chất, quyền lợi của quần chúng lao động. Trên từng
bước đường đổi mới gặp vô vàn khó khăn của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn chứng minh một cách rõ ràng cho quần chúng hiểu được những điều cụ
thể, từng công việc cần làm và sẽ làm được nếu tất cả mọi người cùng giác ngộ,
cùng quyết tâm, đồng lòng chung sức.
Năm là, đấu tranh lý luận phải hướng vào chủ
đích là củng cố niềm tin, sao cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân tin vào
sự tất thắng của sự nghiệp cách mạng, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Một điều rất hiển nhiên là, triển vọng phát triển của đất
nước phụ thuộc đáng kể vào tư tưởng và nhận thức của con người. Khi tư tưởng đã
thông, thống nhất một cách nghĩ sẽ biến ý chí thành hành động, làm cho triệu
người đồng lòng chung sức, tạo thành lực lượng vật chất to lớn thúc đẩy xã hội
tiến lên. Yếu tố cốt lõi đưa tới thống nhất tư tưởng và hành động là niềm tin.
Niềm tin trong mỗi con người là sự chắt lọc từ nhận thức và nằm trong chiều sâu
nhận thức, nhưng lại có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với việc định hướng tư
tưởng và định hướng hành động. Niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân là
keo gắn trong Đảng và giữa Đảng với nhân dân, tạo thành động lực to lớn giúp
chúng ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Để xác lập và củng cố niềm tin, điều
cần thiết nhất là phải nâng cao trình độ giác ngộ, trình độ hiểu biết cho cán
bộ, đảng viên và nhân dân. Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, tiếp tục
đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, đối với mỗi chúng ta, chỉ có tình cảm là
không đủ, mà phải là tình cảm cách mạng dựa trên cơ sở lý luận khoa học vững
chắc. Có như vậy, mới định hướng đúng cho mình khi gặp những điều kiện và biến
cố phức tạp trong một thế giới đầy xáo động, ngổn ngang, bất trắc khôn lường.
Có như vậy, mới đủ kiên định trước mọi thử thách của thời cuộc.
Những vấn đề nêu trên là những yêu cầu
đặt ra trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay. Càng thực hiện tốt các
yêu cầu đó, cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận sẽ đạt được hiệu quả cao trên thực
tế./.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, của cả hệ thống chính trị và mọi cán bộ, đảng viên.
Trả lờiXóa