Truyền thống là tập hợp những tư tưởng, tình cảm, những tập
quán và thói quen trong tư duy, lối sống trong ứng xử của cộng đồng người nhất
định được hình thành trong lịch sử và đã trở nên ổn định, lưu truyền từ thế hệ
này sang thế hệ khác.
Giáo dục truyền thống là một trong những nội dung quan trọng
của công tác tư tưởng nhằm trang bị cho mọi người hiểu biết những giá trị
truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của Quân đội, của đơn vị, qua đó
xây dựng lòng tự hào, củng cố niềm tin, đề cao ý thức trách nhiệm và hành động
cách mạng tích cực, tiếp tục giữ vững và phát huy các giá trị truyền thống tốt
đẹp trong cuộc sống.
Bắc Giang là vùng đất
cổ lưu giữ trong mình trầm tích văn hóa phong phú và giàu có; ngoài ra còn được
thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh kỳ thú đó là lợi thế, tiềm năng của Tỉnh.
Là vùng đất địa linh nhân kiệt, với bề dày lịch
sử, văn hoá, hiện Bắc Giang sở hữu hơn 2.230 di tích (trong đó có hơn 500 di
tích đã được xếp hạng). Nổi bật là dấu tích thành cổ Xương Giang - đây là nơi
diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện
oanh liệt ngày 3/11/1427 mà Lê Quý Đôn đánh giá: Từ triều Trần bắt được Tích Lệ
Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào
lớn như vậy (theo Đại Việt thông sử); hệ thống di tích cuộc khởi nghĩa nông dân
Yên Thế (là di tích quốc gia đặc biệt) - cuộc khởi nghĩa tiêu biểu cho sức
chiến đấu và tinh thần bất khuất của nông dân Việt Nam nói chung và Bắc Giang
nói riêng, trong phong trào đấu tranh chống Thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ
XIX, đầu thế kỷ XX; khu di tích cách mạng Hoàng Vân, di tích Y Sơn (Hiệp Hoà),
nơi hoạt động bí mật để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành độc lập dân tộc của các
đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng; chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - một trung tâm
phật giáo thời Trần, nơi còn lưu giữ kho Mộc bản kinh Phật với hơn 3.050 bản đã
được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái
Bình Dương vào năm 2012; đình, chùa Thổ Hà (Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và
cây Dã hương nghìn năm tuổi (Lạng Giang) đã được vua Cảnh Hưng sắc phong là
“Quốc chúa Đô mộc Đại Vương”... Dân ca Quan họ và Ca trù được UNESCO công nhận
là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại cùng các di sản phi vật thể quốc
gia như dân ca Sán Chí, dân ca Cao Lan huyện Lục Ngạn, lễ hội Thổ Hà, lễ hội
Yên Thế... Hằng năm, Bắc Giang có hơn 500 lễ hội truyền thống được tổ chức.
Nhiều nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá của đồng bào dân tộc Sán Chí, Cao Lan,
Nùng, Tày như các điệu hát Soong hao, Sli, đang được nhân dân các dân tộc Bắc
Giang gìn giữ, bảo tồn và khôi phục.
Ngoài ra, Bắc Giang còn có nhiều làng nghề truyền
thống, đặc biệt là dọc theo bờ Bắc sông Cầu như làng nghề Gốm Thổ Hà, nghề nấu
rượu làng Vân, nghề Mây tre đan xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên), Gốm Làng Ngòi
(Yên Dũng)... Nhiều đặc sản nổi tiếng như: Mật ong rừng, củ ba kích Sơn Động,
mỳ Chũ, vải thiều Lục Ngạn, bánh đa Kế, bún Đa Mai... đó là những cơ sở
để Bắc Giang phát triển du lịch văn hóa - tín ngưỡng và du lịch cộng đồng. Đặc
biệt, Bắc Giang còn có một hệ thống di tích và danh thắng dọc sườn Tây Yên Tử
nằm rải rác tại các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động. Hệ thống di
tích và danh thắng Tây Yên Tử gắn liền với lịch sử phát triển của Thiền phái
Trúc Lâm do Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ cuối thế kỷ XIII.
Với bề dày lịch sử văn hóa như vậy đã tôi đúc lên người con Bắc Giang trung
dũng, kiên cường trong lao động sản xuất, chống ngoại xâm, năng động, sáng tạo
trong xây dựng và phát triển kinh tế. Những vấn đề trên đặt ra cần phát huy tốt
công tác giáo dục truyền thống cho nhân dân trong tỉnh Bắc Giang, nhất là đối
với thế hệ trẻ.
Vai trò giáo dục truyền thống của Bảo tàng là hết sức quan
trọng. Ngày 20/1/1960, đến thăm Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã viết vào sổ vàng: “ Viện Bảo tàng Cách mạng là một cuốn sử sống.
Các cán bộ, đảng viên và người ngoài Đảng, nhất là thanh niên, thiếu niên, nhi
đồng đến xem Viện bảo tàng sẽ thấy được các liệt sỹ đã hy sinh cho dân tộc như
thế nào. Đảng đã lãnh đạo cách mạng vượt qua bao nhiêu gian khổ và đưa cách
mạng đến thắng lợi như thế nào?...Viện bảo tàng là một trường học tốt về lịch
sử cách mạng của dân tộc Việt Nam ta...Các tài liệu, hiện vật trưng bày sẽ làm
cho mọi người tăng thêm lòng tin tưởng ở Đảng và chế độ tốt đẹp của chúng ta.”
Để giữ gìn và phát huy những giá trị to lớn trong bề dày lịch sử văn hóa của tỉnh, góp
phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, Bảo tàng đã sớm được ra đời.
Năm 1987 Bảo tàng tỉnh Bắc Giang được thành lập trên cơ sở phòng Bảo tồn – Bảo
tàng thuộc Sở Văn hóa – thông tin tỉnh Hà Bắc. Gần 30 năm qua, cùng với quá
trình hình thành và phát triển, Bảo tàng luôn chăm lo phát triển hoạt động
tuyên truyền, giáo dục truyền thống của Tỉnh Bắc Giang, lãnh đạo bảo tàng tỉnh
luôn động viên, khích lệ kịp thời cán bộ viên chức phấn đấu, tận tâm hoàn thành
tốt nhiệm vụ được giao. Bởi vậy, từ chỗ Bảo tàng chỉ có hơn 10 ngàn hiện vật,
nay đã sưu tầm và đưa về bảo quản được hơn 50 ngàn hiện vật.
Công tác trưng bày giới thiệu hiện vật nhằm giáo dục truyền
thống yêu nước, truyền thống lịch sử của Bảo tàng cũng được đẩy mạnh. Với tổng
diện tích 7300m2 diện tích trưng bày nội thất được chia thành 5 phòng trưng bày
theo chủ đề lịch sử của tỉnh Bắc Giang từ thời kỳ nguyên thủy đến giai đoạn
cận, hiện đại, với nhiều hiện vật quý hiếm, Bảo tàng đã trở thành một địa chỉ
hấp dẫn thu hút đông đảo khách tham quan, nghiên cứu. Từ năm 2010 đến nay Bảo
tàng thu hút hơn 10.000 lượt khách đến tham quan và học tập. Trong đó tỷ lệ
khách tham quan chủ yếu là học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ
thông chiếm tới trên 70% đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan
tâm của thế hệ Bắc Giang đến truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương thông qua
hình thức tiếp cận với Bảo tàng.
Hiện tại, Bảo tàng đang được UBND tỉnh đầu tư nâng cấp, trang thiết bị kho, các phòng trưng bày,
phòng làm việc để phục vụ công tác nghiệp vụ được tốt hơn. Với những kết
quả đạt được, trong những qua Bảo tàng Bắc Giang đã gặt hái được những thành
quả đáng khích lệ: năm 2003 được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba;
năm 2005 và 2009 được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Từ năm 2003 đến năm
2009 Bảo tàng tỉnh Bắc Giang liên tục được UBND tỉnh, Bộ VHTT tặng Bằng khen và
Cờ thi đua xuất sắc.
Phát huy những thành tích và truyền
thống của đơn vị, trong những năm tới Bảo tàng Bắc Giang quyết tâm đẩy mạnh các
phong trào thi đua, phấn đấu liên tục để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao,
xứng đáng là con chim đầu đàn của ngành Bảo tàng trong cả nước.
Trong xu thế hội nhập quốc tế mạnh
mẽ như hiện nay, các trào lưu văn hóa ngoại lai thâm nhập ngày càng nhiều, nhu
cầu và thị hiếu hưởng thụ văn hóa của xã hội ngày càng cao và phức tạp, công
tác tuyên truyền, giáo dục của Đảng càng cần phải được quan tâm đặc biệt. Nằm
trong đội ngũ làm công tác tuyên truyền của Đảng, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang phải
nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng là địa chỉ đỏ là nơi trưng bày, giới
thiệu, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh đến với nhân dân
nhất là thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, phải thắng thắn thừa nhận rằng, hiện nay, các bảo
tàng nói chung và bảo tàng lịch sử, cách mạng nói riêng sức hấp dẫn còn hạn
chế, vắng khách. Hiện thực đó đòi hỏi những người làm công tác tuyên truyền của
Bảo tàng tỉnh phải trăn trở tìm tòi những nội dung, hình thức, giải pháp mới để
không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Một là phải đổi mới, nâng cao nội dung và hình thức trưng
bày tại Nhà Trưng bày bảo tàng và các bộ trưng bày lưu động, ứng dụng được các
thành tựu mới về trưng bày bảo tàng của Việt Nam và thế giới để nâng cao sức
hấp dẫn của bảo tàng đối với công chúng.
Hai là phải đổi mới công tác thuyết minh để tạo cho mỗi tư
liệu, hiện vật là một mẩu chuyện sinh động, hấp dẫn về những giá trị truyền
thống, văn hóa của quê hương, đất nước.
Ba là phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các
hoạt động của Bảo tàng, đặc biệt là xây dựng duy trì và phát triển trang Thông
tin điện tử Bảo tàng để bảo tàng không những đến với thế hệ trẻ trong tỉnh và
mọi người dân trong cả nước và bạn bè thế giới tìm đến với Bảo tàng.
Bốn là phải tăng cường đi cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa
trong tỉnh tổ chức nói chuyện truyền thống, trưng bày lưu động, giao lưu văn
hóa biến nơi đây thành trường học lịch sử ở địa phương. Cần nghiên cứu để đổi
mới hình thức tổ chức, phối hợp với các đơn vị nghệ thuật, điện ảnh, các trung
tâm văn hóa, chính quyền địa phương, đoàn thanh niên và bộ đội…để đa dạng hóa
hoạt động, làm cho các hoạt động này trở thành ngày hội quần chúng.
Năm là tăng cường quảng bá rộng rãi về các giá trị văn hóa
truyền thống của tỉnh Bắc Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng,
nghiên cứu để đưa ra những vấn đề hấp dẫn để thảo luận, cuốn hút công chúng đến
với Bảo tàng.
Sáu là tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm tài
liệu, hiện vật, xây dựng các bộ sưu tập ài liệu, hiện vật gốc có giá trị để tạo
được bản sắc riêng độc đáo của Bảo tàng, tăng cường sức hấp dẫn đối với người
xem.
Bảy là đẩy mạnh thực hiện “Đưa bảo tàng vào trường học” góp
phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Phối hợp với các ban ngành của tỉnh
đặc biệt là Sở giáo dục đào tạo của Tỉnh để tiến hành công tác tuyên truyền các
giá trị của bảo tàng đến với thế hệ trẻ, đưa vào chương trình giáo dục truyền
thống ở các trường học.
Tám là, quam tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo tàng
vững mạnh, chăm lo, bảo đảm về mọi mặt, nhất là đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tay
nghề cho cán bộ, nhân viên bảo tàng. Tích cực nghiên cứu khoa học đầu tư, xây dựng bảo tàng, mạnh dạn
sáng tạo nội dung, hình thức trong hoạt động, góp phần đắc lực phục vụ công tác
giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đây là hình thức giáo dục rất hay, cần nhân rộng
Trả lờiXóa