Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

Ký ức về buổi chiều ngày 30/4/1975 lịch sử trong Dinh Độc Lập qua lời kể của các nhân chứng lịch sử



                                                                       Duy Phạm
Đúng 11h30 ngày 30/4/1975 cờ giải phóng tung bay trên đỉnh Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Rất nhiều sách báo đã nói về các diễn biến hào hùng trong những ngày cuối của chiến dịch. Nhưng diễn biến trong Dinh Độc Lập sau giờ toàn thắng ít người biết. Các sự kiện diễn ra buổi chiều lịch sử đó đều đã được ghi lại trong những cuốn sách của các tướng lĩnh, sĩ quan, những người trực tiếp tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và có mặt trong giờ toàn thắng.


Trong kí ức của tướng Hoàng Đan nguyên phó tư lệnh Quân đoàn 2, đơn vị tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên đã kể lại
Khoảng 14 giờ ngày 30/4/1975“Chúng tôi đang ngồi đầy ở các bậc lên nhà, thì thấy một tiểu đội từ ngoài vào. Đồng chí đi đầu nhanh chóng đặt gói bộc phá vào chân ngôi nhà, định giật nụ xòe cho bộc phá nổ. Đồng chí Ân lập tức chạy đến xô đồng chí này ra và hỏi: 'Ta đã chiếm rồi sao đồng chí lại còn đặt bộc phá?'”."Đồng chí này ngớ người ra một lúc. Có lẽ lúc này đồng chí đó mới thấy hành động của mình là vô lý. Đồng chí nói: 'Chúng em được lệnh đi đầu, tiến vào đánh chiếm dinh Độc Lập, vì vậy nên đến nơi chúng em đánh bộc phá liền'".
Để đảm bảo an ninh, lực lượng Quân đoàn 2 đã tổ chức bảo vệ vòng quanh Dinh Độc Lập, không cho ai vào. Nhưng rất nhiều đơn vị tiến đến sào huyệt cuối cùng của địch, đều khẩn khoản xin vào xem một chút.“Chúng tôi cũng phải nhượng bộ để các đồng chí vào xem. Tất nhiên chỉ cho phép đứng xung quanh, không cho vào trong”, tướng Đan, khi đó là đại tá, viết.
Thiếu tướng Nguyễn Công Trang nguyên Phó chính ủy Quân đoàn 2 cho biết: Dương Văn Minh và nội các chính phủ VNCH đã thốt lên “ Các ông nhân đạo quá” khi ông và các đồng chí thuộc bộ tư lệnh quân đoàn 2 mời ăn cơm trưa.
Tướng Hoàng Cầm viết rõ đến 17 giờ, Quân đoàn 4 vào tiếp quản dinh Độc Lập theo kế hoạch, Quân đoàn 2 rút về Thủ Đức.Cuốn hồi ký Chặng đường Mười nghìn ngày của Thượng tướng Hoàng Cầm (NXB Quân đội Nhân dân, 2001, Nhật Tiến thể hiện), lúc đó là Tư lệnh Quân đoàn 4, đơn vị tiếp quản Dinh Độc lập từ Quân đoàn 2, cũng cho biết thêm diễn biến trong buổi chiều và tối ngày 30/4 lịch sử, cũng như cảm xúc cá nhân ông:
“Lúc này tôi mới có phút xả hơi, được nhìn quang cảnh một cái 'dinh', một địa danh quen thuộc với tất cả cán bộ, chiến sĩ có mặt trên chiến trường, nhất là chiến trường Đông Nam Bộ - vì trước đó lúc 10 giờ ngày 30/4 nó vẫn là sào huyệt cuối cùng của quân thù".
"Được biết Dương Văn Minh và nội các của ông ta từ sáng đến giờ chưa có gì vào bụng, nhưng vẫn lấm lét sợ hãi không dám ngỏ lời. Tôi chủ động nói với họ: 'Các ông có thể báo người nhà đem cơm tới, từ sáng đến giờ, đói chịu sao được'".
"Họ lễ phép cúi đầu, hai tay chắp cám ơn, đưa mắt nhìn trộm tôi. Tất cả đều cung kính, thưa bẩm vì thấy tôi tóc ngả hoa râm họ cho là tướng chỉ huy (khi gặp bất cứ chiến sĩ nào của ta họ đều hỏi như thế)".




1 nhận xét:

  1. Đây là ký ức rất đẹp trong ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước

    Trả lờiXóa