Thứ Tư, 1 tháng 5, 2019

ĐỒNG CHÍ TRẦN PHÚ NGƯỜI CHIẾN SĨ CỘNG SẢN KIÊN TRUNG, TỔNG BÍ THƯ MẪU MỰC


                 Thái Thế
Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - đồng chí Trần Phú là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản mẫu mực, kiên cường, người con ưu tú của Đảng và dân tộc.
Đồng chí Trần Phú  sinh ngày 1 tháng 5 năm 1904 tại thành An Thổ, phủ Tuy An, tỉnh Phú Yên (nay thuộc xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), nguyên quán của ông ở làng Tùng Sinh, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Cha là cụ Trần Văn Phổ, từng đỗ Giải Nguyên. Thời gian làm Giáo thụ Tuy An đã sinh ra ông tại đây. Mẹ ông là bà Hoàng Thị Cát, người làng Tùng Anh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con thứ 7 trong gia đình. Năm 1908, khi đang là Tri huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), do không chịu được sự đè nén, áp bức, nhục mạ của công sứ Pháp Dodey Besra và bất lực trước tình cảnh nhân dân đói khổ, lầm than, ông đã thắt cổ tuẫn tiết tại công đường. Do nghèo khổ và buồn phiền, 2 năm sau đó, mẹ  cũng qua đời. Trần Phú cùng với người em út lưu lạc từ Quảng Ngãi đến tỉnh Quảng Trị, về sau được một người dì ruột là cung nương Hoàng Thị Khương mang về giao cho con trai mình là Thái Thường Tự Khanh Phạm Hoàng San và vợ là Phan Thị Yến nuôi cho ăn học tại Trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba rồi Trường Quốc học Huế. Tại Trường Quốc học Huế, Trần Phú được theo học cụ Võ Liêm Sơn một nhà giáo yêu nước. Năm 1922, đỗ đầu kỳ thi Thành Chung (học vị cao nhất theo hệ Pháp đào tạo tại Việt Nam lúc bấy giờ) lúc 18 tuổi, rồi về dạy học tại Trường Tiểu học Pháp – Việt Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An).


Thời gian dạy học ở Vinh, vốn có ảnh hưởng tinh thần dân tộc của cha, Trần Phú có những tiếp xúc đầu tiên với Chủ nghĩa Cộng sản. Tháng 7 năm 1925, đồng chí Trần Phú cùng một số bạn bè trẻ tuổi như Lê Văn Huân, Trần Đình Thanh, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt... thành lập Hội Phục Việt - một tổ chức của những người yêu nước cấp tiến và sớm trở thành một thành viên lãnh đạo của Hội (sau này, Hội Phục Việt đã nhiều lần đổi tên thành Hội Hưng Nam và Việt Nam cách mạng Đảng năm 1926, Việt Nam Cách mạng Đồng chí hội năm 1927, rồi Tân Việt Cách mạng Đảng năm 1928 và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn năm 1930). Bước ngoặt lớn trong cuộc đời cách mạng của Trần Phú, đưa người thanh niên yêu nước trở thành người cộng sản là năm 1926, với bí danh Lý Quý, Trần Phú đại diện Việt Nam Cách mạng Đảng sang Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất với Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được tham gia Lớp huấn luyện cán bộ khóa 2 do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Khóa huấn luyện đã trang bị cho Trần Phú những kiến thức cơ bản về lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và cách mạng vô sản. Từ đây, đồng chí đã chuyển sang lập trường của giai cấp vô sản. Tháng 12 năm 1926, ông về đến Vinh, tham gia cải tổ Việt Nam Cách mạng Đảng theo đường lối và tổ chức của Việt Nam thanh niên cách mạng. Trở về nước hoạt động, đồng chí đã thuyết phục được Ban lãnh đạo Việt Nam cách mạng Đảng đưa nội dung chương trình, phương pháp huấn luyện và cách thức tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào hoạt động của tổ chức Tân Việt. Những hoạt động tích cực của đồng chí Trần Phú là những đóng góp quan trọng trong quá trình vận động chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Do những hoạt động tích cực của mình, một thời gian sau, Trần Phú bị lộ, được tổ chức bố trí sang Quảng Châu để hoạt động với bí danh Lý Viết Hoa. Mùa xuân năm 1927, đồng chí được Nguyễn Ái Quốc cử sang học tại trường Đại học Đông Phương (Liên Xô) với bí danh Likvey. Tại đây, chi bộ những người Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí được chỉ định làm bí thư chi bộ này. Trong 3 năm học tại Liên Xô đã đem lại cho Trần Phú vốn liếng phong phú về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, về phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, về cách mạng vô sản. Kết hợp với thực tiễn sinh động tại nước anh em, Trần Phú đã có bước trưởng thành vượt bậc về nhận thức, trình độ và năng lực hoạt động cách mạng, sẵn sàng đảm đương những trọng trách mới mà Đảng và đất nước giao phó.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, tháng 11-1929, đồng chí Trần Phú nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bắt đầu hành trình về nước hoạt động. Đầu năm 1930, đồng chí về đến Sài Gòn, sau đó sang Hồng Kông (Trung Quốc) gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được thông báo về sự kiện thành lập Đảng. Tháng 4-1930, đồng chí về nước hoạt động và được Ban Chấp hành Trung ương lâm thời giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Tháng 7-1930, sau khi kết thúc chuyến khảo sát tại một số địa phương tại đồng bằng Bắc Bộ để có thực tiễn xây dựng dự thảo Luận cương, đồng chí về Hà Nội, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.
Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10-1930) thông qua, là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa cùng những luận điểm cơ bản trong Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.
Tại Hội nghị, với việc bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Đảng lần đầu tiên được kiện toàn về mặt tổ chức. Đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Kết quả của Hội nghị đã đánh dấu sự trưởng thành về nhiều mặt của Đảng với uy tín và sức hút mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng Đông Dương phát triển nhanh chóng.
Đối với đồng chí Trần Phú, trên cương vị Tổng Bí thư đầu tiên, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong việc xây đựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Luận cương chính trị do đồng chí khởi thảo là một văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương, là cơ sở để Đảng đề ra sách lược, chiến lược trong suốt quá trình đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá đồng chí “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng”, một người cộng sản mẫn tiệp, trí tuệ và sáng tạo.
Đồng chí Trần Phú là người cộng sản mẫu mực, đã nêu tấm gương kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Những năm 1930 - 1931, một cao trào cách mạng rộng lớn mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh đã phát triển rộng khắp cả nước. Đồng chí Trần Phú đã cùng với Ban Thường vụ Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo phong trào. Tháng 3-1931, đồng chí Trần Phú chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ hai tại Sài Gòn, nhằm củng cố các tổ chức Đảng, đoàn thể và duy trì phong trào đấu tranh sau khi Xô Viết Nghệ Tĩnh bị địch khủng bố trắng. Do sự phản bội của một đối tượng trong tổ chức, ngày 18-4-1931, Tổng Bí thư Trần Phú bị bắt tại Sài Gòn, bị đưa về giam tại bốt Pôlô rồi đến bốt Catina. Chúng bằng mọi thủ đoạn từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn bằng những cực hình tàn khốc, hòng buộc đồng chí phải khai ra tổ chức Đảng và các đồng chí, đồng đội. Song chúng đều thất bại trước khí phách kiên cường của người cộng sản trẻ tuổi. Chúng bèn âm mưu giết hại đồng chí bằng chế độ tòa án phản động, bất công. Đối diện với viên bồi thẩm, đồng chí Trần Phú đã trả lời đúng đắn và cứng rắn tên và chức vụ Tổng Bí thư của mình.
Trong mọi hoàn cảnh gian lao, nghiệt ngã nhất, đồng chí Trần Phú luôn kiên định, vững niềm tin vào thắng lợi tất yếu của cuộc đấu tranh chính nghĩa và cuộc cách mạng mà Đảng dẫn dắt cho các đồng chí, đồng đội trong tù. Nhiều cuộc đấu tranh đã được tổ chức để vạch trần bản chất xâm lược, tàn bạo của chế độ thực dân và bọn tay sai; đồng thời đòi cải thiện chế độ lao tù hà khắc. Những buổi trao đổi, bồi dưỡng lý luận và kinh nghiệm công tác cho các đồng chí tù chính trị được Trần Phú tổ chức ngay trong nhà tù thực dân.
Do căn bệnh lao ngày càng trầm trọng, cộng thêm những đòn tra tấn tàn bạo và chế độ lao tù khắc nghiệt, sức khỏe của đồng chí Trần Phú ngày càng suy kiệt. Do bệnh tình quá nặng, ngày 6-9-1931, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, khi mới 27 tuổi. Trước lúc qua đời, đồng chí đã dùng chút sức lực còn lại để nhắn nhủ tới các đồng chí, đồng đội: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Lời nhắn nhủ đó của đồng chí Trần Phú đã đi vào lịch sử, trở thành lời cổ vũ, động viên, là phương châm và lý tưởng sống, cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, thanh niên. Sự ra đi của đồng chí là một tổn thất hết sức to lớn đối với Đảng và cách mạng Việt Nam đang trong thời kỳ phục hồi và phát triển cũng như đối với phong trào cộng sản quốc tế.
Trân trọng và tôn vinh những cống hiến lớn lao của đồng chí Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”; “Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Hoàng Văn Thụ, và trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay” .
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi song đã đóng góp to lớn, đặc biệt quan trọng đối với Đảng trong thời kỳ đấu tranh sôi động những năm 1930 - 1931. Đồng chí là biểu tượng sáng ngời của một nhà lãnh đạo tận trung với nước, tận hiếu với dân; một người cộng sản trí tuệ, mẫu mực
.

1 nhận xét:

  1. Đồng chí Trần Phú đã đem cả xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng, cho cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay

    Trả lờiXóa