Theo đánh
giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp - Mỹ thì “Điện Biên Phủ là một
vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả miền Đông
Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan,
Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc”. "Điện Biên Phủ là một cánh đồng rộng lớn
nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc". Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp
có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc
trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn
chủ lực của ta.
Đánh giá
Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất ở Đông Dương, nên
sau khi đánh chiếm Điện Biên Phủ vào ngày 20-11-1953, quân Pháp không ngừng
tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn
lũy và các loại vật tư khác. Được sự giúp đỡ của Mỹ về cố vấn, trang bị kỹ thuật,
kinh tế, Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh
nhất Đông Dương.
Tính đến
tháng 3-1954, tại Điện Biên Phủ đã có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu
đoàn pháo binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội máy bay thường trực (14 chiếc).
Sau này trong quá trình chiến dịch, quân Pháp tăng viện thêm 4 tiểu đoàn, 2 đại
đội lính dù, tổng cộng có 17 tiểu đoàn, phần lớn đều là lính tinh nhuệ. Ngoài
ra còn có các quân chủng pháo binh, công binh, thiết giáp, phân đội hỏa pháo. Tổng
số quân tăng lên hơn 16.000 người và 300 máy bay vận tải tiếp tế, có sự chi viện
của không quân Mỹ.
Về phía
Việt Nam, việc quân Pháp nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ không làm đảo lộn kế
hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954 của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội
nhân dân Việt Nam, ngay cả trên hướng Tây Bắc. Trên các hướng đã được xác định,
khối chủ lực vẫn mở các cuộc tiến công đúng như kế hoạch gây cho quân Pháp nhiều
thiệt hại và bị động đối phó.
Tại Hội
nghị phổ biến nhiệm vụ quân sự và kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 diễn
ra cùng thời điểm quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, Tổng Tư lệnh, Đại tướng
Võ Nguyên Giáp cho rằng, “địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ là để che chở cho
Lai Châu và Thượng Lào bị uy hiếp. Như vậy là bị động phân tán lực lượng để đối
phó với ta. Vô luận rồi đây, địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Điện
Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta”.
Các đòn
tiến công chiến lược quan trọng của ta trong Đông Xuân 1953-1954 đã buộc khối
cơ động của địch phải phân tán đối phó trên nhiều hướng, tạo điều kiện thuận lợi
cho quân và dân Việt Nam thực hiện trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Ngày 6-12-1953,
Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình, nhất
trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp
làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng, Lê
Liêm - Chủ nhiệm Chính trị, Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp.
Với những
nỗ lực cao nhất, ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhiều tầng lớp nhân dân hăng hái lên đường tham gia chiến dịch lịch sử Điện
Biên Phủ: công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ… Và đã có biết bao tấm
gương hy sinh trên đường ra trận, nhiều anh hùng quên mình xả thân cho cuộc
kháng chiến…
Đầu tháng
3-1954, thời gian chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện
Biên Phủ với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” đã hoàn thành. Tập đoàn cứ điểm
Điện Biên Phủ có tất cả 49 cứ điểm, được chia làm 3 phân khu. Trên chiến trường,
ta mở ba đợt tiến công vào Điện Biên Phủ. Đợt 1 của chiến dịch Điện Biên Phủ mở
màn ngày 13-3-1954, với trận tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam thuộc vòng ngoài
Phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm. Đợt 2 diễn ra ngày 30-3-1954, đánh vào phân
khu trung tâm. Đợt 3 chiến dịch diễn ra ngày 1-5 và kết thúc ngày 7-5-1954,
đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ
điểm Điện Biên Phủ.
Sau 56
ngày đêm chiến đấu, hy sinh, gian khổ, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ Tập
đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Chiến thắng
lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã khẳng
định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh
là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ tự lực cánh sinh, đã
phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của
dân tộc Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử của dân tộc ta như một
Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế
giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa
kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc.
Thắng lợi
của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện
Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam. Có thể nói, thực
dân pháp và can thiệp Mỹ đã hoàn toàn bất ngờ trước sức mạnh của Quân đội nhân
dân Việt Nam, trước việc “Việt Minh” có đủ lương thực và vũ khí để chiến đấu
liên tục trong suốt gần hai tháng trên địa bàn hiểm trở, xa hậu cứ trước việc
xuất hiện của trọng pháo trên trận địa đỉnh núi…
Chiến thắng
Điện Biên Phủ đã nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, buộc thực
dân Pháp phải ngồi vào bàn Hội nghị cùng ký Hiệp định Geneva chấm dứt cuộc chiến
tranh xâm lược (1945-1954) ở Đông Dương, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải
phóng. Hiệp định Geneva đã tạo được cục diện mới, tạo tiền đề và cơ sở pháp lý
rất quan trọng để dân tộc ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975).
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954 không những là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn cổ vũ phong trào chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc trên thế giới
Trả lờiXóa