Sách chép rằng Đại Việt ta vốn dòng dõi Thần Nông, từ đời Thành
Vương cống chim trĩ trắng, dâng quy lịch đã ba ngàn năm có lẻ. Phong vật, giáo
hóa không thẹn trời Nam, văn chương, đạo học dương danh bể Bắc. Nhưng đạo trời
thay đổi, thế vận đổi dời, gặp năm Mậu Ngọ (1858) mắc nạn Hồng di. Từ đó gần
trăm năm nước ta bị nội thuộc, mất quốc thống về đám rợ Tây Dương.
Đến năm Ất Dậu (1945), giặc Phú Lãng Sa và Oa cai trị tàn bạo,
xảy ra nạn đói to khiến hai trăm vạn người chết ở Bắc Hà. Quốc phụ thừa cơ dấy
nghĩa, đánh đuổi được quân rợ. Bản triều dựng lại tông miếu, xã tắc. Nhưng đảng
giặc còn hung hăng , loạn Tây vẫn chưa dứt. Chúng học thói Kính Đường, lập Ngụy
triều đối chọi quan quân; lại bắt chước Hồng Câu bên Tàu, lấy sông Bến Hải chia
đôi thiên hạ, sau lại rước năm chục vạn quân Á Mỹ Lợi Gia cùng chư hầu vào
phương Nam. Trăm họ lầm than, rường cột đảo lộn.
****
Tháng Tư, Tiết chế lúc bấy giờ là Võ Nguyên Giáp, cho lập đàn
sắm lễ, trai giới làm lễ tế trời đất cùng các đế vương, tiên hiền, chư thánh,
linh thần thổ địa đất Việt. Khấn rằng:
"Thần họ Võ tên Giáp, gượng gánh trọng trách của nước nhà,
cầm binh phù, vâng mệnh đánh loạn thần tặc tử, lấy lại sơn hà xã tắc. Nay đạo
thấp ma cao, thiên hạ đại loạn, bách tính phải chịu lầm than đã gần 20 năm,
người chính khí há lại chịu đội trời chung với chúng. Xin tiền nhân, chư thánh
chứng giám".
Khấn xong, ngày hôm ấy, mây mù tan hết, thái dương chiếu rọi
khắp nơi. Tiết chế cho là điềm lành, hội các tướng bàn việc tiến quân và cáo dụ
rằng:
"Cái thế chẻ tre không thể bỏ lỡ. Huống chi, ta vâng mệnh
đi đánh kẻ vô đạo, thống nhất Nam bắc. Các tướng nên răn cấm binh sĩ, nghiêm
ngặt nhắc lại ước thúc, chấn chỉnh đội ngũ, hiệu lệnh rõ ràng. Quân đi đến đâu,
không được mảy may xâm phạm của dân, không được cướp bóc dân lành, của cải
không phải của giặc thì không được lấy bậy. Quân kỷ nghiêm minh thì giặc dễ
phá".
****
Rồi phong Văn Tiến Dũng làm chánh tướng, lấy 25 vạn tinh binh
chia 5 đạo vây mấy vòng quanh Gia Định. Lại sai nghĩa sĩ, ám vệ vào thành phủ
dụ dân chúng, hẹn ngày treo cờ, kết hoa đón vận nhất thống. Binh mã Ngụy triều
co cụm trong Gia Định ngót 25 vạn quân, khí giới trang bị, thiết xa, phi hạm
nhiều vô kể. Nhưng sỹ khí thực không còn bao nhiêu, nháo nhác dắt nhau tìm chỗ
trốn.
Ngày 25 tháng Tư, Ngụy vương Thiệu nhân đêm tối lên phi cơ bỏ
chạy, bá quan phải lập vội người khác lên thay. Quân binh được điều ra giữ các
cửa thành, nhưng sĩ tốt cũng như các quan văn võ, nửa đêm trèo thành đi trốn
đến quá nửa.
Ngày 26, đại quân phát súng lệnh, dùng thần cơ bắn phá gần 1
canh giờ. Sau đó các tướng kéo cờ, đánh chiêng gióng trống. 5 đạo như hùm beo,
trăm quân như hổ báo, người khoe mạnh, kẻ đua hùng, điểm xạ thành thạo, thi
nhau bắn ngã sĩ tốt địch. Súng nổ liên hồi như sấm rền, đạn rơi như sao sa,
cách mười dặm còn nhìn rõ. Trống chiêng dậy đất, cờ xí rợp trời, giáo mác như
mây. Chư tướng phất cờ lệnh thúc đánh, chỉ tiến không lùi, toàn quân xông pha
tên đạn, phá lũy leo thành mà vào.
Ngụy binh thế cá chậu chim lồng, sĩ tốt bỏ giáp quẳng gươm nháo
nhác như ong vỡ tổ. Các tướng Ngụy, người cay đắng bỏ chạy như Đôn, Viên; kẻ hổ
thẹn mà diệt thân như Hưng, Nam. Bấy giờ thuyền nặng, xe đông, phải ném cả khí
cụ hòm xiểng xuống Đông hải để chừa chỗ, không còn phép binh gì. Có kẻ bám mạn
thuyền, ôm càng phi cơ thoát thân. Lại thấy khắp bãi sông, quanh cửa biển tụ
tập dồn ứ đến hàng vạn, cảnh khóc than xưa nay chưa từng thấy.
Tiết chế đã dụ từ trước, nhưng địch quân nhất thời hoảng loạn
gây cảnh tang tóc thê lương. Thương bách tính bị ép xung quân, xót dân đen gặp
nạn binh hỏa. Nên truyền lệnh quan quân thu đại pháo, mở sinh lộ cho Ngụy quân
cùng quẫn, bách tính đi theo được chạy ra Đông hải.
Ngày Bính Ngọ, đại binh nhập thành giờ Thìn. Quan quân lấy thiết
pháo xa húc đổ cửa chính dinh, ồ ạt kéo vào. Ngụy vương mới phong cùng bá quan
cổ đeo lụa trắng, mình mặc áo tang, phủ phục chờ sẵn. Tiết chế lệnh thu hàng
cả, sai niêm phong kho tàng, bảo vệ cung thất. Lại cho thu nhặt vũ khí, kiểm kê
hàng binh.
Trai gái hò reo vui vận thái bình, phụ lão đều hân hoan đón ngày
Bắc Nam nhất thống, sơn hà liền cõi.
Bài viết rất ý nghĩa, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa