Việt Nam là dân tộc đa tôn giáo, tín ngưỡng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định chủ
trương, chính sách nhất quán là tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo của nhân dân. Các tôn giáo luôn đoàn kết, đồng hành cùng dân tộc, thực
hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Sự thật là như
vậy, song vẫn còn những ý kiến trái chiều, phản ánh sai lệch tình hình tôn giáo
ở Việt Nam
Trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng
sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, các thế lực thù địch càng hằn học, ra sức
lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tự do tôn giáo” như một
thứ vũ khí nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, phá hoại công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng không ngớt tung ra
những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình tôn giáo ở Việt Nam;
rằng, “các địa phương vẫn tiếp tục đàn áp nhiều người Tin lành thiểu số”, “Việt
Nam hiện có nhiều người bị giam giữ vì tôn giáo”, “bị cưỡng ép bỏ đạo”… Rất
tiếc, nhiều năm qua, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, Tổ chức Ân xá Quốc
tế cũng như Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đưa ra những đánh giá thiếu thận trọng,
khách quan, phản ánh sai lệch về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt
Nam. Họ cáo buộc một cách trắng trợn và lặp đi lặp lại luận điệu rằng: “Nhà
nước Việt Nam đàn áp, tấn công giáo dân”, “ở Việt Nam không có tự do tín
ngưỡng, tôn giáo”; tự cho mình cái quyền đòi xếp Việt Nam trở lại danh sách
“các nước đặc biệt quan tâm về tôn giáo”, khuyến nghị Tổng thống Mỹ ban hành
các sắc lệnh trừng phạt Việt Nam về kinh tế, chính trị, ngoại giao… Xâu
chuỗi mọi vấn đề, có thể thấy rằng, trong lịch sử của dân tộc ta, việc lợi dụng
vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo để phục vụ cho mưu đồ xâm lược hoặc gây mất ổn định
đất nước là việc làm không còn lạ lẫm gì. Núp dưới chiêu bài “tự do tôn giáo”,
các thế lực thù địch cố tình phớt lờ những thành tựu của Việt Nam về công tác
tôn giáo; tìm mọi cách gây hiềm khích, chia rẽ giữa các nhóm, hệ phái tôn giáo
ở trong nước; gây mâu thuẫn giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và không
có tín ngưỡng, tôn giáo, giữa đồng bào có đạo với Đảng, Nhà nước, Quân đội và
Công an. Ngoài ra, họ còn ra sức tài trợ hoạt động truyền đạo trái pháp luật
nhằm gây ra các “điểm nóng” về chính trị - xã hội, tạo cớ để các thế lực phản
động bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ, phá hoại chính sách đại đoàn kết
dân tộc.
Vậy sự thật về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam như thế nào?
Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (9-1945) đến nay, Đảng, Nhà
nước ta luôn xác định và nhất quán thực hiện chủ trương, chính sách tôn trọng
và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; coi đây là vấn đề
chiến lược của cách mạng và được cụ thể hóa bằng Hiến pháp, pháp luật. Ngày
14-6-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 234/SL, nội dung nêu rõ:
“Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ
luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện... Các tổ chức tôn giáo phải tuân
theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự
do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”.
Các Hiến pháp của nước ta đều ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo
hoặc không theo một tôn giáo nào của mọi công dân Việt Nam, cụ thể là: Điều 10
(Hiến pháp năm 1946); Điều 26 (Hiến pháp năm 1959); Điều 68 (Hiến pháp năm
1980); Điều 70 (Hiến pháp năm 1992)... Trong Chương 2 (Hiến pháp năm 2013) về
“Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, ở Điều 24 đã khẳng
định: “1- Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo
một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2- Nhà nước tôn trọng
và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín
ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta đã xác định rõ những quan điểm,
chủ trương về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo. Ngày 16-10-1990, Bộ Chính
trị (khóa VI) đã ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Tăng cường công tác tôn giáo
trong tình hình mới”; trong đó, khẳng định hai luận điểm có tính đột phá là:
“TN,TG là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân” và “Tôn giáo có những giá
trị văn hóa, đạo đức phù hợp với chế độ mới”. Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp
hành Trung ương Đảng (khóa IX), Đảng ta đã thông qua Nghị quyết số 25-NQ/TW,
ngày 12-3-2003 “Về công tác tôn giáo”; trong đó, tiếp tục khẳng định: “TN,TG là
nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá
trình xây dựng CNXH ở nước ta”[1]. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng nêu rõ: “Tôn
trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng,
tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật”[2]; đồng thời, xác
định chủ trương: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn
giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức
tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống
tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến
chương, điều lệ đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng
thời, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín
ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”[3].
Như vậy, quan điểm, chủ trương của Đảng ta về vấn đề này là không chỉ tôn trọng
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mà còn đánh giá cao vai trò của các tôn giáo
đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đáp ứng quá trình hoàn thiện pháp chế xã hội chủ nghĩa, Quốc hội nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XI) đã ban hành “Pháp lệnh tín ngưỡng,
tôn giáo” (số 21/2004/PL-UBTVQH 11), quy định rõ các quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo của công dân; quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín
đồ tôn giáo… Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành một số văn bản pháp luật,
như: Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 01-3-2005 hướng dẫn thi hành một số điều
của “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg, ngày
04-02-2005 “Về một số công tác đối với đạo Tin Lành”; Chỉ thị số 1940/CT-TTg,
ngày 31-12-2008 “Về nhà, đất liên quan đến tôn giáo”; Nghị định số
92/2012/NĐ-CP, ngày 08-11-2012 “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp
lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP, ngày 01-3-2005
của Chính phủ. Bộ Nội vụ đã có Thông tư số 01/2013/TT-BNV, ngày 25-3-2013 “Ban
hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín
ngưỡng, tôn giáo”… Các bộ, ban, ngành liên quan cũng ban hành nhiều văn bản
hướng dẫn thực hiện tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo, tạo hành lang
pháp lý thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Bức tranh chung về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo ở Việt Nam
trong hơn 27 năm đổi mới đã chứng minh: Tình hình tín ngưỡng, tôn giáo về cơ
bản ổn định; hệ thống quy phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được bổ sung,
hoàn thiện; công tác vận động quần chúng và công tác quản lý nhà nước về tín
ngưỡng, tôn giáo, về an ninh, trật tự ở cơ sở ngày càng được chú trọng, hướng
hoạt động theo phương châm “tôn giáo đồng hành cùng dân tộc”. Theo thống kê,
đến năm 2013, cả nước có 13 tôn giáo với 37 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công
nhận, cấp đăng ký hoạt động; có khoảng 24 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm khoảng
27% dân số cả nước); khoảng 83 nghìn chức sắc và nhà tu hành, hơn 250 nghìn
chức việc trông coi việc đạo ở khoảng 25 nghìn cơ sở thờ tự trên cả nước. Ngoài
các tôn giáo lớn du nhập từ nước ngoài, như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành,
Hồi giáo, Bà-la-môn,... còn có các tôn giáo nội sinh, như: Cao Đài, Phật giáo
Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam...
Các tôn giáo ở nước ta, mặc dù độc lập về nghi lễ, nhưng gắn bó với nhau trong
khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, còn có nhiều tín ngưỡng dân gian
với các nghi lễ đặc sắc, phong phú, được đông đảo người dân sùng kính, như: tín
ngưỡng thờ Mẫu, thờ Vua Hùng, thờ Đức thánh Trần, Chúa Liễu Hạnh, v.v.
Việc mở trường đào tạo, bồi dưỡng chức sắc tôn giáo luôn được Nhà nước
Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi. Hằng năm, các tôn giáo đều cử tu sĩ đi học
tập, hội thảo, trao đổi công việc liên quan đến tôn giáo với các nước. Một số
tu sĩ đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ về tôn giáo ở nước
ngoài. Các cơ sở thờ tự được pháp luật Việt Nam bảo hộ và các cấp chính quyền
tạo điều kiện cho xây dựng, tu sửa khang trang. Đến nay, cả nước có 14.321 ngôi
chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường. Đạo Thiên chúa có hơn 6.000 nhà thờ,
nhà nguyện; đạo Tin lành có gần 500 nhà thờ, nhà nguyện; đạo Cao Đài có 1.284
thánh thất; Phật giáo Hòa Hảo có 522 chùa, hội quán; Hồi giáo có 89 thánh
đường, hàng vạn ngôi đình, đền, miếu, phủ... Ngoài ra, còn có nhiều cơ sở thờ
tự của các tín ngưỡng dân gian trải dài khắp cả nước. Riêng đạo Tin lành ở các
tỉnh Tây Nguyên, nếu như năm 1975 có hơn 50 ngàn tín đồ ở 200 buôn, đến nay
tăng lên với gần 500 ngàn người ở hơn 18.000 buôn. Địa bàn Tây Nguyên và Tây
Bắc hiện có gần 2.000 điểm nhóm đạo Tin lành đăng ký sinh hoạt tôn giáo với
chính quyền địa phương. Các lễ trọng đại của các tôn giáo hằng năm và đại
hội nhiệm kỳ của các tổ chức tôn giáo được tổ chức trọng thể, trang nghiêm, an
toàn, với quy mô ngày càng lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự và đều được đại
diện cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhân dân ở địa phương đến chúc
mừng. Nhiều lễ hội tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng,
như: Lễ Phật đản của Phật giáo, Lễ Nô-en của Công giáo và Tin Lành... Một số sự
kiện hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức trọng thể, thành công trên đất
nước Việt Nam, điển hình như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (VESAK) tại Hà Nội
(5-2008)[4]; Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ XI (năm 2009 - 2010);
Lễ Khai mạc Năm Thánh của Giáo hội Công giáo (năm 2009); Lễ Bế mạc Năm Thánh và
Đại hội hành hương La Vang lần thứ 29 (năm 2010); Giáo hội Phật giáo Việt Nam
tổ chức Đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập giáo hội (năm 2011); các hệ phái Tin
lành tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày Tin lành đến Việt Nam (năm 2011); Hội nghị
Liên Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X (12-2012)… Các tôn giáo của Việt Nam đã
mở rộng quan hệ với nhiều tổ chức tôn giáo các nước trong khu vực Đông Nam Á,
Tây Âu, Mỹ, Ca-na-đa… Đặc biệt, quan hệ Việt Nam với Tòa thánh Va-ti-can ngày
càng được đẩy mạnh. Hiện nay, Tòa thánh Va-ti-can đã bổ nhiệm Đặc phái viên
không thường trú tại Việt Nam.
Các tổ chức tôn giáo duy trì tốt những hoạt động phong chức, phong phẩm,
bổ nhiệm, thuyên chuyển địa bàn hoạt động các chức sắc, chức việc. Chính quyền
các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo in ấn kinh sách và những
ấn phẩm liên quan đến tôn giáo. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm Nhà xuất bản
Tôn giáo cấp phép xuất bản hơn một nghìn ấn phẩm liên quan đến tôn giáo, với
hơn hai triệu bản in. Đặc biệt, Nhà nước Việt Nam đã quan tâm hỗ trợ hoàn thành
in ấn, xuất bản 30.000 cuốn Kinh thánh bằng các tiếng: Ba-na, Ê-đê, Gia-rai;
Kinh, sách Phật giáo Nam tông Khơ-me; Kinh thánh Tin lành bằng tiếng Mông hệ
chữ cái La-tinh và làm thủ tục xuất bản Kinh Cô-ran song ngữ Việt Nam - Ả rập.
Kinh sách của Phật giáo cũng đã được đưa vào kế hoạch in ấn bằng tiếng Khơ-me…
Bên cạnh đó, Nhà nước ta còn tiếp tục triển khai nhiều chương trình, mục tiêu
chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tập trung giải quyết vấn đề an sinh xã
hội, phát triển văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn
giáo của mọi công dân. Từ những thành tựu chủ yếu về quyền tự do tín ngưỡng,
tôn giáo, thêm một lần chúng ta khẳng định: Ở Việt Nam, các hoạt động thuần tín
ngưỡng, tôn giáo ngày càng ổn định theo đúng hiến chương, điều lệ tổ chức, bảo
đảm tuân thủ pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế. Chính quyền
các cấp luôn tạo điều kiện cho đồng bào các tôn giáo “đồng hành cùng dân tộc”,
thực hiện đúng phương châm: “Đạo pháp, dân tộc và CNXH”, “sống phúc âm trong
lòng dân tộc”, “nước vinh, đạo sáng”, với tấm lòng “kính chúa, yêu nước”; vừa
hoàn thành trách nhiệm, nghĩa vụ của “con Lạc, cháu Hồng” đối với Tổ quốc, vừa
làm tròn bổn phận của tín đồ đối với tôn giáo; hăng hái tham gia các chương
trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, góp phần
đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta cũng còn những vấn
đề phức tạp, dễ bị những phần tử xấu lợi dụng để kích động, gây rối, hậu thuẫn
cho các thế lực thù địch phá hoại sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đó là tình
trạng mở rộng cơ sở thờ tự, nhà nguyện trái pháp luật; việc dựng tượng Thánh,
tượng Chúa, tượng Phật trên đất công vẫn diễn ra ở một số nơi. Tình trạng chức
sắc “phong chui”, “tự nhận” vẫn tiếp diễn; hiện tượng giảng đạo, truyền đạo
trái pháp luật vẫn xảy ra ở một số địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc
thiểu số, vùng biên giới. Việc lưu hành kinh sách, ấn phẩm tôn giáo trái
phép nhập từ nước ngoài chưa được ngăn chặn triệt để. Đáng chú ý, có một số
nhóm, hệ phái tôn giáo mâu thuẫn với nhau, dẫn đến hiện tượng tranh giành tín
đồ, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Đặc biệt, các thế
lực thù địch còn lợi dụng tôn giáo để tập hợp lực lượng, tuyên truyền, kích
động nhân dân gây rối, bạo loạn, vi phạm pháp luật và các quy định của địa
phương. Các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới, đạo lạ, tà đạo có biểu hiện
gia tăng trong những năm gần đây. Một số tổ chức phản động cũng núp dưới danh
nghĩa tôn giáo để tập hợp lực lượng, như “Hội đồng Công luật công án Bia Sơn”,
“Cây Thập giá Chúa Giê-su Cờ-rít”, v.v.
Mặc dù còn thực trạng đó, song, bức tranh về thành tựu tự do tín ngưỡng,
tôn giáo ở Việt Nam hiện nay là những minh chứng sống động, đầy sức thuyết
phục, được đồng bào các dân tộc ở trong nước thừa nhận, được dư luận thế giới
ca ngợi. Ngay Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb - Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - châu Á -
Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, trong buổi gặp gỡ Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã thừa nhận: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về
một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không
thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991
đến nay[5]. Đó là những cơ sở để chúng ta kiên quyết đấu tranh, bác bỏ mọi luận
điệu xuyên tạc, cố tình phủ nhận quan điểm, chủ trương, chính sách tôn giáo của
Đảng, Nhà nước Việt Nam và những thành tựu về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta
trong công cuộc đổi mới. Đồng thời, là cơ sở để chúng ta kiên quyết đấu tranh
ngăn chặn, làm vô hiệu hóa các “đạo lạ”, “tạp giáo”, “tà giáo”; lợi dụng tự do
tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân
tộc, phá hoại sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh”.
Tôn giáo vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc và vì dân tộc trong công cuộc
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Mọi mưu đồ xuyên tạc sự
thật về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam để thực hiện mục đích
phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đều phải lên án, bác bỏ./.
- Văn Ký -
Tài liệu tham khảo
[1] - ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy BCHTƯ (khóa IX), Nxb
CTQG, H. 2003, tr. 48.
[2]- ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb
CTQG, H. 2011, tr. 81.
[3]- Sđd, tr. 245
Việt Nam rất tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân
Trả lờiXóa