--Hoahuongduong--
Khi
khẳng định cán bộ là cái gốc của mọi công việc, thì tấm gương của cán bộ chính
là “chất keo” gắn kết bảo đảm cho “cái gốc” ấy được trụ vững để phát triển ổn
định, lâu dài.
Đề cao trách
nhiệm nêu gương của cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược Ủy viên Bộ Chính
trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chính là tạo
nền tảng xây dựng cái gốc đạo đức của Đảng Cộng sản Việt Nam được trong sạch,
lành mạnh và đủ khả năng lan tỏa, tác động, thẩm thấu, chi phối đến sự phát
triển đạo đức xã hội hài hòa, văn minh.
Vai trò nêu gương của cán bộ,
vấn đề cũ- yêu cầu mới
Hôm nay (2/10) Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa XII khai mạc tại Hà Nội. Một trong
những nội dung quan trọng sẽ đưa ra bàn luận tại hội nghị này là dự thảo Đề án
“Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên
Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Vấn đề nêu gương của
cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo không phải bây giờ mới được đặt ra.
Cách đây 6 năm, ngày
7-6-2012, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 101-QĐ/TW “Về
trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt
các cấp”. Quy định 101-QĐ/TW nhấn mạnh: “Mỗi cán bộ, đảng viên Đảng Cộng sản
Việt Nam phải tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Cán
bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”; đồng thời yêu cầu đội ngũ cán bộ,
đảng viên có trách nhiệm nêu gương ở 7 nội dung cụ thể là: Tư tưởng chính trị;
Đạo đức, lối sống, tác phong; Tự phê bình và phê bình; Quan hệ với nhân dân;
Trách nhiệm trong công tác; Ý thức tổ chức kỷ luật; Đoàn kết nội bộ.
Qua hơn 6 năm thực hiện
Quy định này, cùng với chấp hành Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 “Về những
điều đảng viên không được làm” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, phần
lớn cán bộ, đảng viên giữ vững và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu trong
cuộc sống, sinh hoạt, học tập, rèn luyện, công tác, qua đó góp phần giữ gìn vị
thế, uy tín của Đảng ta trong xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh
những tấm gương cán bộ, đảng viên được quần chúng nhân dân học tập, noi theo,
những năm qua, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã có biểu hiện suy
thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Điều này đã được Đảng ta cảnh
báo rất nhiều lần.
Không ngẫu nhiên mà hai
nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, chỉ trong vòng 5 năm, Đảng ta đã hai lần tổ chức
hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) để bàn sâu về vấn đề xây dựng, chỉnh
đốn Đảng, mà mấu chốt là vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán
bộ, đảng viên. Cũng lần đầu tiên tại Văn kiện Đại hội XII của Đảng, Đảng ta đã
chính thức đưa vấn đề đạo đức trở thành một trong bốn trụ cột trong công tác
xây dựng Đảng, đó là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư
tưởng, tổ chức và đạo đức.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ
Đại hội XII, nhờ triển khai khẩn trương, quyết liệt cuộc “tổng tiến công” vào
“sào huyệt” tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi đối tượng, Đảng ta đã thi hành
kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý (cả đương chức, chuyển công tác và đã
nghỉ hưu), trong đó có 9 cán bộ là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy
viên Trung ương, khai trừ đảng 1 cán bộ là Ủy viên Trung ương - nguyên Ủy viên
Bộ Chính trị. Những động thái đó chứng tỏ quyết tâm làm trong sạch bộ máy của
Đảng ta để củng cố niềm tin của nhân dân, qua đó góp phần khẳng định vị thế, uy
tín, thanh danh của Đảng Cộng sản Việt Nam, xứng đáng là lực lượng duy nhất giữ
vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Đảng ta, như Bác Hồ
từng nói, là Đảng của “con nòi” của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và
dân tộc Việt Nam. Để xứng đáng là “con nòi” cao quý đó, từ nhiều năm qua, Đảng
ta luôn có ý thức tự giáo dục, tự chấn chỉnh, tự phản tỉnh mình để tự giác, chủ
động phòng ngừa, chữa trị, khắc phục những thói hư, tật xấu vốn rất dễ nảy sinh
trong tư tưởng, nhận thức của một đảng cầm quyền. Trong đó, việc đề cao vai
trò, trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên được xác định là một
trong những nội dung phương thức lãnh đạo cơ bản của Đảng ta.
Nêu gương là dám chấp nhận hy
sinh
Từ xưa đến nay, người Á
Đông nói chung, người Việt nói riêng rất coi trọng vai trò làm gương của những
người cầm quyền trong xã hội.
Trong các triều đại
phong kiến trước đây, nhằm góp phần làm cho sơn hà xã tắc bình yên, vua tôi
đồng lòng, trên dưới thuận hòa, nhiều bậc đế vương, quan lại khi được giao
trọng trách cầm quyền, cai trị xã hội thì luôn nhắc nhở nhau rằng, phải biết
“tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo
của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Chế độ phong kiến vốn là một trong
những chế độ thống trị tương đối hà khắc, nhưng vẫn có một nguyên tắc giáo huấn
đội ngũ quan lại là “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Hiểu nôm na là
muốn thể hiện được vai trò dẫn dắt, lãnh đạo, chi phối xã hội, thì bản thân
người cầm quyền và gia đình họ trước hết phải đứng đắn, mực thước, trong sạch,
liêm khiết.
Là một trong những nhà
lãnh đạo thấm nhuần sâu sắc nhất tinh thần đó, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã trở thành một tấm gương đạo đức mẫu mực, điển hình và vì thế, Bác đã quy tụ
được lòng dân, thuyết phục, cảm hóa được mọi thành phần, tầng lớp trong xã hội
thành một khối đại đoàn kết toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi những mục tiêu
cao cả của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn
quân ta đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh, chính là bắt nguồn từ tấm gương cao cả, vĩ đại của Người.
Trở lại câu chuyện làm
gương của cán bộ thời nay. Có một điều rất đáng suy ngẫm là nếu như trước đây,
trong thời kỳ kháng chiến còn nhiều khó khăn gian khổ, hầu hết cán bộ lãnh đạo
các cấp sống, sinh hoạt giản dị, gần dân, làm việc có trách nhiệm với dân, thì
ngày nay, một bộ phận quan chức sống, sinh hoạt xa hoa, không phù hợp với cuộc
sống cần lao của số đông người dân.
Đặc biệt, thời chiến có
rất nhiều con cán bộ, kể cả con cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã
tự nguyện xung phong vào quân ngũ hay được bố mẹ yêu cầu phải thực hiện nghĩa
vụ quân sự như một công dân bình thường; thì thời nay, một số quan chức không
những nuông chiều con thái quá, mà lại còn tạo cơ hội thuận lợi quá nhiều để
con được thăng tiến “thần tốc”. So sánh một ví dụ đó để thấy, nhiều tấm gương
cán bộ ngày trước trong sáng, lấp lánh, lan toả trong lòng dân, thì ngày nay
không ít tấm gương quan chức lại trở nên mờ đục, nhạt nhòa, thậm chí “vấy bẩn”
trong con mắt người dân.
Gia đình muốn hạnh phúc
thì cha mẹ phải làm gương cho con cái. Nhà trường muốn tiến bộ thì thầy cô giáo
phải làm gương cho học sinh. Tổ chức, cơ quan, đơn vị muốn vững mạnh thì tập
thể lãnh đạo và cá nhân người đứng đầu phải làm gương cho nhân viên và cấp
dưới. Đất nước muốn phát triển văn minh thì nhất thiết phải có đội ngũ tinh hoa
giữ vai trò lãnh đạo, dẫn dắt xã hội là những tấm gương tốt đẹp soi chiếu đến
muôn người, muôn nhà. Điều đơn giản ấy đã trở thành chân lý, đồng thời là một
trong những quy luật tồn tại, phát triển của của xã hội nói chung, của đảng cầm
quyền nói riêng.
Khi khẳng định cán bộ
là cái gốc của mọi công việc, thì tấm gương của cán bộ chính là “chất keo” gắn
kết bảo đảm cho “cái gốc” ấy được trụ vững để phát triển ổn định, lâu dài. Đề
cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược Ủy viên
Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chính
là tạo nền tảng xây dựng cái gốc đạo đức của Đảng Cộng sản Việt Nam được trong
sạch, lành mạnh và đủ khả năng lan tỏa, tác động, thẩm thấu, chi phối đến sự
phát triển đạo đức xã hội hài hòa, văn minh.
Một khi mỗi cán bộ,
đảng viên, nhất là các cấp ủy viên, trong đó các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên
Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tự giác đề cao trách nhiệm nêu
gương không chỉ thể hiện lương tâm, đạo đức cao đẹp của người cộng sản, mà còn
thể hiện ý thức tận tâm làm tròn bổn phận, nghĩa vụ “người chiến sĩ tiên phong”
của Đảng.
Trong điều kiện xã hội
hiện nay, trình độ dân trí ngày càng cao, thời đại thông tin xã hội phát triển
mạnh mẽ, chính những tấm gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ
cấp cao của Đảng sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách bất đồng, hàn gắn những mâu
thuẫn xã hội, quy tụ và phát huy được sức mạnh muôn dân thành sức mạnh “dời non
lấp bể” để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
XHCN.
Bài viết rất thực tế
Trả lờiXóa