--Dunghv--
Trong quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn
kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham ô, tham nhũng và đạt kết quả quan trọng,
được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, với chế độ
một đảng thì không thể chống tham nhũng thành công. Đây là luận điệu tuyên
truyền xuyên tạc, hòng hạ thấp vai trò, uy tín, phủ nhận bản chất, quyết tâm
chính trị của Đảng, cần phải kiên quyết đấu tranh bác bỏ.
Tham nhũng là một vấn
đề nan giải, một căn bệnh nhức nhối với những biến dạng rất phức tạp, đang
hoành hành trên nhiều lĩnh vực, gây ra những hậu quả tiêu cực ở các quốc gia
với chế độ xã hội khác nhau. Vì vậy, đấu tranh bài trừ tham nhũng được các
nước, trong đó có Việt Nam rất quan tâm, coi đó là quyết tâm chính trị cao của
Đảng, Nhà nước và được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, trên nhiều
phương diện, như: pháp luật, hành chính, chính trị, kinh tế, đạo đức, văn hóa,
lối sống, v.v.
Hiện nay, dưới sự lãnh
đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước
ta đang diễn ra rất quyết liệt, không có vùng cấm, không kể cán bộ đương chức
hay đã nghỉ hưu, tham nhũng vật chất hay tham nhũng quyền lực. Những kết quả đạt
được trong cuộc đấu tranh này thời gian qua đã tạo cơ sở, nền tảng vững chắc
trong xây dựng hệ thống chính trị, môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh,
củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ. Tuy nhiên, bên cạnh
những kết quả đạt được, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn còn những vấn đề bất
cập, chưa ngăn chặn được triệt để vấn nạn này. Lợi dụng vấn đề đó, các thế lực
thù địch và phần tử cơ hội tăng cường chống phá, phủ nhận vai trò lãnh đạo của
Đảng; một số người lợi dụng để kêu ca, phàn nàn về Đảng, về chế độ xã hội. Họ
cho rằng: chế độ một đảng cầm quyền là nguyên nhân sinh ra tham nhũng; tham
nhũng là thuộc về bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; Đảng Cộng
sản Việt Nam không những là nguyên nhân sinh ra tham nhũng mà còn không thể đấu
tranh chống tham nhũng thành công, v.v. Từ đó, họ hồ đồ đưa ra kết luận: chỉ
khi nào ở Việt Nam dẹp bỏ được chế độ độc đảng, thực hiện chế độ đa đảng thì
nạn tham nhũng mới có thể dẹp bỏ được.
Để phê phán, phản bác
có hiệu quả quan điểm sai trái, thù địch cũng như những nhận thức không đúng
trên, cần phải phân tích, luận giải tường tận hơn vấn đề tham nhũng. Trước hết,
chúng ta thấy rằng, tham nhũng không phải do chế độ đa đảng hay một đảng, mà là
do sự tha hóa quyền lực sinh ra. Bởi thế, ngay trong xã hội thực hiện chế độ đa
đảng, tham nhũng vẫn cứ hoành hành, thậm chí còn biểu hiện rất nguy hiểm, tình
trạng tham nhũng còn leo đến tận các nguyên thủ quốc gia.
Ngay ở nước Mỹ, Hãng
Pép-si từng đã dùng nhiều ưu đãi để tạo dựng quan hệ tốt với nghị sỹ R.
Ních-xơn. Khi lên làm Tổng thống Mỹ, R. Ních-xơn đã chỉ thị gỡ bỏ hết các máy
tự động bán Coca-cola trong dinh Tổng thống và thay vào đó là bán Pép-si. Đến
lượt Hãng Coca-cola cũng làm chiêu trò tương tự với J. Các-tơ. Sau khi J.
Các-tơ lên làm Tổng thống, thì lại gỡ bỏ hết các máy bán Pép-si trong dinh Tổng
thống và thay vào đó bằng Coca-cola. Ở một số nước, có nguyên thủ quốc gia khi
thôi giữ chức đã bị truy cứu về tội tham nhũng, như: Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc,…
và gần đây là ở Ma-lai-xi-a. Theo đánh giá của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI),
một số nước theo thể chế đa đảng, không do Đảng Cộng sản cầm quyền, như:
Cô-lôm-bi-a, Bra-xin, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a,... thuộc nhóm “nước
tham nhũng nghiêm trọng”.
Ở mỗi nước có những
cách thức tiến hành phòng, chống khác nhau, nhưng đều thể hiện quyết tâm chống
tham nhũng: Trung Quốc ban hành các văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây
dựng tác phong liêm chính trong cán bộ Đảng và Nhà nước. Luật Chống tham nhũng
(năm 1989) của Sing-ga-po cho phép tòa án tịch thu tài sản của công chức nếu họ
không giải thích được nguồn gốc tài sản đó. Thái Lan yêu cầu các cơ quan chức
năng phải xem xét tất cả đơn thư tố giác của người dân về tham nhũng, dù có ký
tên hay không ký tên. Một số nước: Cô-lôm-bi-a, Bra-xin, Sing-ga-po,... còn
thiết lập các đường dây nóng để thu nhận tin tức về tội phạm nói chung và tham
nhũng nói riêng, v.v.
Ở Việt Nam, Nhà nước
ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, xét về bản chất không
có cơ sở sinh ra tham nhũng. Nhưng tại sao tham nhũng ở nước ta vẫn còn và thực
sự nó đang là thứ “giặc nội xâm”, là “kẻ thù của nhân dân”? Cần thấy rằng, Nhà
nước ta “trong một mức độ rất lớn, vẫn còn tàn dư của thời trước”, “vẫn là điển
hình thực sự của bộ máy nhà nước cũ”1. Về khách quan, tham nhũng là
do “vi rút” của xã hội cũ để lại và tác động vào xã hội mới, phản ánh tình
trạng quan liêu và sự tha hóa quyền lực. Thừa nhận điều đó không có nghĩa là
chúng ta “đầu hàng”, không thể khắc phục nổi tham nhũng, nhưng nói tiêu diệt
được ngay vấn nạn này, thì chúng ta lại rơi vào không tưởng. Cần thấy rằng, ảnh
hưởng của những “vi rút” đó đối với con người và xã hội, cũng như việc khắc
phục nó đến đâu lại do sức đề kháng của chế độ xã hội mới - xã hội chủ nghĩa,
do năng lực của Đảng cầm quyền, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính
trị.
Thực tế cho
thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ phẩm chất, bản lĩnh, trí tuệ và năng
lực lãnh đạo chống tham nhũng hiệu quả. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn là đội
tiền phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt
Nam, người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; nền chính
trị của nước ta vẫn là nền chính trị nhất nguyên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản Việt Nam, cách mạng nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho
quốc gia, dân tộc và nhân dân lao động, đảm bảo cho họ thực sự làm chủ cuộc
sống, thoát khỏi đói nghèo, bất công, áp bức, phấn đấu đạt được “ấm no, tự do,
hạnh phúc”. Bản chất cách mạng, tính tiền phong của Đảng và năng lực lãnh đạo,
tổ chức thực tiễn là nhân tố cơ bản quyết định, bảo đảm Đảng Cộng sản Việt Nam
có đủ khả năng lãnh đạo chống tham nhũng hiệu quả. Đây là vấn đề tất yếu khách
quan, xuất phát từ chính nội lực của Đảng.
Luận điệu Đảng Cộng
sản Việt Nam không có đủ khả năng lãnh đạo chống tham nhũng hiệu quả là luận
điệu sai lầm, phản động. Cả về lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, tham nhũng
gắn với cá nhân có quyền lực và tham nhũng tồn tại ở mọi chế độ có nhà nước vì
nó luôn gắn với nhà nước và quyền lực. Chỉ có cán bộ, đảng viên có chức, có
quyền, nhưng thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực
dụng, thoái hóa, biến chất, thiếu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, của nhân
dân mới có thể tham nhũng, suy thoái. Và, nếu để tình trạng này phát triển thì
rất khó chống tham nhũng hiệu quả.
Trong tiến trình lãnh
đạo Nhà nước và xã hội, vấn đề chống tham nhũng luôn được Đảng Cộng sản Việt
Nam đặc biệt quan tâm. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp
đổi mới đất nước, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước chuyển biến
rất cơ bản, mạnh mẽ và tích cực. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã trở
thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, với quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống
chính trị, được sự đồng lòng, giúp sức của mọi tầng lớp nhân dân và có hiệu
quả, “lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy” đang thực sự tạo niềm
tin vững chắc trong nhân dân. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện,
xử lý nghiêm minh, nhất là những vụ án nghiêm trọng được Ban Chỉ đạo Trung ương
về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh. Như
vậy, Đảng ta không chỉ có quyết tâm chống tham nhũng mà còn có đủ năng lực
chống tham nhũng hiệu quả. Và hệ quả của nó là, sự phát triển, tăng trưởng kinh
tế trong năm 2017, đặc biệt quý I năm 2018, GDP đất nước tăng 7,38% so với cùng
kỳ năm trước (cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây). Kết quả đó có sự đóng
góp quan trọng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Đó là sự thật không thể bác
bỏ. Vì thế, không thể xuyên tạc rằng, Đảng ta không đủ khả năng lãnh đạo chống
tham nhũng hiệu quả.
Để có thể lãnh đạo
cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả, Đảng, Nhà nước ta đang công phá mạnh
vào vấn đề then chốt là thể chế và quyền lực cá nhân. Đây là sự công phá mạnh
vào tham nhũng, nhất là tham nhũng quyền lực, bởi tính chất nguy hại của nó.
Thành công trong việc công phá vào vấn đề tham nhũng quyền lực sẽ làm rung
chuyển các loại tham nhũng khác; vấn đề quyết định cho thành công của cuộc
chiến chống tham nhũng. Đến nay, với quyết tâm chính trị cao và thực hiện những
biện pháp quyết liệt, hữu hiệu, cùng với việc phát huy quyền làm chủ của nhân
dân, Đảng ta đã hạn chế được những biểu hiện tha hóa quyền lực và vấn nạn tham
nhũng. Vì thế, Đảng luôn coi việc cải cách hành chính, tạo dựng Chính phủ liêm
khiết, kiến tạo; xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, nhất là cán bộ chiến lược
có phẩm chất, năng lực và uy tín,… là vấn đề quan trọng hàng đầu. Trong năm
2017, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành các quy định về công tác cán bộ được
xem là bước đi quan trọng để siết chặt kỷ luật Đảng, khắc phục những bất cập,
yếu kém về công tác này. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) nhấn mạnh phải tăng
cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.
Đồng thời, chú trọng thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu kiểm soát việc trao và
thực thi quyền lực, ngăn chặn, loại trừ tham nhũng quyền lực. Xây dựng và thực
hiện cơ chế đấu tranh chống tham nhũng có hiệu quả, gắn chặt với cơ chế tổ
chức, hoạt động đồng bộ của Đảng, Nhà nước và cơ chế thực hiện quyền làm chủ
của nhân dân. Đặc biệt, Đảng ta đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao tự giác, tự phê bình và phê bình, tính
chiến đấu trong hoạt động của tổ chức đảng, cấp ủy các cấp; phát huy trách
nhiệm và vai trò gương mẫu của người đứng đầu, v.v. Một thực tế là, nếu chúng
ta chống tham nhũng kém hiệu quả, thì các thế lực thù địch sẽ lợi dụng để xuyên
tạc, kích động, đòi Đảng ta phải từ bỏ sự lãnh đạo đối với Nhà nước và xã hội.
Nhưng khi chúng ta chống tham nhũng đạt kết quả tích cực, thì chúng lại giở
giọng điệu xuyên tạc, rằng đó là cuộc đấu tranh phe phái, dù có quyết liệt thì
cũng không thể thành công, vì do “một đảng cai trị”, v.v. Điều đó cho thấy âm
mưu, thủ đoạn chống phá Đảng, chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù
địch không thay đổi, cũ rích, chẳng lừa được ai.
Đấu tranh phòng, chống
tham nhũng là nhiệm vụ cấp thiết, lâu dài của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân
ta. Với quyết tâm chính trị cao, chủ trương, giải pháp khoa học, cuộc đấu tranh
chống vấn nạn này dưới sự lãnh đạo của Đảng nhất định giành thắng lợi. Điều đó
xuất phát từ bản chất, năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng duy
nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội Việt Nam.
Chúng ta phải nâng cao cảnh giác và đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch, phản động
Trả lờiXóa