Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

CẢNH GIÁC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA



Nhằm phủ nhận, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam, thời gian qua thông qua một số trang mạng xã hội, các thế lực thù địch tuyên truyền nhiều luận điệu sai trái thù địch.
1. Tuyên truyền luận điệu xuyên tạc nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam.
 Lợi dụng tình hình tham nhũng ở Việt Nam các thế lực thù địch đã nham hiểm gắn tham nhũng với chính trị, cho rằng “tham nhũng là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu tư liệu sản xuất, chuyên chế độc đảng”.Từ đó chúng đưa ra kết luận ở Việt Nam còn chế độ công hữu, chế độ độc đảng thì không chống được tham nhũng. Đây là luận điệu sai trái, bởi tham nhũng là hiện tượng xã hội có tính lịch sử, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước; sự quản lý kinh tế- xã hội lỏng lẻo sẽ tạo ra sơ hở cho các hành vi tiêu cực nảy sinh, trong đó có tham nhũng. Thực tiễn cho thấy tham nhũng là hiện tượng phổ biến ở nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia thực hiện chế độ “đa nguyên, đa đảng”. Trong các cuộc đàm phán về Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc, người ta đều khẳng định: nơi nào hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo, các quy trình ra quyết định và hoạch định chính sách còn thiếu minh bạch, thủ tục hành chính còn rườm rà, lương công chức còn thấp,… thì ở đó tình trạng tham nhũng có xu hướng gia tăng cả về tính chất và mức độ, đồng thời số vụ có tính chất xuyên quốc gia cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Đặc biệt là, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, các quan hệ chính trị – kinh tế tạo ra những tiền đề khách quan làm cho tham nhũng phát triển.
Như vậy, tham nhũng là hiện tượng xã hội có tính lịch sử, gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước, không phải là sản phẩm tất yếu của chế độ công hữu, chuyên chế độc đảng. Các thế lực thù địch cố tình đưa ra luận điệu sai trái xuyên tạc nguyên nhân tham nhũng ở Việt Nam là nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
2. Xuyên tạc đấu tranh chống tham nhũng là sự đấu đá nội bộ, phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, trong đó điển hình như vụ án ở tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam xử lý đối với Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và nhiều cá nhân có liên quan; xử lý bà Phan Thị Mỹ Thanh nguyên Phó bí thư Đồng Nai và nhiều cán bộ cao cấp trong bộ máy Đảng, Nhà nước.
Việc chống tham nhũng ở Việt Nam đã và đang được dư luận trong và ngoài nước hết sức đồng tình ủng hộ.Trước thực tiễn này, các thế lực thù địch thay đổi luận điệu. Trước đây chúng rêu rao, tuyên truyền luận điệu phê phán tham nhũng, cho rằng Việt Nam không chống được tham nhũng, thì nay trước quyết tâm và thành tựu chống tham nhũng ở Việt Nam chúng lại đưa ra những luận điệu xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Trong nhiều bài viết trên blog cá nhân, trang mạng xã hội các thế lực thù địch dựng đứng lên câu chuyện đấu đá nội bộ, phe nhóm trong Đảng Cộng sản Việt Nam từ trước, trong và sau Đại hội lần thứ XII, nhất là gần đây nhất khi Đảng ta tổ chức Hội nghị trung ương lần thứ 7 với nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong đó quan trọng nhất đó là công tác cán bộ thì chúng dựng nên câu chuyện với nhiều tình tiết hết sức ly kỳ, hơn cả tiểu thuyết kiếm hiệp, trinh thám,…để câu kéo người đọc, tạo sự chú ý của dư luận.
Không chỉ vẽ ra cảnh đấu đá nội bộ ở cấp Trung ương, các thế lực thù địch còn vẽ ra cảnh đấu đá nội bộ ở các địa phương, dựng lên cái gọi là “cuộc chiến chiếm lĩnh quyền thống trị”.Sự xuyên tạc không dừng lại ở đó, để cho ly kỳ, hấp dẫn hơn, chúng còn bịa ra những lực lượng, cá nhân được hưởng lợi từ sự đấu đá nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam.Sự bịa ra những lực lượng, cá nhân này cũng không nằm ngoài âm mưu, thủ đoạn chia rẽ nội bộ, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với Đảng.
3. Lợi dụng chống tham nhũng để bôi nhọ, hạ thấp uy tín cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. 
Bôi nhọ, hạ thấp uy tín những người đứng đầu trong bộ máy Đảng, Nhà nước ta là âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế thù địch. Thời gian qua, lợi dụng chống tham nhũng ở Việt Nam chúng tuyên truyền nhiều luận điệu sai trái nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, trong đó tập trung công kích Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chúng luôn tìm cách xuyên tạc những ý kiến chỉ đạo chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu chủ trương trong đấu tranh chống tham nhũng sẽ “không có vùng cấm”, thì chúng xuyên tạc rằng đó là những toan tính của ông để lấy lại danh dự đã mất. Tinh vi hơn, các thế lực thù địch đưa ra luận điệu cho rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng chỉ là sự củng cố quyền lực, chiếc ghế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tóm lại, trong thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tung ra những luận điệu xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Việt Nam nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng, Nhà nước ta, kích động gây chia rẽ nội bộ, gieo rắc sự hoài nghi, làm giảm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Vì vậy, chúng ta phải đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động của chúng./.


1 nhận xét:

  1. Mỗi công dân Việt Nam cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện được âm mưu của của các thế lực thù địch và bọn phản động không để chúng lừa gạt, kích động, lôi kéo.

    Trả lờiXóa