Trên thế giới, không có quốc gia nào không có hai lực
lượng là quân đội và cảnh sát (công an). Đó là hai lực lượng chủ yếu để bảo vệ
đất nước, bảo vệ chế độ chính trị-nhà nước và đương nhiên cũng là bảo vệ đảng
chính trị lãnh đạo cầm quyền. Ở các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN), người giữ
chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản cũng là người giữ chức vụ cao nhất về đảng
trong LLVT.
Ở nước ta, vài năm trở lại đây, trước và sau những vụ
việc “nóng” về xã hội, như vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm môi trường trên diện
rộng ở 4 tỉnh miền Trung; vụ một số trạm thu phí BOT gây ách tắc giao thông
(BOT Cai Lậy-Tiền Giang); vụ việc ở xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội)… chính quyền
địa phương phải điều động cảnh sát có vũ trang đến hiện trường nhằm ngăn ngừa
kẻ xấu lợi dụng gây bất ổn định về chính trị-xã hội.Phòng ngừa và khi cần thì
trấn áp tội phạm là một việc làm bình thường theo chức năng, nhiệm vụ được giao
của các LLVT. Thế nhưng trên một số mạng xã hội có kẻ post bài lên nói rằng:
“Bộ đội, công an đàn áp nhân dân”... Sự khác biệt giữa đàn áp với trấn áp như
thế nào? Phải chăng có hiện tượng bộ đội, công an đàn áp nhân dân hay đây chỉ
là một thủ đoạn chính trị thâm độc của các thế lực thù địch và những phần tử
phản động?
Đàn áp và trấn áp tuy có điểm giống nhau về phương
thức hoạt động nhưng khác nhau cơ bản về đối tượng tác động. Đàn áp theo từ
điển thì đó là hoạt động của chính quyền, thường là trong xã hội phong kiến,
thực dân bằng các công cụ bạo lực, cưỡng chế đa số người dân nhằm bảo vệ chính
quyền và chế độ xã hội mà họ đang nắm giữ. Trong khi đó, khái niệm trấn áp dùng
để chỉ hoạt động của chính quyền hiện hữu bằng công cụ bạo lực, cưỡng chế một
số nhỏ, từ cá nhân đến nhóm xã hội vi phạm pháp luật, nhằm bảo vệ trật tự xã
hội. Chẳng hạn người ta thường nói: Công an, cảnh sát trấn áp tội phạm để giữ
gìn cuộc sống bình yên của nhân dân.
Như chúng ta thấy, những năm gần đây, tình hình chính
trị thế giới và khu vực diễn ra phức tạp, nhiều nước lớn đã xem châu Á-Thái
Bình Dương, đặc biệt Biển Đông là địa bàn “xoay trục”, là “lợi ích cốt lõi” của
mình. Nhờ có đường lối chính trị-quốc phòng đúng đắn, Việt Nam đã giữ vững ổn
định chính trị xã hội; duy trì được quan hệ quốc tế dựa trên nguyên tắc hòa
bình, bình đẳng cùng có lợi. Tuy nhiên đất nước ta vẫn đang đứng trước nhiều
nguy cơ, thách thức.Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định 4 nguy cơ. Đó là:
(1). Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên
thế giới; (2). Nguy cơ chống phá, “diễn biến hòa bình" của các thế lực thù
địch, “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến”, xa rời lý tưởng của Đảng, xa rời lợi ích
của nhân dân và mục tiêu xây dựng đất nước đi lên CNXH của một bộ phận không
nhỏ cán bộ, đảng viên; (3). Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và
các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng; (4). Nguy cơ về bảo vệ độc lập, chủ
quyền đất nước, nhất là chủ quyền biển, đảo trước âm mưu, thủ đoạn các nước
lớn”. Trong 4 nguy cơ nói trên, trừ nguy cơ “tụt hậu xa hơn về kinh tế”, 3 nguy
cơ còn lại đều có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội ở những kịch bản khác nhau,
trong đó có thể có bạo loạn, lật đổ… thay đổi chế độ. Bởi vậy, sử dụng các công
cụ bạo lực, chuyên chính đối với kẻ thù nhằm ngăn ngừa từ sớm, từ xa các nguy
cơ bất ổn đối với chế độ là điều tất nhiên.
Năm 2016, Formosa (Hà Tĩnh) gây ra ô nhiễm môi trường
trên diện rộng thuộc 4 tỉnh miền Trung. Sau khi vụ việc được phát hiện, Formosa
đã nhận lỗi, bồi thường thiệt hại và sửa chữa các vi phạm. Thế nhưng ở một số
địa bàn thuộc Hà Tĩnh và Nghệ An sau một năm vụ việc được giải quyết, những kẻ
cực đoan về chính trị đã huy động, thậm chí ép buộc người dân đi khiếu kiện
“đòi bồi thường”, gây mất trật tự an ninh, ách tắc giao thông trên Quốc lộ 1A… Chính
quyền đã buộc phải điều động LLVT để xử lý. Có nơi, LLVT đã
phải mang theo cả lá chắn và khí tài chuyên biệt để phòng ngừa những phần tử
cực đoạn sử dụng bạo lực. Trong những tình huống như vậy, chính quyền không thể
không huy động các LLVT tham gia xử lý, tuyên truyền, giải thích cho
nhân dân và trấn áp những kẻ cầm đầu. Thực tế cho thấy, Đảng, Nhà nước
Việt Nam luôn chú ý giáo dục cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an về mối quan hệ
gắn bó với nhân dân.
Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương phiên họp cuối năm
2017 (ngày 15-12-2017), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung
ương, chỉ rõ: “Năm 2018, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, quân đội phải nắm chắc tình
hình “dứt khoát không được để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”. Quân đội
nâng cao hơn nữa nhận thức về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
trong nội bộ, ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch…
“Phải đặc biệt giữ gìn, phát huy hình ảnh, uy tín của quân đội, giữ vững niềm
tin yêu của nhân dân đối với quân đội”.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh chính trị ngày nay, mọi người cần nhận thức đúng
vai trò, trách nhiệm của các LLVT; nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của
người dân, không để những kẻ cực đoan lợi dụng dân chủ, nhân quyền vi phạm pháp
luật. Các LLVT của chúng ta ngày nay bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
còn có một sứ mệnh lịch sử không kém phần quan trọng, đó là bảo vệ chế độ xã
hội, bảo vệ Nhà nước và bảo vệ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Bài viết rất ý nghiã
Trả lờiXóa