Người Việt Nam, dù là dân tộc thiểu số hay đa số, có tôn giáo hay
không có tôn giáo, theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, sống trong nước hay định
cư ở nước ngoài, trong sâu thẳm của tâm hồn họ vẫn ẩn chứa niềm tự hào về nguồn
gốc huyền thoại con Rồng, cháu Tiên của mình. Vì vậy, việc gắn đạo với đời, tôn
giáo với dân tộc để cho “nước vinh đạo
sáng” luôn là tâm nguyện của mọi người bao đời nay.
Thế nhưng, một số người đã tung ra đủ những luận điệu, nào là vô
thần và hữu thần như nước với lửa; chủ nghĩa xã hội không tương dung với tôn
giáo; chủ nghĩa xã hội phủ nhận sự tồn tại của Thượng đế; chủ nghĩa xã hội
không phù hợp với nền văn minh Ki-tô giáo. Họ còn gán cho những người cộng sản
đủ thứ xấu xa, đó là những kẻ vô gia đình, vô đạo. Thậm chí, họ còn đồng nhất
người cộng sản với quỷ dữ..., rằng: cộng sản diệt công giáo, cố làm cho nhân
dân quên thực dân Pháp chính là kẻ tử thù của công giáo,….
Thực tiễn quá trình thực hiện hai cuộc cách mạng: giải phóng dân tộc
và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, tự nó đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc
trên. Từ trước đến nay và mai sau, những người cộng sản chưa bao giờ có ý định
phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội và cũng chưa khi nào có
chủ trương chống tôn giáo mà chỉ chống những kẻ lợi dụng tôn giáo vì mục đích
chính trị phản động. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý khai thác điểm tương đồng
giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội, chính điều đó đã thu hút, tập hợp quần
chúng có tôn giáo cùng toàn dân tích cực không chỉ trong cách mạng giải phóng
dân tộc mà cả trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi thành lập
nước Việt Nam
dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Chính phủ đã đề nghị Chính phủ tuyên bố: Tín ngưỡng
tự do, lương giáo đoàn kết. Sau khi miền Bắc được giải phóng, một số bà con tín
đồ các tôn giáo còn băn khoăn về sinh hoạt tôn giáo trong chế độ mới, Hồ Chí
Minh đã nêu rõ: Đảng Cộng sản chẳng những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ
tôn giáo; Đảng Cộng sản chỉ tiêu diệt tội ác người bóc lột người.
Năm 1975, đánh dấu một trang sử mới của lịch sử dân tộc - nước nhà
thống nhất, giang sơn quy về một mối, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Hòa
vào niềm vui chung của cả dân tộc với sự kiện lịch sử trọng đại này, đồng bào
các tôn giáo cùng toàn dân đang nỗ lực thực hiện sự nghiệp xây dựng chế độ mới
trên phạm vi cả nước.
Năm 1986, đánh dấu mốc thực hiện công cuộc đổi
mới đất nước đến nay nhân dân ta đã thu được những thành công quan trọng trên
nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó, có lĩnh vực tôn giáo. Đời sống vật
chất và tinh thần của đồng bào các tôn giáo được cải thiện, chức sắc và tín đồ
các tôn giáo an tâm phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của
Đảng, của Nhà nước và cùng toàn dân tích cực tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất
nước.
Là người Việt Nam, dù theo tôn giáo hay không, dù có tham gia
phong trào giải phóng dân tộc hay đã từng một thời lầm đường lạc lối... hẳn ai
cũng đều mong muốn Tổ quốc yêu quý của chúng ta cường thịnh, non sông đất nước
ta tươi đẹp, xã tắc bình yên, con người hạnh phúc, làm rạng danh Việt Nam trên
trường quốc tế. Muốn vậy, một phần rất quan trọng là phải “Tăng cường hoạt động
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền
chủ trương, chính sách đối với chức sắc, chức việc, nhà
tu hành và tín đồ các tôn giáo”.
Bài viết rất thực tế
Trả lờiXóa