Từ khi Đảng ra đời,
do có đường lối đúng đắn và có sự gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã được
nhân dân thừa nhận là Đảng duy nhất, độc tôn lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong
suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của
nhân dân. Hai mặt lãnh đạo và đầy tớ không tách rời nhau, không đối lập
nhau, mà như người đã nhấn mạnh: lãnh đạo có nghĩa là làm đầy tớ. Đây là
một luận điểm lớn đã được Người nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần. Đây cũng là một
quan điểm nhất quán khi Người xác định vai trò của Đảng và trách nhiệm của mỗi
cán bộ, đảng viên.
Với nhãn quan chính trị sắc bén, cùng với hoạt động
thực tiễn phong phú, Hồ Chí Minh đã sớm nhìn thấy những nguy cơ, tệ nạn bắt nguồn
từ chủ nghĩa cá nhân, từ thói quen
người sản xuất nhỏ, lạc hậu, từ đặc
điểm tâm lí tiểu nông và từ tàn dư của
tư tưởng phong kiến, gia trưởng. Khi trở thành người có chức, có quyền, một số
cán bộ, đảng viên, một mặt do chịu ảnh hưởng cử tư tưởng đó, mặt khác do non
kém về kiến thức, năng lực lãnh đạo, kém tu dưỡng về đạo đức lối sống nên đã trở
thành những “ông quan cách mạng”, quan liêu, mệnh lệnh, nhũng nhiễu nhân dân.
Do đó người đã bổ sung một mệnh đề mới: Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người
đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Trong Di chúc, Bác viết: Đảng ta là Đảng
cầm quyền, “phải giữ gìn Đảng thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh
đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[1].
Để Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của
nhân dân đòi hỏi Đảng phải biết
thu phục, thuyết phục và chinh phục được quần chúng. Đảng phải giữ gìn và tăng
cường mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhân dân. Hồ Chí Minh căn dặn: chúng ta
phải ghi tạc vào đầu cái chân lí này: Dân rất tốt. Quyền lãnh đạo của Đảng
chính là sự uỷ thác của nhân dân, do nhân dân trao cho mà có. Muốn hoàn thành sứ
mạng mà nhân dân uỷ thác, Đảng phải có tư cách của Đảng chân chính cách mạng. Mọi
đường lối, chủ trương chính sách của Đảng phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng,
lợi ích chính đáng của nhân dân, hợp lòng dân, thực sự là ngọn đèn dẫn lối, soi
đường cho nhân dân hành động. “Mọi công tác của Đảng luôn luôn phải đứng về
phía quần chúng”[2].
Đối với đảng viên của Đảng, theo Hồ Chí Minh: đảng
viên dù ở cương vị nào cũng đều phải gương mẫu thực hiện nghiêm túc chủ trương,
đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời phải có năng
lực lãnh đạo quần chúng thực hiện đường lối đó. Quá trình tổ chức thực hiện đường
lối, chủ trương, chính sách là quá trình đi vào quần chúng nhân dân; giáo dục,
tuyên truyền, vận động và tổ chức phong trào cách mạng trong nhân dân để thực
hiện thắng lợi các chính sách của Đảng, đồng thời đáp ứng lợi ích nguyện vọng
chính đáng của nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự tiên phong gương mẫu
trước nhân dân, nói đi đôi với làm; phải có cái tâm, cái trí, cái đức; thống nhất
giữa suy nghĩ và hành động, giữa lí luận và thực tiễn, giữa nói và làm, giữa việc
ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Nghĩa là, đội ngũ cán bộ, đảng
viên phải đủ đức, đủ tài, trong đó đức là gốc để phục vụ nhân dân. Người cho rằng,
quan điểm quần chúng là thước đo lòng trung thành của đảng viên đối với sự nghiệp
cách mạng của Đảng. Đảng chỉ thực sự là người
lãnh đạo khi Đảng luôn tiêu biểu
cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc; đạo đức, văn minh của toàn xã hội.
Cán bộ, đảng viên của Đảng hết sức tránh: “làm việc theo cách quan liêu. Cái gì
cũng dùng mệnh lệnh, ép dân chúng làm. Đóng cửa lại mà đặt kế hoạch, viết
chương trình rồi đưa ra cột vào dân chúng, bắt dân chúng làm theo”[3].
Là người đầy tớ thật
trung thành của nhân dân, Đảng phải thực sự là công bộc tin cậy của nhân dân.
Nghĩa là: việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết
sức tránh. Có lợi cho dân thực chất là, Đảng phải thực sự chăm lo đời sống vật
chất, tinh thần của nhân dân. Hết sức tránh những biểu hiện quan liêu, hách dịch,
xa rời quần chúng; hạn chế, thủ tiêu vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ của quần
chúng. Tuy nhiên, là người đầy tớ, nhưng không phải là Đảng theo đuôi quần
chúng, mà Đảng phải thực sự tiên phong về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực
sự tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc, đạo đức, văn minh của
thời đại. “Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập
trung ý kiến của quần chúng, hoá nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng.
Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hoá nó thành
cái chỉ đạo nhân dân”[4].
Người yêu cầu, Đảng muốn lãnh đạo được nhân dân thì phải hiểu dân, học dân,
nâng đỡ dân, bởi vì: “có biết làm học trò nhân dân mới làm được thầy học dân”[5]. Đảng muốn lãnh đạo giỏi thì phải làm đầy tớ giỏi.
Đảng phải chăm lo lợi ích của nhân dân, luôn đặt lợi ích
của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của cả dân tộc lên trên hết, tất cả
tận tụy vì dân. Đảng là đại biểu lợi ích chung của giai cấp công nhân và
toàn thể nhân dân lao động chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng cho một nhóm
người, cá thể nào. Đảng phải thực sự là công
cụ của nhân dân, việc gì có lợi
cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh, chứ
không phải vào Đảng để làm quan phát tài mà phải là vị cứu tinh của nhân dân. Mọi
đường lối, chính sách của Đảng, của Chính phủ phải hết sức chăm lo đến nhân dân, nếu dân “đói,
rét, dốt” thì Đảng và Chính phủ có lỗi. Đảng và Nhà nước phải tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân,
lắng nghe ý kiến của nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân
dân. Mọi hoạt động của Đảng cũng như của đảng viên phải chịu sự kiểm soát của nhân dân để để làm tròn
nhiệm vụ đầy tớ trung thành của nhân dân.
Để làm tròn vai trò là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành
của nhân dân, theo Hồ Chí Minh, Đảng phải: Thứ
nhất, xây dựng Đảng thực sự trong sạch vững mạnh cả chính trị, tư tưởng và
tổ chức; xứng đáng là lãnh tụ chính trị, thể hiện danh dự, lương tâm, trí tuệ của
Đảng, không ngừng nâng cao uy tín của Đảng trước nhân dân. Thứ hai, Đảng phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ,
đảng viên có đức, có tài, trong đó đức là gốc để suốt đời phụng sự nhân dân. Thứ ba, Đảng phải thường xuyên đổi mới
phương thức vận động tập hợp quần chúng. Thứ
tư, Đảng phải xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, thực sự là cơ quan
đại biểu cho quyền lợi, lợi ích của nhân dân. Thực hiện tốt phương châm: dân biết,
dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa