Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

CHÍNH LỊCH SỬ TRUNG QUỐC ĐÃ PHỦ NHẬN LUẬN ĐIỂM « HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ CỦA TRUNG QUỐC » CỦA CÁC HỌC GIẢVÀ GIỚI BÁO TRUNG QUỐC




          Những năm gần đây Trung Quốc đã có những hành động và việc làm cụ thể của mình nhằm khẳng định chủ quyền phi lý của mình trên Biển Đông Tháng 5-2009, Trung Quốc gửi công hàm tới Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và kèm theo một tấm bản đồ có vẽ 9 đoạn đứt khúc (còn gọi là "đường chữ U” hay "đường lưỡi bò”) thể hiện yêu sách bao chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế thừa nhận "vùng biển lịch sử” của họ được bao chiếm bởi "đường lưỡi bò”. Đến việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở vùng biển Hoa Đông, cho tới việc châm ngòi cho cuộc "khủng hoảng giàn khoan" năm 2014, rồi mới đây nhất bồi đắp, cải tạo và việc triển khai tên lửa đất đối không và cho máy bay quân sự hạ cánh xuống các đảo có tranh chấp thuộc chủ quyền của Việt Nam rõ ràng Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán và táo tợn hơn trong tranh chấp Biển Đông. Sự hung hăng ngày một tăng dần này của Trung Quốc không đơn thuần là hệ quả của những tính toán ngắn hạn hay sự bùng phát của chủ nghĩa dân tộc. Trên thực tế, Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi một chiến lược dài hơi, với mục tiêu cuối cùng là kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Với những tranh chấp đối với Việt Nam thời gian vừa qua càng làm cho căng thẳng trên biển đông trở nên phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh trong khu vực và an ninh hàng hải trên. Đặc biệt tại các diễn đàn quốc tế các học giả, báo chí thậm chí của một số nhà lãnh đạo Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Nhưng một thực tế lịch sử đã chứng minh trong các tài liệu, Hội nghị quốc tế và Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử pháp lý chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Còn  Luận điểm “Hoàng sa, Trường sa là của Trung Quốc” không chỉ bị Việt Nam, dư luận quốc tế mà ngay chính lịch sử Trung Quốc phủ nhận.
Theo chính sử Trung Quốc, trong suốt 22 thế kỉ, từ các đời Tần, Hán đến sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), không thấy tài liệu nào, hay nói rõ hơn, không có câu chữ nào ghi rằng biển Đông (Trung Quốc hiện nay gọi là biển “Nam Trung Hoa”) với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ( Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trong khi đó, không ít thư tịch cổ Trung Quốc, do chính người Trung Quốc ghi lại trong lịch sử đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
        Qua khảo sát một tài liệu đáng tin cậy về chính sử Trung Quốc là cuốn Lịch sử Trung Quốc thời trung cổ do Hàn lâm viện Trung Quốc xuất bản tại Đài Bắc năm 198, học giả Hsieh Chiao-Min trong bài “ Nghiên cứu về lịch sử và địa lý” nhận định cuộc thám hiểm của Trung Hoa tại đại dương như sau: “ Suốt chiều dài lịch sử, về sự phát triển văn hóa và khoa học, dân tộc Trung Hoa không tha thiết với đại dương”. Điều này cho thấy, xuyên suốt lịch sử của mình, các triều đại Trung Quốc chỉ tập trung mở rộng biên giới trên bộ, không tha thiết với việc mở rộng, bành trướng ra biển.
        Rõ ràng hơn, sử gia Triệu Nhữ Quát đời nhà Tống trong cuốn Chư phiên chí đã xác nhận nhiều sự kiện lịch sử quan trọng từ thời nhà Hán. Theo đó, năm 111 TCN, sau khi thôn tính Nam Việt, “Hán Vũ Đế sai quân vượt biển sang chiếm đất của địch quần ( Nam Việt) và đặt 2 quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ ( đảo Hải Nam). Trong thế kỉ I TCN, Hán Nguyên Đế đã rút quân khỏi đảo Hải Nam. Mãi tới đời nhà Lương và nhà Tùy ( cuối thế kỉ VI đầu thế kỉ VII ) mới đặt quyền cai trị”. Triệu Nhữ Quát còn cho biết vùng quần đảo Hoàng Sa ( Vạn lý Trường Sa) là nơi nguy hiểm, tàu thuyền Trung Hoa không nên đến gần vì chỉ đi sai một tý là có thể chìm đắm. Vạn lý Trường Sa nằm ở phiên quốc, có nghĩa là không thuộc về Trung Hoa mà thuộc về phiên quốc Nam Việt. Như vậy, biên giới trên biển Đông của Trung Hoa vào đời nhà Hán chỉ tới đảo Hải Nam.
        Đến đời nhà Đường, sách Đường thư nghệ văn chí có đề cập tới cuốn Giao Châu dị vật chí của Dương Phu chép những chuyện kì dị tại Giao Châu ( Việt Nam). Sách này chép,tại Thất Châu dương ( nhóm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa) là nơi có nhiều đá nam châm khiến các thuyền ngoại dương có đóng chốt sắt đi qua không được. Điều này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu xưa ( nay là Việt Nam). Trong thời Nam Tống, cuốn Lĩnh ngoại đại đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận: “ Vạn lý Trường Sa ( Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ dương”. Giao Chỉ dương hay biển Giao Chỉ là vịnh Bắc bộ ngày nay, trong khi Hoàng Sa, Trường Sa lại còn lùi cách vịnh Bắc bộ hàng trăm dặm về phía Nam. Như vậy, các thư tịch cổ Trung Hoa từ đời nhà Tống đã cho thấy Hoàng Sa và Trường Sakhoong thuộc về trung Quốc này thuộc về nước khác mà Trung QUốc gọi là phiên quốc hay Giao Châu, Giao Chỉ.
Quảng Đông toàn đồ có giáp với Việt Nam cũng không có quần đảo Hoàng Sa
        Dưới đời nhà Nguyên, triều đình phong kiến Trung Quốc đã 3 lần đưa quân sang xâm lược nước ta. Quân và dân Đại Việt đã 3 lần đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược và góp phần phá tan kế hoạch đánh Nhật Bản của đoàn quân Mông Cổ nổi danh bách chiến bách thắng từ đời Gengis Khan ( Thành Cát Tư Hãn ). Sau ba phen thất bại, nhà Nguyên không còn dòm ngó tới Đại Việt cả trên lục địa lẫn các hải đảo. Trong  Dư địa chí  đời Nguyên của Chu Tư Bản được vẽ thu nhỏ lại trong sách Quảng dư đỗ  của La Hồng Tiên thực hiện năm 1561 phần cực Nam lãnh thổ Trung Hoa là đỏa Hải Nam, không hề có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
          Đến đời nhà Minh, Thiên hạ thống nhất chi đồ trong Đại Minh nhất thống chí (1461), Hoàng Minh đại thống nhất tổng đồ trong Hoàng Minh chức phương địa đồ (1635) đã vẽ phần cực Nam của Trung Hoa là đảo Hải Nam.
Trong khi cuốn Vũ bị chí của Mao Nguyên Nghi gọi biển Đông là Giao Chỉ dương. Nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỉ XV, các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là địa bàn cư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt.
Đại Thanh nhất thống toàn đồ không có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
          Đời nhà Thanh, từ thế kỉ thứ XVII đến thế kỉ XX, theo bản đồ Hoành Thanh nhất thống dư địa bản đồ do triều đình nhà Thanh ấn hành năm 1894 thì đến cuối thế kỉ XIX “lãnh thổ của Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam là hết”.  Qua thế kỉ XX, sự kiện này còn được xác nhận trong cuốn Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư xuất bản năm 1906 với đoạn như sau: “ Điểm cực Nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu ( Hải Nam) tại vĩ tuyến 18”. Các quận Châu Nhai và Đạm Nhĩ thuộc đảo Hải Nam kéo dài từ vĩ tuyến 20 ( ngang Thanh Hóa) đến vĩ tuyến 18 ( ngang Nghệ An – Hà Tĩnh ).Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía Nam, từ vĩ tuyến 17 đén vĩ tuyến 15 (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi) và quần đảo Trường Sa tọa lạc tại các vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 8 ( Cam Ranh – Cà Mau). Bản đồ Đại Thanh đế quốc do triều đình nhà Thanh ấn hành cũng không thấy vẽ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ( cũng không thấy ghi theo cách gọi của Trung Quốc là Tây Sa, Nam Sa, Vịnh Lạc, Tuyên Đức.....). Hơn nữa, trong bộ Hải quốc đồ ký,  cuốn Hải lục  của Vương Bỉnh Nam ( 1820 -1842) chép: “ Vạn lý Trường Sa ( Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi An Nam”.
          Như vậy, hầu hết các tư liệu của trung Quốc đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ trên biển của Việt Nam. Trong bộ sách địa lý Đại Thanh nhất thống chí  do Quốc sử quân nhà Thanh biên soạn năm 1842 với lời tựa của hoàng đế Thanh Tuyên Tông, không có chỗ nào đề cập đến quần đảo Hoàng Sa. Trong cuốn Hải quốc văn kiến lục của Trần Luân QUỳnh ( năm 1744), vùng biển của Việt Nam tại biển Đông được ghi bằng các danh xưng Việt hải và Việt dương. Trong vụ ngư dân đảo Hải Nam cướp tàu chở đồng bị đắm tại quần đảo Hoàng Sa những năm 1895-1896, để trả lời văn thư phản kháng của chính phủ Anh, tổng đốc Lưỡng Quảng Trung Hoa đã phủ nhận trách nhiệm với lý do: “ Hoàng Sa không liên hệ gì với Trung Quốc”.
          Nhìn chung, các tài liệu cổ của Trung Hoa rõ ràng cho thấy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ( mà Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa) đã được người Việt Nam phát hiện, thực thi chủ quyền trong nhiều thế kỉ một cách hòa bình và liên tục không có sự phản đối của bất cứ quốc gia nào kể cả của Trung Quốc. Điều đó được minh chứng từ tài liệu chính sử nhiều triều đại Trung Quốc trong đó đã mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong suốt hơn 22 thế kỉ từ thời Tần, Hán cho đến đầu thế kỉ 20.

1 nhận xét: