Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

CẦN HIỂU RÕ HƠN VỀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM



Công cuộc đổi mới ở Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay đã gần 30 năm tròn. Đó là một quá trình khó khăn, lâu dài, vừa tìm tòi, vừa thử nghiệm, mặc dù còn những thiếu sót nhất định, song về cơ bản có thể khẳng định: công cuộc đổi mới  của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, không hiểu sao, vì định kiến cá nhân, vì góc nhìn thiển cận, hay vì một lý do gì khác mà một số người xuyên tạc sự thật, “bôi đen” thực tế về “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” - một thành quả to lớn của công cuộc đổi mới. Để góp phần làm sáng tỏ đường lối quan điểm của Đảng, tác giả xin nêu và trao đổi ý kiến của mình về một số luận điểm được đăng tải trên các trang mạng trong thời gian gần đây.
          Thứ nhất, một số người cho rằng về tên gọi mô hình kinh tế ở nước ta là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - không giống ai”. Rõ ràng những người này đã không hiểu gì về lịch sử hình thành và phát triển cũng như những đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường là sự phát triển cao của kinh tế hàng hóa, đặc trưng lớn nhất của kinh tế thị trường là sự hoạt động tự do của các quy luật kinh tế như: quy luật giá trị, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh… Tuy nhiên, không phải kinh tế thị trường ở tất cả các nước, các chế độ xã hội đều giống nhau. Ngoài những đặc điểm chung không thể thiếu, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà kinh tế thị trường ở mỗi nước cũng có đặc điểm và tên gọi khác nhau như: Kinh tế thị trường tự do Hoa Kỳ, kinh tế thị trường có điều khiển Nhật Bản, kinh tế thị trường xã hội Cộng hòa liên bang Đức, kinh tế thị trường đặc sắc Trung Quốc… Vậy nên, tên gọi “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” ở Việt Nam vừa thể hiện cái chung là thể chế kinh tế thị trường, vừa thể hiện cái riêng là định hướng xã hội chủ nghĩa.
          Thứ hai, một số quan điểm cho rằng, không thể kết hợp kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo họ, kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa như “nước với lửa” làm sao có thể kết hợp được với nhau. Căn nguyên vấn đề nằm ở chỗ những người này cho rằng, kinh tế thị trường là của chủ nghĩa tư bản cho nên kinh tế thị trường không thể định hướng xã hội chủ nghĩa được. Nếu chọn kinh tế thị trường phải từ bỏ hệ tư tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Nghĩa là họ đã đem đối lập hoàn toàn giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa, phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Cần phải thấy rằng, kinh tế thị trường không phải là cái riêng có của chủ nghĩa tư bản mà là thành quả chung của văn minh nhân loại, tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất khác nhau.Việc Đảng ta lựa chọn mô hình: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự gán ghép khiên cưỡng, chủ quan giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội. Giữa kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội không có bức tường ngăn cách tuyệt đối, có thể làm tiền đề, điều kiện cho nhau. Nếu tuyệt đối hóa khả năng có thể chuyển hóa mâu thuẫn giữa chúng, cũng tức là phủ nhận khả năng phát triển.
Thứ ba, về tư duy đổi mới Đảng ta xác định: đổi mới kinh tế trước, rồi mới đổi mới từng bước về chính trị. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng như vậy là mâu thuẫn với học thuyết Mác, vì rằng, học thuyết Mác luôn khẳng định chính trị là sản phẩm của một hình thái kinh tế xã hội. Ở đây, chúng ta không thấy có điểm gì mâu thuẫn giữa tư duy đổi mới của Đảng và học thuyết Mác, trái lại, tư duy đổi mới của Đảng là sự kế thừa và vận dụng đúng đắn, sáng tạo học thuyết Mác vào điều kiện lịch sử Việt Nam. Về mặt lý luận, học thuyết Mác chỉ ra giữa kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong mối quan hệ đó, kinh tế giữ vai trò quyết định chính trị vì (kinh tế là nội dung vật chất của chính trị, còn chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế; Cơ sở kinh tế với tính cách là kết cấu hiện thực sản sinh ra hệ thống chính trị tương ứng và quy định hệ thống đó), chính trị tác động trở lại kinh tế biểu hiện tập trung ở quyền lực nhà nước và sức mạnh vật chất tương ứng. Về mặt thực tiễn, bài học kinh nghiệm rút ra từ sự sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô chính là sự sai lầm trong thứ tự và cách thức tiến hành đổi mới, đó là đổi mới chính trị trước rồi mới đổi mới kinh tế. Như vậy, cả về lý luận và thực tiễn cho thấy tư duy đổi mới của Đảng là khoa học, kiên định với học thuyết Mác và phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam.
Thứ tư, một số người cho rằng việc phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam là một sự phản bội chủ nghĩa Mác. Muốn chỉ ra sự ngây ngô về khoa học của “họ” ta phải quay về lý luận gốc của C. Mác về điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa. Trong quyển 1 bộ Tư bản, Mác đã trình bày điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa. Theo đó, để sản xuất hàng hóa ra đời và tồn tại cần có 2 điều kiện, một là, phân công lao động xã hội và hai là, sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế của những người sản xuất. Ở đây cần làm rõ điều kiện thứ hai của sản xuất hàng hóa để tránh sự lầm lẫn đáng tiếc. Xét về mặt lịch sử, sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế giữa những người sản xuất hàng hóa bắt đầu từ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Sau đó, trong điều kiện của sản xuất lớn với sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng, thì sự tách biệt kinh tế giữa những người sản xuất, giữa các doanh nghiệp thuộc cùng một chế độ sở hữu có tính tự chủ kinh doanh quy định. Do vậy, sẽ là sai lầm khi đồng nhất sở hữu tư nhân với sự độc lập tương đối về mặt kinh tế của những người sản xuất và coi đó là điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa. Và như vậy, chừng nào còn tồn tại sự độc lập tương đối về mặt kinh tế giữa các chủ thể sản xuất, chừng ấy vẫn còn tồn tại sản xuất hàng hóa. Vận vào điều kiện thực tiễn nước ta, đi lên chủ nghĩa xã hội từ điểm xuất phát thấp về trình độ kinh tế, lực lượng sản xuất ở nhiều trình độ khác nhau thì tất yếu phù hợp với trình độ ấy phải là hệ thống các quan hệ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất. Do đó, sự tồn tại của sản xuất hàng hóa là tất yếu khách quan. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là sự từ bỏ nguyên lý của C. Mác và Ph. Ăng-ghen về xóa bỏ chế độ tư hữu, mà ngược lại, đó là sự vận dụng sáng tạo nguyên lý nói trên vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một nước có nền kinh tế chậm phát triển. Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận rằng, đã có một thời kỳ chúng ta nhận thức chưa đúng, chưa đủ xem kinh tế thị trường là sản phẩm riêng có của chủ nghĩa tư bản nên vội vàng xóa bỏ tư hữu. Song điều quan trọng là chúng ta đã nhận ra và sửa sai kịp thời, trả lại thực tiễn những gì vốn có của nó. Đối với một con người và đối với một đảng sai lầm là có thể, điều đó không đáng sợ, điều đáng sợ là con người đó hay đảng đó không nhận ra sai lầm và càng đáng sợ hơn khi không có ý chí để sửa chữa sai lầm đó.
                   Tóm lại, từ những luận cứ khoa học và thực tiễn lịch sử kinh tế thế giới cũng như lịch sử kinh tế Việt Nam cho thấy rằng: phát triển kinh tế thị trường là điều tất yếu đối với tất cả các quốc gia muốn tồn tại và phát triển. Vấn đề đặt ra đối với việt Nam bây giờ không phải là lựa chọn phát triển kinh tế thị trường hay không, mà là lựa chọn một nền kinh tế thị trường như thế nào: kinh tế thị trường hiện đại, văn minh, năng động giàu sức sống và được định hướng về mặt xã hội hay kinh tế thị trường hoang dã, phi hiệu quả, xơ cứng và không được định hướng về mặt xã hội.


2 nhận xét:

  1. Kinh tế thị trường là thành tựu của nhân loại. Việc Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là bước phát triển mới về mô hình kinh tế thị trường hoàn toàn phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử - tự nhiên.

    Trả lờiXóa