Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, hai nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo; quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Trung Quốc-Việt Nam là ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của mỗi nước. Trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không ngừng được củng cố, phát triển, vì lợi ích của mỗi nước và đóng góp tích cực cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển của khu vực và thế giới.
Vậy mà, nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày
12 đến 13-12-2023 của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung
Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, các thế lực thù địch,
cơ hội chính trị, phản động ra sức xuyên tạc, phá hoại mối quan hệ láng giềng hữu
nghị truyền thống đang diễn ra rất tốt đẹp giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân
dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc. Trên trang “Baotiengdan”, kẻ tự xưng Trương
Nhân Tuấn đã đưa ra những luận điệu hết sức phản động, như: “Việt Nam tự
nguyện rập khuôn Trung Quốc; Việt Nam là một mô hình thu nhỏ của Trung Quốc”; Trương
Nhân Tuấn còn rất hỗn xược khi cho rằng: “Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc;
Việt Nam là một “chư hầu” thời hiện đại của Trung Quốc”. Thực chất, đây là những
luận điệu hoàn toàn sai sự thật, cố ý kích động hòng gây ra sự hoài nghi và
hoang mang trong dư luận xã hội, hạ thấp vai trò của Việt Nam trong mối quan hệ
Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với Trung Quốc; kích động,
lôi kéo những người thiếu hiểu biết và các phần tử bất mãn chống phá Đảng và
Nhà nước ta. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tỉnh táo và cảnh
giác để không bị mắc mưu của kẻ xấu.
Như chúng ta đã biết, Cộng hòa nhân dân
Trung Hoa là quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với
Việt Nam vào ngày 18/01/1950; năm 1999, hai nước ký Hiệp ước biên giới trên đất
liền và xác định khuôn khổ quan hệ: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn
định lâu dài, hướng tới tương lai; năm 2000, hai nước ký Hiệp định phân định Vịnh
Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ; năm 2004, Trung Quốc là đối tác
thương mại lớn nhất của Việt Nam; năm 2005, xác định mối quan hệ giữa Việt Nam
và Trung Quốc là: Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt; năm
2008, hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc và thiết lập quan hệ đối
tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc; năm 2009, ký kết
3 văn kiện về quản lý đường biên giới trên đất liền; năm 2011, ký kết Thỏa thuận
về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển; năm 2016, Việt
Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất
trong ASEAN; năm 2017, ký Bản ghi nhớ hợp tác về kết nối giữa khuôn khổ “Hai
hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và con đường”.
Kể từ khi Việt Nam với Trung Quốc thiết lập
quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm chính thức Việt Nam ba lần, vào tháng 11-2015;
tháng 11-2017; tháng 12-2023. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức
Trung Quốc hai lần vào các năm 2015 và 2022. Quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước
phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực; hiểu
biết và tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai Nhà nước được nâng cao; quan hệ
thương mại song phương giữa hai nước phát triển vượt bậc: Năm 2008 đạt khoảng
20 tý USD; năm 2022 đạt gần 180 tỷ USD, gấp khoảng 9 lần. Hợp tác quốc phòng trở
thành một trụ cột trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong khuôn khổ
chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình,
hai bên đã ra Tuyên bố chung và ký kết 36 văn kiện hợp tác, bao gồm: 3 văn kiện
hợp tác giữa các ban của hai Đảng; 5 văn kiện hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao
– quốc phòng – an ninh – tư pháp; 28 văn kiện hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học,
môi trường.
Những kết quả, thành công rất tốt đẹp của
hoạt động đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam trong những năm qua, đóng góp rất
quan trọng vào khẳng định: Cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước
ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay. Đó cũng là sự khẳng định đường lối đối
ngoại, ngoại giao độc lập, tự chủ, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, trường phái đối
ngoại, ngoại giao “cây tre Việt Nam”; trong đó, những kết quả nổi bật trong
quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc là
không thể phủ nhận; sự thật như đã nêu ở trên là bằng chứng đanh thép, bác bỏ
hoàn toàn những luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá của các phần tử phản động
như Trương Nhân Tuấn. Tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, mỗi
cán bộ, đảng viên và người dân cần đề cao cảnh giác cách mạng, đoàn kết một
lòng, nỗ lực thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống
phá của các thế lực thù địch, phản động như Trương Nhân Tuấn, bảo vệ Đảng,
Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và cuộc sống bình yên của nhân dân ta./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét