Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

“VIỆT NAM NỖ LỰC THỰC THI CÔNG ƯỚC CERD, BẢO ĐẢM QUYỀN CHO NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ”

 

Pháp luật Việt Nam khẳng định và chống mọi hành vi xâm phạm quyền bình đẳng dân tộc, gây thù hằn, kỳ thị, chia rẽ dân tộc và thực hiện các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi cho dân tộc thiểu số. Điều này hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tộc tại Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD).

Ra đời từ năm 1965, Công ước CERD lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số.

Các quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, đặc biệt trong việc thụ hưởng các quyền cơ bản của con người gồm các quyền dân sự-chính trị và các quyền kinh tế-xã hội-văn hoá.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc chung sống, trong đó 53 dân tộc thiểu số với số dân hơn 14,119 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,7% tổng dân số cả nước, với 3,6 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng đan xen ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã. Tham gia Công ước CERD từ năm 1982, Việt Nam luôn khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Chính phủ về các dân tộc thiểu số

Trong giai đoạn 2013-2023, trong công tác dân tộc, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích nổi bật trong công tác đại đoàn kết toàn dân, hỗ trợ các dân tộc thiểu số phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, ngôn ngữ, chữ viết,... giúp Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế có cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam. Việt Nam có hệ thống pháp luật phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ giá trị phổ quát về quyền con người nói chung, cùng những nỗ lực của Việt Nam trong việc góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử nói riêng. Các nguyên tắc và quy định về bình đẳng giữa các dân tộc được thể chế hóa trong pháp luật. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về cấm phân biệt đối xử tại Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản pháp luật.

Từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật, trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các dân tộc thiểu số.

Việt Nam khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc. Trong 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật, trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các dân tộc thiểu số.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị về quyền con người, chống phân biệt chủng tộc, cam kết tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người dân tộc thiểu số, đặc biệt là với các quyền như quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, người dân tộc thiểu số được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo những quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là hành lang “quy chế dân chủ”.

Ở Việt Nam, người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện bảo đảm bình đẳng các quyền con người của mình như quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, quyền được bảo vệ bởi cơ quan tài phán độc lập, quyền có quốc tịch, quyền tự do đi lại trong lãnh thổ quốc gia, quyền xuất, nhập cảnh, quyền tự do ngôn luận báo chí, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo,… Các quyền dân sự chính trị này được Nhà nước bảo đảm bình đẳng như mọi công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việt Nam đã đưa ra các chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2030, đồng thời ban hành rất nhiều chương trình, chính sách triển khai thực hiện ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Nhằm thực thi tốt hơn nữa với vai trò là thành viên Công ước, Việt Nam cam kết thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong thực thi pháp luật, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội. Đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về thực thi Công ước để chia sẻ các kinh nghiệm và các bài học quốc tế trong việc đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số và người nước ngoài tại Việt Nam, chống mọi hình thức phân biệt đối xử.

                                                                    Nguyễn Văn Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét