Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

SỰ THẬT KHÔNG THỂ XUYÊN TẠC

Bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường vừa diễn ra tại Bắc Kinh, chính phủ Campuchia đã chính thức ký thỏa thuận với đại diện của Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc nhằm tiến hành nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng kênh Funan Techo Canal (gọi tắt là kênh đào Phù Nam), nối sông Bassac ở đoạn phía nam thủ đô Phnom Penh tới cảng Kep ở ven vịnh Thái Lan. Sông Bassac là một phân lưu của Tonle Sap và Mekong. Dự án được cho là bước tiến quan trọng để chính sách Vành đai và Con đường ở Campuchia chuyển sang giai đoạn mới, đồng thời cải thiện về hậu cần thương mại cho nền kinh tế Campuchia.

Ngay lập tức nhiều “chuyên gia” xuất hiện và có các phân tích về tác hại với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam. Đồng thời đưa ra những thuyết âm mưu rất ghê gớm rằng thì là “âm mưu thâm độc của Trung Quốc”, “khóc cho 25 triệu người dân Việt ở miền Tây không được lên tiếng”, “Trung Quốc phân hóa Việt Nam và Campuchia”…Thậm chí có một “nhà khoa học” có tên Ngô Thế Vinh còn đưa ra nhận định thế này: “Thách thức của con kênh Phù Nam Techo là có thật cho Việt Nam, và mọi người dân Việt cần trầm tĩnh, tập trung năng lượng và chất xám để đối phó, nhằm giới hạn mức tác động thiệt hại của con kênh chiến lược này. Nếu vô tình gây thêm thù hận và chia rẽ giữa hai nước Cam Bốt và Việt Nam là trúng sách lược “chia để trị” của Trung Quốc. Tương lai Việt Nam không cần thêm một cuộc chiến tranh vùng, mà đang cần tới một giới lãnh đạo có trí tuệ, có một tầm nhìn lịch sử để không đẩy cả dân tộc vào một chặng đường tứ diện thọ địch bi đát như hiện nay”… Rõ ràng đây không hề là sự phản biện hay góp ý tử tế gì mà lại là sự suy diễn, quy chụp vô căn cứ của một thành phần cơ hội chính trị đang lợi dụng vấn đề để công kích, xuyên tạc những chính sách đối ngoại của Việt Nam, bôi nhọ các cấp lãnh đạo nhằm thay đổi thể chế chính trị ở nước ta.

Thực tế, tình trạng khô hạn và ngập mặn ở ĐBSCL không còn là chuyện lạ. Vì không chỉ Campuchia với dự án kênh đào Phù Nam mà phía thượng nguồn Trung Quốc và cả Lào đã xây hàng loạt những công trình đập thủy điện. Cái khó ló cái khôn, chúng ta đã có những biện pháp để thích nghi bằng các biện pháp như tính toán điều chỉnh thời vụ đi kèm với thay đổi giống cây trồng mới thích ứng với ngập mặn thậm chí chất lượng và năng suất còn đi lên so với thời trước kia. Nhờ “thuận thiên” mà nhiều nơi người dân đổi đời thay vì chỉ phụ thuộc mỗi cây lúa nhờ phù sa như trước kia. “Thuận thiên” ở chỗ người dân đã linh hoạt giữa trồng lúa với nuôi trồng thủy: 6 tháng nước ngọt nhiều người dân trồng lúa, 6 tháng nước mặn xâm lấn thì nuôi tôm, nuôi cua trên nền ruộng lúa. Mô hình này được người dân ở Vĩnh Long hay Bến Tre nhân rộng rất nhanh và gọi là “con tôm ôm gốc lúa”. “Thuận thiên” còn nằm ở chỗ bên cạnh việc xây dựng cống ngăn mặn thì đang dần hình thành chiến lược “tích nước” của ĐBSCL: Với nhà dân, nước sạch trữ trong bể chứa, trong lu dùng để ăn uống, sinh hoạt; nước trữ trong ao sau nhà và trữ trong mương nhỏ dùng để tưới cây cối. Với cấp xã cấp huyện thì tích nước trong kênh trong kênh trong rạch dùng để điều tiết tưới tiêu khi mùa khô đến. Với cấp tỉnh và vùng thì triển khai đầu tư xây hồ chứa gom nước quy mô lớn. Các dự án xây hồ tích nước tại ĐBSCL, nói nôm na là không để nước ngọt của sông Tiền, sông Hậu chảy hoài chảy phí ra hết biển mà tích nó lại phục vụ cho sản xuất và tưới tiêu trong mùa khô hạn. Ví dụ như dự án mới nhất đang được đề xuất: Hệ thống trữ nước ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: An Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ mục đích là để giúp tăng hiệu quả sản xuất góp phần giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Các tỉnh ĐBSCL nào cũng có vài dự án làm hồ chứa nước khác đã, đang và sẽ được triển khai.

Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng, có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, gắn bó, được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung. Tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam - Campuchia đã và đang không ngừng được củng cố, phát triển theo phương châm: “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Những âm mưu chống phá, chia rẽ tình đoàn kết giữa Việt Nam - Campuchia là hết sức nguy hiểm, cần kiên quyết đấu tranh đẩy lùi, loại bỏ./.

                                                                            Nguyễn Văn Quý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét