Thời gian gần đây, khi tình hình
Biển Đông xuất hiện những biến động phức tạp, các thế lực thù địch một lần nữa
lại lợi dụng vấn đề này để bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương,
chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, từ đó khuấy động lòng dân, hòng gây mất
ổn định tình hình an ninh, trật tự trong nước và làm tổn hại đến quan hệ của
Việt Nam với các nước liên quan. Các thế lực thù địch, phản động mới đây lại
viện dẫn Công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như một “bằng chứng” về việc
Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa. Song đây là một “vở diễn lại” hết sức lố lăng của chúng bởi công
luận Việt Nam đã từng phân tích sáng tỏ nội dung Công hàm 1958, khẳng định rằng
văn bản này được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố
từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1958 cũng là năm đầu tiên của
Hội nghị công ước luật biển lần thứ nhất nhóm họp, các quốc gia tranh cãi các
quan điểm pháp lý về các vùng biển khác nhau. Phía Hoa Kỳ cho rằng lãnh hải chỉ
bao gồm 3 hải lý, còn Trung Quốc và một số quốc gia khác ủng hộ quan điểm lãnh
hải có chiều rộng 12 hải lý. Chính vì vậy, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã
đưa ra một công hàm để khẳng định chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải
lý mà ta thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhắc đến trong công thư ngày 14-9-1958
của mình.
Trong tinh thần ủng hộ Trung Quốc,
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có thư phúc đáp cho việc đồng ý công nhận “hải phận”
- tức lãnh hải của Trung Quốc là 12 hải lý. Như vậy, công thư này cho thấy nó
mang một sự cam kết về mặt chính trị hơn là về pháp lý, đây cũng là một hình
thức mà các nước xã hội chủ nghĩa thường hay sử dụng để thể hiện tình đoàn kết
trong tinh thần anh em trong phong trào vô sản quốc tế.
Vậy công thư này có thể được hiểu là một tuyên bố
từ bỏ chủ quyền của phía Việt Nam hay không? Đối với các yêu sách về lãnh thổ
trong luật quốc tế, cũng như sự từ bỏ các yêu sách đó phải được trình bày một
cách rõ ràng và không có suy diễn. Tuy nhiên, công thư do Thủ tướng Phạm Văn
Đồng ký này không chứa đựng bất kỳ sự từ bỏ rõ ràng nào về chủ quyền đối với
Hoàng Sa, Trường Sa. Nội dung công thư không thể hiện một sự bắt buộc từ bỏ chủ
quyền. Và thêm nữa, đối với các sự chuyển nhượng lãnh thổ, thì Thủ tướng Phạm
Văn Đồng không có thẩm quyền quyết định việc ấy, mà phải là cơ quan quyền lực
tối thượng ở Việt Nam là Quốc hội. Và cuối cùng, Việt Nam không thể quyết định
hoặc chuyển giao một thứ mà Việt Nam không có thẩm quyền quản lý theo công pháp
quốc tế, và cũng không kiểm soát nó trong thực tế. Bởi vì theo các quy định
trong Hiệp định Geneve năm 1954 thì lúc này trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại song
song hai quốc gia, từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
còn từ vĩ tuyến 17 trở vào phía Nam là lãnh thổ thuộc Việt Nam Cộng hòa. Hoàng
Sa, Trường Sa đều nằm ở phía Nam của vĩ tuyến 17, vì thế về mặt pháp lý cũng
như trong thực tế, hai quần đảo này là đối tượng quản lý của Việt Nam Cộng hòa,
và vì thế, những tuyên bố của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối với Hoàng Sa,
Trường Sa vào thời điểm này là không có giá trị pháp lý.
Hơn nữa, phía Trung Quốc thường đưa ra lập luận là vì Việt Nam đã công
nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, Trường Sa và nay Việt Nam khước
từ không công nhận điều đó thì Việt Nam đã vi phạm nguyên tắc estopel trong
luật quốc tế. Về vấn đề này thì trước hết phải xem xét tính chất pháp lý của
việc công nhận xem nó có đáp ứng đầy đủ các yếu tố của một công nhận chính thức
của một quốc gia liên quan đến một lãnh thổ hay không. Và như đã phân tích ở
trên, công hàm do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký này không cấu thành đầy đủ cho một
sự công nhận chính thức của quốc gia về yêu sách lãnh thổ, cho nên nếu đã không
có sự thừa nhận thì không có việc vi phạm estopel.
Suy cho cùng, vấn đề Biển Đông nói
chung và việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa không phải là việc có thể giải quyết trong một sớm một chiều, mà
cần sự kiên trì, lâu dài. Để góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo
thiêng liêng của Tổ quốc, mỗi người dân Việt Nam yêu nước rất cần có cái nhìn
khách quan về tình hình Biển Đông, về đường lối, chủ trương giải quyết vấn đề
này của Đảng và Nhà nước, đồng thời tỉnh táo, cảnh giác, phản bác mạnh mẽ các
luận điệu xuyên tạc, kích động mà những phần tử xấu đã và đang rắp tâm tạo ra./.
Đỗ Nguyên Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét