Thứ Ba, 12 tháng 12, 2023

MỘT VÀI NHẬN THỨC ĐÚNG TRƯỚC DỰ ÁN KÊNH ĐÀO FUNAN TẠI CAMPUCHIA

 

Bên lề Diễn đàn Vành đai và Con đường vừa diễn ra tại Bắc Kinh, chính phủ Campuchia đã chính thức ký thỏa thuận với đại diện của Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc nhằm tiến hành nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng kênh Funan Techo, nối sông Bassac ở đoạn phía nam thủ đô Phnom Penh tới cảng Kep ở ven vịnh Thái Lan. Đầu tiên, kênh đào Funan vẫn chủ yếu được nối từ phân lưu của sông Mekong là sông Bassac, nhưng kênh đào Funan sẽ được đào sâu từ tỉnh Takeo – nơi cách thủ đô Phnom Penh khoảng 30 km; đi qua Kandal – tỉnh bao quanh thủ đô của Campuchia và giáp ranh với thành phố Cần Thơ của Việt Nam; tiếp theo, qua tỉnh Kampot – giáp ranh với vịnh Thái Lan và tỉnh Kiên Giang của Việt Nam. Cuối cùng, dự án xuyên qua tỉnh Kep – giáp ranh với vịnh Thái Lan rộng lớn. Do đó, khác với tất cả các kênh đào khác, Funan được nối dài ra khu vực biển và giáp ranh với một số tỉnh của Việt Nam, tạo một dải liên kết với thủ đô và các tỉnh có thế mạnh về kinh tế biển.

Tuy nhiên lợi dụng sự kiện này, các thế lực thù địch đã liên tiếp đưa ra nhiều  nội dung thông tin sai lệch về tác động của Dự án kênh đào Funan Techo Canal đến đồng bằng sông Cửu Long gây hoang mang dư luận; đồng thời kích động quần chúng nhân dân biểu tình gây sức ép lên chính quyền Việt Nam ngăn cản Campuchia xây dựng dự án; gây chia rẽ mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc. Điều này là vô cùng nguy hiểm, gây mất tình hình ổn định chính trị trong nước và mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng.

Chúng ta cần nhận thức đúng rằng, với xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, việc triển khai dự án sẽ đem lại nhiều lợi ích không chỉ riêng cho vương quốc Campuchia mà còn nhiều quốc gia khác, đặc biệt các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á lục địa. Vì vậy dự án sẽ có tiềm năng được nhiều quốc gia tham gia hợp tác, đầu tư, giúp cho Campuchia có vốn, cơ sở hạ tầng để thực hiện thi công kênh đào Funan. Việt Nam và Campuchia vốn là những đối tác thương mại thân thiết trong khu vực: “về thương mại, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tích cực. Năm 2021, kim ngạch thương mại song phương đạt 9,3 tỷ USD, tăng 84% so với năm 2020, trong đó Việt Nam xuất sang Campuchia đạt 4,7 tỷ USD, nhập khẩu từ Campuchia đạt 4,6 tỷ USD”.  Ngoài ra, 2 nước luôn có sự đầu tư cho những dự án của nhau, cụ thể: “Việt Nam hiện có 188 dự án đầu tư sang Campuchia còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,846 tỷ USD, đứng thứ 2 trong tổng số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài; Campuchia có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 64 triệu USD, đứng thứ 54 trong 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.”

Điều đó cho thấy rằng, trong những năm gần đây, 2 nước đã đạt được kết quả tích cực trong hợp tác song phương. Cũng trong những năm 2019 – 2020, Campuchia và Việt nam đã thực hiện kí kết: Biên bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Campuchia; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Đây là nền tảng vững chắc cho  quan hệ thương mại song phương của hai nước.

Việc tích hợp kênh đào Funan với tuyến đường sắt xuyên Á có khả năng thúc đẩy Việt Nam thực hiện hoàn thiện các cơ sở vật chất, đảm bảo các quy định để xem xét mở một tuyến sang Việt Nam ở các tỉnh phía Nam. Tiêu biểu là thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm tài chính của miền Nam. Khi thực hiện được sự liên kết này, quá trình vận chuyển hàng hóa sẽ được giảm thời gian và chi phí hơn, tạo điều kiện cho sự hợp tác ở biên giới giữa 2 quốc gia được nâng cao. Khi thực hiện dự án kênh đào Funan, điều này sẽ giúp cho việc cảng biển của 2 nước phát triển và hoạt động mạnh mẽ hơn. Không chỉ cảng Sihanoukville mà rất có thể Kep và Kampot cũng sẽ phát triển hệ thống cảng để thực hiện vận chuyển sang các cảng phía Nam miền Nam, giúp cho năng suất vận chuyển hàng hóa được nâng cao. Ngoài ra, không chỉ phát triển về hệ thống vận chuyển, sự hợp tác cũng sẽ thúc đẩu hai nước hoạt động mạnh mẽ hơn về ngư nghiệp, khai thác khoáng sản. Việc phát triển cơ sở hạ tầng mạnh mẽ đến từ cả 2 nước sẽ tạo điều kiện cho người dân, nguồn lao động của hai quốc gia có những cơ hội việc làm đa dạng và tốt hơn. Từ những điểm sáng này, 2 nước sẽ có khả năng nhận được đầu tư từ các nước khác trong khu vực, tăng cường hợp tác quốc tế sâu rộng hơn./.

                                                                                       Tạ Đức Cẩm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét