Hội thảo là một dịp quan trọng để các đại biểu
phát huy trí tuệ, tâm huyết, luận bàn làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn.
Thế nhưng đáng buồn thay, không ít đại biểu lại xem hội thảo như sân khấu để
phô trương, chứng tỏ bản thân với những mỹ từ sáo rỗng. Hành vi ấy là biểu hiện
của căn bệnh “ngáo chữ”, khiến không ít hội thảo trở nên thiếu dân chủ, thiếu
khoa học, gây lãng phí, nguy cơ dẫn tới nhiều mối nguy, hệ lụy.
Tại một cuộc hội thảo của ngành, chủ đề được
xác định khá thiết thực, có ý nghĩa cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Một
nữ đại biểu trước hội thảo báo với ban tổ chức: “Bài tham luận của tôi dài 3
trang đã được in trong kỷ yếu nên tôi xin phép không đọc lại để khỏi làm mất thời
giờ”. Một vị chủ tọa liền nói: “Không, cô cứ đọc bài tham luận của mình để bảo
đảm đúng thời gian”. Những tưởng đã xong, nữ đại biểu nọ sau khi đọc xong tham
luận của mình, liền xin phép chia sẻ một số “điều tâm huyết bấy lâu”. Chẳng
quan tâm phía dưới nghĩ gì, nữ đại biểu cứ phát biểu tràng giang đại hải, khoe
mẽ, tung hô, kể lể quá trình mình làm việc khó khăn thế nào, thành tích ra sao,
rồi lên án, phê phán cá nhân này, tổ chức khác, khiến nhiều người nghe tỏ vẻ bức
bối, khó chịu; Ban tổ chức phải nhiều lần ngắt lời mới dừng được nữ đại biểu. Một
số người chứng kiến tỏ ra ái ngại: Hội thảo chứ có phải buổi liveshow cá nhân
đâu mà “ngáo chữ” đến vậy?
Thực tế, tại nhiều hội thảo hiện nay, bên cạnh
những ý kiến tâm huyết, đi sâu vào vấn đề trọng tâm, cống hiến nhiều luận cứ
khoa học, có tính lý luận và thực tiễn thì chúng ta vẫn gặp khá nhiều trường hợp
bị “ngáo chữ” như vậy. Biểu hiện thường thấy của căn bệnh này là người phát biểu
thao thao bất tuyệt, kiểu “nói như rồng leo”, không bám sát nội dung đề dẫn hội
thảo, các vấn đề cốt lõi, những khó khăn, hạn chế, đề xuất giải pháp mà lại lạc
đề, sa vào kể lể, tung hô thành tích bằng những mỹ từ sáo rỗng, sáo ngữ, lập
ngôn, vừa máy móc, vừa thiếu khoa học, thiếu dân chủ. Thậm chí có đại biểu bước
lên diễn đàn thì quên mất mình là ai, bỗng hóa thành “anh hùng”, có quyền phê
phán, lời lẽ cay độc với người này, người nọ, tự huyễn hoặc bản thân... Lại có
đại biểu “ngáo chữ”, không biết mình đang nói cái gì, nói đến đâu. Ngôn ngữ thì
“đao to búa lớn”, sặc mùi sính ngoại, câu nào cũng phải thêm vào vài từ tiếng
Anh như: “4.0”; thời đại “@”, “business”... mà quên mất rằng ngồi phía dưới
toàn là các bậc tiền bối khoa học nước nhà.
Xét về mặt ngữ nghĩa, “ngáo chữ” và “sáo ngữ”
hay “ngộ chữ” đều có nét tương đồng với nhau, ấy là hành vi đều dùng lời nói
theo dạng rập khuôn máy móc, không truyền tải thông tin cần thiết, thiếu lý luận,
thiếu thực tiễn. Nếu như “sáo ngữ” là hành vi người nói có dụng ý dùng lời lẽ mỹ
miều, bùi tai, thuận chiều để “che lấp” những vấn đề không muốn nói, thì “ngáo
chữ” là hành vi người nói không kiềm chế được lời nói của mình, ảo tưởng về bản
thân, thậm chí là hành động phụ họa không bình thường trên hội thảo. Hành vi
này vừa gây mất thời gian hội thảo, vừa vô bổ, lạc lõng, phiến diện. Người nghe
vì thế cảm thấy mình như là “nạn nhân”, bị tra tấn tinh thần. Thậm chí, có
chuyên gia còn đem so sánh hành vi “ngáo đá” và “ngáo chữ” trong các hội thảo
trá hình xuất hiện lâu nay; tuy khác nhau về hành vi nhưng đều có điểm chung đó
là nói về những đối tượng không còn ý thức được hành vi của mình, thường có
hành động gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Bệnh “ngáo chữ” có nhiều
nguyên nhân, song cơ bản bắt nguồn sâu xa từ thói phô trương, ưa hình thức,
sính dùng từ ngữ to tát, mỹ miều để chứng tỏ bản thân là người học cao, hiểu rộng,
am tường thời cuộc, trí tuệ hơn người... Hành vi này thật sự nguy hiểm khi nó
lan truyền từ người này sang người khác, bởi hiệu ứng “con gà tức nhau tiếng
gáy”. Những người “ngáo chữ” chẳng những gây bực tức cho người nghe mà còn làm ảnh
hưởng đến nội dung chương trình, kịch bản, chất lượng của cuộc hội thảo. Các vấn
đề mang tính khoa học, lý luận và thực tiễn không được tập trung bàn luận, tháo
gỡ, thậm chí đi lệch hướng, không bảo đảm tính khoa học, thiếu dân chủ, thiếu
khách quan.
Nghị quyết Trung ương 4,
khóa XII của Đảng chỉ rõ những biểu hiện: “Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều
làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị
khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu...”,
được xác định là một trong số những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị,
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bệnh “ngáo chữ” trong hội thảo, sáo rỗng, phát
biểu xa rời thực tiễn chính là nguyên nhân làm mất niềm tin của nhân dân, cấp
dưới, về lâu dài là mối nguy xói mòn niềm tin trong Đảng, kìm hãm sự phát triển
của xã hội.
Trong bối cảnh toàn Đảng đang tích cực đẩy mạnh
cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối
làm việc trong các cơ quan của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, bảo đảm tính khoa
học, dân chủ, sâu sát, cụ thể, thì việc nói không với bệnh “ngáo chữ” trong hội
thảo như nêu ở trên cần được nhận diện và sớm khắc phục. Muốn làm được điều này
cần sự thay đổi trong tư duy của cả hệ thống chính trị, nhất là những người đứng
đầu. Song hành với đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện,
thực hành nói đi đôi với làm, gắn lý luận với thực tiễn, có như vậy mới tạo động
lực cho sự phát triển nói chung.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét