Phẩm chất trung thực cần trở thành giá trị cốt lõi trong hệ thống chuẩn
mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Bởi trung thực không những là thước đo giá
trị con người, mà còn có khả năng hội tụ, lan tỏa những giá trị văn hóa, đạo đức
phổ quát khác.
1. Phẩm chất
trung thực luôn được tôn vinh ở ngôi đầu nhân cách con người. Trung thực càng
có ý nghĩa bao nhiêu thì không trung thực càng tai hại bấy nhiêu. Đối với cá
nhân, không trung thực cũng có nghĩa là giả dối, mà giả dối để lợi mình, hại
người thì mất đạo đức. Mất đạo đức là mất tất cả. Đối với cộng đồng, xã hội, nếu
gian dối nổi lên chiếm số đông, đẩy trung thực trở thành thứ yếu thì đã đến lúc
đạo đức xã hội suy đồi, đáng báo động.
Với cán bộ, đảng viên, đức tính trung thực càng có ý nghĩa quan trọng. Bởi
cán bộ, đảng viên trung thực trước là cho mình, sau còn làm gương cho quần
chúng. Thực tiễn đời sống cho thấy, những cán bộ đánh mất tính trung thực, vừa
mất lòng tin của nhân dân, vừa lạc hướng, nhẹ thì bị kỷ luật, nặng thì lâm vào
vòng lao lý.
Chỉ lấy hai ví dụ gần nhất là thấy rõ tác hại của không trung thực. Một
là trường hợp Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ vừa bị cách tất cả các chức vụ
trong Đảng mà một trong những vi phạm là kê khai tài sản không trung thực. Hai
là trường hợp Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Công Thắng bị đề
nghị kỷ luật vì dùng giấy công nhận văn bằng trình độ thạc sĩ giả... Rõ ràng, từ
không trung thực, cán bộ mất cả công danh, sự nghiệp và nặng nhất là mất danh dự.
Thế nhưng,
thực tế cho thấy, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn có biểu hiện thiếu
trung thực, gian dối. Báo cáo mới nhất của Chính phủ về tình hình kê khai tài sản
từ tháng 2-2022 đến tháng 4-2023 cho thấy, qua xác minh, các cơ quan có thẩm
quyền đã phát hiện 2.664 người có sai sót... Đặc biệt, các cơ quan đã xử lý 54
người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc
tài sản tăng thêm.
Không chỉ
trong lĩnh vực kê khai tài sản, các biểu hiện về thiếu trung thực trong cán bộ,
đảng viên còn rất đa dạng, như: Khai gian tuổi, khai man hoặc cố tình che giấu
tình tiết khi kê khai lý lịch; tung tin đồn thất thiệt về người nọ, người kia,
làm rối loạn lòng người, gây mất đoàn kết nội bộ; “tham mưu láo, báo cáo sai”;
giấu giếm khuyết điểm, khoe khoang thành tích; lo lót, chạy chọt, mua bán bằng
cấp, chức quyền; nói nhiều, làm ít; nói hay, làm dở; nói một đằng, làm một nẻo;
nói trong hội nghị khác ngoài hội nghị, nói trước tập thể khác với cá nhân, nói
với cấp trên khác với cấp dưới, nói với đảng viên khác với quần chúng; thiếu
công bằng, hay thiên vị; “yêu nên tốt, ghét nên xấu”...
Không ít
trường hợp từ thiếu trung thực chuyện nhỏ dẫn đến vi phạm to; từ ăn gian, nói dối
để thủ lợi ít, lâu quen thành tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Hàng chục cán bộ
thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật, bị xét xử thời gian qua
đều có điểm chung là thiếu trung thực.
2. Thấu hiểu giá trị to lớn của đạo đức mà tính trung thực là cốt lõi,
thước đo, từ nhiệm kỳ Đại hội XII, Trung ương Đảng đã chủ trương tăng cường xây
dựng Đảng về đạo đức. Để xây dựng Đảng về đạo đức, nhất định phải quan tâm đến
hai chiều: Một là xây dựng được văn hóa trung thực trong đội ngũ cán bộ, đảng
viên, từ đó lan tỏa ra xã hội; hai là chăm lo xây dựng xã hội trung thực, trong
đó có cán bộ, đảng viên.
Để làm tốt
chiều thứ nhất, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh;
thực hiện tốt phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học
đi đôi với làm theo”.
Vừa qua,
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì nghiên cứu xây dựng “chuẩn mực đạo đức của
cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới”. Đây là việc làm cần thiết, qua đó tạo
thêm tấm gương để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa hằng ngày; để ai cũng thực
hành và coi "danh dự là điều thiêng liêng nhất".
Giải pháp
quan trọng nữa là phải tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm
trong hệ thống chính trị, nhất là trong giải quyết công việc của dân, doanh
nghiệp; khắc phục triệt để tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Các cấp, ngành cần hoàn thiện hệ thống quy chế làm việc, quy trình nội bộ; tăng
cường kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng đánh giá cán bộ, đảng viên; kịp
thời phát hiện vi phạm; thưởng phạt phân minh, có lý, có tình, bảo đảm kỷ luật
không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đi đôi với khen thưởng kịp thời, xứng
đáng... Một giải pháp quan trọng không kém là phải sớm thực hiện cải cách tiền
lương, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức...
Để làm tốt
chiều thứ hai, điều quan trọng là phải tập trung đổi mới công tác giáo dục -
đào tạo thế hệ trẻ, đặt giáo dục phẩm chất trung thực là ưu tiên hàng đầu; xây
dựng triết lý giáo dục xoay quanh phẩm chất cốt lõi này. Muốn giáo dục phẩm chất
trung thực để hình thành một thế hệ trung thực, một xã hội trung thực, một đất
nước trung thực cần huy động được sự chung sức, đồng lòng, cùng nhau gánh vác của
gia đình, nhà trường và xã hội. Quá trình này phải thực hiện từng bước chắc chắn,
cùng với vai trò quyết định của nhà trường, phải lấy gia đình làm hạt nhân, lấy
cộng đồng làm nơi nuôi dưỡng.
Lựa chọn
làm một cán bộ, đảng viên trung thực đòi hỏi bản lĩnh, lòng dũng cảm, đức hy
sinh. Sống trung thực chịu nhiều khó khăn, nhưng đổi lại, làm người trung thực
có những giá trị quý báu không mua được bằng tiền. Bởi có câu: Trung thực là
chương đầu tiên trong cuốn sách về sự khôn ngoan. Còn người xưa nói: Những người
tính nết thật thà/Đi đâu cũng được người ta tin dùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét