Bảo đảm và phát huy quyền con người là quan điểm nhất quán của Đảng ta xuyên suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Nhân tố con người luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng; con người không chỉ là cơ sở mà còn là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Vấn đề con người là nhân tố trung tâm của thời đại đã
được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin khẳng định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
chỉ rõ: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì
mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Nhờ quan điểm đúng đắn đó, Chủ tịch
Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tập hợp và phát huy được sức mạnh của con người, lãnh
đạo thành công cuộc cách mạng giành chính quyền và tiến lên xây dựng chủ nghĩa
xã hội như ngày nay. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển
năm 2011), Đảng ta đã xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát
triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người,
gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của
nhân dân”.
Việc xác định, bảo đảm và phát huy vai trò của con
người ở Việt Nam đã được khẳng định trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật Nhà nước.
Tại Điều 14, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam năm 2013 đã ghi nhận: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh
tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp
và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy
định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia,
trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Như
vậy, có thể thấy rằng mọi quyền và lợi ích hợp pháp của con người ở Việt Nam
luôn được pháp luật bảo vệ. Tất nhiên, những hành vi lợi dụng vấn đề dân chủ, “nhân
quyền”…nhằm xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng, gây hại đến an
ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội sẽ đều bị nghiêm trị theo quy định của
pháp luật.
Trải qua hơn 36 năm tiến hành công
cuộc đổi mới đất nước, những thành tựu mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được trong
quá trình đó là minh chứng rõ nét nhất khẳng định vai trò to lớn của nhân dân
và việc bảo đảm, phát huy quyền con người trên thực tiễn. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tôn trọng, bảo đảm,
bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013;
gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”.
Đảng ta cũng nhất quán thực hiện phương châm “dân
biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong bài viết “Một số vấn
đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn
mạnh: “Trong mọi công việc của Đảng và
Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc";
thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì
thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân
giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là định hướng
quan trọng, vừa hiện thực hoá Hiến pháp trong cuộc sống, vừa khẳng định quyết
tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm và phát huy quyền con người trong
sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét