Suy thoái là sự yếu kém, hư hỏng, làm mất dần đi cái tốt,
cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát
triển, dẫn đến sự thoái hóa và biến chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hay
chính bản thân con người và tổ chức xã hội của con người. Từ khi tiến hành công
cuộc đổi mới đất nước đến nay, do tác động của nhiều nhân tố khách quan và chủ
quan, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một
bộ phận cán bộ, đảng viên diễn biến phức tạp. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), Đảng ta đã chỉ rõ “Vấn đề đạo đức xã hội đang
được đặt ra một cách cấp bách”.
Ở các kỳ đại hội tiếp theo, vấn đề suy
thoái về TTCT, đạo đức, lối sống trong CBĐV tiếp tục được Đảng ta đề cập một
cách mạnh mẽ hơn. Đại hội XII nhấn mạnh: “Không ít cán bộ, đảng viên có những
biểu hiện dao động, mất phương hướng, hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng,
về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đã xuất
hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với cương lĩnh, đường lối,
Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”.
Tiếp tục, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư (khóa XII),
Đảng ta nhận định sự suy thoái TTCT, đạo đức, lối sống của CBĐV không những
không được đẩy lùi mà còn biểu hiện rõ nét hơn. Vì vậy, Đảng đã ra nghị quyết
về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về
TTCT, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ. Nghị quyết đã đề cập một cách toàn diện, sâu sắc các mặt của sự suy
thoái về TTCT, đạo đức, lối sống của CBĐV.
Trước hết, sự suy thoái về TTCT có thể nhận diện qua một số
biểu hiện cụ thể như: phai nhạt lý tưởng cách mạng; nhận thức sai lệch về ý
nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; không chấp hành
nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu
trong công tác; khi có khuyết điểm thì giấu giếm, thiếu thành khẩn, không tự
giác nhận kỷ luật.
Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy
đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy
lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá
nhân không trong sáng. Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tham vọng chức quyền, không chấp hành
sự phân công của tổ chức. Vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”, chỉ tập trung giải quyết
những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người
thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện. Thiếu gương mẫu
trong việc chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,
quy định của cơ quan, đơn vị và đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Biểu hiện sự suy thoái về đạo đức, lối sống là cá nhân chủ
nghĩa; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết
xuôi chiều, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; tham
nhũng, hối lộ, bòn rút của công; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ
đạo, điều hành; quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm
tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình cơ quan, đơn vị mình; vi phạm thuần
phong, mỹ tục; đạo đức nghề nghiệp sa sút, đặc biệt, trong những lĩnh vực được
xã hội tôn vinh.
Thực tế hiện nay, tình trạng suy thoái về TTCT, đạo đức, lối
sống của một bộ phận không nhỏ CBĐV chưa bị đẩy lùi mà còn diễn biến tinh vi,
phức tạp hơn. Một số cán bộ sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, cơ
hội; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn
đấu, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Một bộ phận cán bộ lãnh
đạo, quản lý lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để phục vụ lợi ích cá nhân
hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình trục lợi.
Có nơi bổ nhiệm cán bộ tràn lan, sai nguyên tắc, gây bức xúc trong xã hội, điển
hình như vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu
Giang; vụ ở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 người thì
44 người là cán bộ lãnh đạo quản lý…[4].
Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể
hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền làm ảnh
hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ,
đảng viên và nhân dân, đến mức phải thi hành kỷ luật. Đơn cử như: ông Đinh La
Thăng trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Bí thư Đảng
ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn
2009 – 2011 đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác
lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ; ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương
Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã vi phạm nguyên tắc
tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ
trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo
nhiều công việc cụ thể của chính quyền…[5]. Những vi phạm, khuyết điểm này là
đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, giảm niềm
tin của nhân dân với Đảng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét