Với việc Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (sau đây gọi tắt là Công ước Luật biển 1982) lần lượt được các nước ký kết và có hiệu lực, lần đầu tiên loài người có một văn kiện pháp lý quốc tế tổng hợp toàn diện, đề cập những vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, qui định rõ các quyền lợi và nghĩa vụ trên biển về nhiều mặt của các quốc gia (có biển cũng như không có biển, có chế độ kinh tế, chính trị - xã hội khác nhau, có trình độ phát triển khác nhau) đối với các vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia cũng như đối với các vùng biển quốc tế.
Có thể nói, một trong những thành quả quan trọng của Công ước
Luật biển 1982 là đã thiết lập một cách cụ thể và rõ ràng khái niệm, quy chế
cũng như phạm vi các vùng biển. Giờ đây các quốc gia không chỉ có lãnh hải rộng
12 hải lý mà còn có những vùng biển khác như vùng đặc quyền kinh tế rộng 200
hải lý và thềm lục địa rộng tối đa tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở. Những
quy định này của Công ước Luật biển 1982 đã mở rộng một cách đáng kể chủ quyền,
quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển nhưng đồng thời
cũng làm xuất hiện thêm các vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa các nước
có bờ biển nằm tiếp liền hoặc đối diện nhau.
Nằm ven Biển Đông và là một trong những quốc gia có bờ biển dài
trong khu vực (khoảng 3260 km), theo các quy định của Công ước Luật biển 1982,
Việt Nam được mở rộng chủ quyền, các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán
của mình ra các vùng biển và thềm lục địa rộng khoảng 1 triệu km2.. Việc mở
rộng này đã làm xuất hiện những vùng biển và thềm lục địa chồng lấn cần phải
được phân định với các nước láng giềng. Là thành viên Công ước Luật biển 1982,
Việt Nam có nghĩa vụ phải giải quyết các tranh chấp này theo các quy định của
Công ước.
Mỗi quốc gia có quyền đơn phương tuyên bố phạm vi các vùng biển
và thềm lục địa của mình theo các quy định của Công ước Luật biển 1982. Tuy
nhiên, nếu hai hay nhiều quốc gia có bờ biển nằm tiếp liền hoặc đối diện nhau
mà khoảng cách giữa hai bờ biển đối diện không đạt tới hai lần chiều rộng của
các vùng biển hay thềm lục địa được quy định trong Công ước thì sẽ xuất hiện sự
chồng lấn về yêu sách phạm vi các vùng biển và thềm lục địa. Trong trường hợp
này, các quốc gia có liên quan phải tiến hành xác định đường phân chia giới hạn
không gian thực thi thẩm quyền thông qua thương lượng trực tiếp hay một cơ quan
tài phán quốc tế. Quá trình này được gọi là phân định biển. Như vậy, việc phân
định biển không phụ thuộc vào ý chí duy nhất của một quốc gia mà là một hoạt
động mang tính chất quốc tế để đi đến thỏa thuận trực tiếp (các quốc gia liên
quan thương lượng trực tiếp) hoặc gián tiếp (thông qua cơ quan tài phán quốc
tế).
Việt Nam cũng là một trong 130 nước bỏ phiếu thông qua và sau đó
cùng 118 nước khác ký Công ước Luật biển 1982 vào tháng 12/1982 tại Montego Bay
(Jamaica). Ngày 23/6/1994 Quốc hội Việt Nam đã chính thức phê chuẩn và trở
thành thành viên thứ 63 của Công ước. Bên cạnh việc được hưởng các quyền lợi,
Việt Nam còn có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cụ thể mà Công ước này mang
lại. Cụ thể, Việt Nam có quyền xác định các vùng biển và thềm lục địa theo Công
ước nhưng đồng thời cũng có nghĩa vụ tiến hành phân định các vùng biển và thềm
lục địa ở những khu vực chồng lấn với các nước láng giềng.
Theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982, các quốc gia ven
biển, trong đó có Việt Nam, có quyền mở rộng thềm lục địa của mình ra quá 200
hải lý nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý. Để thực hiện quyền này ta
phải nộp Báo cáo quốc gia lên Ủy ban Thềm lục địa của Liên hợp quốc, trong đó
nêu rõ các bằng chứng khoa học, địa chất, địa mạo để chứng minh. Nếu sau ngày
13/5/2009 ta không nộp Báo cáo quốc gia thì Việt Nam mất quyền mở rộng ranh
giới thềm lục địa.
Quan điểm pháp lý cơ bản trong Báo cáo quốc gia của Việt Nam là
khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa;
khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với
các vùng biển và thềm lục địa theo quy định của Công ước Luật biển năm 1982;
tuân thủ Công ước Luật biển năm1982 và tôn trọng các điều ước, hiệp định quốc
tế về phân định biển đã được ký kết giữa các nước liên quan; Báo cáo xác định
ranh giới ngoài thềm lục địa không ảnh hưởng đến việc phân định biển giữa Việt
Nam và các nước liên quan sau này.
Như vậy,
trong thời gian qua, đặc biệt là sau khi Công ước Luật biển 1982 có hiệu lực,
Việt Nam đã giải quyết được một loạt vấn đề về phân định biển với các quốc gia
láng giềng. Thực tế cho thấy Việt Nam đã vận dụng một cách linh hoạt các quy
định của Công ước Luật biển 1982 cũng như thực tiễn quốc tế để có thể cùng các
nước láng giềng tìm đến một giải pháp phù hợp cho các vùng biển chồng lấn. Các
hiệp định được ký kết cũng thể hiện thiện chí của ViệtNam trong việc đàm phán
trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế để đi
đến một giải pháp công bằng. Có thể nói, các điều ước phân định biển được ký
kết giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong thời gian qua đã góp phần vào
việc ngăn ngừa xung đột, giúp duy trì môi trường hòa bình và ổn định trong khu
vực để Việt Nam và các nước khác phát triển. Xét về mặt luật pháp quốc tế, các
giải pháp phân định biển đạt được giữa Việt Nam và các nước láng giềng cũng có
những đóng góp nhất định đối với thực tiễn phân định biển trong khu vực là cơ
sở để Việt Nam tiếp tục đàm phán phân định biển với các nước láng giềng khác
trong khu vực./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét