Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Thiếu khách quan khi phủ nhận quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam

Cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), các thế lực thù địch với chế độ XHCN lại tìm cách phê phán quyền của phụ nữ nói chung, quyền chính trị của phụ nữ ở nước ta nói riêng không được bảo đảm. Đó là thái độ thiếu khách quan, nhằm mục đích xấu.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ký kết tham gia công ước CEDAW (là tên viết tắt của “Công ước của Liên hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ” đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18/12/1979) ngày 29/7/1980 và được phê chuẩn vào ngày 27/11/1981. Đồng thời, luôn thực hiện nghiêm những điều ước của CEDAW mà Việt Nam là một thành viên. Cho nên, ở Việt Nam không có chuyện “quyền chính trị của phụ nữ tham gia chính trường có sự phân biệt” và không “vi phạm nhân quyền, mà cụ thể là Công ước CEDAW” như họ cáo buộc.

Thật vậy, để tạo lập sự bình đẳng thực sự giữa nam và nữ, khoản 1 và khoản 3, Điều 26 Hiến pháp năm 2013 của nước ta quy định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới” và “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Để tạo lập quyền được ưu tiên của phụ nữ, khoản 2, Điều 26 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”.

Trước đó, ngày 29/11/2006, Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật Bình đẳng giới, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện mục tiêu bình đẳng nam nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; trong đó, có lĩnh vực chính trị.

Tiếp đó, ngày 27/4/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW thể hiện rõ quan điểm về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước: “Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng”.

Với những nỗ lực, tích cực nêu trên, sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị đất nước đã có sự tăng lên, số nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương Đảng tăng liên tiếp trong 3 nhiệm kỳ; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV tăng 2,3% so với khóa XIII và 1% so với khóa XII. Đặc biệt, lần đầu tiên có Chủ tịch Quốc hội là nữ và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình của toàn cầu (23,4%) và của châu Á (18,6%); năm 2018, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 27,2%. Tỷ lệ nữ làm Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội tăng lên (năm 2016 là 23,1%, cao hơn 12% so với năm 2011). Tính đến năm 2017, tỷ lệ số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ là 13/30 (chiếm 43%) và năm 2018 là 14/30, chiếm 47%.

Thực tế, về quyền chính trị của phụ nữ Việt Nam cho thấy, sau khi kiện toàn tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, bộ máy của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hiện tại có 7 nữ, trong đó, có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng 3 Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội và 3 thành viên Chính phủ là nữ.

Thực tiễn trên chứng tỏ quyền chính trị của phụ nữ ở Việt Nam được bảo đảm tốt, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy, chính quyền không chỉ cao hơn của khu vực châu Á, mà còn cao hơn toàn cầu. Thế mà các đối tượng thù địch vẫn cho rằng, Việt Nam vi phạm quyền chính trị của phụ nữ. Đó là thái độ thiếu khách quan nhằm mục đích xấu. Tất nhiên, chúng ta còn tiếp tục phấn đấu để sớm nâng cao hơn nữa tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp, nhằm rút ngắn khoảng cách và tiến tới nam nữ bình quyền trên mọi lĩnh vực.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét