Lũng Cú
Cố tình xuyên tạc, bịa đặt chủ trương, chính sách về quốc phòng của Việt
Nam, một số kẻ xấu vẫn đang tìm mọi cách hướng lái dư luận, cổ xúy Việt Nam
“chọn phe”, “liên thủ” hoặc “liên minh” quân sự với nước khác để “gia tăng sức
mạnh bảo toàn chủ quyền lãnh thổ”… và kêu gọi bỏ chính sách “bốn không”. Mục
đích của chúng nhằm phá vỡ nguyên tắc nền quốc phòng tự chủ của một quốc gia
độc lập, dẫn đến sự lệ thuộc vào các lực lượng quân sự khác, gây nên những hệ
lụy to lớn ảnh hưởng tới sức mạnh, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền, toàn
vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, chính sách quốc phòng của Việt Nam hiện nay là sự nhất
quán về đường lối, chủ trương và luật pháp về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ
quốc của Đảng và Nhà nước Việt Nam; là tư tưởng quốc phòng đúng đắn, được lựa
chọn và xác lập phù hợp với bối cảnh quốc tế, thực tiễn đất nước. Nhờ đó, Việt
Nam không chỉ bảo vệ được toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc, mà còn phá
vỡ thế bao vây, cấm vận, mở đường hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Việc đưa ra chính sách quốc phòng “bốn không” góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm,
từ xa, từ trong thời bình, nỗ lực không để xảy ra xung đột, giải quyết các
tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, kiến tạo môi trường hòa bình, tạo điều
kiện thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Thực tiễn lịch sử chiến tranh và quân đội trên thế giới đã chứng minh,
các khối liên minh quân sự đã và đang gây ra những căng thẳng, châm ngòi cho
các cuộc chiến tranh, xung đột, tranh chấp, chủ nghĩa khủng bố kéo dài dai
dẳng; các nước trong khối này luôn bị lôi kéo hoặc cuốn vào những cuộc xung
đột, buộc phải chi phí, tiêu hao nguồn lực quốc gia cho quốc phòng, an ninh để
tăng cường phòng bị và tham gia nhiều hoạt động quân sự của liên minh; hoặc
liên tục bị xung đột, chiến tranh, chủ nghĩa khủng bố tàn phá… khiến cho đất
nước không thể phát triển. Ví dụ như các cuộc chiến tranh và xung đột khắp Nam
Âu đến Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi mấy thập niên qua, điển hình như nội chiến
ở Xy-ri, xung đột ở U-crai-na đã chứng minh rõ điều này.
Từ đó cho thấy, Việt Nam có đủ khả năng để thực hiện đường lối độc lập,
tự chủ trong bảo vệ Tổ quốc, giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa
bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, mà không cần thực hiện liên minh quân sự. Đó
chính là sức mạnh tổng hợp quốc gia, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả
hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý,
điều hành thống nhất của Nhà nước; sức mạnh của thực lực quân sự, quốc phòng
Việt Nam đã không ngừng được xây dựng, lớn mạnh cả về lực lượng, tiềm lực, thế
trận, khoa học – công nghệ, nghệ thuật chỉ huy, tác chiến, sự tập trung thống
nhất về lãnh đạo và quản lý quốc phòng – an ninh quốc gia, vùng, miền chiến
lược, địa phương và cơ sở; các lực lượng vũ trang, nhất là quân đội được xây
dựng để tiến tới cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại… luôn trong trạng
thái sẵn sàng chiến đấu cao bảo vệ Tổ quốc.
Cũng phải nói thêm rằng, mặc dù nhất quán thực hiện chính sách “bốn
không”; song, tùy theo tình hình cụ thể, Việt Nam sẽ cân nhắc phát triển các
mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn
trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các
nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung
của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Từ những vấn đề trên cho thấy, chính sách quốc phòng của Việt Nam về
không thực hiện liên minh quân sự trong tình hình hiện nay không chỉ là đúng
đắn mà còn là linh hoạt, mềm dẻo, hợp lý, hợp thời, nhằm phát huy sức mạnh của
mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Cho nên, mọi luận điệu xuyên tạc về
chính sách quốc phòng của Việt Nam thời gian qua là hoàn toàn sai trái, bịa
đặt, cần lên án đấu tranh, bác bỏ kịp thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét