Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí

 


                                                           Đức Thành

Báo chí Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng là yêu cầu tất yếu vì “Đảng Cộng sản Việt Nam-Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (Điều 4, Hiến pháp năm 2013).

Cùng với việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng các hoạt động báo chí, Đảng và Nhà nước còn tạo môi trường thuận lợi cho các cơ quan báo chí và người làm báo phát huy tốt vai trò của mình.

Cụ thể tại Điều 60, Hiến pháp năm 2013 đề ra nhiệm vụ “phát triển các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Đồng thời Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do báo chí, quyền tự do hoạt động nghề nghiệp của người làm báo, những định hướng quan trọng này đã được thể chế trong các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu biểu là Luật Báo chí năm 2016.

Nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động báo chí tại Việt Nam, các đối tượng chống phá, thù địch tìm mọi âm mưu, thủ đoạn hòng xuyên tạc, hạ thấp sứ mệnh của báo chí, kêu gọi một nền báo chí “phi chính trị”, nằm ngoài sự điều hành, chỉ đạo của Đảng, kêu gọi thay đổi thể chế chính trị để thực hiện cái gọi là “tự do tuyệt đối” cho báo chí, với luận điệu cho rằng: “Thể chế hiện nay không tạo môi trường để thay đổi báo chí được, mà phải thay đổi thể chế sâu rộng”.

Lợi dụng một số sai sót, khuyết điểm của người làm báo và cơ quan báo chí, các đối tượng chống phá lập tức thổi phồng, coi đó là bản chất của nền báo chí cách mạng Việt Nam vì đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do đó cần phải thay đổi những quy định về quản lý báo chí hiện nay, “trả tự do hoàn toàn cho báo chí” để thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Bằng việc đưa thông tin thất thiệt, sai sự thật trên mạng xã hội, các đối tượng chống phá bịa đặt rằng báo chí Việt Nam “không vì lợi ích của nhân dân mà chỉ nhằm bao che cho những sai lầm, khuyết điểm của Đảng và quan chức cao cấp” để gây hoang mang, hoài nghi, từng bước làm suy giảm niềm tin của người dân với nền báo chí cách mạng Việt Nam, nghi ngờ những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được phổ biến rộng rãi trên diễn đàn báo chí từ Trung ương đến địa phương.

Các đối tượng nỗ lực “dọn đường”, tạo cớ cho cái gọi là “nhà báo độc lập”, “nhà báo tự do” xuất hiện, và đăng tải tràn lan những thông tin phản ánh phiến diện, chủ quan đối với các vấn đề xã hội, thậm chí xuyên tạc, bóp méo các sự việc nổi cộm nhằm phục vụ cho những âm mưu đen tối.

Khi một số “nhà báo độc lập” có hành vi vi phạm pháp luật và bị cơ quan chức năng xử lý, lập tức các đối tượng phản động đồng loạt lên án Việt Nam “vi phạm nhân quyền”, “đàn áp nhà báo”, “tấn công vào nền tự do báo chí và hoạt động báo chí độc lập”...

Lợi dụng những báo cáo thiếu khách quan, sai sự thật của một số tổ chức quốc tế về tình hình tự do báo chí Việt Nam, các cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí đã cáo buộc Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tình hình báo chí “rất tồi tệ” để rồi kích động, kêu gọi các phần tử cực đoan, những cá nhân nhẹ dạ, thiếu hiểu biết tham gia đấu tranh đòi “tự do báo chí đích thực”, ký tên vào các bản kiến nghị, thư ngỏ đòi thả tự do cho các nhà báo vi phạm pháp luật bị xử lý…

Cùng với đó, các đối tượng chống phá không ngớt đánh bóng cho cái gọi là “giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền phương Tây” như một hình mẫu để học hỏi, hướng lái nhận thức của cộng đồng rằng tự do báo chí chỉ có được khi nằm ngoài sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, từ đó phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, kêu gọi Việt Nam phải thay đổi chế độ, phải “đa nguyên, đa đảng”.

Với âm mưu “nội công, ngoại kích”, không chỉ thực hiện các hoạt động chống phá ở trong nước, từ bên ngoài, các tổ chức, cá nhân chống cộng hải ngoại liên tục cổ xúy, kích động, cũng như bảo trợ cho những đối tượng lợi dụng tự do báo chí chống phá Việt Nam khiến cho diễn biến của vấn đề ngày càng trở nên phức tạp.

Các đối tượng tìm mọi cách kêu gọi sự can thiệp của những tổ chức nhân quyền quốc tế đối với hoạt động báo chí ở Việt Nam, đòi “quốc tế hóa” các vấn đề nội bộ, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, vận động, kêu gọi chính phủ các nước gây sức ép đối với Việt Nam trong vấn đề quyền con người cũng như các vấn đề khác như kinh tế, chính trị, ngoại giao,...

Cần khẳng định rằng sự lãnh đạo của Đảng với hoạt động báo chí không nhằm mục đích nào khác là định hướng báo chí phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, với các nhiệm vụ cụ thể đó là: thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.

Đồng thời báo chí cũng góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Song song đó, báo chí làm nhiệm vụ phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Ở phương diện đối ngoại, báo chí góp phần mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét