Tục ngữ Việt có câu “Con hơn
cha là nhà có phúc”. Đó không chỉ là mong muốn, khát vọng nhân văn của thế hệ trước đối với thế hệ sau mà còn phần nào nói lên
tình cảm, niềm tin của ông cha gửi gắm vào sự nỗ lực phấn đấu trưởng thành,
tiến bộ của con cháu. Trên thực tế, dù ước vọng “nhà có phúc” là chính
đáng, nhưng vẫn có một số cán bộ, đảng viên hoặc là thiếu phương pháp giáo dục,
rèn luyện, quản lý con một cách đúng mực, hoặc là nuông chiều, nâng đỡ con một
cách vội vàng, thái quá khiến con cái họ sớm ảo tưởng về mình rồi thui chột, sa
ngã.
Với những nhân sự đủ tài đức,
tiêu chuẩn và trải qua quá trình rèn luyện, công tác, trưởng thành từ cơ sở mà
được bổ nhiệm, mọi người dân đều cảm thấy yên lòng và tỏ ý khẩu phục, tâm phục
đối với quyết định bổ nhiệm nhân sự này. Còn với những nhân sự được bổ nhiệm dù
trẻ tuổi, có bằng cấp cao, song chưa trải qua rèn luyện, thử thách nhiều trong
thực tiễn, chưa chứng tỏ được năng lực nổi trội so với người khác và chưa có
nhiều cống hiến cho tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương thì dư luận thường đặt
câu hỏi đầy nỗi niềm: “Đồng chí này là con đồng chí nào?”. Một thời gian sau,
chính những nhân sự được “bổ nhiệm thần tốc” đó không những chưa chứng minh
được trình độ cao, khả năng triển vọng của mình, lại còn vi phạm nguyên tắc
lãnh đạo, vi phạm những điều đảng viên không được làm, thậm chí vi phạm đạo
đức, lối sống thì dư luận thêm một lần bày tỏ sự phiền lòng, ta thán một cách
chua chát: “Hạt giống đỏ” chưa nảy mầm đã thành “hạt giống lép!”.
Công bằng mà nói, không hẳn
con em quan chức nào tiếp bước sự nghiệp công danh, con đường chính trị của cha
anh mình cũng đều thua kém thế hệ đi trước, mà ngược lại, không ít “hậu duệ” đã
góp phần làm vẻ vang thêm truyền thống “danh gia vọng tộc” và vị thế “trâm anh
thế phiệt” của mình. Vì những người này đều có đặc điểm chung là được tiếp thu,
hấp thụ những giá trị tích cực, nổi trội từ truyền thống gia đình, dòng họ;
được giáo dục, rèn luyện đến nơi đến chốn và bản thân họ cũng luôn có ý thức tu
dưỡng, dấn thân, cống hiến hết mình cho tập thể, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Tuy nhiên, còn một bộ phận quan chức thời nay vẫn để tâm lý, quan niệm “cha
truyền con nối” từ chế độ quan lại chuyên chế phong kiến ăn sâu vào nếp nghĩ,
hành xử của mình. Từ đó, họ tìm mọi cách để cho "cậu ấm, cô chiêu"
mình được có cơ hội tiếp cận, làm chủ, sở hữu quyền lực chính trị, quyền lực
nhà nước càng sớm càng tốt. Thậm chí có người sẵn sàng “hy sinh đời bố, củng cố
đời con”, ra vẻ “tự nguyện” rời nhiệm sở trước một hai năm nhưng không phải để
dành cơ hội cho những người tài cao đức trọng, giàu tinh thần cống hiến mà lại
mở đường ưu tiên cho “hậu duệ” của mình.
Nếu các quan chức không nghiêm
khắc dạy bảo con từ bé, lại còn nâng đỡ con thái quá, nóng vội trong việc sắp
đặt chức vụ, trao truyền quyền lực cho con không phù hợp, tương xứng với khả
năng, thực lực, uy tín, kinh nghiệm từng trải của con thì vô hình trung sẽ làm
con tự ảo tưởng về mình, từ đó tự phụ, tự mãn và tự “kết liễu” sớm sự nghiệp
chính trị của chính mình. Nhưng nguy hại hơn, khi những “hậu duệ” mà “y phục
không xứng kỳ đức” nằm trong bộ máy công quyền không chỉ ngăn cản, làm mất cơ
hội phấn đấu, tiến thân của những cán bộ, đảng viên chân chính mà còn gây mất
đoàn kết nội bộ và tác động không thuận đến sự phát triển lành mạnh của tổ
chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và đất nước. Đây là bài học cảnh tỉnh đối với
bất cứ cán bộ, đảng viên nào vẫn muốn “chủ nghĩa hậu duệ” can thiệp sâu vào
chốn quan trường và làm biến dạng, tha hóa quyền lực nhà nước, để rồi không sớm
thì muộn, sức mạnh dư luận xã hội và kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước sẽ đánh
bại, loại bỏ “chủ nghĩa hậu duệ” ra khỏi đời sống chính trị của đất nước./.
hậu duệ phải có tài mới trưng dụng
Trả lờiXóa