Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

VẬN DỤNG KẾT HỢP SỨC MẠNH DÂN TỘC VỚI SỨC MẠNH THỜI ĐẠI TRONG BỐI CẢNH MỚI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆT NAM

             Bối cảnh mới hiện nay đặt ra yêu cầu phải hiểu đúng và nắm vững nội hàm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam.

Về sức mạnh dân tộc, Nghị quyết Trung ương 8, ngày 12-7-2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX), “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã xác định: ra sức phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ tối đa và khai thác mọi thuận lợi ở bên ngoài, đồng thời nhấn mạnh, sức mạnh bên trong là nhân tố quyết định. Trong thời kỳ này, sức mạnh dân tộc được xem là “nội lực” - yếu tố bên trong của đất nước. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân, đế quốc, sức mạnh dân tộc được xác định là tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, lòng căm thù giặc ngoại xâm... Đó là nguồn sức mạnh chính, to lớn giúp Việt Nam chiến thắng kẻ thù xâm lược, là động lực để tăng gia sản xuất, tiến lên xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội.

Hiện nay, cách hiểu về sức mạnh dân tộc đã được hoàn thiện và đầy đủ hơn. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị...”. Cách hiểu này có nội hàm rộng hơn, Đảng ta nhấn mạnh đến yếu tố “sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc” với vấn đề căn cốt là đại đoàn kết dân tộc - là sự tổng hòa tiềm lực của đất nước về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh được tạo nên bởi quy mô và chất lượng dân số cả nước, được thể hiện ở sự tổng hợp của cả sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần; giữa “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”. Sức mạnh tổng hợp quốc gia còn là sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở trong và ngoài nước; của “cả hệ thống chính trị” từ tổ chức bộ máy dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xét tổng thể về “sức mạnh cứng”, sau hơn 35 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam ngày càng được nâng cao; đồng thời, Việt Nam đang được định vị ở nhóm giữa trong thang bảng sức mạnh toàn cầu với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những chỉ số phát triển của Việt Nam khi so sánh với các quốc gia tầm trung không còn chênh lệch lớn. Trong khi đó, “sức mạnh mềm” của Việt Nam được thể hiện qua nhiều yếu tố, từ những giá trị văn hóa, đến thể chế kinh tế, chính trị và cả các chính sách đối nội, đối ngoại,... Trong tổng thể đó, văn hóa được coi là một trong những sức mạnh nội tại đặc biệt. Năm 2007, Giáo sư Giô-xép Nai (Đại học Harvard, Mỹ) khi đến Việt Nam đã nhận định: “Những điểm làm nên sức hấp dẫn nhất của sức mạnh mềm Việt Nam hiện nay là tinh thần tự chủ, độc lập dân tộc, chính sách phát triển kinh tế và nền văn hóa, trong đó văn hóa của Việt Nam luôn hấp dẫn và có sức lôi cuốn các nước phương Tây”. Một điểm quan trọng khác khi đề cập đến “sức mạnh mềm” của Việt Nam là giá trị địa - chiến lược của Việt Nam đã tăng lên đáng kể so với trước đây, trở thành khu vực chiến lược “trọng tâm” trong chiến lược đối ngoại của nhiều nước.

Ngoài ra, không thể không bàn đến yếu tố con người - động lực quan trọng nhất trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Con người Việt Nam với tinh thần yêu nước, đoàn kết, có bản lĩnh, sáng tạo, không ngừng nỗ lực phấn đấu, với ý chí quyết tâm phát triển dân tộc, phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Sức mạnh dân tộc không chỉ được xây dựng bởi người dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc trong nước, mà còn từ nguồn lực to lớn về vật chất và tinh thần, cùng nguồn lực tài chính và tấm lòng hướng về cội nguồn của hàng triệu người dân Việt Nam định cư nước ngoài, vốn được coi là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sức mạnh dân tộc không chỉ là sức mạnh nội lực bên trong quốc gia, mà còn bao hàm cả một phần ngoại lực được huy động nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, sức mạnh dân tộc của đất nước không chỉ được phát huy nhờ sức mạnh mềm, nền tảng kinh tế - xã hội và con người, mà còn nhờ vào hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn được chú trọng, xây dựng và chỉnh đốn. Với sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn nỗ lực “định vị” Việt Nam vào dòng chảy của thời đại; luôn có những đường lối, chỉ đạo đúng đắn; luôn tự đổi mới và tự chỉnh đốn nhằm đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ mới trong bối cảnh mới.

Có thể thấy, trải qua hơn 35 năm đổi mới và phát triển, Đảng, Nhà nước ta ngày càng khẳng định tầm quan trọng của sức mạnh dân tộc trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kế thừa và phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc và luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết.

Về sức mạnh thời đại, không thể phủ nhận vai trò hết sức quan trọng của sức mạnh dân tộc đối với sự tồn vong và phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, không một quốc gia nào có thể tồn tại một cách độc lập, tách biệt với những xu thế chung của thế giới. Những biến chuyển sâu sắc trong cục diện quốc tế đang tác động trực tiếp đến môi trường an ninh và phát triển đất nước, đem lại thời cơ và thách thức mới đan xen. Chính vì thế, bên cạnh việc phát huy nội lực, việc kết hợp sức mạnh thời đại trong xây dựng và phát triển đất nước là vô cùng cần thiết.

Sức mạnh thời đại là khái niệm mang tính đặc thù Việt Nam, nhưng cũng có nhiều điểm chung với quan niệm phổ biến ở các quốc gia khác. Trước đây, sức mạnh thời đại được coi là đồng nhất với các nguồn ngoại lực - những thuận lợi hay các yếu tố bên ngoài. Quan điểm về sức mạnh thời đại xuất phát từ giai đoạn kháng chiến, chủ yếu là các xu thế, như công nhận quyền tự quyết, quyền độc lập, quyền bình đẳng của các quốc gia và xu thế cách mạng toàn cầu, đấu tranh cho những mục tiêu cao của thời đại: với hòa bình, hợp tác và phát triển là cơ sở để các quốc gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực của sức mạnh thời đại hết sức đa dạng. Sức mạnh thời đại được cấu thành bởi các xu thế lớn, đặc biệt là hòa bình, hợp tác và phát triển; trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, dân chủ, bình đẳng; sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, sức mạnh của các quốc gia trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, các tổ chức quốc tế và khu vực, các hiệp định thương mại tự do, luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương... Bên cạnh đó, sức mạnh thời đại ngày nay còn là tổng hợp giữa các nguồn lực vật chất (vốn, máy móc, thiết bị, vật tư công nghệ...) và các nguồn lực tinh thần (giá trị văn hóa của các dân tộc, thời đại). Thông qua quá trình vận dụng sức mạnh thời đại, Đảng ta đã khắc phục được hạn chế, yếu kém, đồng thời hoàn thiện đường lối, chiến lược phát triển của dân tộc.

Nhìn chung, để bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, Đảng ta đã vận dụng khéo léo, linh hoạt phương thức kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Tuy nhiên, cùng với quá trình đổi mới, các vấn đề về lợi ích, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục cũng như một số mặt trái cần được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình kết hợp.

Xét về sức mạnh dân tộc, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và thực tế nguồn lực được huy động. Một số nguy cơ vẫn còn tồn tại, thậm chí có mặt còn diễn biến phức tạp hơn, như tham nhũng, lãng phí, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ,... Chính vì vậy, có thể khẳng định, sức mạnh dân tộc cũng là sự tự sửa mình, tiêu biểu như việc sửa những mặt trái của nền kinh tế thị trường, chống tham nhũng, chống các nguy cơ mà Đảng và Nhà nước đã chỉ ra. Ngoài ra, Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả bền vững các nguồn tài nguyên và nguồn nhân lực. Đặc biệt, nguồn lực con người ở Việt Nam - nguồn lực nội sinh có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển đất nước - hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế về năng lực chuyên môn, khả năng thích ứng...

Xét về sức mạnh thời đại, các xu thế không thuận, như chủ nghĩa dân túy, cường quyền nước lớn, bảo hộ mậu dịch,... đang nổi lên mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế. Luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương cũng đang gặp phải những thách thức không nhỏ, thậm chí có thể lâm vào tình trạng “thoái trào”. Các xu thế, dòng chảy chính của thời đại hiện nay cũng biến chuyển và thay đổi phức tạp, khó lường, gây khó khăn cho các nhà hoạch định chính sách trong việc nắm bắt và nhận thức một cách đúng đắn, kịp thời. Do đó, trong quá trình kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, cần xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, những giá trị chung của nhân loại và lợi ích chính đáng của các quốc gia khác.

Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Chính vì vậy, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bối cảnh mới cũng gặp phải không ít khó khăn và thách thức. Trước hết, quá trình kết hợp nếu không được thực hiện cẩn trọng thì dễ dẫn tới tình trạng đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc, thậm chí gây đe dọa đến chủ quyền, lãnh thổ và an ninh phát triển của đất nước. Thêm vào đó, trình độ và mức độ thích ứng của nền kinh tế Việt Nam còn chưa cao, khiến việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại dù đã được triển khai, nhưng chưa thực sự hiệu quả, đi vào chiều sâu./.

1 nhận xét:

  1. Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau; do đó phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại

    Trả lờiXóa