Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

TIẾP TỤC PHÁT HUY MẠNH MẼ VAI TRÒ TIÊN PHONG TRONG TẠO LẬP, GIỮ VỮNG MÔI TRƯỜNG HÒA BÌNH, ỔN ĐỊNH, BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ SỚM, TỪ XA

Năm 2023 là năm bản lề của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với rất nhiều nhiệm vụ to lớn đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước từ nay đến hết nhiệm kỳ cho thấy, sẽ còn có nhiều khó khăn, biến động phức tạp, tác động nhiều chiều đến an ninh và phát triển của nước ta, có cả mặt thuận và không thuận, cơ hội đan xen với thách thức, đặt ra những yêu cầu nặng nề, phức tạp hơn cho công tác đối ngoại.

Để góp phần xứng đáng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hoàn thành thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nửa cuối nhiệm kỳ khóa XIII, trên cơ sở bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng ta và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thấm nhuần bản sắc "ngoại giao cây tre Việt Nam”, mục tiêu bao trùm được xác định là đối ngoại phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò “tiên phong” trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Trong việc “bảo đảm môi trường hòa bình”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý “một trong những yêu cầu then chốt là phải luôn kiên trì, bình tĩnh, sáng suốt, khôn khéo, xử lý đúng đắn các mối quan hệ đối ngoại, trong đó có vấn đề chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, trong đó ngành ngoại giao là những người đi đầu”.

Trong thực hiện mục tiêu bao trùm nêu trên, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, trọng tâm là tăng cường nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại; đẩy mạnh quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thực chất và bền vững hơn. Phát huy hơn nữa vai trò, đảm nhận tốt trọng trách tại các diễn đàn đa phương. Triển khai đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả ngoại giao kinh tế để góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Giải quyết tốt các vấn đề biên giới bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đổi mới, đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại. Xây dựng, triển khai chính sách tổng thể, lâu dài về phát triển bền vững cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tích cực bảo hộ công dân.

Điều quan trọng nữa, như khẳng định của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, đó là đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đối ngoại tương xứng với thế và lực mới của đất nước. Không ngừng đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đối ngoại các cấp về bản lĩnh chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới. Quyết tâm xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao "Cây tre Việt Nam"./.

1 nhận xét:

  1. Đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng

    Trả lờiXóa