Để dư luận trong và ngoài
nước hiểu rõ bản chất, mục đích của công tác đối ngoại quốc phòng, nhất là tình
hình quốc tế phức tạp hiện nay là cách để chúng ta phản bác lại các quan điểm
sai lệch hoặc cố tình "bóp méo" đường lối, chủ trương đối ngoại của
Đảng và Nhà nước cũng như chính sách quốc phòng của Việt Nam.
Trước hết, Việt Nam có quan điểm, chủ trương hết
sức rõ ràng đối với chính sách đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng. Trong đó, Đại hội XIII của Đảng
đã xác định những nguyên tắc nền tảng của công tác đối ngoại thời kỳ đổi mới
là: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu
nghị, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại...
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập
quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành
viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.
Đối với các vấn đề quốc tế và trong triển khai
các hoạt động đối ngoại quốc phòng, Việt Nam luôn nhất quán quan điểm và dựa
vào các nguyên tắc này.
Nói về chính sách quốc phòng, gần đây, một số tổ
chức, cá nhân phản động, bất mãn đã lợi dụng các sự kiện nóng của quốc tế và
phản ứng của Việt Nam, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Quân đội để xuyên tạc đường lối đối ngoại của Việt
Nam. Chẳng hạn, họ nói một cách ẩn ý rằng, trong bối cảnh cuộc xung đột
Nga-Ukraine đang diễn ra, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Nga thực
chất là đi với nước này chống nước kia.
Về vấn đề này, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam
năm 2019 đã chỉ rõ chính sách quốc phòng “4 không”, đó là: Không tham gia liên
minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước
ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử
dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Trước đó, chia sẻ khi đến thăm Trung tâm Nghiên
cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt
ASEAN-Hoa Kỳ tại Washington vào tháng 5-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ rằng: Trong một thế giới đầy
biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên
mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc
của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có
lợi, cùng thắng.
Xuyên tạc, cổ xúy cho tư tưởng Việt Nam “tham
gia liên minh” hay quy chụp Việt Nam “đi với nước này chống nước kia” thực chất
chỉ là quan điểm mang tính chống phá, cố tình hiểu sai bản chất vấn đề của một
số cá nhân, tổ chức nhằm mục đích hạ thấp uy tín, chia rẽ mối quan hệ giữa Việt
Nam và các nước.
Một trong những ví dụ điển hình cho những lợi
ích mà đối ngoại quốc phòng mang lại đó là kể từ khi lần đầu tiên được tổ chức
tại tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vào tháng 3-2014,
đến nay, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc đã trải qua
7 kỳ giao lưu với nội dung ngày càng thiết thực và có chiều sâu hơn giúp khu
vực biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì ổn định, an
ninh trật tự được bảo đảm, hệ thống mốc quốc giới được giữ vững; đồng thời đẩy
mạnh các hoạt động hợp tác giữa nhân dân khu vực giáp biên cũng như lực lượng bảo
vệ biên giới hai nước. Sau thành công của các chương trình giao lưu biên giới
với Trung Quốc, vài năm trở lại đây, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phối hợp với các
nước bạn nhân rộng mô hình này thông qua việc lần lượt tổ chức Giao lưu hữu
nghị quốc phòng biên giới với Lào và Campuchia. Ngay trong năm nay sẽ diễn ra
Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia cấp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lần thứ nhất và Giao lưu hữu nghị quốc
phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 8.
Rõ ràng, đối ngoại quốc phòng đã giúp biên giới
không chỉ đơn thuần đóng vai trò xác định ranh giới lãnh thổ giữa Việt Nam và
các nước mà trở thành không gian để hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế, giao
lưu nhân dân ở khu vực biên giới. Hơn thế nữa, ở từng thời điểm khác nhau, các
hoạt động hợp tác, đối ngoại quốc phòng những năm qua đã góp phần quan trọng
vào việc thu hẹp khác biệt, giải quyết bất đồng, “tăng nốt thăng, giảm nốt
trầm” trong quan hệ ngoại giao với một số nước.
Bất luận ai cố tình phán sai, nói lệch thế nào,
các hoạt động đối ngoại quốc phòng mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang
triển khai vẫn là tấm gương phản chiếu chính sách quốc phòng vì hòa bình, tự
vệ, hợp tác và phát triển./.
Các hoạt động đối ngoại quốc phòng mà Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang triển khai vẫn là tấm gương phản chiếu chính sách quốc phòng vì hòa bình, tự vệ, hợp tác và phát triển
Trả lờiXóa