Thứ Tư, 5 tháng 7, 2023

 

PHÊ PHÁN, BÁC BỎ

NHỮNG QUAN ĐIỂM CHO RẰNG ĐẢNG TA PHÂN BIỆT,

ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”[1]. Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Quán triệt tư tưởng của Người Đảng ta nhận thức rõ vai tròcủa đoàn kết – là cội nguồn sức mạnh trong xây dựng và phát triển đất nước. Đại hội XIII khẳng định: “… khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại” nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, tình hình kinh tế, xã hội ở trong nước, các thế lực thù địch đã ra sức tuyên tuyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng trên nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề về đại đoàn kết dân tộc. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nhận diện và nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch với tư tưởng chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, nhất là quan điểm cho rằng: Đảng ta phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số - Đây là quan điểm sai trái thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết, gây kích động nhằm thực hiện mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam, trước yêu cầu tập hợp sức mạnh toàn dân cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khi bàn về đại đoàn kết toàn dân tộc Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, no đói giúp nhau… Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta… Giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta”[2].

Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn khẳng định, đồng bào các dân tộc thiểu số là máu thịt của dân tộc Việt Nam, là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn trân trọng và ghi nhớ những đóng góp, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ các dân tộc thiểu số trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, trong thời kỳ mới, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo phát triển vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với sự phát triển chung của cả nước. Đồng bào các dân tộc thiểu số là một bộ phận quan trọng trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Nếu ai kỳ thị với đồng bào dân tộc thiểu số là đi ngược lại với truyền thống lịch sử dân tộc, là trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hành động này là mắc mưu của các thế lực thù địch đẩy đồng bào các dân tộc thiểu số (một lực lượng cách mạng to lớn) về phía của kẻ thù. Vì vậy, phân biệt, đối xử với đồng bào các dân tộc thiểu số đây chính là những luận điệu sai trái, phản động hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước với Nhân dân; kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số chống phá Đảng, Nhà nước, gây rối làm mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Thời gian vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế, xã hội, nhưng với quan điểm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Nhà nước đã xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch thúc đẩy sự phát triển, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, các dân tộc, đem lại những thay đổi lớn lao trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện. Trong công cuộc đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng thực hiện vấn đề này. Tiêu biểu như Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Những chủ trương, đường lối, quan điểm đó của Đảng được Nhà nước tích cực thể chế hóa thành nhiều luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư. Từ năm 2010 đến 2015, Chính phủ đã ban hành khoảng 154 chính sách về vấn đề dân tộc.

Đánh giá về kết quả của việc thực hiện các chủ trương, đường lối đối với đồng bào các dân tộc trong thời gian qua, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, khẳng định: Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số[3]. Cùng sự quản lý, điều hành của Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc thiểu số, kinh tế, văn hóa, xã hội… vùng dân tộc thiểu số có bước phát triển quan trọng: 99,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; 99,5% xã có trạm y tế; 100% xã có điện; 90% xã được phủ sóng, phát thanh truyền hình; 100% xã có trường mầm non, tiểu học; tỷ lệ hộ nghèo giảm mỗi năm 3-4%; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên.

Như vậy có thể nói, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, xây dựng đoàn kết toàn dân tộc là bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu đã được lịch sử dân tộc ta chứng minh. Bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, tự do cho dân tộc và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đòi hỏi không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân bên cạnh việc nhận thức đúng đắn và thực hiện nghiêm quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, cần nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái, thù địch, trái với tư tưởng chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng góp phần củng cố, tăng cường đoàn kết dân tộc, tạo động lực to lớn để phát triển đất nước nhanh và bền vững./.

 



[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 119.

[2] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 249.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tháng 4-2020, tr. 56.

1 nhận xét:

  1. Hiện nay có rất nhiều kẻ phản động vì những đồng tiền dơ bẩn đã xuyên tạc và chống phá đất nước; chúng ta phải vạch trần và đấu tranh loại bỏ thủ đoạn của chúng

    Trả lờiXóa