Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

PHÁT HUY PHẨM CHẤT “BỘ ĐỘI CỤ HỒ”, QUÂN ĐỘI THAM GIA ĐẤU TRANH BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẨY LÙI CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, SỰ SUY THOÁI VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ, ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

 


Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” vừa là mục tiêu, vừa là biện pháp chủ động, thiết thực để lan tỏa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương, gia đình, truyền thống anh hùng của Quân đội và phẩm chất cao quý của người quân nhân cách mạng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi những quan điểm sai trái, những suy nghĩ, hành động tiêu cực, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của quân nhân và quan trọng hơn là trực tiếp góp phần chống “Chủ nghĩa cá nhân” trong Quân đội nhân dân Việt Nam, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.

Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là kết tinh những giá trị cao đẹp được hình thành và lan tỏa gắn với lịch sử gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Hình ảnh và tên gọi “Bộ đội Cụ Hồ” là nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta”. Danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ”, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” là sự hòa quyện các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam với bản chất cách mạng ở quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân do Đảng lãnh đạo; là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng được hình thành, phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta.

“Chủ nghĩa cá nhân” hay còn gọi là cá nhân chủ nghĩa, chủ nghĩa cá thể là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một cách nhìn nhận trên phương diện xã hội, chính trị hoặc đạo đức trong đó nhấn mạnh đến lợi ích của mỗi cá nhân, sự độc lập của con người và tầm quan trọng của tự do và tự lực của mỗi cá nhân. Những người theo chủ nghĩa cá nhân chủ trương không hạn chế mục đích và ham muốn cá nhân, họ phản đối sự can thiệp từ bên ngoài - cho dù sự can thiệp đó là của xã hội, nhà nước hoặc bấy kỳ một nhóm hay thể chế nào khác. Do vậy chủ nghĩa cá nhân đối lập với chủ nghĩa tập thể, chủ nghĩa cộng đồng và cũng đối lập với quan điểm truyền thống, tôn giáo, tức đối lập với bất cứ quan niệm nào cho rằng cần sử dụng các chuẩn mực đạo đức hay luân lý ở bên ngoài, khách thể để hạn chế sự lựa chọn hành động của cá nhân, đồng thời chủ nghĩa cá nhân cũng đối lập đạo đức cách mạng, trái ngược với phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “Chủ nghĩa cá nhân là làm việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư, nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”[1]. Cách đây 62 năm, trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào tháng 12 năm 1958 đã chỉ ra, muốn xây dựng đội ngũ đảng viên có đạo đức cách mạng, thì phải loại bỏ trong tiềm thức, cách sống hằng ngày của họ là cái tôi “chủ nghĩa cá nhân”. Bởi theo Người “chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”[2] Người coi việc chống chủ nghĩa các nhân  là cuộc đấu tranh trực tiếp liên quan tới vận mênh của Đảng và quyết định đén thành công của sự nghiệp cách mạng. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Trung ương khẳng định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân CB, ĐV thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân”.

Hiện nay, trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường; đặc biệt là các thế lực thù địch, phản động tiến hành chống phá ngày càng quyết liệt với nhiều âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc. Một số cán bộ, đảng viên trong quân đội đã ít nhiều có biểu hiện sa vào “chủ nghĩa cá nhân”, nguy hiểm hơn trong số đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý. Mặc dù số cán bộ, đảng viên này không nhiều, chỉ là những “con sâu bỏ rầu nồi canh” nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, phẩm chất, uy tín Bộ đội Cụ Hồ; là nhân tố gây mất đoàn kết nội bộ và làm giảm sút năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội. Biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa cá nhân ở những CB, ĐV Quân đội đó là bản thân thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa thể hiện được vai trò tin phong, gương mẫu trước tập thể, trước quần chúng, “nói không đi đôi với làm”, “nói một đằng làm một nẻo”, quan liêu, cửa quyền, không sâu sát cơ sở, không nắm chắc tình hình thực tế cơ quan, đơn vị. Thiếu niềm tin, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa, cổ súy cho những gì có lợi cho cá nhân mình, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước, chỉ muốn “mọi người vì mình”. Mắc thói tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, quan liêu, mệnh lệnh, tùy tiện, vô nguyên tắc, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng.

Từ việc sa vào chủ nghĩa cá nhân hậu quả là dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “trở cờ”, mất cán bộ. Về nguyên nhân có nhiều yếu tố tác động, nhưng chủ yếu vẫn là nguyên nhân chủ quan mà chủ yếu là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về tầm quan trong của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; thiếu tu dưỡng rèn luyện, lập trường tư tưởng không vững vàng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, thực dụng, tham vọng quyền lực. Xét về vai trò của tổ chức, một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu chưa nhận diện đầy đủ mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện chưa tốt những quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên không nghiêm, buông lỏng phê bình, tự phê bình, chưa quyết tâm và có biện pháp chỉ đạo đủ mạnh, còn thụ động, trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp trên, nể nang, xuề xòa, né tránh trong đấu tranh với những vi phạm đã làm thui chột tính tích cực, dung dưỡng cho tính không trung thực, hình thành thói xấu, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm, tạo điều kiện cho lòng tham, ích kỷ, vụ lợi của chủ nghĩa cá nhân nảy nở.

Trong những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diến biến hòa bình” với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt. Trong đó dân chủ, nhân quyền là chiêu bài mà chúng vẫn lợi dụng nhằm kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị - xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đặc biệt chúng triệt để lợi dụng việc một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm bị đưa ra xem xét, xử lý, nâng hiện tượng cá biệt thành bản chất để nói xấu, bôi nhọ Đảng ta, tung ra nhiều luận điệu đòi thực thi cái gọi “dân chủ”, “tự do”, quyết liệt đòi Việt Nam phải thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để có “dân chủ và phát triển”, đòi Đảng Cộng sản Việt Nam phải từ bỏ quyền lãnh đạo cách mạng hòng xóa bỏ chế độ chính trị hiện hành. Mặt khác, chúng tập trung vào chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng là Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng cho rằng chủ nghĩa xã hội mà Mác nêu ra chỉ là một lý tưởng, một chủ nghĩa xã hội “không tưởng”, không bao giờ thực hiện được, Chủ nghĩa Mác - Lê nin không phù hợp với hiện thực Việt Nam v.v.

Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nhiệm vụ trọng tâm. Đó là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; trong đó Quân đội nhân dân Việt Nam là một trong những lực lượng tiên phong, đi đầu. Trên cơ sở nắm chắc tình hình, nêu cao tính chủ động, chiến đấu, ngày 28/12/2021 Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 847-NQ/QUTW về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Nghị quyết đã chỉ rõ: “Một số cán bộ, chiến sĩ chưa thực sự yên tâm công tác, nảy sinh tư tưởng khi nhận nhiệm vụ khó khăn gian khổ, nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo dẫn đến thoái thác nhiệm vụ, đảo ngũ, tìm mọi cách để tác động nhằm chuyển vùng, chuyển ra...; bị ảnh hưởng bởi tư tưởng tiêu cực thực dụng, băn khoăn dao động trước diễn biến phức tạp của tình hình; phát ngôn chưa mang tính xây dựng, chỉ thấy mặt tiêu cực, chưa thấy hết mặt tích cực. Trong đấu tranh tự phê bình và phê bình còn nể nang, né tránh, ngại va chạm; dĩ hòa vi quý, tư tưởng trung bình chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, tính toán thiệt hơn, làm việc cầm chừng, không sâu sát cơ sở và bộ đội. Việc nhận diện các biểu hiện, tác hại của chủ nghĩa cá nhân có nơi còn lúng túng mơ hồ hoặc coi đó chỉ có ở bên ngoài Quân đội, dẫn đến không đề ra được các giải pháp căn bản để ngăn chặn, đấu tranh, phòng chng”.

Nhìn lại chặng đường lịch sử phát triển, trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Quân đội ta đã lập nên nhiều chiến công vang dội trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, viết nên truyền thống tốt đẹp “Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Thực tiễn đã chứng minh, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đối mặt với kẻ thù ngoài mặt trận, dù gian khổ, hy sinh, mất mát, song cán bộ, chiến sĩ quân đội ta vẫn luôn nêu cao ý chí chiến đấu, quyết tâm giành thắng lợi. Bởi vì, nguồn cội tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội, chính là phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, mà trong hoàn cảnh đó, chủ nghĩa cá nhân luôn bị triệt tiêu và loại bỏ.

Chúng ta đều biết, tư tưởng con người rất khó nắm bắt, nhất là tư tưởng tiêu cực, lối sống ích kỷ thực dụng của “chủ nghĩa cá nhân” vô cùng phức tạp trong nhận diện, khó khăn và đau đớn trong đấu tranh, vì đó là những thói hư, tật xấu tồn tại ngay trong chính bản thân mỗi người, trong đồng chí, đồng đội, ở chính tập thể, cơ quan, đơn vị mình. Do vậy, yêu cầu cấp ủy, chỉ huy cơ quan, đơn vị cần bám sát đời sống bộ đội để nắm bắt, quản lý tư tưởng, chọn đúng các dấu hiệu cụ thể đang nảy sinh có biện pháp xử lý phù hợp là yếu tố then chốt, quyết định đến khả năng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, thực tiễn đặt ra hiện nay trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là phải xóa bỏ triệt để tận gốc “chủ nghĩa cá nhân” là hết sức cần thiết và cấp bách, nhưng đòi hỏi phải có hướng đi đúng, cách làm thận trọng, tránh nóng vội, chủ quan, nhưng cũng không tuyệt đối hóa khi áp dụng các biện pháp một cách dập khuôn, máy móc. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện tổng thể các hoạt động của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả của quá trình tu dưỡng, rèn luyện, thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi quân nhân.

Phát huy tốt phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” để kiên quyết đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân trong Quân đội hiện nay là một biện pháp căn bản, cấp thiết và hiệu quả. Trong đó, điều quan trọng nhất là phải lựa chọn đúng, trúng khâu đột phá vào thực tiễn của đơn vị mình bằng việc làm cụ thể và trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý các cấp, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ trì theo phương châm “trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau” tạo sự lan tỏa sâu rộng, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, loại bỏ mọi suy nghĩ và hành động cá nhân chủ nghĩa, đặt lợi ích cá nhân lên trên, lên trước lợi ích của tập thể, làm ảnh hưởng xấu đến truyền thống, bản chất uy tín của Quân đội và chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị và từng quân nhân.

Quá trình tiến hành, cn chú trọng làm tốt việc nêu gương “Người tốt, việc tốt”; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; không ngừng phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống. Đồng thời, tiến hành tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ CB, ĐV ở mọi lúc, mọi nơi; phát hiện và xử lý kịp thời những đảng viên vi phạm tư cách, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những phần tử cơ hội, bất mãn, gây mất đoàn kết nội bộ trong Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát phải toàn diện cả tư tưởng chính trị, phẩm chất năng lực công tác, đạo đức, lối sống và kết quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương đã nêu: “Việc nhận diện các biểu hiện, tác hại của chủ nghĩa cá nhân có nơi còn lúng túng mơ hồ hoặc coi đó chỉ có ở bên ngoài Quân đội, dẫn đến không đề ra được các giải pháp căn bản để ngăn chặn, đấu tranh, phòng chống”. Cho nên, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ chính là tạo được “bức tường thành” ngăn ngừa một cách hiệu quả quá trình hình thành “chủ nghĩa cá nhân”. Vì nếu như cán bộ, chiến sĩ được chăm lo, bồi dưỡng, trang bị các kiến thức cần thiết, nhất là độ vững vàng về chính trị, đạo đức, lối sống thì nhất định sẽ ngăn chặn và đẩy lùi được sự xâm nhập của “chủ nghĩa cá nhân” len lỏi trong đời sống hàng ngày. Để phát huy hiệu quả của việc phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam thời gian tới cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ giải pháp cơ bản sau:

Một là, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp.

Hai là, tăng cường công tác lãnh đạo tư tưởng, đổi mới công tác giáo dục chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng.

Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đủ phẩm, chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đề cao trách nhiệm nêu gương theo phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo” thực sự là tấm gương mẫu mực trong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Bốn là, ban hành đồng bộ và thực hiện nghiêm các đề án, chương trình hành động; xây dựng thể chế, quy chế, quy định, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân.

Năm là, chăm lo xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy trong sạch, vững mạnh, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, phong phú, lành mạnh ở các cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện thuân lợi để phát huy và lan tỏa sâu rộng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.

Sáu là, tăng cường kiểm tra; kiểm soát, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm các biểu hiện vi phạm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Đảng, kỷ luật của Quân đội; kịp thời biểu dương, tôn vinh, nhân rộng những mô hình, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến.

Bảy là, nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương; tạo sự đồng thuận ủng hộ, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị và toàn dân tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra cho Quân đội những yêu cầu, nhiệm vụ mới ngày càng cao. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cả trong và ngoài nước thường xuyên cấu kết với nhau, đẩy mạnh âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và “phi chính trị hóa” Quân đội. Các cấp ủy, chỉ huy, cán bộ chiến sỹ toàn quân cần nhận thức sâu sắc, có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt trong phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội 2002, tập 10, tr 306

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb chính trị quốc gia, tập 9

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét